Câu hỏi tự luận Kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức bài 11: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc

Bộ câu hỏi tự luận  kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận  bài 11: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức.

BÀI 11: QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC

(16 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm quyền bình đẳng giữa các dân tộc?

Trả lời:

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được hiểu là các dân tộc trong một quốc gia không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ văn hoá, không phân biệt chủng tộc, màu da... đều được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ và tạo điểu kiện phát triển như nhau.

Câu 2: Nêu biểu hiện của quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế?

Trả lời

- Về chính trị: Các dân tộc đều có quyền, có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, tham gia vào việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

- Về kinh tế:

+ Các dân tộc được Đảng, Nhà nước bảo đảm và tạo mọi điều kiện để có cơ hội phát triển về kinh tế.

+ Ngoài việc ban hành đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, tạo các điều kiện phát triển tốt nhất cho vùng dân tộc thiểu số và miễn núi, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.

+ Bên cạnh đó, các dân tộc thiểu số và miền núi cần phát huy nội lực, tự vươn lên làm giàu, cùng phát triển với đất nước.

Câu 3: Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Về văn hoá. giáo dục:

- Các dân tộc được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để mỗi dân tộc gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

- Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết riêng.

- Những phong tục, tập quán, truyền thông và văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc được giữ gìn, khôi phục, phát huy.

- Các dân tộc bình đẳng về cơ hội học tập, trong tiếp cận, thụ hưởng các giá trị văn hoá, giáo dục, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau trong phát triển giáo dục.

Câu 4: Nêu 3 ví dụ chứng tỏ Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa các dân tộc?

Trả lời:

Ví dụ:

- Hiến pháp 2013, điều 16 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...

- Nhà nước dành nguồn đầu tư tài chính để mở mang hệ thống trường, lớp ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và miền núi; có chính sách học bổng và ưu tiên con em đồng bào dân tộc vào học các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Theo em, quyền bình đẳng của giữa các dân tộc có ý nghĩa gì đối với đời sống con người và xã hội?

Trả lời:

Ý nghĩa:

- Bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở của đoàn kết giữa các dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc sẽ tạo điều kiện để mỗi dân tộc có cơ hội phát triển, phát huy những điểm tích cực, những yếu tố đạo đức, văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.

- Nêu cao ý thức, trách nhiệm đối với quê hương đất nước; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; động viên, phát huy các nguồn lực của các dân tộc khác nhau cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

- Thực hiện tốt quyền bình đẳng giữa các dân tộc là thực tiễn sinh động đề đấu tranh chống lại các hành vi xuyên tạc chính sách dân tộc của các thế lực thù địch không có thiện chí với đất nước ta.

Câu 2: Nêu hậu quả của việc các dân tộc trong đất nước không thực hiện quyền bình đẳng?

Trả lời:

- Xuất hiện sự bất bình đẳng kinh tế, xã hội phân hoá giàu – nghèo rõ rệt.

- Sự bóc lột của tầng lớp trên với tầng lớp dưới, phân biệt giai cấp, dân tộc là nguyên nhân gây ra các cuộc đấu tranh cách mạng ® Ảnh hưởng về chính trị, dẫn đến sự sụp đổ của các nhà nước.

- Gây cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển của đất nước khi trình độ văn hoá – giáo dục mất cân bằng, gia tăng khoảng cách và cơ hội phát triển giữa các dân tộc.

Câu 3: Tại sao để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, Nhà nước cần quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp?

Trả lời:

- Ở nước ta hiện nay, giữa các dân tộc vẫn tồn tại sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, xã hội ® Việc thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế giữa các dân tộc có một khoảng cách nhất định.

- Tương trợ, giúp nhau cùng phát triển là xu hướng tất yếu và khách quan trong quan hệ giữa các dân tộc. Nhà nước ta quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp để rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiến kịp trình độ chung của đất nước.

 

3. VẬN DỤNG (7 câu)

Câu 1: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây?

  1. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được xây dựng dựa trên cơ sở quyền tự do, dân chủ của công dân.
  2. Bình đẳng giữa các dân tộc là điều kiện để khắc phục sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển.
  3. Thực hiện quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc là nghĩa vụ của người trên 18 tuổi.
  4. Nội dung của quyền bình đẳng giữa các dân tộc về văn hóa là các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình.

Trả lời:

  1. Đồng tình vì vì dựa trên các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân mà Nhà nước xây dựng những quyền khác nhau.
  2. Đồng tình vì bình đẳng giữa các dân tộc là bàn đạp, điều kiện để giảm thiểu khoảng cách giữa các dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,...
  3. Không đồng tình vì bất kì ai, dù ở độ tuổi nào cũng đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
  4. Đồng tình vì dùng tiếng nói, chữ viết của mình là hành động góp phần gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc.

Câu 2: Nhận xét về hành vi của nhân vật, tổ chức trong các trường hợp sau:

  1. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, anh V xung phong xin về dạy ở một tỉnh miền núi để đem con chữ đến với các em nhỏ nơi đây.
  2. Anh K biết một số bạn trong nhóm đăng thông tin trái quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc nhưng vẫn im lặng như không biết.

Trả lời:

  1. Hành động của anh V góp phần thể hiện sự bình đẳng về giáo dục, đem đến cơ hội học tập, tiếp cận các chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao trình độ học vấn của con em các dân tộc ít người.
  2. Hành vi của anh K là không đúng vì việc đăng tin trái phép có thể gây ảnh hưởng đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Anh cần phải nói chuyện với các bạn trong nhóm mình để họ hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền bình đẳng này. Nếu không, các bạn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tung tin đồn thất thiệt.

Câu 3: Em hãy đánh giá hành vi của các nhân vật trong trường hợp sau

Anh A và chị B quen nhau được một thời gian và hai người quyết định tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, gia đình anh A phản đối vì cho rằng chị B là người dân tộc thiểu số. Gia đình còn yêu cầu anh A phải tìm người phù hợp để kết hôn. Biết được thông tin, cán bộ xã nơi anh A sinh sống đã tiếp xúc và giải thích cho gia đình anh về vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc, không được cản trở hôn nhân tiến bộ. Sau khi được giải thích, gia đình anh A đã hiểu và đồng ý cho hai anh chị kết hôn.

 Trả lời:

- Việc làm của gia đình anh A là không đúng, thể hiện sự lạc hậu, phân biệt trong suy nghĩ và hành động đối với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sau khi được giải thích về vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc, gia đình anh đã có thái độ hợp tác, sẵn sàng tìm hiểu và chấp nhận cho hai anh chị kết hôn.

- Việc làm của cán bộ xã nơi anh A sinh sống là biện pháp tích cực, góp phần thúc đẩy bình đẳng dân tộc, làm thay đổi tư tưởng và nhận thức của một bộ phận dân cư nhất định.

Câu 4: Em hãy cho biết việc thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống con người và xã hội trong trường hợp sau

Nhằm góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, phát triển văn hóa các dân tộc, chính quyền huyện A đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về bình đẳng giữa các dân tộc. Huyện đã xây dựng mới trường phổ thông dân tộc nội trú ở trung tâm để thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện A cũng tiến hành lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội đặc sắc của địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

 Trả lời:

- Việc thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự cân bằng và ổn định trong đời sống xã hội.

- Trong trường hợp trên, chính quyền huyện A đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư vào giáo dục, văn hóa để củng cố khối đoàn kết, nâng cao trình độ dân trí và gìn giữ giá trị truyền thống của các dân tộc.

+ Xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn ® Tăng cường khả năng cạnh tranh và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

+ Lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội nhằm mục đích lưu giữ, không để các truyền thống bị mai một. Đồng thời cũng góp phần quảng bá, đưa các giá trị văn hoá dân tộc đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Câu 5:  Huyện X có nhiều đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết với nhau. Gần đây, xuất hiện một số phần tử có hành vi kích động chia rẽ khiến cho bà con các dân tộc hiểu lầm, mâu thuẫn với nhau. Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh X sau một thời gian điều tra, theo dõi đã tìm được thủ phạm. Kẻ chủ mưu và đồng bọn đã bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhận xét về hành vi của các phần tử trong trường hợp trên. Theo em, hành vi đó có thể bị xử lí như thế nào?

Trả lời:

- Hành vi của các phần tử trong trường hợp trên là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến sự bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc.

- Theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (trích), hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Câu 6: Xuân và Mai là đôi bạn thân cùng thi vào một khoa của trường Đại học Ngoại thương. Hai bạn có số điểm thi bằng nhau. Xuân đã đậu nguyện vọng 1 vì là người dân tộc thiểu số, còn Mai thì không.

  1. Theo em, điều đó có trái với nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không? Vì sao?
  2. Nêu ý nghĩa chính sách của Nhà nước?

Trả lời:

  1. Việc Xuân đỗ nguyện vọng 1 vì là người dân tộc thiểu số, còn Mai bị trượt không trái quy định của pháp luật vì:

- Xuân là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định tại điều 7 quy chế tuyển sinh Đại học và cao đẳng: Công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thuộc nhóm ưu tiên 1, cộng 2 điểm.

- Còn Mai không phải là con em người dân tộc thiểu số nên không được hưởng chính sách ưu tiên.

  1. Ý nghĩa:

- Chính sách của nhà nước nhằm mục đích khắc phục sự chênh lệch, rút ngắn khoảng cách,… giữa con em đồng bào dân tộc thiểu số với các bạn đồng trang lứa.

- Tạo khối đại đoàn kết dân tộc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để theo kịp trình độ chung.

Câu 7: Tỉnh H thực hiện nhiều chính sách nhằm xoá bỏ khoảng cách, đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên địa bàn như: chính sách xoá đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ học tập, phát triển văn hoá dân tộc,… Qua năm năm thực hiện, các chính sách của tỉnh H đã góp phần giúp đỡ đồng bào các dân tộc phát triển, tiêu biểu có hơn 90% dân số biết chữ, nhiều con em gia đình có cơ hội được học lên cao hơn,… đem lại những kết quả tích cực về kinh tế, văn hoá, xã hội: tỉ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, nhiều nghi lễ, hoạt động văn hoá được bảo tồn và phát triển,…

Nhận xét và cho biết những chính sách trên đã đem lại lợi ích gì cho sự phát triển của tỉnh H?

Trả lời:

- Những chính sách của tỉnh H là vô cùng đúng đắn và kịp thời, thể hiện quyền bình đẳng của công dân trong các vấn đề đời sống, con người và xã hội.

- Lợi ích:

+ Giáo dục: hơn 90% dân số biết chữ, nhiều con em gia đình có cơ hội được học lên cao hơn,…

+ Kinh tế: tỉ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng,…

+ Xã hội: nhiều nghi lễ, hoạt động văn hoá được bảo tồn và phát triển,…

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Phân biệt chủng tộc là gì? Nêu hiểu biết của em về hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc trên thế giới.

Trả lời:

- Phân biệt chủng tộc là đối xử phân biệt các loại người theo màu da, dòng dõi hay nguồn gốc dân tộc, nhằm mục đích hủy bỏ hay gây tổn hại cho việc thừa nhận, hưởng thụ, thực hiện quyền con người một cách bình đằng trong các lĩnh vực.

- Hậu quả:

+ Gây ảnh hưởng lớn đến tâm lí: hoảng loạn, sợ hãi, phẫn nộ,… của những nạn nhân chịu đựng sự phân biệt chủng tộc.

+ Làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm trầm cảm, bệnh tim mạch, tăng huyết áp - hơn 40% người da màu bị huyết áp cao, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

+ Là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình để lại nhiều hệ luỵ đáng tiếc giữa hai sắc tộc da trắng và da màu.

+ Gia tăng sự hỗn loạn trong dân chúng khi mối đe doạ về những cuộc bạo động, hỗ loạn luôn có nguy cơ bùng phát trở lại.

Câu 2: Vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào Cách mạng vô sản Nga V.I.Lê-nin từng nhấn mạnh “Chúng ta đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối về mặt quyền lợi cho tất cả các dân tộc trong quốc gia và sự bảo vệ vô điều kiện các quyền lợi của mọi dân tộc ít người”. Giải thích ý nghĩa câu nói trên.

Trả lời:

Câu nói của V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh việc bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc ít người. Dù là ai, ở địa vị, điều kiện hay hoàn cảnh nào đều có quyền được pháp luật bảo vệ. Bình đẳng tuyệt đối ở đây có nghĩa là không phân biệt đa số hay thiểu số, sinh sống ở đồng bằng hay miền núi,… đều được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, tạo điều kiện phát triển như nhau.

Như vậy, bình đẳng dân tộc gắn với việc bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người, V.I.Lênin còn phản đối bất cứ đặc quyền nào dành riêng cho một dân tộc: “Không có một đặc quyền nào cho bất cứ dân tộc nào, mà là quyền bình đẳng hoàn toàn của các dân tộc.”

 

=> Giáo án kinh tế pháp luật 11 kết nối Bài 11: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay