Câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 1

VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ, ĐỊA HÌNH VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Atlat trang 4, 5 và kể tên các tỉnh phía Bắc giáp biên với Trung Quốc?

Trả lời:

Các tỉnh phía Bắc giáp biên với Trung Quốc: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Câu 2: Quan sát Atlat trang 4, 5 và liệt kê những tỉnh thành ở khu vực miền Trung của Việt Nam có đường bờ biển giáp với biển Đông?

Trả lời:

Những tỉnh thành của Việt Nam có đường bờ biển giáp với biển Đông và vịnh Thái Lan: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Câu 3: Trình bày phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Trả lời:

* Phạm vi lãnh thổ: là một khối thống nhất và vẹn toàn, bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.

- Vùng đất:

+ Bao gồm toàn bộ phần đất liền và các đảo, quần đảo trên biển Đông.

+ Tổng diện tích đất: 331 344 km2.

+ Đường biên giới dài hơn 4 600 km.

- Vùng biển:

+ Có hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

+ Diện tích: 1 triệu km2 (chiếm 30% diện tích Biển Đông).

+ Đường bờ biển dài: 3 260km (từ Móng Cái đến Hà Tiên).

- Vùng trời:

+ Khoảng không gian bao trùm trên lãnh thổ nước ta.

+ Trên đất liền được xác định bằng các đường biên giới.

+ Trên biển được xác định bằng ranh giới bên ngoài của lãnh hải và không gian trên các đảo.

Câu 4: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành đặc điểm địa lí tự nhiên Việt Nam.

Trả lời:

* Tạo nên đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa:

- Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển:

+ Khí hậu:

  • Nằm hoàn toàn trong đới nóng của bán cầu Bắc → có hai mùa rõ rệt.

  • Phần đất liền hẹp ngang → có nguồn ẩm dồi dào, các khối khi di chuyển vào sâu trong đất liền.

  • Chịu ảnh hưởng của các cơn bão từ biển nhiệt đới Tây Thái Bình Dương.

+ Sinh vật và đất:

  • Hệ sinh thái nhiệt đới gió mùa phát triển trên đất feralit.

  • Là nơi hội tụ của nhiều luồng động → thành phần loài sinh vật rất phong phú.

  • Biển nước ta nằm trong vùng nhiệt đới → sinh vật biển phong phú và đa dạng.

- Thiên nhiên phân hóa đa dạng:

+ Khí hậu phân hóa theo chiều bắc – nam, đông – tây.

→ Sinh vật và đất cũng phân hóa → Tài nguyên sinh vật và đất phong phú, đa dạng.

Câu 5: Nêu ý nghĩa vị trí địa lí Việt Nam.

Trả lời:

- Vị trí địa lí quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

+ Tính nhiệt đới: nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc → lượng nhiệt lớn.

+ Tính ẩm: nằm kề Biển Đông → nguồn ẩm dồi dào.

+ Tính gió mùa: nằm trong khu vực gió mùa châu Á → có 2 mùa rõ rệt.

- Vị trí địa lí kết hợp với hình dạng lãnh thổ làm thiên nhiên nước ta phân hóa đa dạng theo chiều Bắc – Nam, Đông – Tây.

+ Thiên nhiên phân hóa theo chiều Bắc – Nam: miền Bắc có mùa đông lạnh, miền Nam có mùa mưa và khô.

+ Thiên nhiên phân hóa theo chiều Đông – Tây: đầu mùa hạ khi Tây Nguyên và Nam bộ vào mùa mưa thì ven biển miền Trung chịu ảnh hưởng của gió phơn khô nóng.

- Nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão đến từ khu vực biển nhiệt đới Tây Thái Bình Dương.

Câu 6: Giải thích lí do tại sao thiên nhiên Việt Nam mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa ẩm?

Trả lời:

Nguyên nhân thiên nhiên nước ta mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa ẩm là do nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến nên hằng năm nhận được một lượng bức xạ Mặt Trời rất lớn, nước ta cũng nằm trong vùng có gió mùa điển hình của châu Á và có vùng biển Đông rộng lớn (khoảng 1 triệu km2).

Câu 7: Vị trí địa lí có những thuận lợi và khó khăn gì cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay?

Trả lời:

* Thuận lợi

- Quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Nằm ở nơi tiếp giáp giữa lục địa và đại dương; giữa hai vành đai sinh khoáng; tiếp xúc giữa các luồng di chuyển của động thực vật nên nước ta có nhiều tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật quí giá.

- Gần trung tâm Đông Nam Á, thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải, hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực và thế giới.

* Khó khăn

- Nằm trong vùng có nhiều thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán....).

- Do có vị trí đặc biệt quan trọng nên luôn phải chú ý đến việc bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Câu 8: Kể tên những dãy núi có hướng tây bắc – đông nam ở nước ta:

Trả lời:

Những dãy núi có hướng tây bắc – đông nam ở nước ta là: Con Voi, Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc,…

Câu 9: Kể tên một số bãi biển đẹp của Việt Nam mà em biết.

Trả lời:

Những bãi biển đẹp của Việt Nam: Sầm Sơn, Thiên Cầm, Mỹ Khê, Nha Trang, Lăng Cô, Cửa Lò, Sầm Sơn,…

Câu 10: Trình bày đặc điểm của địa hình đồng bằng nước ta.

Trả lời:

* Đồng bằng sông Hồng:

- Diện tích: 15 000 km2.

- Được hình thành chủ yếu do phù sa của hệ thống sông Hồng bồi đắp.

- Trong đồng bằng có hệ thống đê chống lũ khiến đồng bằng bị chia cắt, tạo thành những ô trũng và không được bồi đắp tự nhiên.

* Đồng bằng sông Cửu Long:

- Diện tích: 40 000 km2.

- Bồi đắp bởi phù sa sông Mê Công.

- Phần thượng châu thổ:Địa hình tương đối bằng phẳng với nhiều gờ đất cao.

- Phần hạ châu thổ: cao trung bình từ 2 – 3 m so với mặt nước biển.

- Trên mặt đồng bằng: không có đê lớn ngăn lũ.

- Đồng bằng có hệ thống kênh rạch tự nhiên và nhân tạo dày đặc.

* Các đồng bằng duyên hải miền Trung:

- Diện tích: 15 000 km2.

- Bồi đắp bởi phù sa của biển.

- Các nhánh núi đâm ngang và ăn sát ra biển → hình thành nhiều đồng bằng nhỏ, hẹp.

- Các đồng bằng duyên hải ít màu mỡ, trong đồng bằng có nhiều cồn cát.

Câu 11: Trình bày đặc điểm của địa hình đồi núi khu vực Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam nước ta.

Trả lời:

* Vùng Trường Sơn Bắc:

- Phạm vi: từ phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã.

- Độ cao trung bình: khoảng 1 000m và một số ít định trên 2 000m.

- Đặc trưng: chạy theo hướng tây bắc – đông nam và có một số nhánh núi đâm ngang ra biển chia cắt đồng bằng duyên hải miền Trung.

* Vùng Trường Sơn Nam:

- Địa hình chủ yếu: núi và cao nguyên.

- Độ cao trung bình: lớn hơn vùng Trường Sơn Bắc.

- Địa hình có hình vòng cung.

- Dạng địa hình nổi bật: các cao nguyên rộng lớn, xếp tầng, bề mặt phủ đất đỏ badan.

- Các khối núi cao: nằm phía bắc và nam của vùng.

Câu 12: Địa hình bờ biển và thềm lục địa có ảnh hưởng như thế nào đối với phát triển các ngành kinh tế biển ở nước ta?

* Thuận lợi:

- Khai thác và nuôi trồng thủy sản và làm muối: Bờ biển bồi tụ có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển:

→ Có nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn.

→ Nghề làm muối phát triển ở ven biển Nam Trung Bộ.

- Giao thông vận tải biển: Bờ biển mài mòn có nhiều vũng, vịnh:

→ Xây dựng cảng nước sâu như cảng Cái Lân, cảng Chân Mây,…

- Khai thác năng lượng: Thềm lục địa ở Bắc Bộ và Nam Bộ nông và mở rộng, thềm lục địa ở vùng biển miền Trung sâu hơn và thu hẹp.

→ Có tiềm năng về dầu khí: năng lượng gió, thủy triều.

- Du lịch biển – đảo: Bờ biển mài mòn kín gió và nhiều bãi cát:

→ Có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều đảo có phong cảnh đẹp.

* Khó khăn:

- Chịu tác động bởi thiên tai như bão, sạt lở bờ biển.

- Khai thác chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, bảo tồn sự đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển.

Câu 13: Giải thích lí do địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh?

Trả lời:

Địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh do:

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với đặc trưng nhiệt độ cao, biên độ nhiệt lớn, độ ẩm lớn, mưa nhiều tập trung theo mùa đẩy nhanh các quá trình phong hóa.

- Địa hình có độ cao và độ dốc lớn.

- Nhiều khu vực đồi núi bị mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ sâu làm đất dễ bị xói mòn.

Câu 14: Có ý kiến cho rằng “Địa hình nước ta là dạng địa hình già được nâng cao trẻ lại”? Em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?

Trả lời:

Em đồng ý với kiến đó vì:

- Lãnh thổ nước ta được tạo lập vững chắc trong giai đoạn Cổ kiến tạo.

- Trải qua hàng chục triệu năm không được nâng lên , các vùng núi bị bào mòn phá huỷ bởi ngoại lực , tạo nên những bề mặt san bằng cổ thấp và thoải.

- Đến giai đoạn Tân kiến tạo, vận động tạo núi đã làm cho địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: núi, đồi, đồng bằng, thềm lục địa.

- Địa hình thấp dần từ nội địa ra tới biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.

Câu 15: Tại sao các dãy núi ở nước ta lại có hướng Tây Bắc – Đông Nam và hướng vòng cung?

Trả lời:

- Các dãy núi của nước ta ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có hướng Tây Bắc – Đông Nam rõ rệt là vì các dãy núi này đã được hình thành trong đầu mút của địa máng cổ kéo dài từ phía Himalaya tới theo hướng Tây Bắc – Đông Nam .

- Các núi có hướng vòng cung chủ yếu là được hình thành ở rìa phía đông của các mảng nền cổ, cho nên hình dạng của các mảng nền này cũng có tác dụng định hướng cho các nếp uốn hình thành nên chúng.

Câu 16: Hãy chứng minh vị trí địa lí nước ta đã mang lại những nét độc đáo cho khí hậu của nước ta.

Trả lời:

Vị trí nước ta có những đặc điểm sau đây nên đã làm cho khí hậu có những nét độc đáo:

- Nước ta nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới.

- Nước ta nằm ở trung tâm khu vực gió mùa Đông Nam Á.

- Nước ta có lãnh thổ hẹp từ tây sang đông.

- Nước ta nằm trên một bán đảo, tận cùng của lục địa  u – Á rộng nhất thế giới.

- Nước ta giáp Thái Bình Dương ở phía đông và phía nam, chịu ảnh hưởng thường xuyên của các trận bão nhiệt đới sinh ra trong Thái Bình Dương.

Câu 17: Khoáng sản Việt Nam có thể phân loại dựa vào mấy yếu tố? Dựa vào các yếu tố đó có thể phân loại khoáng sản như thế nào?

Trả lời:

* Dựa vào tính chất công dụng:

- Khoáng sản năng lượng: than, dầu mỏ, khí tự nhiên,…

- Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen: sắt, man-gan, crôm.

+ Kim loại màu: đồng, chì, kẽm, ni-ken, bô-xít, thiếc, ti-tan, vàng,…

- Khoáng sản phi kim loại: đá quý, a-pa-tít, sét, cao lanh, đá vôi,…

* Dựa vào quá trình hình thành:

- Khoáng sản nội sinh.

- Khoáng sản ngoại sinh.

Câu 18: Vì sao cần phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật khoáng sản của Nhà nước?

Trả lời:

Cần phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật khoáng sản vì:

- Khoáng sản là nguồn tài nguyên quý của đất nước, là loại tài nguyên không thể phục hồi.

- Một số khoáng sản như than đá đang có nguy cơ bị cạn kiệt và sử dụng còn lãng phí.

- Việc khai thác, vận chuyển và chế biến đã làm môi trường một số vùng suy thoái như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép khoáng sản ở một số địa phương đã gây ô nhiễm môi trường và làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Câu 19: Em hãy nêu một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh tài nguyên khoáng sản của nước ta.

Trả lời:

- Một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh một số tài nguyên khoáng sản nước ta:

+ Chính sách khai thác vơ vét, bóc lột của thực dân Pháp hơn 80 năm.

+ Quản lí lỏng lẻo, tự do khai thác bừa bãi (than, vàng, sắt, thiếc, đá quý…)

+ Trình độ kĩ thuật khai thác, vận chuyển, chế biến còn lạc hậu.

+ Việc sử dụng một số khoáng sản còn lãng phí.

+ Thăm dò đánh giá không chính xác về trữ lượng, hàm lượng, phân bố làm cho khai thác gặp khó khăn và đầu tư lãng phí.

Câu 20: Dựa vào Hình 3.3 – SGK, hãy nêu nhận xét đặc điểm phân bố tài nguyên khoáng sản Việt Nam và cho biết các khoáng sản than, dầu khí, bôxít phân bố tập trung ở vùng nào?

Trả lời:

- Nhận xét đặc điểm phân bố tài nguyên khoáng sản Việt Nam:

+ Tài nguyên khoáng sản nước ta phân bố khắp nước, cả trên đất liền và ở biển.

+ Trên đất liền: ở phía Bắc giàu khoáng sản hơn phía Nam

+ Trên biển: khoáng sản quan trọng là dấu khí, phân bố tập trung ở vùng biển gần bờ phía nam (vùng thềm lục địa).

- Vùng phân bố tập trung của:

+ Than: Chủ yếu ở bể than Quảng Ninh

+ Dầu khí: Chủ yếu ở vùng thềm lục địa phía đông nam.

+ Bô-xít: Tập trung ở Tây Nguyên, ngoài ra còn có một số tỉnh phía bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang,…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay