Câu hỏi tự luận tiếng việt 4 kết nối tri thức bài 9: Tìm hiểu cách viết bài văn thuật lại một sự việc
Bộ câu hỏi tự luận tiếng việt 4 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 9: Tìm hiểu cách viết bài văn thuật lại một sự việc . Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học tiếng việt 4 Kết nối tri thức
Xem: => Giáo án tiếng việt 4 kết nối tri thức
CHỦ ĐỀ: TRẢI NGHIỆM VÀ KHÁM PHÁ
BÀI 9: BẦU TRỜI TRONG QUẢ TRỨNG
VIẾT: TÌM HIỂU CÁCH VIẾT BÀI VĂN THUẬT LẠI MỘT SỰ VIỆC
(11 câu)
I. NHẬN BIẾT (01 CÂU)
Câu 1: Bài văn thuật lại một sự việc thường gồm mấy phần? Đó là những phần nào?
Trả lời:
Bài văn thuật lại một sự việc thường gồm 3 phần:
- Mở bài: Giới thiệu sự việc được chứng kiến hoặc tham gia.
- Thân bài: Thuật lại các hoạt động, việc làm chính theo trình tự thời gian hoặc phạm vi không gian bằng một hoặc nhiều đoạn văn.
- Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc về sự việc được chứng kiến hoặc tham gia.
II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi.
Trong buổi sinh hoạt lớp chiều nay, lớp tôi tổ chức lễ phát động xây dựng thư viện lớp.
Trước giờ sinh hoạt, bạn Minh “họa sĩ” của lớp tôi viết lên bằng dòng chữ: Chung tay xây dựng thư viện lớp 4B. Bạn còn vẽ trang trí những hình ảnh ngộ nghĩnh: chú gà con trong bài thơ “Bầu trời trong quả trứng” đội trên đầu một mảnh vỏ trứng nhỏ, chú dế mèn bước ra từ cuốn truyện “Dế Mền phiêu lưu kí”, những cuốn sách mở rộng như sải cánh bay… Bàn chủ tọa được các bạn nữ phủ khăn trải bàn và đặt lọ hoa nhiều màu rực rỡ.
Trống báo giờ sinh hoạt lớp vang lên. Các bạn ai nấy ngồi vào vị trí của mình. Đầu tiên, cô chủ nhiệm phát biểu khai mạc. Cô nói với chúng tôi về tầm quan trọng của sách và ý nghĩa của việc đọc sách. Nếu trong lớp có thư viện thì cả lớp sẽ cùng nhau đọc sách, trao đổi, chia sẻ về những điều thú vị mình đọc được.
Tiếp theo ý kiến của cô chủ nhiệm, bạn lớp trưởng phát động phong trào Chung tay xây dựng thư viện lớp. Các bạn hào hứng thảo luận, đề xuất các hình thức ủng hộ, đóng góp sách, báo, truyện,… Trong lớp vang lên những tiếng “Đồng ý”, “Nhất trí”,… Cô giáo nhắc cả lớp đây là việc là tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít.
Sau thời gian thảo luận, bạn lớp phó thông báo từ ngày mai các bạn bắt đầu quyên góp. Các tổ trưởng sẽ ghi tên sách theo tổ, sau đó tập hợp và xếp sách vào tủ sách của lớp.
Buổi sinh hoạt lớp kết thúc. Cô giáo và cả lớp tôi vui lắm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tha hồ đọc sách, đọc truyện ngay tại lớp mình.
(Anh Nguyên)
Câu 1: Bài văn trên có mấy phần? Đó là những phần nào?
Trả lời:
Bài văn trên có 3 phần. Đó là:
- Mở bài: Trong buổi sinh hoạt lớp chiều nay, lớp tôi tổ chức lễ phát động xây dựng thư viện lớp.
- Thân bài: Từ “Trước giờ sinh hoạt” đến “tủ sách của lớp”.
- Kết bài: Buổi sinh hoạt lớp kết thúc. Cô giáo và lớp ôi vui lắm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tha hồ đọc sách, đọc truyện ngay tại lớp mình.
Câu 2: Phần mở bài giới thiệu những gì?
Trả lời:
Phần mở bài giới thiệu địa điểm, thời gian tổ chức lễ phát động xây dựng thư viện lớp 4B.
Câu 3: Phần thân bài gồm mấy đoạn? Ý chính của mỗi đoạn là gì?
Trả lời:
Phần thân bài gồm 4 đoạn. Ý chính của mỗi đoạn là:
- Đoạn 1: Các bạn trong lớp trang trí lớp chuẩn bị cho buổi phát động xây dựng thư viện lớp.
- Đoạn 2: Lễ phát động xây dựng thư viện lớp 4B khai mạc và cô chủ nhiệm phát biểu ý kiến.
- Đoạn 3: Lớp trưởng phát động phong trào xây dựng thư viện lớp và sự nhất trí của cả lớp.
- Đoạn 4: Các bạn trong lớp quyên góp theo tổ sau đó tập hợp và xếp vào tủ của lớp. Câu 4: Những từ ngữ nào giúp em nhận biết các hoạt động được thuật lại theo trình tự?
Trả lời:
Những từ ngữ giúp em nhận biết các hoạt động được thuật lại theo trình tự là: trước giờ sinh hoạt, trong giờ sinh hoạt, sau thời gian thảo luận.
Câu 5: Phần kết bài chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ gì về kết quả của hoạt động?
Trả lời:
Phần kết bài chia sẻ cảm xúc vui tươi, phấn khởi và suy nghĩ được tha hồ đọc sách về kết quả của hoạt động.
III. VẬN DỤNG (03 CÂU)
Câu 1: Đối với đề bài “ghi lại trình tự các hoạt động trong một buổi sinh hoạt ở lớp em” mở bài cần làm gì?
Trả lời:
Đối với đề bài “ghi lại trình tự các hoạt động trong một buổi sinh hoạt ở lớp em” mở bài cần giới thiệu về buổi sinh hoạt của lớp.
Câu 2: Những điểm cần lưu ý khi viết bài văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia là gì?
Trả lời:
Những điểm cần lưu ý:
- Bố cục của bài viết (mở bài, thân bài, kết bài)
- Cách sắp xếp các hoạt động
- Cách bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về sự việc
Câu 3: Tìm một số từ ngữ giúp em nhận biết các hoạt động được thuật lại theo trình tự?
Trả lời:
Tìm các từ ngữ phù hợp với yêu cầu.
Ví dụ: thứ nhất, đầu tiên, tiếp theo, và rồi, sau đó, cuối cùng…
IV. VẬN DỤNG CAO (02 CÂU)
Câu 1: Cần lưu ý gì về cách sử dụng từ ngữ khi viết văn?
Trả lời:
- Từ ngữ phải ngắn gọn, dễ hiểu, không viết sai chính tả.
- Từ ngữ phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu.
Câu 2: Những từ thể hiện cảm xúc có thể dùng trong bài văn thuật lại một sự việc là gì?
Trả lời:
Tìm các từ phù hợp.
Ví dụ: vui, thích thú, phấn khởi, thoải mái, chán, tuyệt vời, choáng ngợp…