Nội dung chính Ngữ văn 12 kết nối Bài 6: Tuyên ngôn Độc lập

Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 6: Tuyên ngôn Độc lập sách Ngữ văn 12 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.

Xem: => Giáo án ngữ văn 12 kết nối tri thức

BÀI 6: HỒ CHÍ MINH – “VĂN HÓA PHẢI DOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI” 

VĂN BẢN: TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

a. Tiểu sử

Xem lại phần tìm hiểu tác giả - VB 1 tác gia Hồ Chí Minh.

2. Tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập

2.1. Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập

+ Ngày 22/8/1945 Hồ Chí Minh cùng ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam rời Tân Trào, Tuyên Quang về Hà Nội.

+ Ngày 25/8/2945 Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam về đến Hà Nội, Ủy ban này được cải tổ thành Chính phủ Lâm thời. Hồ Chí Minh ở số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.

+ Đêm 28/8/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội.

+ Ngày 31/8/1945 Chủ  tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đọc lại, bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn độc lập.

+ Chiều 2/9/1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Ngày 5/9/1945  Tuyên ngôn độc lập được đăng trên báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh) số 36,với tên gọi đầy đủ là Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

=> Tuyên ngôn Độc lập viết vào thời điểm đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Việt Minh vừa giành được chính quyền trong cả nước sau tám mươi năm bị nô lệ. Tuy nhiên đó cũng là lúc những thách thức to lớn đang chờ phía trước; thực dân Pháp đang nuôi dã tâm chiếm nước ta với sự tiếp tay của một số nước đế quốc thuộc phe Đồng Minh. Vì vậy bên cạnh việc tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc, Tuyên ngôn Độc lập còn đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các thế lực thực dân, đế quốc đang  âm mưu tước đoạt nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta đã phải đổ bao nhiêu xương máu mới gây dựng được.

2.2. Bố cục

- Có thể chia thành 5 phần như sau:

+ Phần 1: Từ đầu cho đến “không ai chối cãi được”: Trích dẫn một số luận điểm then chốt về quyền con người từ hai bản tuyên ngôn quan trọng bậc nhất trong lịch sử thế giới cận đại để làm chỗ dựa pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “vô cùng tàn nhẫn”: Tố cáo những hành động tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân và đất nước Việt Nam – những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

+ Phần 3: Tiếp theo cho đến “tự tay Pháp”: Vạch trần vai trò tệ hại của thực dân Pháp trong việc “bảo hộ” đất nước Việt Nam.

+ Phần 4: Tiếp theo cho đến “Dân tộc đó phải được độc lập”: Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp và kêu gọi thế giới công nhận quyền độc lập của nước Việt Nam.

+ Phần 5: Còn lại: Tuyên bố quyền hưởng tự do, độc lập của nhân dân, đất nước Việt Nam và thể hiện ý chí của toàn dân tộc quyết tâm bảo vệ quyên tự do, độc lập vừa giành được.

=> HS có thể gộp phần 2 -3; phần 4-5 lại với nhau.

II. Khám phá văn bản

1. Vận dụng những hiểu biết về tác gia Hồ Chí Minh để đọc hiểu văn bản Tuyên ngôn Độc lập 

a. Đối tượng tiếp nhận

- Đối tượng tiếp nhận bản Tuyên ngôn Độc lập là nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, các lực lượng không muốn thừa nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời đang âm mưu ủng hộ thực dân Pháp quay lại chiếm nước ta một lần nữa.

=> Hồ Chí Minh đã có tầm bao quát lớn khi hướng vào những đối tượng này: Khi Tuyên ngôn Độc lập được tuyên bố, tuy cách mạng Việt Nam đã đạt được những thắng lợi to lớn nhưng vẫn đang phải giải quyết rất nhiều khó khan vì thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta, nạn thù trong giặc ngoài vẫn chưa dứt.

b. Lí do chọn thể loại văn chính luận

Hồ Chí Minh chọn thể loại văn chính luận vì thể loại này có thế mạnh trong việc sử dụng các luận điểm, lí lẽ dẫn chứng để thuyết phục người đọc theo quan điểm của mình. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã sử dụng hệ thống luận điểm rõ rang, lí lẽ xác đáng và dẫn chứng thuyết phục, kết hợp với giọng điệu đanh thép để khẳng định nền độc lập dân tộc cũng như kêu gọi, thuyết phục tạo động lực cho nhân dân Việt Nam tiếp tục chiến đấu.

2. Vai trò của cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong bản Tuyên ngôn Độc lập 

(-) Trạm dừng chân 1

- Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp (1791) là hai bản tuyên ngôn lớn, tiến bộ trên thế giới cũng là cơ sở pháp lí tiến bộ nhất của thời đại. Hồ Chí Minh đã sử dụng lời lẽ của hai bản tuyên ngôn này, gọi chúng là “bất hủ” để mở đầu cho nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập ở nước ta.

- Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đang có âm mưu xâm lược Việt Nam.Vì vậy Hồ Chí Minh đã khôn khéo và tế nhị theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” dùng chính lời lẽ của cha ông chúng để khóa miệng, ngăn chặn hành động sai trái của chúng, khẳng định quyền độc lập – tự do của dân tộc mình.

- Dùng trích dẫn và suy rộng ra để khẳng định quyền độc lập dân tộc là không thể chối cãi được.

- Pháp lí đúng đắn, lời lẽ đanh thép, sắc bén.

(-) Trạm dừng chân 2

Sức thuyết phục của việc triển khai luận điểm vạch trần các luận điệu xảo trá và tội ác của thực dân Pháp đối với đất nước, nhân dân ta và “tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp”:

+ Chỉ ra những bằng chứng cụ thể về tội ác của thực dân Pháp ở mọi lĩnh vực chủ quyền của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa.

+ Các bằng chứng cụ thể được sử dụng như: Pháp quỳ gối trước Nhật mở cửa cho Nhật vào nước ta từ mùa thu năm 1940 và sau đó bỏ chạy khi nhận quyết định đảo chính ngày 9/3/1945. Trong khi Việt Minh giúp đỡ nhiều người Pháp lúc họ bị quân Nhật truy đuổi thì thực dân Pháp lúc bỏ chạy đi lại nhẫn tâm giết chết hết số đông tù chính trị của ta ở Yên Bái. Cao Bằng. Những điều này đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp với luận điệu “khai hóa”. Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam muốn tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí với nước Việt Nam và tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam là tất yếu.

- Yếu tố biểu cảm:

+ Thể hiện thái độ căm phẫn và khinh ghét với thực dân Pháp bằng cách sử dụng đại từ “chúng”.

+ Sử dụng một loạt hình ảnh thể hiện mức độ tàn bạo của kẻ thù như: “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, “bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hang, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

+ Dùng điệp ngữ “sự thực” nhấn mạnh tính xác thực của dẫn chứng gây ấn tượng cho người nghe và người đọc.

(-) Trạm dừng chân 3

Tác giả đã làm rõ mối tương quan giữa nội dung khẳng định và phủ định thông qua các biện pháp:

+ Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu: dẫn ra hai bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp để khẳng định quyền độc lập dân tộc là tất yếu, dẫn ra các minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp để phủ định tính bảo hộ, khai phá văn minh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

+ Sử dụng các từ ngữ đanh thép mang nghĩa khẳng định thể hiện phạm vi bao quát, giọng điệu dứt khoát: “thế mà”, “lẽ phải không ai chối cãi”….nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc.

+ Sử dụng điệp từ: “sự thực” để khẳng định tính xác thực của bằng chứng đưa ra về tội ác của thực dân Pháp.

+ Dùng đại từ “chúng” thể hiện thái độ khinh bỉ, căm ghét.

+ Liệt kê: những hành động tàn bạo của thực dân Pháp núp dưới luận điệu bảo hộ.

III. Tổng kết

1. Nội dung

+ Dựng nên một hàng rào vững chắc cho những lập luận, lí lẽ của mình bằng việc tạo ra cơ sở pháp lí cho nền độc lập của Việt Nam nói riêng và các nước, các dân tộc khác nói chung.

+ Tố cáo tội ác của thực dân Pháp trên mảnh đất của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn đối lập với giọng điệu xảo trá mà thực dân Pháp đã rao giảng với thế giới. Đồng thời cũng khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

+ Tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.

2. Nghệ thuật

- Tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật trong văn chính luận của Hồ Chí Minh:

+ Lập luận: chặt chẽ, sắc bén, thống nhất quan điểm chính trị từ đầu đến cuối bản tuyên ngôn độc lập.

+ Lí lẽ: xuất phát từ tình yêu công lí, thái độ tôn trọng sự thật, dựa vào lẽ phải đã được nhân dân thế giới công nhận và từ các cuộc đấu tranh vì chính nghĩa trong lịch sử nhân loại.

+ Dẫn chứng: xác thực, với những bằng chứng đanh thép, số liệu chính xác được lấy từ sự thực lịch sử

+ Ngôn ngữ: hùng hồn, chan chứa tình cảm, cách xưng hô của Người tạo được sự gần gũi với nhân dân cả nước trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc.

+ Giọng điệu nghị luận rất đanh thép, cứng rắn và giàu tính luận chiến.

+ Hình ảnh được sử dụng rất đa dạng, giàu sức gợi hình, giàu cảm xúc.

=> Giáo án Ngữ văn 12 Kết nối bài 6: Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Kiến thức trọng tâm Ngữ văn 12 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay