Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức bài 7: Và tôi vẫn muốn mẹ

Bộ câu hỏi tự luận  Ngữ văn 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 7: Và tôi vẫn muốn mẹ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học  Ngữ văn 11 kết nối tri thức

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 kết nối tri thức

BÀI 7: GHI CHÉP VÀ TƯỞNG TƯỢNG TRONG KÍ

VĂN BẢN 2: VÀ TÔI VẪN MUỐN MẸ
(11 câu)

  1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Nêu những hiểu biết của em về nhà văn Xvét-la-na A-lếch-xi-ê-vích

và văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ”.

Trả lời:

* Tác giả:

- Xvét-la-na A-lếch-xi-ê-vích sinh năm 1948, là nhà báo, nhà văn Bê-la-rút, được trao giải Nô-ben Văn học năm 2015. Một số tác phẩm tiêu biểu của bà: “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, “Những nhân chứng cuối cùng”,…

- Các tác phẩm phi hư cấu của Xvét-la-na A-lếch-xi-ê-vích đã dựng lên “một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta”.

* Văn bản:

Văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ” rút từ cuốn sách “Những nhân chứng cuối cùng – Solo cho giọng trẻ em” của Xvét-la-na A-lếch-xi-ê-vích. Cuốn truyện này sử dụng hình thức phỏng vấn những người có tên tuổi, nghề nghiệp cụ thể, từng trải qua thực tế tàn khốc của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai từ khi còn thơ bé.

 

Câu 2: Những chi tiết nào miêu tả nạn đói trong chiến tranh được thể hiện trong văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ”?

Trả lời:

Những chi tiết miêu tả nạn đói trong chiến tranh được thể hiện trong văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ” là:

- Trong trại có hai trăm năm mươi đứa trẻ, và có lần người ta gọi đi ăn trưa nhưng chẳng có gì để ăn.

- Chúng tôi có con ngựa Mai-ca, già và rất dịu dàng, chúng tôi dùng nó để lấy nước, ngày hôm sau, người ta giết Mai-ca và cho chúng tôi nước cùng một mẩu rất nhỏ thịt Mai-ca.

- Những cái bụng ỏng, có thể ăn cả xô xúp bởi trong xúp chẳng có gì, cho bao nhiêu sẽ ăn bất nhiêu.

- Hai con mèo đói, những bộ xương, phúc đứa là nhờ lũ mèo gầy trơ xương nên không phải ăn chúng, chúng chẳng có gì để ăn cả.

- Chúng tôi ăn cả chồi mầm, tước cả lớp vỏ non khiến trong bán kính vài cây số không cái cây nào đâm chồi nảy lộc cả.

- Ăn cỏ, ăn sạch, khoét túi mang cỏ thoe người, mang theo vào nhai lại. Mùa hè cứu độ chúng tôi còn mùa đông trôi qua rất nặng nề.

 

Câu 3: Nội dung chính của văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ” là gì?

Trả lời:

Tác phẩm “Và tôi vẫn muốn mẹ…” của A-lếch-xi-ê-vích khắc họa một bức tranh chiến tranh khốc liệt, nhưng ở đó vẫn có những đứa trẻ như nhân tôi hồn nhiên, ngây thơ nhưng mang những tình cảm thiêng liêng và tình cảm đầy sâu nặng của người mẹ. Từ đó giúp con người biết trân trọng cuộc sống hòa bình và càng yêu thương gia đình hơn.

Câu 4: Thời điểm và những sự kiện ban đầu nào xảy ra được lưu giữ trong kí ức của nhân vật trong văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ”?

Trả lời:

Thời điểm: học xong lớp một vào tháng Năm năm 41 và bố mẹ tiễn tôi đi trại hè đội viên Gô-rô-đi-sa (Gorodisha) gần Min-xcơ (Minsk). 

Sự kiện: mới bơi được một lần, hai ngày sau chiến tranh, đưa lên tàu và chở đi, máy bay Đức bay trên đầu còn chúng tôi hò reo. 

 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Chỉ ra những yếu tố tạo nên tính xác thực của các sự kiện được nhân vật kể lại cũng như trạng thái tâm lí của nhân vật trước các sự kiện đó?

Trả lời:

Nhân vật tôi tự kể câu chuyện của mình, tự nhớ lại những ký ức tuổi thơ mà mình đã trải qua để thấy được cái hiện thực của chiến tranh và những giá trị của tình cảm gia đình. Nét đẹp đầu tiên của nhân vật tôi lúc bé đó chính là một đứa trẻ hồn nhiên, kiên cường. Nhân vật tôi reo hò khi lần đầu tiên thấy máy bay, chỉ biết ngồi lên xe đi và nghĩ mình đang được đi trại hè. Những đứa trẻ ngây thơ được chuẩn bị cho rất nhiều bánh kẹo, sẵn sàng sẻ chia số bánh kẹo đó cho những người lính bị thương. Chúng không biết rằng mai sau đây chúng sẽ không còn cái gì để ăn. Khi đói khát ngày một nhiều, cuộc sống của những đứa trẻ càng khổ cực hơn khi phải ăn cả cỏ, vỏ cây. Nét tính cách thứ hai cũng là nét tính cách khiến người đọc ấn tượng nhất đối với nhân vật tôi. Nhân vật tôi có tình cảm sâu sắc với ba mẹ của mình, đó có lẽ là thứ tình cảm giúp nhân vật tôi vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh. Lúc nào cũng muốn được tìm lại mẹ, không ngại khó khăn khổ cực. 

 

Câu 2: Phân tích một số chi tiết, hình ảnh tạo nên bức tranh cuộc sống đặc biệt được tái hiện trong văn bản.

Trả lời:

- Những chi tiết, hình ảnh tạo nên bức tranh cuộc sống đặc biệt được tái hiện trong văn bản:

+ Hình ảnh những chiếc máy bay đánh bom Đức bay trên đầu, tất cả màu sắc đều biến mất, lần đầu tiên từ “chết chóc” xuất hiện, ba mẹ không bên cạnh => Đây là hình ảnh đầu tiên về cuộc sống thời chiến trong kí ức của nhân vật tôi. Một đứa trẻ học lớp 1, thậm chí còn chưa hiểu được ý nghĩa của cái chết nhưng đã phải trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, bị tách khỏi vòng tay của cha mẹ. Màu sắc biến mất, cuộc sống không còn tươi đẹp mà được bao phủ bởi gam màu đen tối, “chết chóc” khi chiến tranh xảy ra.

+ Con ngựa Mai-ca già và dịu dàng, được dùng để chở nước nhưng người ta giết nó để ăn và chia cho lũ trẻ một mẩu thịt rất nhỏ của Mai-ca. Hai con mèo đối trơ xương nên lũ trẻ không phải ăn chúng => Những hình ảnh này đã tái hiện chân thực hậu quả nặng nề của chiến tranh gây ra cho con người, nạn đói hoành hành, tính mạng con người giờ đây không chỉ bị đe dọa bởi mưa bom, bão đạn mà còn bị cái đói bủa vây. Đây chính là thực tế quá khốc liệt, đau đớn mà tâm hồn trẻ thơ phải đối mặt.

+ Ban đêm những đứa trẻ khóc rền, gọi ba, gọi mẹ, các cô bảo mẫu cố không nhắc đến từ “mẹ” nhưng chỉ cần ai đó bất ngờ nhắc đến “mẹ” là tất cả ngay lập tức òa khóc => thiếu thốn về cái ăn, cái mặc cũng chưa thể bằng thiếu thốn tình yêu thương của người mẹ, những đứa trẻ thơ ngây phải rời xa vòng tay của mẹ, để lại một khoảng trống vô cùng lớn trong tâm hồn các em, các em khóc vì nhớ mẹ, vì thấy tủi thân, chi tiết này gây xúc động rất lớn cho người đọc.

 

Câu 3: Toàn bộ câu chuyện được kể bởi một người vì chiến tranh mà đã phải nếm trải những ngày tháng đau thương ở tuổi ấu thơ, tác giả chỉ là người ghi lại. Vậy trong việc tạo lập văn bản này, tác giả đóng vai trò gì? Phân tích thái độ của tác giả khi ghi lại các sự kiện mà nhân chứng kể lại.

Trả lời:

Những kí ức về chiến tranh được lưu giữ qua ký ức của những đứa trẻ vừa chân thực, nhưng cũng đầy khốc liệt. Dưới cái nhìn của nhân vật tôi đó là bức tranh nhiều màu sắc có chút ngây ngô của trẻ con, có cả tình yêu thương sâu sắc dành cho gia đình. Việc tạo lập văn bản này, tác giả đóng vai trò làm người kể chuyện. Những câu chuyện mà nhân vật tôi kể, không có những khung cảnh gia đình áp, ở đó toàn sự chia ly xa cách. Nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được sự yêu thương của nhân vật tôi dành cho cha mẹ, cũng như của cha mẹ dành cho nhân vật tôi. Thứ tình cảm đó khắc sâu vào tâm trí của tác giả theo nhân vật tận đến sau này. Đó là thứ tình cảm khát khao dai dẳng đi theo suốt những năm tháng trưởng thành của  nhân vật tôi. Tựa đề câu chuyện là “Và tôi vẫn muốn mẹ…” cho thấy thứ tình cảm mãnh liệt tình mẫu tử. Khi nhân vật tôi chỉ là một đứa trẻ, tình yêu lớn nhất là dành cho gia đình của mình. Dù có đói khát thì chúng vẫn không khóc lóc mà chỉ khóc khi nhớ đến mẹ của mình. Tận khi lớn lên thì thứ tình cảm đó vẫn không mất đi. Dù có không còn chiến tranh, cuộc sống đủ đầy thì thứ tình cảm đó vẫn ăn sâu nảy mầm trong tâm trí của nhân vật tôi.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1:  Theo bạn, những yếu tố nào có khả năng tạo nên sức lay động của văn bản đối với người đọc? Thông điệp mà bạn nhận được từ văn bản "Và tôi vẫn muốn mẹ..." là gì?

Trả lời:

Các chi tiết: Những đứa trẻ lần đầu nhìn thấy máy bay, không hề biết những nguy hiểm đang cận kề. Tận khi tất cả khung cảnh xung quanh những đứa trẻ mất, thì chúng mới biết cái khốc liệt và thê thảm của những thứ này. Chúng phải trải qua một mình mà không được ở bên cạnh bố mẹ. Những đứa trẻ gặp những ngày lính bị thương và sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng có. Trong con mắt của những đứa trẻ ngây thơ này, thì đó như là những người cha của mình vì cha của những đứa trẻ này cũng đang phục vụ cho quân đội. Vì quân Đức đang chiếm đóng và tàn phá nặng nề, những đứa trẻ sẽ được đến những nơi mà không có chiến tranh. Nhưng đến nơi không có chiến tranh thì cuộc sống của những đứa trẻ vẫn không thể có một cuộc sống đủ đầy. Không có chỗ ăn, chỗ ngủ mà phải chợp mắt trên những đống rơm rạ. Chúng thiếu thốn đồ ăn đến mức mà những người bảo mẫu ở đấy phải giết cả con vật đang chở nước để ăn. Thiếu đồ ăn ngày một nhiều đến mức những đứa trẻ phải ăn cả vỏ cây và những chồi non, nếu như chúng không muốn chết đói. Thiếu đồ ăn không phải là điều tồi tệ nhất với những đứa trẻ mà là việc chúng phải xa gia đình của mình. Những đứa trẻ nhớ bố mẹ đến mức đêm nào cũng khóc, khiến cho những người giáo viên không dám nhắc đến mẹ trước mặt bọn chúng. Khi ngày càng nhớ mẹ, nhân vật tôi đã trốn đi để tìm mẹ.

Thông điệp: Chiến tranh đã khiến những gia đình phải xa cách, sinh ly tử biệt. Chiến tranh là thứ tàn phá nhân loại. 

Câu 2: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích ý nghĩa hai câu cuối trong văn bản: "Tôi đã năm mươi mốt tuổi, tôi có hai con. Và tôi vẫn còn muốn mẹ".

Trả lời:

Hai câu cuối trong văn bản “Và tôi vẫn  muốn có mẹ” đã gợi cho chúng ta rất nhiều những suy ngẫm sâu sắc. Chiến tranh trong câu chuyện mà tác giả nhắc đến là cuộc chiến chống phát xít Đức cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô và nó được tái hiện thông qua kí ức của nhân vật “tôi”. Tác giả đã khai thác từ kí ức tuổi thơ của nhân vật tôi khi đã trường thành. “Tôi” đã từng là một cậu bé, những chết chóc, mất mát, tang thương in hằn lên kí ức, ám ảnh suốt cuộc đời. Chiến tranh đã lùi xa vào qua khứ nhưng những tổn thương trong tâm hồn, sự thiếu vắng tình yêu thương là những nỗi đau hằn lên trái tim họ mãi mãi. Dù là năm tuổi, mười lăm tuổi hay năm mươi mốt tuổi và thậm chí là quãng đời còn lại, khát khao vòng tay yêu thương của mẹ cũng luôn cháy bỏng. Từ đó, tác giả đã chứng minh rằng chiến tranh dù với bất cứ lí do gì cũng là phi nhân tính, là tàn ác và không thể nào biện bạch.

 

Câu 3: Qua văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ”, nêu cảm nhận của em về chiến tranh trong mắt trẻ thơ?

Trả lời:

Văn bản “Và tôi vẫn muốn mẹ” đã chạm đến một khía cạnh rất mới khi viết về đề tài chiến tranh đó là khai thác từ những kí ức trẻ thơ. Đa phần những đứa trẻ đều không biết đến chiến tranh là thế nào trước khi chiến tranh tìm đến chúng, thậm chí chúng không hiểu ý nghĩa của hai từ “chết chóc”. Lần đầu tiên, chúng bị đẩy vào thế giới của người lớn, cố gắng đi tìm ba mẹ mình mặc dù đã thấy ba mẹ mình bị giết vì nghĩ chỉ là thất lạc. Trong văn bản, ta thấy sự đối lập giữa sự hồn nhiên của trẻ thơ với bản chất tàn nhẫn của chiến tranh được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc từ bình lặng, ngỡ ngàng, đến đau đớn, khao khát… “Và tôi vẫn muốn có mẹ” là giọng nói được cất lên cuối văn bản không chỉ của nhân vật tôi mà là tiếng nói đại diện cho những đứa trẻ trong chiến tranh, những giọng nói hơn nửa thế kỷ vẫn quặn thắt trong lòng những nhân chứng chờ được cất lên. Những cô bé, cậu bé đã trưởng thành nhưng khi nhắc đến mảng kí ức về chiến tranh, “cái người lớn” trong họ như được gột sạch, nước mắt trẻ thơ luôn nặng hơn mọi lý lẽ có thể dẫn ra để bào chữa cho chiến tranh.

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Hãy chia sẻ câu chuyện cảm động nói về tình cảm của mẹ con mà bạn từng biết qua các tác phẩm nghệ thuật (văn học, sân khấu, điện ảnh,...)

Trả lời:

Truyện ngắn “Trở dạ” của tác giả Lê Thị Kim Sơn là những mảnh kí ức lẫn lộn đan xen giữa những cơn đau đẻ của cô gái Dịu. Chiến tranh đã kết thúc nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó trong cuộc đời Dịu. Cha Dịu tham gia chiến trường chống Mỹ và bị nhiễm chất độc da cam. Di chứng đến đời thứ 3 mới thấy khi đứa bé trong bụng Dịu bị dị tật. Ngay từ những ngày ấu thơ, những cơn điên dại vì vết thương chiến tranh của cha đã ám ảnh Dịu. Và giờ đây khi cô mang thai thì nỗi đau đó càng đau nhức. Với giọng văn góc cạnh, dữ dội bởi hình ảnh đan xen quá khứ, thực tại, tác giả thế hiện nỗi đau đớn cả tinh thần và thể xác của nhân vật Dịu. Cô phải đấu tranh nội tâm ghê gớm giữa việc giữ lại hay bỏ cái thai đi. Mang thai, sinh con là thiên chức và cũng là niềm hạnh phúc của mỗi người phụ nữ. Mỗi sinh linh khi được thai nghén đều có quyền được sống, được cuộc đời chào đón. Tuy sợ hãi nhưng cuối cùng tình yêu mãnh liệt của người mẹ khiến Dịu quyết định sẽ giữ đứa con lại. Một quyết định dũng cảm bởi một tương lai không biết như thế nào đang đón đợi cô phía trước. Truyện ngắn viết về cơn trở dạ của một người phụ nữ nhưng thể hiện nỗi đau của chiến tranh với những người lính và gia đình của họ. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã hòa bình nhưng đâu đó trên đất nước vẫn còn người hi sinh, thương tật vì bom đạn trong lòng đất. Vẫn còn biết bao tiếng khóc, nỗi đau khóc như cô gái Dịu khi chịu di chứng da cam ác độc. Không khí truyện ngắn khá u ám, ảm đạm với nhiều hình ảnh, cảm xúc tiêu cực. Nhưng phần cuối truyện với tiếng khóc chào đời của đứa bé có lẽ là tia sáng thắp lên một tương lai.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay