Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 9: Cảm ứng ở sinh vật
Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 9: Cảm ứng ở sinh vật. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.
Xem: => Giáo án sinh học 7 cánh diều (bản word)
ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 9: CẢM ỨNG Ở SINH VẬT
(20 CÂU)
Câu 1: Em hiểu như thế nào về cảm ứng? Nêu vai trò của cảm ứng đối với sinh vật.
Trả lời:
- Cảm ứng là khả năng cơ thể sinh vật tiếp nhận và phản ứng (trả lời) thích hợp với các kích thích từ môi trường, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển.
- Vai trò: Nhờ có đặc tính cảm ứng, sinh vật mới tồn tại, phát triển thích nghi với sự thay đổi của môi trường trong một giới hạn nhất định.
Câu 2: Em hiểu thế nào về tập tính? Nêu vai trò của tập tính. Tập tính phân loại như thế nào?
Trả lời:
- Tập tính là một chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích của môi trường.
- Tập tính có vai trò quan trọng trong đời sống của động vật vì liên quan mật thiết đến sự tồn tại và phát triển nòi giống; đảm bảo cho động vật thích nghi với môi trường sống.
- Tập tính của động vật rất đa dạng và phức tạp như tập tính kiếm ăn, sinh sản, bảo vệ lãnh thổ, trốn tránh kẻ thù, sống bầy đàn,… Gồm 2 loại:
+ Tập tính bẩm sinh
+ Tập tính học được
Câu 3: Ở thực vật, khi nhận kích thích, cảm ứng được biểu hiện như thế nào? Nêu một số hình thức cảm ứng ở thực vật.
Trả lời:
- Ở thực vật, khi nhận kích thích, cảm ứng được biểu hiện bằng sự thay đổi hình thái hoặc sự vận động các cơ quan.
- Một số hình thức cảm ứng ở thực vật như: hướng nước, hướng sáng, hướng tiếp xúc,…
Câu 4: Phân loại tập tính bẩm sinh và tập tính học được. Cho mỗi tập tính một ví dụ.
Trả lời:
Nội dung |
Tập tính bẩm sinh |
Tập tính học được |
Đặc điểm |
- Là loại tập tính sinh ra đã có. - Được di truyền từ bố mẹ. - Đặc trưng cho loài. |
- Hình thành trong quá trình sống. - Đặc trưng cho từng cá thể. |
- Ví dụ về tập tính bẩm sinh: Nhện giăng tơ, thú con bú sữa mẹ,…
- Ví dụ về tập tính học được: Động vật chạy trốn khi bị đuổi bắt, khỉ trèo lên ghế lấy thức ăn trên cao hoặc dùng đá đập hạt cứng để ăn,…
Câu 5: Nêu ứng dụng cảm ứng ở thực vật trong thực tiễn.
Trả lời:
Vận dụng hiểu biết về cảm ứng ở thực vật để thực hiện một số biện pháp, kỹ thuật tăng năng suất cây trồng như tưới nước, làm giàn, bón phân, vun gốc,…
- Ứng dụng tính hướng sáng: Cây ưa sáng mạnh cần trồng ở nơi quang đãng, mật độ thưa; cây ưa bóng cần trồng dưới tán những cây khác.
- Ứng dụng tính hướng tiếp xúc: Cần làm giàn khi trồng một số loài cây thân leo như cây thiên lý, cây dưa chuột,…
- Ứng dụng tính hướng đất và tránh ánh sáng của rễ: Cần vun gốc cho cây (ví dụ cây khoai tây).
- Ứng dụng tính hướng hóa: Ứng dụng tính hướng hóa của cây để có hình thức bón phân phù hợp: Một số loài cây cần bón phân sát mặt đất (như cây ngô, cây dừa), một số loài cây khác khi bón phân cần đào hố sâu dưới đất (như cây cam, cây bưởi).
Câu 6: Những động vật sống thành đàn có lợi ích gì?
Trả lời:
Lợi ích: giúp các cá thể cùng loài hỗ trợ nhau sinh sống và phát triển, duy trì nòi giống, các cá thể sau sẽ chọn lọc và giữ lại các đặc điểm tốt từ đời trước.
Câu 7: Để vừa tránh rễ cây làm hại các công trình vừa giữ được cây, cần bón phân cho cây như thế nào?
Trả lời:
Để vừa tránh rễ cây làm hại các công trình vừa giữ được cây, cần bón phân cho cây ở phía đối diện các công trình đó.
Câu 8: Vì sao hoa hướng dương luôn hướng về phía Mặt Trời?
Trả lời:
Khi phía thân cây không có ánh sáng mặt trời chiếu vào phát triển thì phần hoa của hướng dương sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Cứ như vậy, hoa hướng dương luôn hướng theo hướng của Mặt Trời, lá trong thời kỳ sinh trường sẽ hứng được nhiều ánh sáng, giúp sản sinh ra chất dinh dưỡng nuôi cây.
Câu 9: Người ta ứng dụng hiểu biết về tập tính như thế nào?
Trả lời:
- Dạy chó đi săn, bắt kẻ gian, phát hiện ma tuý
- Làm bù nhìn ở ruộng, nương để đuổi chim phá hoại mùa màng
- Sử dụng các loài thiên địch để tiêu diệt các nhóm sâu hại cây trồng
- Dùng bẫy đèn ban đêm diệt côn trùng có hại,...
Câu 10: Nêu vai trò của tập tính trong quá trình tiến hóa của động vật?.
Trả lời:
- Trong quá trình tiến hóa của động vật, tập tính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại và thích nghi của loài.
- Tập tính giúp động vật tương tác với môi trường xung quanh, đáp ứng và thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống. Nó giúp động vật tìm kiếm thức ăn, xây dựng tổ, tìm vị trí sinh sản, di chuyển, tự bảo vệ và tương tác xã hội với các đồng loại.
- Ví dụ, tập tính tìm kiếm mồi giúp động vật tìm kiếm và thu thập thức ăn cần thiết để sống. Tập tính xây dựng tổ giúp các loài xây dựng nơi sinh sống và bảo vệ con cái. Tập tính di chuyển giúp động vật tìm kiếm nguồn lợi mới hoặc tránh những nguy hiểm.
- Tập tính cũng có thể tương thích với các thay đổi trong môi trường sống theo thời gian. Những cá thể có tập tính phù hợp và hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm nguồn nước hay tránh những tác động tiêu cực sẽ có cơ hội sống sót và sinh sản tốt hơn. Theo thời gian, những tập tính này có thể được di truyền thành tập tính phổ biến trong quần thể động vật, góp phần vào quá trình tiến hóa.
Câu 11: Nêu một số tập tính ở động vật mà em biết.
Trả lời:
Ví dụ tập tính ở một số động vật: Tập tính làm tổ của chim, tập tính đào hang của chuột, tập tính chăng tơ ở nhện, tập tính sống thành đàn ở loài kiến, tập tính tính di cư của chim, tập tính tập thể dục buổi sáng ở người,…
Câu 12: Vì sao phải hạn chế xới đất khi trồng khoai tây, khoai lang?
Trả lời:
Hạn chế xới đất khi trồng khoai tây, khoai lang là vì đây là những loại củ trồng ở dưới đất nên khi chúng ta xới đất nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến rễ, củ trong đất.
Câu 13: Người dân miền biển thường câu mực vào ban đêm. Giải thích.
Trả lời:
Người dân miền biển thường câu mực vào ban đêm vì:
- Tập tính kiếm ăn của mực là vào ban đêm → Đi câu mực vào ban đêm sẽ có tần suất bắt gặp mực cao hơn.
- Ngoài ra, vào ban đêm, mực bị thu hút bởi nguồn ánh sáng do ngư dân tạo ra. Chiếu ánh sáng xuống mặt nước, ánh đèn câu sẽ thu hút động vật phù du, con mồi nhỏ, các loài cá nhỏ, theo đó, mực cũng sẽ bị thu hút đến tìm thức ăn → Bắt được nhiều mực hơn.
Câu 14: Trong những trường hợp nào sinh vật bị “mất” cảm ứng? Điều đó gây ra hậu quả gì?
Trả lời:
- Những trường hợp sau đây không xảy ra cảm ứng ở sinh vật:
+ Kích thích không có ý nghĩa, không truyền đạt những thông tin mới đối với sinh vật.
+ Quá trình xử lý thông tin bị ức chế.
+ Thụ thể ở cơ quan tiếp nhận kích thích bị tổn thương.
+ Một số tế bào thần kinh mất chức năng, không dẫn truyền được kích thích.
- Khi sinh vật mất cảm ứng sẽ không thể tương tác với môi trường xung quanh, cản trở hoạt động sinh học, gây khó khăn trong việc giữ sự thích nghi với môi trường. Điều này có thể gây ra những hậu quả như giảm khả năng tồn tại và phát triển, hoặc tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, mức độ tác động của việc mất cảm ứng sẽ phụ thuộc vào loài sinh vật và tầm quan trọng của cảm ứng trong hoạt động sinh học của sinh vật đó.
Câu 15: Giải thích câu tục ngữ “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”?
Trả lời:
Chuồn chuồn có hai đôi cánh dài, mỏng và có các nan hút được không khí. Chuồn chuồn bay thấp hay bay cao phụ thuộc vào áp suất của khí quyển. Áp suất khí quyển lại liên quan đến nhiệt độ và độ ẩm của không khí. Khi trời nắng, không khí khô ráo, nhiệt độ cao thì áp suất khí quyển thấp. Khi đó, cánh của chuồn chuồn nhẹ và áp suất khí quyển thấp nên chuồn chuồn dễ dàng bay lên cao. Trước lúc trời mưa, không khí có độ ẩm cao và nhiệt độ giảm xuống, lúc đó áp suất khí quyển tăng lên. Không khí ẩm đọng vào những bộ cánh mỏng của côn trùng, làm tăng trọng lượng của cánh đồng thời áp suất khí quyển lớn tác dụng vào cánh chuồn chuồn khiến chúng chỉ có thể bay là là sát mặt đất.
Câu 16: Kể tên một số loại cây trồng mà em biết thường được chăm sóc bằng một trong những biện pháp sau: vun gốc, làm giàn, bón phân ở gốc, làm rãnh tưới nước, tỉa thưa cây để có năng suất cao.
Trả lời:
- Vun gốc: cây dứa, cây ớt, cây ngô, cây dưa chuột,…
- Làm giàn: cây dưa chuột, cây mướp, cây bí xanh,…
- Bón phân ở gốc: cây ngô, cây dưa chuột, cây cam, cây bưởi,…
- Làm rãnh tưới nước: cây dưa chuột, cây ngô, cây mía, cây rau, cây đậu,…
- Tỉa thưa: keo lai, cây thông, cây rau cải,…
Câu 17: Vì sao tập tính quan trọng đối với tồn tại của một loài động vật?
Trả lời:
Tập tính quan trọng đối với sự tồn tại của một loài động vật vì:
- Tìm kiếm nguồn thức ăn: Tập tính giúp động vật tìm kiếm và chiếm lấy nguồn thức ăn để duy trì sự sống. Đây là một yếu tố quan trọng để duy trì sự sinh tồn và phát triển của một loài.
- Giao phối và sinh sản: Tập tính giúp động vật tìm kiếm đối tác để giao phối và sinh sản. Qua quá trình này, các loài động vật có thể duy trì nòi giống.
- Phòng thủ và tự bảo vệ: Một số tập tính giúp các loài động vật phòng thủ và tự vệ trước các mối đe dọa từ môi trường hoặc đối tác. Ví dụ, một số loài có thể chạy, bay, hoặc gầm để đánh lạc hướng hoặc đe dọa kẻ thù.
- Tìm kiếm môi trường sống: Tập tính giúp động vật tìm kiếm và xác định môi trường sống phù hợp. Điều này rất quan trọng để xác định các điều kiện sống tối ưu và đảm bảo sự thích nghi với môi trường.
- Học hỏi và thích ứng: Một số tập tính cho phép động vật học hỏi và thích ứng với môi trường xung quanh. Việc này giúp động vật tìm ra những điều kiện sống tốt hơn và tăng khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt hay thay đổi.
Câu 18: Vì sao có tên gọi cây hoa mười giờ?
Trả lời:
Tên gọi mười giờ là do hoa của nó thường chỉ nở từ khoảng 8 hoặc 9 giờ đến 10 giờ sáng trong ngày. Đây là một dạng cảm ứng ở thực vật – cảm ứng nở hoa dưới tác dụng của tác nhân nhiệt độ.
Câu 19: Hoàn thành bảng sau về ý nghĩa của các tập tính ở động vật và cho ví dụ minh họa.
Tập tính |
Ý nghĩa đối với động vật |
Ví dụ |
Làm tổ, ấp trứng |
||
Săn mồi |
||
Sống thành đàn và xã hội |
||
Bảo vệ lãnh thổ |
||
Ngủ đông |
Trả lời:
Tập tính |
Ý nghĩa đối với động vật |
Ví dụ |
Làm tổ, ấp trứng |
Giúp cho động vật bảo vệ trứng, tập tính ấp trứng để tránh kẻ thù. |
Tập tính làm tổ và ấp trứng ở chim yến. |
Săn mồi |
Giúp cho động vật tìm kiếm được nguồn thức ăn. |
Hổ thực hiện nhiều hoạt động như rình, rượt và vồ mồi để săn mồi. |
Sống thành đàn và xã hội |
Giúp cho động vật có thể giúp đỡ lẫn nhau chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường và kẻ thù. |
Ong có tập tính sống thành đàn. Trong một đàn ong, có sự phân công về chức năng thành ong chúa, ong đực và ong thợ. |
Bảo vệ lãnh thổ |
Giúp cho động vật bảo vệ được nơi ở, nguồn thức ăn, sinh sản đồng thời giúp loài có phân bố hợp lí trong không gian. |
Cách bảo vệ khu vực lãnh thổ của sư tử chính là dùng nước tiểu để đánh dấu. Khi có những kẻ xâm phạm xuất hiện, chúng sẽ chiến đấu một cách quyết liệt. |
Ngủ đông |
Giúp cho động vật có thể sống sót trong điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và thiếu thốn thức ăn. |
Gấu Bắc cực có tập tính ngủ đông. Trước thời gian ngủ đông, gấu ăn rất nhiều để tích lũy năng lượng. |
Câu 20: Tập tính bảo vệ lãnh thổ của động vật có ý nghĩa gì đối với đời sống của chúng?
Trả lời:
Ý nghĩa của tập tính bảo vệ lãnh thổ:
- Đối với cá thể động vật: tập tính bảo vệ lãnh thổ nhằm chống lại các cá thể khác cùng loài để bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản của bản thân động vật.
- Đối với loài: tập tính bảo vệ lãnh thổ đảm bảo các cá thể có thể phân bố hợp lí trong không gian, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của quần thể.