Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức Bài 6: Thủy văn Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6: Thủy văn Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Kết nối tri thức

Xem: => Giáo án địa lí 8 kết nối tri thức

BÀI 6: THỦY VĂN VIỆT NAM

(21 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 10 hoặc Hình 6.1 và kể tên những con sông thuộc lưu vực sông Hồng.

Trả lời:

Những con sông thuộc lưu vực sông Hồng là: Sông Hồng, sông Đà, sông Lộ, sông Chảy, sông Đáy, sông Gâm

Câu 2: Quan sát Hình 6.1 và kể tên những hồ thuộc lưu vực sông Hồng.

Trả lời:

Những hồ thuộc lưu vực sông Hồng là: hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà, hồ Ba Bể. 

Câu 3: Quan sát Hình 6.1 và đọc tên các con sông thuộc lưu vực sông khác ở Việt Nam

Trả lời:

Những con sông thuộc lưu vực sông khác là: sông Gianh, sông Quảng Trị, sông Trà Khúc, sông Kì Lộ.

Câu 4: Dựa vào Hình 6.1 và liệt kê những con sông thuộc lưu vực sông Mê Công (Cửu Long).

Trả lời:

Những con sông thuộc lưu vực sông Mê Công (Cửu Long) là: sông Krông Pơkô, sông Đắc Krông, sông Tiền, sông Hậu.

Câu 5: Dựa vào Hình 6.1 và cho biết cho biết những hồ thuộc lưu vực sông Đồng Nai.

Trả lời:

Những hồ thuộc lưu vực sông Đồng Nai là: hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ.

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm chung của sông ngòi Việt Nam.

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên cả nước. 

- Chủ yếu là sông nhỏ.

- Hướng chảy: hướng tây bắc – đông nam và vòng cung, một số sông chảy theo hướng tây – đông,…

- Chế độ dòng chảy phân hai mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn.

- Trung bình lượng nước trong mùa lũ chiếm 70 - 80%.

- Sông ngòi nước ta có nhiều nước (hơn 800 tỉ m3/năm) và lượng phù sa khá lớn (200 triệu tấn/năm).

Câu 2: Trình bày đặc điểm hệ thống sông ngòi Bắc Bộ ở nước ta?

Trả lời:

* Đặc điểm mạng lưới sông:

- Tiêu biểu: hệ thống sông Hồng – là hệ thống sông lớn thứ hai nước ta.

- Hệ thống sông Hồng dài 556 km, có hai phụ lưu chính: sông Đà và sông Lô.

- Mạng lưới sông hình nan quạt, hội tụ tại Việt Trì (Phú Thọ).

* Chế độ nước sông:

- Có hai mùa:

+ Mùa lũ từ tháng 6 – tháng 10: lượng nước chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm.

+ Mùa cạn: từ tháng 11 – tháng 5 năm sau: lượng nước chiếm khoảng 25% tổng lượng nước cả năm.

* Ảnh hưởng: mưa lớn, nước tập trung nhanh, dễ gây lũ lụt.

Câu 3: Mạng lưới sông Thu Bồn có đặc điểm như thế nào? Trình bày đặc điểm và chế độ nước sông của sông Thu Bồn.

Trả lời: 

* Đặc điểm mạng lưới sông:

- Tổng chiều dài: 205 km với 78 phụ lưu dài trên 10km.

- Các sông, suối thường ngắn, dốc, phân thành nhiều lưu vực nhỏ, độc lập.

- Mạng lưới sông có dạng hình nan quạt.

* Chế độ nước sông:

- Chia làm hai mùa:

+ Mùa lũ từ tháng 9 – tháng 12: phù hợp với mùa mưa thu đông và mùa bão, lượng nước chiếm khoảng 65% tổng lượng nước cả năm.

+ Mùa cạn: từ tháng 1 – tháng 8: lượng nước chiếm khoảng 35% tổng lượng nước cả năm.

* Ảnh hưởng: lũ lên nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp bão và mưa lớn.

Câu 4: Nêu những nét đặc trưng của hệ thống sông Mê Công.

Trả lời: 

* Đặc điểm mạng lưới sông:

- Tổng chiều dài: 230 km với 286 phụ lưu dài trên lãnh thổ Việt Nam.

- Lớn nhất là sông Srê Pốk.

- Mạng lưới sông có hình lông chim.

- Hai chi lưu lớn ở Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu, được chia ra thành nhiều sông nhỏ cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt.

* Chế độ nước sông:

- Chia làm hai mùa:

+ Mùa lũ từ tháng 7 – tháng 11: lượng nước chiếm khoảng 80% tổng lượng nước cả năm.

+ Mùa cạn: từ tháng 12 – tháng 6 năm sau: lượng nước chiếm khoảng 20% tổng lượng nước cả năm.

* Ảnh hưởng: Vào mùa lũ nước lên và xuống chậm.

Câu 5: Nêu vai trò của hồ, đầm đối với sản xuất và sinh hoạt ở nước ta.

Trả lời: 

* Đối với sản xuất:

- Nông nghiệp: 

+ Cung cấp nước ngọt cho trồng trọt và chăn nuôi.

+ Mặt nước tự nhiên để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

- Công nghiệp:

+ Nơi trữ nước cho nhà máy thủy điện.

+ Cung cấp nước cho các ngành công nghiệp như: chế biến lương thực – thực phẩm, khai khoáng,…

- Dịch vụ: 

+ Hồ, đầm thông với các sông, biển có giá trị về giao thông.

+ Phát triển du lịch ở nhiều hồ, đầm có cảnh quan đẹp, hệ sin thái với tính đa dạng sinh học cao, khí hậu trong lành.

* Đối với sinh hoạt:

- Phục vụ nhu cầu nước trong sinh hoạt, là nguồn dự trữ nước ngọt lớn.

- Đóng vai trò đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là ở các khu vực có mùa khô sâu sắc.

Câu 6: Nguồn nước ngầm có vai trò như thế nào đối với sản xuất và sinh hoạt của con người.

Trả lời: Nguồn nước ngầm có vai trò quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt của con người.

* Đối với sản xuất:

- Nông nghiệp: cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,…) đặc biệt với các vùng khan hiếm nước.

- Công nghiệp: sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như: chế biến lương thực – thực phẩm, sản xuất giấy,…

- Dịch vụ: Nguồn nước nóng, nước khoáng được khai thác để chữa bệnh và phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

* Đối với sinh hoạt: là nguồn nước quan trọng phục vụ cho sinh hoạt của người dân ở nước ta.

 

3. VẬN DỤNG (6 câu)

Câu 1: Tại sao chế độ nước, mùa lũ của sông ngòi ở ba miền có sự khác nhau?

Trả lời: Có sự khác nhau giữa chế độ nước và mùa lũ của sông ngòi ở ba miền là vì:

- Sông ngòi Bắc Bộ: (tiêu biểu là sông Hồng):

+ Có chế độ nước theo mùa, thất thường.

+ Mùa lũ: từ tháng 6 đến tháng 10.

+ Lũ tập trung nhanh và kéo dài do có mưa theo mùa.

+ Mạng lưới sông có dạng hình nan quạt nên nước lũ bị dồn nén và thoát nước chậm

- Sông ngòi Trung Bộ: (tiêu biểu là sông Thu Bồn):

+ Mùa mưa đến chậm hơn các miền khác.

+ Mạng lưới sông cũng có hình dạng nan quạt nên lũ lên nhanh và đột ngột.

+ Mùa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12.

+ Gió mùa hạ bị dãy Trường Sơn chắn lại nên không gây mưa lớn.

- Sông ngòi Nam Bộ: (tiêu biểu là sông Mê Công):

+ Mạng lưới sông dạng lông chim và được điều tiết bởi hồ Tôn-lê Sáp (Cam-pu-chia) nên nước lũ lên và xuống chậm.

+ Địa hình chủ yếu là đồng bằng rộng lớn, bằng phẳng nên nước chảy điều hòa hơn.

+ Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11.

Câu 2: Giải thích lý do sông ngòi nước ta có hai mùa và mang nhiều phù sa?

- Sông ngòi nước ta có hai mùa lũ và mùa cạn vì: khí hậu có hai mùa là mùa mưa và mùa khô.

- Sông ngòi nước ta mang nhiều phù sa vì :

+ Nước ta có địa hình dốc, 3/4 diện tích là đồi núi.

+ Mưa nhiều, mưa tập trung vào một mùa.

+ Độ che phủ rừng thấp.

Câu 3: Vì sao sông ngòi nước ta chảy theo hai hướng chính là hướng tây bắc – đông nam và hướng vòng cung?

Trả lời:

Sông ngòi nước ta chảy theo hai hướng chính là hướng tây bắc – đông nam và hướng vòng cung vì:

- Địa hình nước ta thấp dần theo hướng tây bắc – đông nam.

- Địa hình có hai hướng chính là hướng tây bắc – đông nam và hướng vòng cung.

Câu 4: Nước ta có rất nhiều sông suối nhưng phần lớn sông ngòi nước ta thường ngắn và dốc. Giải thích điều đó.

Trả lời:

Phần lớn sông ngòi nước ta thường ngắn và dốc vì:

- Địa hình nước ta hẹp ngang và nằm ngay sát biển. 

- Địa hình nước ta nhiều đồi núi (3/4 diện tích lãnh thổ) và bị chia cắt phức tạp.  

- Đồi núi ăn sát ra biển nên dòng chảy dốc, lũ lên nhanh, nhất là vùng duyên hải miền Trung. 

- Nước ta có lượng mưa nhiều, trung bình 1 500 – 2 000 mm/năm.

Câu 5: Chế độ nước của sông ngòi nước ta theo mùa là nguyên nhân do đâu?

Trả lời:

Chế độ nước của sông ngòi nước ta theo mùa là do:

- Khí hậu có hai mùa: mùa mưa và mùa khô.

- Chế độ nước sông theo sát chế độ mưa: Lượng nước vào mùa mưa của nước ta chiếm 70% còn mùa khô chỉ chiếm 30%.

→ Vào mùa khô sông ngòi cạn nước, còn mùa mưa sông ngòi đầy nước và có hiện tượng nước sông dâng cao gây ngập lụt ở vùng hạ lưu.

Câu 6: Nêu nguyên nhân hệ thống sông Thu Bồn nói riêng và các con sông ở Trung Bộ nói chung thường ngắn, dốc và phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập.

Trả lời:

Hệ thống sông Thu Bồn nói riêng và các con sông ở Trung Bộ nói chung thường ngắn, dốc và phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập vì:

- Địa hình miền trung nước ta kéo dài và hẹp ngang, đồi núi ăn sát ra biển nên sông ngòi ở đây thường ngắn và dốc.

- Địa hình phía tây là dãy núi Trường Sơn, phía đông là các đồng bằng nhỏ hẹp và có cồn cát ven biển nên khi có mưa, bão lớn, nước từ trên núi đổ xuống đồng bằng, bị các cồn cát ven biển chặn lại, không thoát nước kịp khiến lũ các sông lên rất nhanh và đột ngột.

- Mùa lũ phù hợp với mùa mưa thu đông và mùa bão nên mùa lũ tập trung vào các tháng cuối năm (từ tháng 9 đến tháng 12). 

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Trong cùng một kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng hệ thống sông Hồng hay gây ra lũ lụt, có chế độ nước thất thường, còn hệ thống sông Cửu Long lại điều hòa hơn. Hãy giải thích sự khác nhau đó.

Trả lời: 

- Hệ thống sông Hồng gồm có hai sông lớn là sông Hồng và sông Đà đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Khi chảy vào nước ta, phần lớn chiều dài các sông đều chảy qua vùng núi Tây Bắc, có núi non hiểm trở, độ dốc lớn, thảm thực vật đã bị tàn phá nhiều. Mặt khác, do lưu vực của hệ thống sông khá rộng, lượng nước cung cấp rất lớn về mùa mưa Nước ở phần thượng lưu được tập trung khá nhanh, dồn một lượng nước lớn về hạ lưu làm cho nước sông hay dâng cao đột ngột.

- Sông Cửu Long bắt nguồn ở Tây Tạng trên độ cao 5000m. Đây là một trong những con sông lớn của thế giới, chảy qua 5 nước với tên gọi là Mê Công. Chiều dài sông tổng cộng lên tới 4500 km, đoạn hạ lưu chảy vào nước ta gọi là Cửu Long dài 230 km. Tổng lượng nước của sông rất lớn, gấp 5 lần sông Hồng, nhưng lòng sông lại rộng, sông đổ ra biển bằng 9 cửa, nên lượng nước thoát nhanh. Đặc biệt đoạn này chảy qua Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) sông Mê Công được nối với Biển Hồ giúp điều tiết nước sông. Mùa nước lớn, Biển Hồ nhận nước vào làm giảm mực nước sông. Về mùa khô, nước lại từ Biển Hồ theo dòng Tônlêsáp chảy vào Cửu Long nên sông Mê Công điều hòa hơn.

Câu 2. Để hạn chế những thiệt hại gây ra bởi lũ lụt, nhân dân ta cần thực hiện những biện pháp gì?

Trả lời: Những biện pháp để hạn chế thiết hại gây ra bởi lũ lụt:

- Đắp đê ven sông và gia cố những công trình thủy lợi, đê điều.

- Xây dựng các đập thủy điện vừa sản xuất điện, vừa điều tiết lượng nước chảy của sông.

- Xây dựng các kênh thoát nước lũ.

- Làm nhà sản, nhà nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Bảo vệ các rừng đầu nguồn.

Câu 3. Chứng minh sông ngòi nước ta thể hiện rõ tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp (nước ta có 2 360 con sông có chiều dài trên 10 km).

- Sông nhiều, nhưng phần lớn là sông nhỏ.

- Sông ngòi nước ta nhiều nước (hơn 800 tỉ m3/năm) và giàu phù sa (tổng lượng phù sa khoảng 200 triệu tấn/năm).

- Nhịp điệu của dòng chảy của sông ngòi nước ta theo sát nhịp điệu mưa.

- Chế độ dòng chảy của sông ngòi nước ta phân hai mùa rất rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô.

- Lượng nước mùa lũ gấp 2 – 3 lần lượng nước mùa cạn và chiếm 65 – 80% lượng nước cả năm.

Câu 4. Có ý kiến cho rằng: “Sông ngòi nước ta phản ánh rõ nét đặc điểm của khí hậu và địa hình”. Hãy chứng minh điều đó.

Trả lời:

- Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có lượng mưa lớn đã làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc.

- Do mưa nhiều nên sông ngòi nước ta có lượng mưa lớn.

- Do quá trình xâm thực mạnh ở vùng đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.

- Do mưa theo mùa nên sông ngòi nước ta có chế độ mưa theo mùa.

=> Giáo án Địa lí 8 kết nối bài 6: Thuỷ văn Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay