Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 cánh diều Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 1. TÂY ÂU TỪ THẾ KỶ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 1)

Câu 1: Em hãy trình bày nguồn gốc của người Giéc-man?

Trả lời:

- Nguồn gốc của người Giéc-man:

+ Các bộ tộc người Giéc-man có nguồn gốc từ Bắc Âu, đến sinh sống ở ngoài cương giới của đế quốc La Mã, thường liên minh với nhau để xâm chiếm đất đai của người La Mã.

+ Trước đó, họ đang trong thời kì nguyên thủy nên người La Mã gọi họ là “man tộc”.

Câu 2: Những điều kiện để các thương nhân châu Âu thực hiện các cuộc phát kiến địa lí từ thế kỉ XV là gì?

Trả lời:

Những điều kiện để các thương nhân châu Âu thực hiện các cuộc phát kiến địa lí từ thế kỉ XV:

+ Khoa học – kĩ thuật có những bước tiến đáng kể: tiêu biểu về địa lí, về đại dương, sử dụng la bàn.

+ Kĩ thuật đóng tàu có những bước tiến mới: tàu có bánh lái, có hệ thống buồm lớn, có sàn và boong để có thể đặt đại bác. Ca-ra-ven đã trở thành loại tàu vượt đại dương đầu tiên trong lịch sử thế giới.

 

Câu 3: Vì sao có sự xuất hiện của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Trả lời:

Sở dĩ có sự xuất hiện phong trào Văn hóa Phục hưng vì:

- Từ cuối thế kỉ XIII, tình hình kinh tế – xã hội Tây Âu có nhiều biến đổi. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện.

- Trong khi đó, hệ tư tưởng của giáo hội và giai cấp quý tộc phong kiến đã trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển của xã hội.

- Giai cấp tư sản mới hình thành, có thế lực về kinh tế nhưng lại không có thế lực về chính trị.

- Giai cấp tư sản không chấp nhận những giáo lí lỗi thời, muốn xây dựng nền văn hóa mới đề cao giá trị con người và quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học – kĩ thuật,... để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Câu 4: Em hãy cho biết sự kiện nào khởi đầu cho phong trào Cải cách tôn giáo?

Trả lời:

Sự kiện khởi đầu cho phong trào Cải cách tôn giáo: ngày 31/10/1517 Mác-tin Lu-thơ đã dán Luận văn 95 điều do ông viết lên cổng Trường Đại học Vít-ten-bớt (Đức) – nơi ông đang là giáo sư dạy môn Thần học. Đây được coi là sự kiện khởi đầu phong trào Cải cách tôn giáo. Từ đó, tư tưởng của Mác-tin Lu-thơ trở thành nguyên lí nền tảng cho phong trào Cải cách tôn giáo.

Câu 5: Em có nhận xét gì về tuyến đường thương mại Cô-lôm-bi-a?

Trả lời:

Sau các cuộc phát kiến địa lí, tuyến đường thương mại Cô-lôm-bi-a (đặt theo tên của C.Cô-lôm-bô) xuất hiện giữa châu Âu và châu Mỹ. Đây là một trong những tuyến đường buôn bán đem lại cho thương nhân châu Âu nguồn nhuận lớn, góp phần hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu.

Câu 6: Hãy trình bày khái quát sự hình thành, phát triển của lãnh địa và thành thị Tây Âu thời trung đại.

Trả lời:

  • Lãnh địa:

Đến thế kỉ IX, trên cơ sở những vùng đất rộng lớn của các lãnh chúa, các lãnh địa phong kiến ở Tây Âu hình thành. Lãnh địa là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở Tây Âu. Trong lãnh địa, lãnh chúa xây dựng pháo đài kiên cố, dinh thự, nhà thờ,... với hào sâu và tường bao quanh, xung quanh là đất canh tác, đồng cỏ, ao hồ, rừng, khu nhà ở của nông nô. Mỗi lãnh chúa có một lãnh địa riêng, toàn quyền cai quản như một vị vua.

  • Thành thị

Từ khoảng cuối thế kỉ XI, do sản xuất phát triển, ở Tây Âu đã xuất hiện những tiền đề của nền kinh tế hàng hoá gắn liền với hoạt động sản xuất của thợ thủ công và buôn bán của thương nhân. Thợ thủ công và thương nhân đến những nơi thuận lợi về giao thông, có đông người qua lại để mở xưởng. cửa hàng. Các thị trấn, thị tử hình thành rồi dần phát triển thành các thành thị. Thành thị có phố xá, bến cảng, rạp hát, nhà thờ....

Câu 7: Các cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV đã tác động đến lĩnh vực giao thông và tri thức con người như thế nào?

Trả lời:

- Các cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV đã tác động đến lĩnh vực giao thông và tri thức con người:

+ Các cuộc phát kiến địa lí đã giúp con người hình dung được hình ảnh chính xác về hành tinh, về bề rộng và hình thái Trái Đất.

+ Nó giúp con người mở ra con đường mới, thị trường mới, vùng đất mới, dân tộc mới. Từ đó, thúc đẩy hàng hải quốc tế phát triển,

+ Nó chấm dứt thời kì cách biệt Đông – Tây, mở ra giai đoạn mới trong giao lưu quốc tế giữa các quốc gia và các nền văn minh, văn hóa khác nhau.

+ Phát kiến địa lí đã đáp ứng được yêu cầu khách quan đặt ra cho nó. Góp phần đem lại cho các triều đình và thương nhân châu Âu những hàng hóa, nguyên liệu vô cùng quý giá, nhiều vàng bạc, châu báu, thúc đẩy công thương nghiệp châu Âu phát triển.

+ Phát kiến địa lí đã làm nảy sinh nạn buôn bán nô lệ da đen và mở ra thời kì xâm chiếm, cướp bóc thuộc địa ở châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Á, mở đầu cho sự ra đời của chủ nghĩa thực dân.

+ Gồm đội quân lao động làm thuê cho chủ tư bản.

+ Trong thời gian đầu, họ đi theo giai cấp tư sản để làm cách mạng chống chế độ phong kiến lỗi thời. Sau này, họ bị giai cấp tư sản bóc lột, họ lại đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.

Câu 8: Em hãy cho biết những biến đổi quan trọng về kinh tế ở Tây Âu thế kỉ XIII-XVI?

Trả lời:

Biến đổi quan trọng về kinh tế ở Tây Âu thế kỉ XIII-XVI:

- Từ thế kỉ XIII, thành thị càng có vai trò là những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Tây Âu.

- Nhiều xưởng sản xuất với quy mô lớn, các công ty thương mại xuất hiện tập trung chủ yếu ở thành thị.

- Những tầng lớp mới xuất hiện trong xã hội: chủ xưởng, thương gia, chủ ngân hàng

- Họ có nhu cầu xây dựng một hệ tư tưởng và văn hóa mới vì họ có thế lực nhưng lại chưa có địa vị xã hội tương ứng. Do vậy họ ủng hộ và bảo trợ cho những tư tưởng mới trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật.

 

Câu 9: Đi đầu trong phong trào Cải cách tôn giáo là những nước nào? Nêu cuộc Cải cách tiêu biểu?

Trả lời:

- Đi đầu trong phong trào Cải cách tôn giáo là Đức, Thụy Sĩ sau đó đến Bỉ, Hà Lan, Pháp, Anh.

- Tiêu biểu là cuộc Cải cách tôn giáo của Mác-tin Lu-thơ ở Đức và của Giăng Can-Vanh ở Thụy Sĩ.

Câu 10: Hiện tượng “Cừu ăn thịt người” là gì?

Trả lời:

- Hiện tượng “Cừu ăn thịt người”: vào khoảng thế kỉ XV – XVI khi nhu cầu lông cừu tăng cao, nhiều địa chủ và quý tộc Anh đã chuyển sang nuôi cừu để lấy lông bán nhằm thu lợi nhuận. Họ cướp ruộng đất của nông dân, lập các đồng cỏ chăn nuôi cừu. Vì thế người nông dân bị mất đất, thất nghiệp và phải bán sức lao động. Hiện tượng trên được Tô-mát Mo-rơ gọi là “Cừu ăn thịt người”.

 

Câu 11: Nếu sống ở thời kì phong kiến Tây Âu, em sẽ lựa chọn cuộc sống trong lãnh địa hay trong các thành thị”? Vì sao?

Trả lời:

Nếu sống ở thời kì phong kiến Tây Âu, em sẽ lựa chọn cuộc sống trong thành thị. Vì các hoạt động ở thành thị phát triển năng động hơn, phát triển theo hướng kinh tế hàng hoá.

Câu 12: Năm 1487 là cuộc phát kiến địa lí nào trên thế giới?

Trả lời:

Năm 1487 là cuộc phát kiến địa lí của một hiệp sĩ hoàng gia người Bồ Đào Nha:

- B. Đi-a-xơ, một hiệp sĩ hoàng gia người Bồ Đào Nha đã dẫn đầu đoàn thám hiểm bị gặp bão.

- Cơn bão đã thổi bật họ xuống phía nam và bất ngờ đi tới mũi cực Nam châu Phi.

- Ban đầu ông đặt tên cho vùng đất này là mũi Bão Táp, sau đó đổi thành mũi Hảo Vọng.

 

Câu 13: Phong trào Văn hóa Phục hưng diễn ra đầu tiên ở thành phố nào?

Trả lời:

Phong trào Văn hóa Phục hưng diễn ra đầu tiên ở thành phố Phờ-lo-ren (I-ta-li-a) thế kỉ XIV sau đó lan rộng ra khắp Tây Âu trong các thế kỉ XV- XVII.

Câu 14: Hoàn thiện nội dung về phong trào cải cách tôn giáo qua bảng sau:

Phong trào cải cách tôn giáo

Nguyên nhân

Diễn biến

Đặc điểm

 

Trả lời:

Phong trào cải cách tôn giáo

Nguyên nhân

- Thời trung đại, Thiên Chúa giáo là chỗ dựa vững chắc nhất của chế độ phong kiến, chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội châu Âu.

- Đầu thế kỉ XVI, giáo hội Thiên Chúa giáo ngày càng có xu hướng cản trở sự phát triển của giai cấp tư sản Tây Âu.

- Nhiều Giáo hoàng và Giám mục quá quan tâm đến quyền lực và đặt ra những nghi lễ tốn kém. – Nhu cầu của giai cấp tư sản và các tầng lớp nhân dân là cần có một giáo hội mới với một hệ thống giáo lí mới phù hợp với thời đại mới.

- Giai cấp tư sản đang phát triển coi giáo hội và giáo lí là lạc hậu, cản trở bước tiến của họ nên họ đòi thay đổi tổ chức giáo hội đó, từ đó phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ.

Diễn biến

- Diễn ra khắp các nước Tây Âu. Đi đầu là Đức, Thụy Sĩ sau đó Bỉ, Hà Lan, Anh.

- Nổi tiếng nhất là cuộc cải cách của Lu-thơ ở Đức và của Can-vanh tại Thụy Sĩ.

Đặc điểm

- Không thủ tiêu tôn giáo, dùng những biện pháp ôn hòa để nguyên thủy.

- Đòi thủ tiêu vai trò của Giáo hội, Giáo hoàng, đòi bãi bỏ các thủ tục và nghi lễ phiền toái.

Câu 15: Sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản bản chủ nghĩa trong lòng xã hội phong kiến dẫn đến hệ quả tất yếu nào? Vì sao?

Trả lời:

Sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng xã hội phong kiến dẫn đến hệ quả tất yếu là phá vỡ nền sản xuất phong kiến, tự cung tự cấp. Xã hội hình thành nên hai giai cấp là tư sản và vô sản. Vì đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa.

 

Câu 16: Hãy đóng vai một người nông nô (hoặc một lãnh chúa), kể lại công việc và cuộc sống hằng ngày của mình trong lãnh địa.

Trả lời:

  • Đóng vai là lãnh chúa:

Ta là lãnh chúa Sác lơ Mác Ten người đứng đầu của vùng đất Phơ răng rộng lớn. Dưới thời của ta, vương quốc Phơ răng ngày một cường thịnh. Sau các cuộc chinh chiến, chiến tranh với những lãnh chúa gần xa, ta đã thu về rất nhiều chiến lợi phẩm đất đai, và nô lệ. Ta xây dựng nên những pháo đài kiên cố, có hào sâu, tường cao bao quanh. Trong pháo đài có dinh thự, nhà kho, chuồng trại,... Ở xung quanh lại có đất canh tác, đồng cỏ, ao hồ, khu ở của nông nô,... Ta cho nông nô thuê ruộng đất của ta để cày cấy và chúng phải nộp tô thuế cho ta. Ngoài ra, ta còn bắt bọn cúng nộp cho ta 1/2 số tài sản của chúng và nhiều thứ thuế khác. Ta không cần biết những thứ thuế đó vô lí tới mức nào, ta chỉ cần biết ta rất giàu có. Hàng ngày, ta luyện tập cung kiếm, cưỡi ngựa hoặc tổ chức tiệc ở trong những lâu đài nguy nga, tráng lệ, mặc kệ bọn nông nô làm việc. Chúng chỉ là những kẻ bần tiện phải cống hiến hết mình vì ta, đấy chính là nghĩa vụ của chúng.

Câu 17: Trình bày hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí?

Trả lời:

- Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí:

+ Mở ra con đường mới, đó là con đường biển để thương nhân các nước Tây Âu đi đến các nước ở phương Đông và Ấn Độ dễ dàng hơn.

+ Các cuộc phát kiến địa lí đã tìm ra vùng đất mới, thúc đẩy hàng hải quốc tế phát triển, tạo điều kiện mở rộng thị trường ở các nước nhằm tiêu thụ hàng hóa của các nước Tây Âu.

+ Các cuộc phát kiến địa lí đã đem lại cho châu Âu khối lượng lớn vàng bạc, nguyên liệu; thúc đẩy nền sản xuất và thương nghiệp ở đây phát triển.

+ Các cuộc phát kiến địa lí đã làm nảy sinh nạn buôn bán nô lệ da đen và quá trình xâm chiếm, cướp bóc thuộc địa, dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa thực dân.

Câu 18: Hãy mô tả về sự nở rộ các tài năng của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Trả lời:

- Sự nở rộ các tài năng của phong trào Văn hóa Phục hưng:

+ M.Xéc-van-téc là một nhà văn lớn của Tây Ban Nha với tác phẩm nổi tiếng là Đôn Ki-hô-tê.

+ W. Sếch-xpia người Anh là nhà viết kịch vĩ đại thời văn học Phục hưng với nhiều vở kịch nổi tiếng như: Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Hăm-lét, Ô-téc-lô,...

+ Lê-ô-na đờ Vanh-xi, người I-ta-li-a là một họa sĩ thiên tài, để lại nhiều kiệt tác cho nhân loại như: Bữa ăn tối cuối cùng, Nàng La Giô-công-đơ,...

+ N. Cô-péc-ních (người Ba Lan), đã chứng minh rằng Trái Đất quay quanh trục của nó và quay xung quanh Mặt Trời nhưng bị giáo hội cấm lưu hành.

+ G. Ga-li-lê (người I-ta-li-a) công bố học thuyết Trái Đất quay mà bị bỏ tù khi ông đã 70 tuổi. Dù vậy, khi bị kết án, ông vẫn tuyên bố: “Dù sao Trái Đất vẫn quay”.

Câu 19: Tại sao việc nhà thờ bán "thẻ miễn tội" lại châm ngòi cho phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ?

Trả lời:

Việc nhà thờ bán "thẻ miễn tội" lại châm ngòi cho phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ bởi lẽ đối với một bộ phận người dân đây là một hành động kiếm tiền trắng trợn, là trò lừa bịp của Giáo hội. Theo Giáo hội, "thẻ miễn tội" có thể xoá bỏ mọi "tội lỗi" cho con người, điều này đi ngược lòng tin vào Chúa Trời của mọi người. Mọi người tin rằng số phận con người do Chúa quyết định, chỉ cần lòng tin vào Chúa là sẽ được cứu vớt, tốn kém cũng không cần thiết, việc bỏ ra một ít tiền mua thẻ miễn tội không giải quyết được gì. Đây là một hành động chỉ nhằm để chuộc lợi của Giáo hội.

Câu 20: Trình bày những điều kiện để hình thành chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.

Trả lời:

Những điều kiện để hình thành chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu:

- Quá trình nảy sinh chủ nghĩa tư bản gắn với việc tích lũy vốn và hình thành đội ngũ nhân công làm thuê.

- Vốn có trong các cuộc phát kiến địa lí:

+ Sau các cuộc phát kiến địa lí, giới quý tộc và thương nhân châu Âu đẩy mạnh cướp bóc của cải, tài nguyên từ các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ đem về châu Âu.

+ Nhờ đó, quý tộc và thương nhân châu Âu giàu lên nhanh chóng.

-  Đội ngũ công nhân làm thuê:

+ Ở trong nước, quý tộc và thương nhân châu Âu dùng bạo lực và nhiều thủ đoạn để tước đoạt ruộng đất của nông dân, tư liệu sản xuất của thợ thủ công.

+ Hàng triệu người da đen ở châu Phi bị bắt để bán cho các chủ đồn điền, hầm mỏ ở châu Âu, châu Mỹ làm công nhân.

+ Tại châu Âu, nhất là ở nước Anh, do phong trào “rào đất cướp ruộng”, hàng vạn nông nô không có ruộng đất cày cấy, họ trở thành những người đi lang thang, cuối cùng buộc phải vào làm thuê trong các công xưởng của tư sản.

- Qua việc cướp bóc từ các cuộc phát kiến địa lí và tước đoạt ruộng đất của nông nô cũng như bắt nô lệ từ châu Phi, giai cấp tư sản đã tích lũy được nguồn vốn ban đầu và tập hợp được đội ngũ đông đảo những người làm thuê. Từ đó, họ ra sức mở rộng kinh doanh, lập các công trường thủ công, những đồn điền quy mô lớn và các công ty thương mại. Hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa xuất hiện.

- Lúc này, ở châu Âu thời trung đại, xã hội phong kiến vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, ngay trong lòng xã hội phong kiến đó lại diễn ra quan hệ sản xuất giữa chủ (chủ các công trường thủ công, đồn điền),... với những người làm thuê. Đó chính là sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Như vậy, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay