Câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 2

KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 9 và kể tên những nơi có lượng mưa trên 400mm vào nửa cuối năm.

Trả lời:

Những nơi có lượng mưa trên 400mm vào nửa cuối năm là: Sa Pa, Thanh Hóa, Đồng Hới, Đà Nẵng

Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 9 và kể tên những cơn bão ảnh hưởng đến miền Trung của nước ta.

Trả lời:

Những cơn bão ảnh hưởng đến miền Trung của nước ta là: Bão tháng 9, bão tháng 10, bão tháng 11.

Câu 3: Trình bày tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

* Tính chất nhiệt đới:

- Nhiệt độ không khí trung bình năm: lớn hơn 20oC và tăng dần từ bắc vào nam.

- Số giờ nắng đạt từ 1 400 – 3 000 giờ/năm, cán cân bức xạ từ 70 – 100 kcal/cm2/năm.

* Tính chất ẩm:

- Độ ẩm không khí cao, trung bình trên 80%.

- Lượng mưa lớn, trung bình dao động từ 1 500 – 2 000mm/ năm.

* Tính chất gió mùa: Nằm trong phạm vi hoạt động của gió Tín phong bán cầu bắc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa:

- Gió mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau):

+ Miền Bắc: có mùa đông lạnh

+ Từ dãy Bạch Mã trở vào: gây mưa cho vùng biển Nam Trung Bộ.

+ Tây Nguyên và Nam Bộ: thời tiết nóng, khô/

- Gió mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10): Chủ yếu có hướng Tây Nam.

+ Vào đầu mùa hạ:

  • Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa lớn.

  • Phía đông dãy Trường Sơn và phía nam khu vực Tây Bắc: thời tiết khô nóng.

+ Vào giữa và cuối mùa hạ: mưa nhiều trên cả nước và kèm bão.

Câu 4: Trong giai đoạn gió mùa đông bắc hoạt động, thời tiết và khí hậu ở các miền của nước ta có giống nhau không? Vì sao?

Trả lời:

Trong mùa gió đông bắc, thời tiết và khí hậu ở các miền của nước ta không giống nhau vì lãnh thổ nước ta kéo dài từ 8o34’B đến 23o23’B.

- Miền Bắc chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa đông bắc nên thời tiết lạnh, càng vào nam gió mùa đông bắc càng biến tính nóng dần.

- Khu vực Tây Bắc nằm khuất sau dãy Hoàng Liên Sơn nên mùa đông ngắn và ấm hơn miền Bắc và Đông Bắc Bộ.

- Khu vực Trung Bộ có dãy núi Trường Sơn chắn gió đông bắc đi qua biển mang hơi nước gây mưa mùa đông.

Câu 5: Chứng minh vị trí nước ta đã làm cho khí hậu có những nét độc đáo.

Trả lời:

Vị trí nước ta có những đặc điểm sau đây nên đãi làm cho khí hậu có những nét độc đáo:

- Nước ta nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới.

- Nước ta nằm ở trung tâm khu vực gió mùa Đông Nam Á.

- Nước ta có lãnh thổ hẹp từ tây sang động và bài tới 15o vĩ độ từ bắc xuống nam.

- Nước ta nằm trên một bán đảo, tận cùng của lục địa  u – Á rộng nhất thế giới.

- Nước ta giáp Thái Bình Dương ở phía đông và phía nam, chịu ảnh hưởng thường xuyên của các trận bão nhiệt đới, sinh ra trong Thái Bình Dương.

Câu 6: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 10 hoặc Hình 6.1 và kể tên những con sông thuộc lưu vực sông Hồng.

Trả lời:

Những con sông thuộc lưu vực sông Hồng là: Sông Hồng, sông Đà, sông Lộ, sông Chảy, sông Đáy, sông Gâm

Câu 7: Quan sát Hình 6.1 và đọc tên các con sông thuộc lưu vực sông khác ở Việt Nam

Trả lời:

Những con sông thuộc lưu vực sông khác là: sông Gianh, sông Quảng Trị, sông Trà Khúc, sông Kì Lộ.

Câu 8: Trình bày đặc điểm chung của sông ngòi Việt Nam.

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên cả nước.

- Chủ yếu là sông nhỏ.

- Hướng chảy: hướng tây bắc – đông nam và vòng cung, một số sông chảy theo hướng tây – đông,…

- Chế độ dòng chảy phân hai mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn.

- Trung bình lượng nước trong mùa lũ chiếm 70 - 80%.

- Sông ngòi nước ta có nhiều nước (hơn 800 tỉ m3/năm) và lượng phù sa khá lớn (200 triệu tấn/năm).

Câu 9: Tại sao chế độ nước, mùa lũ của sông ngòi ở ba miền có sự khác nhau?

Trả lời:

Có sự khác nhau giữa chế độ nước và mùa lũ của sông ngòi ở ba miền là vì:

- Sông ngòi Bắc Bộ: (tiêu biểu là sông Hồng):

+ Có chế độ nước theo mùa, thất thường.

+ Mùa lũ: từ tháng 6 đến tháng 10.

+ Lũ tập trung nhanh và kéo dài do có mưa theo mùa.

+ Mạng lưới sông có dạng hình nan quạt nên nước lũ bị dồn nén và thoát nước chậm

- Sông ngòi Trung Bộ: (tiêu biểu là sông Thu Bồn):

+ Mùa mưa đến chậm hơn các miền khác.

+ Mạng lưới sông cũng có hình dạng nan quạt nên lũ lên nhanh và đột ngột.

+ Mùa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12.

+ Gió mùa hạ bị dãy Trường Sơn chắn lại nên không gây mưa lớn.

- Sông ngòi Nam Bộ: (tiêu biểu là sông Mê Công):

+ Mạng lưới sông dạng lông chim và được điều tiết bởi hồ Tôn-lê Sáp (Cam-pu-chia) nên nước lũ lên và xuống chậm.

+ Địa hình chủ yếu là đồng bằng rộng lớn, bằng phẳng nên nước chảy điều hòa hơn.

+ Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11.

Câu 10: Trong cùng một kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng hệ thống sông Hồng hay gây ra lũ lụt, có chế độ nước thất thường, còn hệ thống sông Cửu Long lại điều hòa hơn. Hãy giải thích sự khác nhau đó.

Trả lời:

- Hệ thống sông Hồng gồm có hai sông lớn là sông Hồng và sông Đà đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Khi chảy vào nước ta, phần lớn chiều dài các sông đều chảy qua vùng núi Tây Bắc, có núi non hiểm trở, độ dốc lớn, thảm thực vật đã bị tàn phá nhiều. Mặt khác, do lưu vực của hệ thống sông khá rộng, lượng nước cung cấp rất lớn về mùa mưa Nước ở phần thượng lưu được tập trung khá nhanh, dồn một lượng nước lớn về hạ lưu làm cho nước sông hay dâng cao đột ngột.

- Sông Cửu Long bắt nguồn ở Tây Tạng trên độ cao 5000m. Đây là một trong những con sông lớn của thế giới, chảy qua 5 nước với tên gọi là Mê Công. Chiều dài sông tổng cộng lên tới 4500 km, đoạn hạ lưu chảy vào nước ta gọi là Cửu Long dài 230 km. Tổng lượng nước của sông rất lớn, gấp 5 lần sông Hồng, nhưng lòng sông lại rộng, sông đổ ra biển bằng 9 cửa, nên lượng nước thoát nhanh. Đặc biệt đoạn này chảy qua Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) sông Mê Công được nối với Biển Hồ giúp điều tiết nước sông. Mùa nước lớn, Biển Hồ nhận nước vào làm giảm mực nước sông. Về mùa khô, nước lại từ Biển Hồ theo dòng Tôn Lê Sáp chảy vào Cửu Long nên sông Mê Công điều hòa hơn.

Câu 11: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 10 và kể tên những cửa sông mà sông Mê Kông đổ ra Biển Đông.

Trả lời:

Những cửa sông mà sông Mê Kông đổ ra Biển Đông là: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Bát Xắc, cửa Tranh Đề.

Câu 12: Kể tên những bãi biển ở khu vực miền Trung nước ta.

Trả lời:

Những bãi biển đẹp ở khu vực miền Trung nước ta là: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Quảng Bình, Mỹ Khê, Lăng Cô, Cù Lao Chàm,…

Câu 13: Kể tên những chợ nổi nổi tiếng ở khu vực miền Tây mà em biết.

Trả lời:

Những chợ nổi nổi tiếng ở khu vực miền Tây là: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang),…

Câu 14: Nêu những ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.

Trả lời:

* Thuận lợi:

- Tính chất nhiệt đới → nông nghiệp nhiệt đới có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm → phát triển cây trồng, vật nuôi nhiệt đới.

- Sản xuất nông nghiệp tiến hành quanh năm, tăng vụ, tăng năng suất.

- Sự phân hóa khí hậu → sự khác biệt mùa vụ giữa các vùng và sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp trên cả nước.

- Phát triển các cây trồng, vật nuôi cận nhiệt đới và ôn đới.

* Khó khăn:

- Nhiều thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sương muối, rét đậm, rét hại,… làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp.

- Môi trường nóng ẩm → sâu bệnh phát triển gây ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nông sản.

Câu 15: Tại sao mùa hè ở nước ta vẫn phát triển được các sản phẩm công nghiệp cận nhiệt và ôn đới?

Trả lời:

- Trong mùa hè ở nước ta vẫn phát triển được các sản phẩm nông nghiệp cận nhiệt đới và ôn đới, vì: khí hậu có sự phân hoá theo độ cao nên trên những vùng núi cao của nước ta sẽ hình thành các vành đai cận nhiệt và ôn đới ngay cả trong mùa hè. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các nông sản có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.

- Ví dụ: các sản phẩm nông nghiệp cận nhiệt đới và ôn đới như bắp cải, su su, súp lơ, cà chua,... ở Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo,...

Câu 16: Chứng minh khí hậu nhiệt đới gió mùa đã ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta?

Trả lời:

- Tính chất nhiệt đới:

+ Nhiệt độ không khí trung bình năm: lớn hơn 20oC và tăng dần từ bắc vào nam.

+ Số giờ nắng đạt từ 1 400 – 3 000 giờ/năm, cán cân bức xạ từ 70 – 100 kcal/cm2/năm.

→ Ảnh hưởng: tạo nên một nền nông nghiệp nhiệt đới có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

- Tính chất nhiệt đới, ẩm: với lượng nhiệt, ẩm dồi dào.

→ Ảnh hưởng: sản xuất nông nghiệp tiến hành quanh năm, tăng vụ, tăng năng suất.

- Tính chất gió mùa: miền Bắc có mùa đông lạnh, miền nam có hai mùa mưa và khô:

→ Ảnh hưởng:

+ Miền Bắc: phát triển các sản phẩm nông nghiệp cận nhiệt và ôn đới.

+ Miền Nam: phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới.

Câu 17: Dựa vào những kiến thức đã học hoặc đã tìm hiểu, kể tên 3 biểu hiện của biến đổi khí hậu.

Trả lời:

3 biểu hiện của biến đổi khí hậu:

- Sự nóng lên toàn cầu.

- Mực nước biển dâng.

- Gia tăng các hiện tượng thiên nhiên cực đoan như băng tan, lũ lụt, bão,…

Câu 18: Kể tên ít nhất 3 hoạt động của con người có khả năng làm biến đổi khí hậu:

Trả lời:

3 hoạt động của con người có khả năng làm biến đổi khí hậu:

- Đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy.

- Xả rác thải, khói bụi bẩn làm ô nhiễm môi trường nước, không khí.

- Lạm dụng phân bón, hóa chất độc hại trong nông nghiệp làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất và tài nguyên sinh vật.

Câu 19: Nêu những tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn của nước ta:

Trả lời:

* Đối với khí hậu:

- Biến đổi về nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm ở xu thế tăng trên phạm vi cả nước với mức tăng trung bình toàn quốc là 0,98oC (từ 1958 – 2018)

- Biến đổi về lượng mưa: tính trung bình trên cả nước tổng lượng mưa năm có sự biến động trong thời kỳ từ 1958 đến 2018.

- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan: mưa lớn, bão, rét đậm, rét hại, hạn hán.

- Số ngày nắng nóng tăng; số ngày rét đậm, rét hại có biện động mạnh; số cơn bão mạnh lên, mùa mưa có nhiều trận mưa lớn, kéo dài và gây ra lũ quét, ngập lút.

→ Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

* Đối với thủy văn:

- Do tổng lượng mưa trung bình năm có sự biến động làm lưu lượng nước sông cũng biến động theo.

- Sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa lũ và mùa cạn gia tăng.

+ Mùa lũ: số ngày mưa lớn gia tăng nên tình trạng lũ quét ở vùng núi và ngập lụt ở vùng đồng bằng ngày càng nghiêm trọng hơn.

+ Mùa cạn: lưu lượng nước giảm, gia tăng tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất ở các địa phương.

Câu 20: Nêu nguyên nhân biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Trả lời:

- Do nhu cầu sinh hoạt và lao động của con người đang lạm dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Lượng khí thải lớn từ ô tô, xe máy, các nhà máy, khu công nghiệp tăng cao trong những năm gần đây.

- Sự thay đổi quỹ đạo của Trái Đất và quá trình kiến tạo ảnh hưởng đến địa hình Việt Nam.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay