Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức Bài 2: Địa hình Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2: Địa hình Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Kết nối tri thức

Xem: => Giáo án địa lí 8 kết nối tri thức

BÀI 2: ĐỊA HÌNH VIỆT NAM

(22 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Quan sát Hình 2.4 và kể tên những cánh cung núi lớn của vùng Đông Bắc:

Trả lời:

Những cánh cung núi lớn của vùng núi Đông Bắc là: Cánh cung sông Gâm, cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Bắc Sơn, cánh cung Đông Triều.

Câu 2: Quan sát Lược đồ địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và vùng núi Trường Sơn Nam và kể tên những cao nguyên trong khu vực này.

Trả lời:

Những cao nguyên trong khu vực vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam là: Cao nguyên Kon Tum, cao nguyên Pleiku, cao nguyên Đắk Lắk, cao nguyên Mơ Nông, cao nguyên Lâm Viên, cao nguyên Di Linh.

Câu 3: Kể tên những dãy núi có hướng tây bắc – đông nam ở nước ta:

Trả lời:

Những dãy núi có hướng tây bắc – đông nam ở nước ta là: Con Voi, Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc,…

Câu 4: Quan sát Lược đồ địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và vùng núi Trường Sơn Nam và kể tên những dãy núi cao ở khu vực này và ghi độ cao của các dãy núi đó.

Trả lời:

Những dãy núi cao ở khu vực này là: núi Pu Xei Lai Leng (2711m), núi Hoành Sơn (1044m), núi Rào Cỏ (2235m), núi Ngọc Linh (2598m), núi Kon Ka Kinh (1748m), núi Chư Yang Sin (2405), núi Lang Biang (2167m).

Câu 5: Kể tên một số bãi biển đẹp của Việt Nam mà em biết.

Trả lời:

Những bãi biển đẹp của Việt Nam: Sầm Sơn, Thiên Cầm, Mỹ Khê, Nha Trang, Lăng Cô, Cửa Lò, Sầm Sơn,…

Câu 6: Nêu những địa danh có địa hình các-xtơ mà em biết.

Trả lời: 

Những khu vực có địa hình các-xtơ mà em biết là: động Phong Nha, động Tiên Sơn, các hang động của vùng núi đá vôi vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, hang động Tràng An, Tam Cốc – Bích Động.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm chung của địa hình Việt Nam

Trả lời:

* Địa hình đồi núi chiếm ưu thế:

- Chiếm 3/4 diện tích đất liền.

- Chủ yếu là: đồi núi thấp.

- Đồi núi nước ta chạy dài 1 400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ.

* Địa hình có 2 hướng chính là tây bắc – đông nam và hướng vòng cung.

- Hướng tây bắc – đông nam: dãy Con Voi, dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Trường Sơn Bắc,…

- Hướng vòng cung: vùng núi phía Bắc.

* Địa hình có tính chất phân bậc khá rõ rệt:

- Vùng núi bị ngoại lực bào mòn, phá hủy.

→ bề mặt san bằng, thấp và thoải.

- Vận động tạo núi Hi-ma-lay-a.

→ Địa hình nâng cao và phân thành nhiều bậc địa hình: núi đồi, đồng bằng, bờ biển, thềm lục địa.

* Địa hình chịu tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và con người.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và lượng mưa lớn.

→ Địa hình bị xâm thực và xói mòn mạnh.

→ Địa hình bị chia cắt.

- Mưa lớn theo mùa → hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện.

- Lượng mưa lớn → quá trình hòa tan đá vôi mạnh mẽ → tạo ra địa hình các- xtơ độc đóa → hình thành nên hang động.

- Quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người → làm biến đổi các dạng địa hình tự nhiên và tạo ra các dạng địa hình nhân tạo.

Câu 2: Trình bày đặc điểm của địa hình đồng bằng nước ta. 

Trả lời:

* Đồng bằng sông Hồng:

- Diện tích: 15 000 km2.

- Được hình thành chủ yếu do phù sa của hệ thông sông Hồng bồi đắp.

- Trong đồng bằng có hệ thống đê chống lũ khiến đồng bằng bị chia cắt, tạo thành những ô trũng và không được bồi đắp tự nhiên.

* Đồng bằng sông Cửu Long:

- Diện tích: 40 000 km2.

- Bồi đắp bới phù sa sông Mê Công.

- Phần thượng châu thổ:Địa hình tương đối bằng phẳng với nhiều gờ đất cao.

- Phần hạ châu thổ: cao trung bình từ 2 – 3 m so với mặt nước biển.

- Trên mặt đồng bằng: không có đê lớn ngăn lũ.

- Đồng bằng có hệ thống kênh rạch tự nhiên và nhân tạo dày đặc.

* Các đồng bằng duyên hải miền Trung:

- Diện tích: 15 000 km2.

- Bồi đắp bởi phù sa của biển.

- Các nhánh nhí đâm ngang và ăn sát ra biển → hình thành nhiều đồng bằng nhỏ, hẹp.

- Các đồng bằng duyên hải ít màu mỡ, trong đồng bằng có nhiều cồn cát.

Câu 3: Trình bày đặc điểm của địa hình đồi núi khu vực Tây Bắc và Đông Bắc nước ta. 

Trả lời:

* Vùng Đông Bắc:

- Vùng đồi núi thấp.

- Phạm vi: phía bờ trái của sông Hồng, từ dãy núi Con Voi đến vùng đồi núi ven biển Quảng Ninh.

- Độ cao trung bình: dưới 1 000m.

- Đặc trưng: những cánh cung lớn và vùng đồi trung du phát triển mở rộng.

- Địa hình các-xtơ khá phổ biến.

* Vùng Tây Bắc:

- Vùng địa hình cao nhất nước ta

- Phạm vi: nằm giữa sông Hồng và sông Cả.

- Độ cao trung bình: 1 000m – trên 2 000m.

- Có nhiều dãy núi cao và những cao nguyên hiểm trở chạy song song theo hướng tây bắc – đông nam.

- Đặc trưng: Bị chia cắt mạnh, xen giữa các vùng núi đá vôi là các cánh đồng, thung lũng các-xtơ.

- Địa hình các-xtơ khá phổ biến.

Câu 4: Trình bày đặc điểm của địa hình đồi núi khu vực Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam nước ta. 

Trả lời:

* Vùng Trường Sơn Bắc:

- Phạm vi: từ phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã.

- Độ cao trung bình: khoảng 1 000m và một số ít định trên 2 000m.

- Đặc trưng: chạy theo hướng tây bắc – đông nam và có một số nhánh núi đâm ngang ra biển chia cắt đồng bằng duyên hải miền Trung.

* Vùng Trường Sơn Nam:

- Địa hình chủ yếu: núi và cao nguyên.

- Độ cao trung bình: lớn hơn vùng Trường Sơn Bắc.

- Địa hình có hình vòng cung.

- Dạng địa hình nổi bật: các cao nguyên rộng lớn, xếp tầng, bề mặt phủ đất đỏ badan.

- Các khối núi cao: nằm phía bắc và nam của vùng.

Câu 5: Nêu đặc điểm của địa hình bờ biển và thềm lục địa của nước ta. 

Trả lời:

* Địa hình bờ biển:

- Đường bờ biển dài 3 260km từ Móng Cai đến Hà Tiên.

- Có 2 kiểu bờ biển: bờ biển bồi tụ và bờ biển mài mòn.

+ Bờ biển bồi tụ: có nhiều bãi bùn rộng, rừng ngập mặn phát triển, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.

+ Bờ biển mài mòn: rất khúc khuỷu, có nhiều vũng, vịnh nước sâu, kín gió và nhiều bãi cát.

* Thềm lục địa: 

- Ở vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ: nông và mở rộng.

- Ở vùng biển miền Trung: sâu hơn và thu hẹp.

 

3. VẬN DỤNG (7 câu)

Câu 1: Địa hình vùng đồi núi có thuận lợi và khó khăn gì đối với khai thác kinh tế?

Trả lời:

* Thuận lợi:

- Đối với nông, lâm nghiệp:

+ Nguồn nông sản phong phú → phát triển ngành lâm nghiệp.

+ Các đồng cỏ tự nhiên rộng lớn → phát triển chăn nuôi gia súc lớn.

+ Thổ nhưỡng và khí hậu → thích hợp trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả.

- Đối với công nghiệp:

+ Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng → phát triển các ngành công nghiệp khai thác.

+ Sông ngòi có nhiều thác ghềnh → Tiềm năng thủy điện rất lớn.

- Đối với du lịch:

+ Khí hậu mát mẻ

+ Cảnh quan đa dạng, đặc sắc.

→ Hình thành các địa điểm du lịch có giá trị.

* Hạn chế:

- Địa hình bị chia cắt mạnh → Giao thông đi lại khó khăn.

- Chú ý công tác phòng chống thiên tai.

Câu 2: Địa hình bờ biển và thềm lục địa có ảnh hưởng như thế nào đối với phát triển các ngành kinh tế biển ở nước ta?

* Thuận lợi:

- Khai thác và nuôi trồng thủy sản và làm muối: Bờ biển bồi tụ có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển:

→ Có nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn.

→ Nghề làm muối phát triển ở ven biển Nam Trung Bộ.

- Giao thông vận tải biển: Bờ biển mài mòn có nhiều vũng, vịnh:

→ Xây dựng cảng nước sâu như cảng Cái Lân, cảng Chân Mây,…

- Khai thác năng lượng: Thềm lục địa ở Bắc Bộ và Nam Bộ nông và mở rộng, thềm lục địa ở vùng biển miền Trung sâu hơn và thu hẹp.

→ Có tiềm năng về dầu khí: năng lượng gió, thủy triều.

- Du lịch biển – đảo: Bờ biển mài mòn kín gió và nhiều bãi cát:

→ Có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều đảo có phong cảnh đẹp.

* Khó khăn:

- Chịu tác động bởi thiên tai như bão, sạt lở bờ biển.

- Khai thác chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, bảo tồn sự đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển.

Câu 3: Vì sao địa hình nước ta có sự phân bậc?

Trả lời:

- Địa hình nước ta có sự phân bậc do sự vận động tạo núi Hi-ma-lay-a trong thời kì Tân kiến tạo làm cho địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau.

Câu 4: Giải thích lí do địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh?

Trả lời:

Địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh do: 

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với đặc trưng nhiệt độ cao, biên độ nhiệt lớn, độ ẩm lớn, mưa nhiều tập trung theo mùa đẩy nhanh các quá trình phong hóa.

- Địa hình có độ cao và độ dốc lớn. 

- Nhiều khu vực đồi núi bị mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ sâu làm đất dễ bị xói mòn.

Câu 5: Có ý kiến cho rằng “Địa hình nước ta là dạng địa hình già được nâng cao trẻ lại”? Em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?

Trả lời: Em đồng ý với kiến đó vì:

- Lãnh thổ nước ta được tạo lập vững chắc trong giai đoạn Cổ kiến tạo.

- Trải qua hàng chục triệu năm không được nâng lên , các vùng núi bị bào mòn phá huỷ bởi ngoại lực , tạo nên những bề mặt san bằng cổ thấp và thoải.

- Đến giai đoạn Tân kiến tạo, vận động tạo núi đã làm cho địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: núi, đồi, đồng bằng, thềm lục địa. 

- Địa hình thấp dần từ nội địa ra tới biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.

Câu 6: Vì sao địa hình nước ta nhiều đồi núi và chủ yếu là đồi núi thấp?

Trả lời:

- Lãnh thổ nước ta được hình thành rất sớm, bị bào mòn lâu dài do tác động của ngoại lực (gió, sông,…). Sau đó, lại được nâng lên của các kì vận động tạo núi nên địa hình nước ta có rất nhiều đồi núi nhưng lại chủ yếu là đồi núi thấp.

Câu 7: Tại sao các dãy núi ở nước ta lại có hướng Tây Bắc – Đông Nam và hướng vòng cung?

Trả lời:

- Các dãy núi của nước ta ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có hướng Tây Bắc – Đông Nam rõ rệt là vì các dãy núi này đã được hình thành trong đầu mút của địa máng cổ kéo dài từ phía Himalaya tới theo hướng Tây Bắc – Đông Nam .

- Các núi có hướng vòng cung chủ yếu là được hình thành ở rìa phía đông của các mảng nền cổ, cho nên hình dạng của các mảng nền này cũng có tác dụng định hướng cho các nếp uốn hình thành nên chúng.

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Chứng minh địa hình nước ta là địa hình của vùng nhiệt đới gió mùa.

Trả lời:

* Xâm thực mạnh ở miền đồi núi:

Nền nhiệt ẩm cao với một mùa mưa và một mùa khô xen kẽ thúc đẩy quá trình xâm thực mạnh mẽ, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị bào mòn, rửa trôi.

- Điều kiện nóng ẩm đẩy nhanh cường độ phong hóa, xâm thực, bào mòn, rửa trôi đất đá trên sườn dốc. Biểu hiện của quá trình này là là địa hình bị cắt xẻ, hẻm vực ,khe sâu, đất bị bào mòn, rửa trôi nhiểu nơi chỉ còn trơ sỏi đá, những hiện tượng đát trượt đá lở thành những nón phóng vật tích tụ dưới chân núi.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đẩy nhanh tốc độ hòa tan và phas hủy đá vôi tạo thànhđịa hình cacxto với các hang động ngầm, suối cạn, thung khô, các đồi đá vôi sót.

- Khí hậu làm sâu sắc thêm tính chất trẻ của địa hình.

* Bồi tụ nhanh ở hạ lưu:

- Hệ quả quá trình xâm thực, bào mòn mạnh ở miền núi là sự bồi tụ, mở mang nhanh các đồng bằng.

- Rìa phía đông nam đồng bằng Sông Hồng và rìa phía tây nam của đông bằng Sông Cửu Long hàng năm lấn ra biển vài chục mét.

Câu 2. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích mối quan hệ giữa địa hình và khí hậu ở khu Đông Bắc.

Trả lời:

* Ảnh hưởng của địa hình đến khí hậu:

- Hướng địa hình : vòng cung

- Mùa đông:  gió mùa Đông Bắc tràn về, các cánh cung núi sẽ hút gió làm cho mùa đông đến sớm và kết thúc muộn (mùa đông kéo dài hơn).

- Mùa hạ do cánh cung Đông Triều quay mặt lồi về phía Đông Nam, gió mùa Đông Nam từ vịnh Bắc Bộ thổi lên gây mưa nhiều tại các sườn đón gió như Yên Tử, Móng Cái,.. và mưa ít tại các sườn khuất gió như lạng Sơn,..

- Tạo nên sự phân hóa theo độ cao.

* Ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình:

- Xâm thực mạnh ở vùng đồi núi.

- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng

- Hiện tượng đất trượt, đá lở.

- Địa hình cacxto phát triển

Câu 3. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy: giải thích sự khác nhau về hình thái, độ cao, hướng nghiêng, hướng núi của 4 khu vực núi nước ta?

Trả lời:

- Cấu trúc địa hình của 4 vùng núi nước ta chịu ảnh hưởng của đơn vị kiến tạo và  lịch sử phát triển lãnh thổ nước ta.

- Vùng Đông Bắc: có cấu trúc vòng cung và chủ yếu là đồi núi thấp do chịu ảnh hưởng của nền cổ Hoa Nam và khối vòm sông chảy thuộc khối nền cổ ấy. Tính chất ổn định của 1 vùng nền cổ đã quy định hướng, cấu trúc hình vòng cung và hoạt động kiến tạo  tương đối ổn định của vùng núi Đông Bắc.

- Vùng Tây Bắc: có các dãy núi cao hướng tây bắc – đông nam do chịu sự chi phối của địa máng Đông Dương, các mạch núi ở đây là sự tiếp nối hệ núi từ Tây Vân Nam xuống. Vùng núi Tây Bắc được nâng mạnh trong tân kiến tạo trở thành núi có địa hình trung bình và núi cao chiếm ưu thế.

- Vùng Trường Sơn Bắc: bị nâng yếu trong tân kiến tạo nên ngày nay chủ yếu là đồi núi thấp và hướng núi của vùng này chịu sự chi phối của địa máng Đông Dương nên có hướng tây bắc – đông nam.

- Vùng Trường Sơn Nam: chịu ảnh hưởng của khối nền cổ Đông Dương. Hướng vòng cung của khối núi cực nam trung bộ và biên độ nâng khá mạnh trong tân kiến tạo có liên quan đến khối nền cổ này. Khối núi Kon tum và cực nam trung bộ có địa hình thuộc núi Tây Bắc. Phía Tây và Tây Nam hoạt động phun trào mắc ma, ba dan tạo nên các cao nguyên xếp tầng có độ cao hơn hẳn.

Câu 4. Hãy chứng minh vị trí địa lí nước ta đã mang lại những nét độc đáo cho khí hậu của nước ta.

Trả lời: Vị trí nước ta có những đặc điểm sau đây nên đã làm cho khí hậu có những nét độc đáo:

- Nước ta nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới.

- Nước ta nằm ở trung tâm khu vực gió mùa Đông Nam Á.

- Nước ta có lãnh thổ hẹp từ tây sang đông.

- Nước ta nằm trên một bán đảo, tận cùng của lục địa Âu – Á rộng nhất thế giới.

- Nuớc ta giáp Thái Bình Dương ở phía đông và phía nam, chịu ảnh hưởng thường xuyên của các trận bão nhiệt đới sinh ra trong Thái Bình Dương.

=> Giáo án Địa lí 8 kết nối bài 2: Địa hình Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay