Câu hỏi tự luận Công dân 8 chân trời sáng tạo Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP BÀI 1-3 (PHẦN 1)

Câu 1: Theo em, truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nghĩa là gì? 

Trả lời:

- Là tổng hợp những giá trị tinh thần (hệ tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp …) được hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

- Là tài sản tinh hoa của thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau và thế hệ sau có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy.

Câu 2: Em hãy cho biết một vài nét đa dạng về văn hóa của các dân tộc tại các quốc gia trên thế giới?

Trả lời:

Những nét độc đáo về văn hóa của các quốc gia trên thế giới:

- Tán thưởng kiểu Đức: Tại Đức, khi một buổi học hoặc một cuộc họp kết thúc thành công, thay vì vỗ tay thì mọi người sẽ gõ bàn để tán thưởng. Còn tại những buổi kịch hay hòa nhạc, người Đức sẽ chọn cách nâng cốc (thường là bia) để chúc mừng, khen ngợi.

- Cách chào ở Tây Ban Nha: Ở Tây Ban Nha, việc hôn vào hai bên má là một hành động mang nghĩa là “xin chào!”, một hành động hết sức bình thường ở nơi đây.

- Tráng miệng kiểu Pháp: Người Pháp rất thích thưởng thức một đĩa phô mai kèm với rượu vang đỏ sau mỗi bữa ăn.

- Ăn kiểu Châu Á: Húp xì xụp một bát canh, bát súp là dấu hiệu cho thấy sự tán thưởng, đánh giá cao tài nghệ nấu ăn của người đầu bếp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

 

Câu 3: Em hãy cho biết người lao động cần cù, sáng tạo là như thế nào?

Trả lời:

Người lao động cần cù và sáng tạo là người chịu khó làm việc, phấn đấu hết mình để tìm được ra cách làm mới, cách nâng cao thành quả lao động.

Câu 4: Vì sao chúng ta cần giữ gìn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Trả lời:

Việc gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quan trọng, nó giúp chúng ta phát triển hoàn thiện cả về thể xác và tinh thần, giúp phát triển đất nước để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Câu 5: Em hãy nêu 4 việc làm thể hiện sự tôn trọng các dân tộc khác?

Trả lời:

- Niềm nở, tự tin khi tiếp xúc với người dân tộc khác.

- Tôn trọng các phong tục, tập quán của họ.

- Không kì thị các dân tộc khác màu da, ngôn ngữ.

- Luôn tôn trọng các nước khác dù họ giàu hay nghèo.

Câu 6: a) Cho ví dụ về lao động sáng tạo?

  1. b) Có quan điểm cho rằng: Chỉ có thể rèn luyện được tính cần cù vì đó là phẩm chất của con người, còn sự sáng tạo không rèn luyện được vì đó là tố chất trí tuệ, do bẩm sinh di truyền mà có.

Em có đồng ý với quan điểm đó không? Tại sao?

Trả lời:

  1. a) Ví dụ về lao động sáng tạo: Trong giải bài tập toán luôn tìm ra cách giải mới hay và nhanh hơn.

b)

- Không đồng tình với ý kiến trên.

- Bởi vì: Sự sáng tạo trong học tập, trong lao động và các hoạt động khác cùng phải từ sự rèn luyện và bản thân tự tìm tòi, rút kinh nghiệm từ những gì đã làm để từ đó sáng tạo ra những cái mới, phương pháp mới, tất nhiên tố chất trí tuệ, yếu tố bẩm sinh di truyền là rất quan trọng…

Câu 7: Em hãy đọc bài đồng dao, quan sát hình ảnh và thực hiện yêu cầu:

Em hãy chỉ ra những truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong bài đồng dao và các hình ảnh trên. Hãy nêu giá trị của những truyền thống đó.

Trả lời:

Xác định: Những truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong bài đồng dao và các hình ảnh là:

+ Uống nước nhớ nguồn (bài đồng dao)

+ Yêu nước, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm (ảnh 1)

+ Hiếu học (ảnh 2)

+ Hiếu thảo (ảnh 3)

+ Nhân ái, yêu thương con người (ảnh 4).

- Giá trị của các truyền thống dân tộc:

+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tài sản vô cùng quý báu được tổ tiên, cha ông tạo dựng và lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

+ Những truyền thống tốt đẹp có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đồng thời, là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.

Câu 8: Đối với nước ta hiện nay việc mở rộng hợp tác với tất cả các nước trên thế giới là rất cần thiết, tại sao? Trong khi mở rộng quan hệ hợp tác, nước ta tôn trọng theo những nguyên tắc nào? Những nguyên tắc đó có tác dụng gì?

Trả lời:

* Sự cần thiết mở rộng hợp tác:

- Hoàn cảnh nước ta: Đi lên CNXH từ một nước nghèo, lạc hậu, ảnh hưởng lớn của hai cuộc chiến tranh.

- Ý nghĩa:

+ Về chính trị: ổn định nâng cao vị thế nước ta.

+ Về kinh tế: Phát triển hội nhập, giúp ta có điều kiện tiếp cận nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật, học tập trình độ quản lí...

+ Về văn hoá giáo dục: học hỏi, giao lưu, làm giàu bản sắc dân tộc.

* Nguyên tắc:

+ Tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

+ Không can thiệp nội bộ, không dùng vũ lực.

+ Bình đẳng cùng có lợi.

+ Giải quyết bất đồng bằng thương lượng hoà bình.

+ Phản đối âm mưu, hành động gây sức ép cường quyền.

* Tác dụng:

+ Giúp nước ta phát triển toàn diện, cùng nhau giải quyết các vấn đề bức xúc toàn cầu.

+ Tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

 

Câu 9: Cho tình huống sau: Thắng nói với Hùng:

- Thắng: Chỉ có học sinh giỏi mới có khả năng sáng tạo, bọn mình thì làm sao mà sáng tạo trong học tập được.

- Tùng: Đúng đấy, học sinh lực học trung bình chỉ cần tự giác học tập là tốt rồi!

Câu hỏi:

  1. a) Em đồng ý với ý kiến của hai bạn hay không? Vì sao?
  2. b) Hãy cho biết ý kiến riêng của em về vấn đề trên?

Trả lời:

  1. a) Không đồng ý với ý kiến của hai bạn.
  2. b) Vì cả hai ý kiến của bạn đều sai:

- Con người bình thường ai cũng có khả năng sáng tạo.

- Học sinh lực học trung bình, thậm chí học lực yếu, nếu biết cách rèn luyện cũng có thể có được sự sáng tạo trong học tập.

Câu 10: Câu ca dao, tục ngữ: ““Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” nói về truyền thống gì của dân tộc Việt Nam. Giải thích ý nghĩa.

Trả lời:

- Câu ca dao, tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”.

=> Ý nghĩa: phản ánh về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Câu ca dao muốn khuyên chúng ta: cần trân trọng, biết ơn thế hệ đi trước - những người đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để chúng ta được thụ hưởng.

 

Câu 11: Trường em tổ chức tham quan dã ngoại ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ba Vì – Hà Nội) đúng dịp tại đây diễn ra giao lưu văn hóa các dân tộc. Em rất muốn tham gia chuyến tham quan dã ngoại dịp này nhưng bố mẹ không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi lớp 9.

Em hãy sử dụng kiến thức trong bài: “Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam” và bài “Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc” để thuyết phục bố mẹ.

Trả lời:

- Các khái niệm:

+ Truyền thống dân tộc là những giá trị tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

+ Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc; Luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền văn hóa, kinh tế, xã hội của các dân tộc. Đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình.

- Ý nghĩa của các bài học để làm cơ sở giải thích cho bố mẹ hiểu việc đi dã ngoại giao lưu là cần thiết:

+ Việc tham gia dã ngoại giao lưu là cần thiết vì đây là cơ hội để chúng ta tìm hiểu, khám phá những nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc.

+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và mỗi cá nhân. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.

+ Tôn trọng học hỏi các dân tộc khác sẽ tạo được điều kiện để chúng ta tiến nhanh trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh và phát triển bản sắc dân tộc.

- Trách nhiệm của học sinh với việc học hỏi, tôn trọng các dân tộc khác, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để thuyết phục bố mẹ:

+ Là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè và với các dân tộc khác bằng thái độ, cử chỉ, việc làm và sự tôn trọng, thân thiện với họ trong cuộc sống hằng ngày.

+ Chúng ta cần tự hào, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Lên án và ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống Việt Nam.

+ Chúng ta phải tích cực học tập, tìm hiểu đời sống và các nền văn hóa của các dân tộc khác, tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh truyền thống của con người Việt Nam.

Câu 12: Có ý kiến cho rằng: Chỉ cần cần cù là đủ, không cần phải sáng tạo trong lao động, Em hãy cho biết ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Trong lao động cần phải cần cù, chăm chỉ, nhưng trong quá trình lao động cần phải sáng tạo thì sẽ rút ngắn được thời gian, kết quả lao động sẽ cao hơn, năng suất chất lượng tốt hơn.

 

Câu 13: Nhận định: Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam ngày càng lan tỏa, chuyển hoá thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

- Em hãy trình bày giá trị của các truyền thống dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đại dịch Covid - 19.

Trả lời:

- Trong đại dịch Covid-19, nhân dân Việt Nam đã phát huy nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: yêu nước, dũng cảm, đoàn kết, tương thân tương ái,..

- Các truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã:

+ Ngày càng lan tỏa, chuyển hoá thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

+ Góp phần tôi luyện thêm những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

+ Là nguồn sức mạnh nội sinh để các người Việt Nam xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Câu 14: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác thì chỉ cần tôn sùng thần tượng văn hóa, vật chất của nước ngoài không? Hãy lập luận để giải thích quan điểm của em.

Trả lời:

Theo em là không vì chúng ta tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc không có nghĩa là thần tượng văn hóa, vật chất của nước ngoài mà là muốn học hỏi để xem nó có phù hợp với nước ta hay chưa. Nếu phù hợp thì chúng ta áp dụng, mục đích để tăng sự đặc sắc và phong phú cho văn hóa của dân tộc, khiến dân tộc ta trở nên phát triển hơn.

Câu 15: Có ý kiến cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Không cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động thì không thể tiếp cận với sự phát triển của nhân loại. Nêu suy nghĩ của em về quan niệm trên.

Trả lời:

Ý kiến trên là đúng vì nếu chúng ta không lao động cần cù, sáng tạo thì chúng ta sẽ bị lạc hậu với xã hội.

Câu 16: Em hãy cho biết ý nghĩa của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trả lời:

- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng giá trị, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và của mỗi cá nhân.

+ Đối với mỗi cá nhân, việc kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc giúp ta dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng dân tộc, phát triển nhân cách của mình trên cơ sở tiếp thu các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

+ Đối với dân tộc, muốn phát triển phải có sự giao lưu với các dân tộc khác, với các nền văn hoá khác. Trong quá trình giao lưu đó, dân tộc nào cũng cần tiếp thu được tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó chính là yếu tố làm nên cái riêng, cái bản sắc của dân tộc. Nếu không biết thừa kế, giữ gìn và phát huy truyền thống đó, mỗi dân tộc có thể sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình và bị đồng hoá bởi các dân tộc khác, các nền văn hoá khác.

Câu 17: Toàn và Hòa đang tranh luận với nhau. Toàn nói :" Ở những nước đang phát triển không có gì đáng học tập vì họ lạc hậu lắm, chỉ ở những nước phát triển có kinh tế, khoa học - kĩ thuật tiên tiến mới có nhiều thành tựu đáng cho ta học tập". Trái lại, Hoà bảo : "Ngay cả ở những nước đang phát triển cũng có nhiều mặt mà ta cần học tập"

Em đồng ý với ý kiến của bạn nào ? Vì sao ?

Trả lời:

- Em đồng ý với ý kiến của bạn Hòa. Bởi vì: Hòa đang thể hiện sự tôn trọng với tất cả các dân tộc và quốc gia. Hơn nữa, dù trình độ như thế nào thì tất cả các dân tộc đều có những điểm mà chúng ta cần học hỏi, rút kinh nghiệm.

- Ở những nước đang phát triển tuy có thể nghèo nàn lạc hậu hơn những nước phát triển nhưng họ cũng có những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, mang tính truyền thống mà chúng ta cần học tập. Ví dụ như Việt Nam của chúng ta là nước đang phát triển nhưng chúng ta cũng có những di sản văn hóa đóng góp cho nền văn hóa nhân loại. Chúng ta có truyền thống yêu nước, có kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm, nhân dân Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó, người Việt Nam nhân hậu mến khách, ta có phong tục tập quán làm nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, những cái chúng ta có được đáng để các nước học tập, nhất là trong điều kiện giao lưu hội nhập hiện nay.

Câu 18: Em hãy suy nghĩ và nêu ý kiến về câu nói “Lao động là vinh quang”.

Trả lời:

Lao động là quá trình làm việc thông qua tri thức của bản thân, bằng các hoạt động chân tay nhằm tạo nên của cải, vật chất nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân cũng như giúp xã hội phát triển. "Vinh quang" trong câu nói "Lao động là vinh quang" được hiểu là những thành quả bằng vật chất hoặc tinh thần mà bản thân có được trong quá trình lao động. Câu nói không chỉ khuyến khích mà còn khẳng định công việc lao động sẽ mang đến một tương lai tươi sáng phía trước.

 

Câu 19: Bà M mong con gái có thể biết được nghề truyền thống của cha ông nên cuối tuần thường chỉ bảo con cách thực hiện các thao tác để tạo ra được một sản phẩm, con gái bà M lại cho các việc làm của mẹ làm mất đi ngày nghỉ được vui chơi thoải mái của mình. Theo em, bà M nên làm như thế nào để cho con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. 

Trả lời:

Bà M có thể làm như sau để con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống dân tộc của ông cha:

+ Giải thích cho con hiểu được tầm quan trọng của nghề truyền thống trong xã hội ngày càng phát triển nhanh, mọi thứ có thể bị mai một nếu lớp trẻ không còn mặn mà níu giữ và phát triển.

+ Nghề truyền thống mang nét đẹp lao động của ông cha ta, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống đúng cách không chỉ giúp làm sống lại nét đẹp của cha ông ta mà còn tạo cơ hội cho thế hệ sau có được nền tảng ngành nghề để phát triển.

+ Việc vui chơi sau những giờ học tập là quan trọng nhưng nếu vừa chơi vừa tìm hiểu thêm về nghề truyền thống thì còn đem lại giá trị sâu rộng hơn việc chỉ vui chơi không có ý nghĩa.

Câu 20: Em hãy giải thích vì sao khi tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc. Hãy lấy ít nhất một dẫn chứng để làm sáng tỏ điều đó.

Trả lời:

- Chúng ta cần phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc bởi vì không phải tất cả văn hóa trên thế giới đều phù hợp với thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta nên tiếp thu những cái hay, cái tốt để làm giàu đẹp hơn, phong phú hơn cho văn hóa dân tộc nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc riêng.

- Dẫn chứng:

+ Học hỏi những công nghệ sản xuất hiện đại để ứng dụng vào Việt Nam.

+ Giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Việt – Hàn.

+ Cách tân, cải tiến trang phục nước ngoài cho phù hợp với Việt Nam.

+ Học hỏi mô hình giáo dục từ các nước tiên tiến.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công dân 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay