Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 6: Độc Tiểu Thanh kí

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận  bài 6: Độc Tiểu Thanh kí. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 6: NGUYỄN DU – “NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG”

VĂN BẢN 3: ĐỘC TIỂU THANH KÍ
(11 câu)

  1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Nêu những hiểu biết của em về bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”

Trả lời:

- “Độc Tiểu Thanh kí” là một trong những bài thơ chữ Hán đặc sắc nhất của Nguyễn Du. Về thời điểm sáng tác, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm được đa số tán thành cho rằng bài thơ được làm khi tác giả ở trong nước và đọc được câu chuyện về Tiểu Thanh.

- Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Bản gốc chữ Hán của bài thơ hiện chưa truy khảo được. Văn bản được sưu tầm từ nguồn tư liệu của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, sau đó được các nhà biên soạn sách xếp vào Thanh Hiên thi tập.

 

Câu 2: Hai câu kết bài “Độc Tiểu Thanh kí” tác giả viết về ai?

Trả lời:

Hai câu kết tác giả viết về nỗi niềm của chính mình.

 

Câu 3: Chủ đề của bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” là gì?

Trả lời:

Chủ đề: Niềm thương cảm sâu xa với người phụ nữ tài hoa nhưng bất hạnh và bộc lộ tâm trạng u uất trước những bất công của cuộc đời.

Câu 4: Tác giả đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên nào để bày tỏ tâm trạng?

Trả lời:

Tác giả đã sử dụng hình ảnh thơ đối lập giữa quá khứ và hiện tại: “Tây Hồ hoa uyển” (vườn hoa bên Tây Hồ) với “thành khư” (gò hoang). Cùng với đó, động từ “tẫn” nhằm thể hiện sự triệt để đến cùng của sự vật. Từ đó, câu thơ đã gợi ra một nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại: Vườn hoa bên Tây Hồ xưa kia nay đã thành bãi đất hoang, không có sự sống.

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật trong “Đọc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du.

Trả lời:

* Giá trị nội dung:

- Bài thơ có sự vận động, phát triển trong mạch cảm xúc từ việc đọc truyện "xót xa, thương tiếc cho nàng Tiểu Thanh tài sắc mà bạc mệnh" mà tác giả đã suy nghĩ, tri âm với số phận những người tài hoa, tài tử và thương cho số phận của chính bản thân mình. Bởi ông cũng nhìn thấy được tương lai của mình - một con người tài hoa nhưng cuộc đời chông chênh, gập ghềnh, vất vả.

- Nguyễn Du xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh- một hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, mất trong nỗi cô đơn, buồn tủi; đồng thời cũng là sự cảm thương cho những kiếp hồng nhan, tài tử nói chung trong xã hội.

- Với cảm hứng tự thương và sự tri âm sâu sắc, Nguyễn Du đã đặt ra vấn đề về quyền sống của người nghệ sĩ. Những con người ấy cần phải được trân trọng, tôn vinh vì chính những giá trị tinh thần lớn lao mà họ đã mang đến cho nhân loại chứ không phải là sự chà đạp, vùi dập cho đến chết.

* Giá trị nghệ thuật:

 - Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí kết hợp với giọng điệu buồn thương, cảm thông, chia sẻ đã khiến cho bài thơ không chỉ là sự đồng cảm với số phận của nàng Tiểu Thanh nói riêng, những con người tài hoa, tài tử mà bất hạnh nói chung mà đó còn là lời tâm sự của chính Nguyễn Du về cuộc đời của mình.

 - Sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những hình ảnh đối lập trong hình ảnh, ngôn từ.

 

Câu 2: Nêu vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài “Đọc Tiểu Thanh kí”.

Trả lời:

- Hai câu đề -tả cảnh để kể việc: từ quang cảnh hoang phế ở Tây hồ, người đọc liên tưởng tới cuộc đời thay đổi, từ đó làm nảy sinh cảm xúc của nhà thơ.

- Hai câu thực: suy ngẫm của tác giả về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh qua hình ảnh son phấn và văn chương.

- Hai câu luận: liên hệ thân phận của nàng Tiểu Thanh với những bậc văn nhân tài tử trong đó có nhà thơ.

 - Hai câu kết: nhà thơ mong mỏi sự đồng cảm của người đời sau.

Từng phần, đoạn đều nằm trong cảm hứng chung của tác phẩm: sự xót thương và cảm thông của tác giả, từ đó suy ngẫm tới thân phận mình.

Câu 3: Câu: “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” trong bài “Đọc Tiểu Thanh kí” có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?

Trả lời:

Nỗi hờn kim cổ: mối hận của người xưa và người thời nay (cùng thời với Nguyễn Du) những người phụ nữ hồng nhan thường hay bạc mệnh.

       + Đó còn là nỗi hận của những người có tài năng thơ phú như tác giả

   – Tác giả nêu ra một thông lệ rằng: những người tài hoa thường hay bạc mệnh (chữ tài gần với chữ tai một vần).

       + Nỗi hận không chỉ riêng phận bạc Tiểu Thanh mà còn là nỗi hận của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Du…

       + Nỗi hận kéo dài cả trăm năm, không thay đổi, mãi là câu hỏi không lời đáp, ông trời cũng không có câu trả lời.

   – Thể hiện sự bất lực của nhà thơ trước những bất công, ngang trái trong cuộc đời.

Sự suy tư của tác giả về sự ngang trái trong cuộc đời: những người tài hoa thường bạc mệnh.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Qua bài “Đọc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ?

Trả lời:

Nguyễn Du thương cảm số phận nàng Tiểu Thanh, người giỏi thơ văn, xinh đẹp nhưng bất hạnh. Nguyễn Du đồng cảm, thương xót cho thân phận người nghệ sĩ.

    + Nàng Tiểu Thanh là người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh

    + Ông đau đớn hỏi “Văn chương không có số mệnh mà bị đốt bỏ”

– Nguyễn Du trân trọng giá trị tinh thần của người nghệ sĩ, từ đó ông cũng bộc lộ niềm thương cảm khi văn chương bị đốt bỏ, bị vùi dập.

Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa thương cảm trước những kiếp người tài hoa bạc mệnh- đây là giá trị nhân bản tiến bộ của Nguyễn Du.

Câu 2: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về hai câu cuối trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”

Trả lời:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Dịch nghĩa:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

( Theo bản dịch của Vũ Tam Tập)

Ở hai câu cuối, xưa nay người ta hiểu: Nguyễn Du sống cách Tiểu Thanh ba trăm năm, vì thế ông mới hỏi, ba trăm năm sau, có ai thương xót ông mà nhỏ lệ. Tác giả như khóc người để thương mình, có lẽ Nguyễn Du như khóc cho nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu. Ba trăm năm là khoảng thời gian xác định nhưng rất dài. Nó là khoảng thời gian đủ để mọi việc lui vào quá khứ cái còn cái mất. Cả câu thơ là hơn ba trăm năm sau liệu trên thế gian này có người nào khóc Tố Như. Ông khắc khoải mong chờ một sự cảm thông của hậu thế. Vậy là từ số phận của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du liên tưởng tới số phận mình. Chiếc gạch nối xuyên thời gian, không gian ấy có ý nghĩa như một yêu cầu phổ quát đặt ra cho mọi dân tộc, mọi thời đại về thái độ nhân hậu, trước hết là sự cảm thông đối với cái đẹp, sự hoàn thiện hoàn mĩ thể chất và tâm hồn con người. Nguyễn Du là con người bị bế tắc, mong được giải thoát mà vẫn không tìm thấy đường ra. “ Khấp” là đến tận cùng của sự đau thương. Khấp là khóc cho Nguyễn Du cũng như bao người tài hoa như ông.

 

Câu 3: Đọc đoạn thơ sau đây trong Truyện Kiều ( từ câu 107 đến 110) và chỉ ra điểm tương đồng với bài Đọc Tiểu Thanh kí

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.

Nỗi niềm tưởng đến mà đau

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?

               (Trích Truyện Kiều)

Gợi ý: Tìm hiểu xem đoạn thơ này viết về nhân vật nào, lời nói trên là của ai. Từ đó tìm ra đề tài mà Nguyễn Du quan tâm trong các sáng tác của ông

Trả lời:

Đoạn thơ trên là lời của Thúy Kiều một cô gái tài sắc mà bạc mệnh. Mượn lời Thúy Thúy Kiều nói về kiếp “ hồng nhan”, “ bạc mệnh” để từ đó Nguyễn Du cất lên tiếng nói quan niệm của mình về cái tài cái mệnh của con người trong xã hội. Khi viết Truyện Kiều ông cũng đã từng nói: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Ông cho rằng cái tài năng của con người luôn khiến trời đất ghen ghét mà thế nên có cuộc đời bất hạnh. Đó cũng chính là quan niệm mà ông nhắc tới trong bài “Độc Tiểu Thanh kí”. Hai câu thơ: “Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa / Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu” cũng chính là sự đồng cảm của nàng Kiều hay chính là sự cảm thương của Nguyễn Du. Cả hai đều là tiếng khóc thương của người đời sau như Thúy Kiều, Nguyễn Du cho người trước. Từ đó làm nên đề tài của Nguyễn Du trong mỗi tác phẩm đó chính là giá trị nhân đạo trân trọng cái đẹp, sự tài hoa của người phụ nữ nói riêng và những con người tài hoa bạc miệng nói chung.

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Có ý kiến cho rằng ẩn chứa trong mỗi bài thơ là tiếng nói tri âm xuất phát từ tâm hồn nhà thơ. Theo em, tiếng nói tri âm của Nguyễn Du trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” là gì?

Trả lời:

Tiếng nói tri tri âm của Nguyễn Du trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” là là tiếng nói thấu hiểu những bi kịch của tiền nhân, đã tái hiện những bi kịch ấy một cách sâu sắc và đớn đau như sự trải nghiệm của chính mình. Từ đó, nhà thơ đã thể hiện thái độ cảm thông, xót xa trước những số phận đầy oan nghiệt, bi phẫn trước thời đại và xã hội đã vùi dập khát vọng chính đáng và cao đẹp của con người. Đồng thời, Nguyễn Du đã nói lên tình cảm trân trọng trước cái đẹp, tài năng, trước những tấm lòng. Một lần nữa, tiếng nói nhân văn lại được vút cao. Kết tinh nhất của tiếng nói tri âm trong bài thơ chính là câu "Cái án phong lưu khách tự mang", bởi ở đây, sự đồng cảm đã đạt đến mức tri âm tri kỉ. Oan khiên, vốn là điều bất thường của cuộc đời. Trong câu thơ, Nguyễn Du đã khắc sâu sự bất thường ấy bởi cách nói "kì oan"- mối oan kì lạ. "Phong vận kì oan" - mắc oan vì nết phong nhã! Phong nhã là cái đẹp của con người, là điều căn bản để mang lại hạnh phúc cho con người, vậy mà, cái đẹp ấy lại chính là nguyên do đẩy con người vào nỗi oan đời. Điều đáng nói ở đây, Nguyễn Du nhìn thấy, biết trước cái án dành cho kẻ phong vận ấy mà không sợ hãi hay né tránh nó, ngược lại, ông tự biết, tự cho mình là người cùng mắc nỗi oan của Tiểu Thanh. "Ngã tự cư"- ta tự nguyện mang. Nguyễn Du tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh. Là người đồng cảnh, Nguyễn Du không chỉ hiểu và thương Tiểu Thanh mà còn có thể đồng cảm sâu sắc với những nỗi niềm tâm sự của nàng. Bằng trái tim giàu thương yêu, Nguyễn Du đã xót cho người, thương cho mình và đau cho đời. Tiểu Thanh dù chỉ có một kiếp sống ngắn ngủi đầy đau khổ, và giờ đây chỉ còn sót lại chút dư cảo, nhưng với nét phong vận nàng đã có thể nói với cuộc đời, đến được với tấm lòng biết yêu thương. Nguyễn Du tự nhận mình mang "phong vận kì oan" để có thể gửi nỗi lòng mình cho mai hậu. Ba trăm năm sau thời Tiểu Thanh sống, có Tố Như đến khóc cho nàng bằng tấm lòng đồng cảm của kẻ tri âm. Nguyễn Du trăn trở, không biết rồi ba trăm năm sau, liệu có ai khóc cho Nguyễn Du không? Trăn trở của Nguyễn Du đâu phải cho bản thân mình. Cũng giống như Nguyễn Du, với Tiểu Thanh, Nguyễn Du không coi đó là một số phận mang tính cá biệt mà chỉ là một trong số vô vàn những bi kịch đang tồn tại đầy rẫy trong thời đại mình. Thi nhân khao khát cuộc đời vẫn còn có những trái tim biết tìm đến với những số phận khổ đau để cảm thông, thấu hiểu và an ủi họ bằng ngọn lửa yêu thương của trái tim mình. Đó là khát vọng- là tấm lòng dành cho cuộc đời của Nguyễn Du. Lòng đồng cảm, tiếng nói tri âm tạo nên sức rung động sâu xa của bài thơ.

 

 

=> Giáo án dạy thêm Ngữ văn 11 kết nối Bài 6 Đọc 3: Độc Tiểu Thanh kí

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay