Bài tập file word sinh học 10 kết nối Bài 24: Khái quát về virus

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 24: Khái quát về virus. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 KNTT.

CHƯƠNG 7: VIRUS

BÀI 24 - KHÁI QUÁT VỀ VIRUS

I. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm virus và các đặc điểm chung của virus.

Trả lời:

-      Khái niệm: Virus là thực thể chưa có cấu tạo tế bào, có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ được nhân lên trong tế bào của sinh vật sống.

-      Đặc điểm chung của virus:

+      Có kích thước vô cùng bé, dao động từ 20 nm đến 300 nm.

+      Chưa có cấu tạo tế bào.

+      Không có khả năng sinh sản cũng như các hoạt động chuyển hóa khi ở bên ngoài tế bào.

→ Virus không được xem là một vật sống hoàn chỉnh.

-      Hình dạng của virus rất đa dạng: hình xoắn, hình đa diện, hình cầu, dạng phức tạp,..

Câu 2: Trình bày cấu trúc và phân loại virus.

Trả lời:

-      Cấu trúc của virus: Các loại virus đều có 2 thành phần chính là lõi nucleic acid và vỏ capsid.

+      Lõi nucleic acid chứa DNA hoặc RNA mạch đơn hoặc mạch kép, có chức năng mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của virus.

+      Vỏ capsid được cấu tạo từ protein, có chức năng bao bọc bảo vệ virus.

+      Ngoài ra, một số loại virus động vật còn có thêm lớp màng kép phospholipid ở bên ngoài, được gọi là lớp vỏ ngoài với các gai glycoprotein giúp chứng tiếp cận tế bào chủ.

-      Phân loại: Dựa vào vật chất di truyền, người ta có thể chia virus thành 2 loại là virus DNA và virus RNA. Loại virus RNA có thêm một số loại enzyme mà trong tế bào chủ thường không có như enzyme sao chép ngược, enzyme giúp tích hợp hệ gene virus vào hệ gene tế bào chủ, enzyme lắp rắp và giải phóng virus ra khỏi tế bào,…

 

Câu 3: Virus kí sinh trên những vật chủ nào?

Trả lời: 

Vật chủ kí sinh của virus:

-      Virus có thể sống kí sinh ở tất cả các nhóm sinh vật như vi khuẩn, thực vật, động vật, con người.

-      Mỗi loại virus chỉ có thể xâm nhập và lây nhiễm cho một phổ vật chủ nhất định, có virus có phổ vật chủ rộng cũng có virus có phổ vật chủ hẹp.

-      Nơi virus tồn tại ngoài tự nhiên được gọi là ổ chứa. Việc phát hiện ra ổ chứa hay vật trung gian truyền bệnh là rất quan trọng trong việc khống chế dịch bệnh do virus.

 

Câu 4: Quá trình nhân lên của virus là gì và trải qua những giai đoạn nào?

Trả lời: 

-      Sự gia tăng số lượng virus trong tế bào được gọi là sự nhân lên của virus.

-      Quá trình nhân lên của virus trải qua 5 giai đoạn: hấp phụ → xâm nhập → tổng hợp → lắp ráp → giải phóng.

Câu 5: Trình bày diễn biến quá trình nhân lên của virus.

Trả lời: 

-      Giai đoạn hấp thụ: Virus bám vào tế bào chủ nhờ các gai glycoprotein hoặc protein bề mặt của virus tương tác đặc hiệu với các thụ thể trên bề mặt của tế bào chủ.

-      Giai đoạn xâm nhập:

+      Đối với thực khuẩn thể (phage): vật chất di truyền của virus được tiêm vào trong tế bào vi khuẩn bằng một bộ phận chuyên biệt, vỏ protein bị bỏ lại ở bên ngoài.

+      Đối với virus động vật có vỏ ngoài: virus đưa cả vỏ capsid cùng vật chất di truyền vào tế bào chủ, sau đó nucleic acid mới được giải phóng ra khỏi vỏ protein.

-      Giai đoạn tổng hợp:

+      Đối với virus DNA: Khi DNA của virus vào trong tế bào chủ sẽ thu hút các enzyme của tế bào đến phiên mã, dịch mã tạo ra các protein của virus cũng như nhân bản vật chất di truyền của chúng.

+      Đối với một số virus RNA: Khi RNA của virus vào trong tế bào chủ có thể trực tiếp thu hút các enzyme của tế bào tới dịch mã tạo ra các protein của virus cũng như nhân bản vật chất di truyền của chúng. Số khác phải mang theo enzyme phiên mã ngược để sao chép RNA thành DNA rồi phiên mã thành các RNA làm vật chất di truyền của virus.

-      Giai đoạn lắp ráp: Lắp lõi nucleic acid vào vỏ protein để tạo thành các hạt virus hoàn chỉnh.

-      Giai đoạn giải phóng:

+      Virus ra khỏi tế bào chủ.

+      Khi đã vào được bên trong tế bào, các virus nhân lên theo hai cách đó được gọi là chu kì sinh tan hoặc chu kì tiềm tan hay sử dụng cả hai cách trên.

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Phân biệt chu trình sinh tan và chu trình tiềm tan.

Trả lời:

Điểm phân biệtChu kì sinh tanChu kì tiềm tan
Tên gọi loại virus gây raVirus độc.Virus ôn hòa.
Cơ chế

-      Vật chất di truyền của virus tồn tại và nhân lên độc lập với vật chất di truyền của tế bào chủ.

-      Nhân lên nhiều thế hệ virus mới trong tế bào chủ.

-      Vật chất di truyền của virus tích hợp và cùng nhân lên với vật chất di truyền của tế bào chủ.

-      Không nhân lên thế hệ virus mới trong tế bào chủ.

Kết quảLàm tan tế bào chủ.Không làm tan tế bào chủ.
Mối quan hệKhông thể chuyển thành chu trình tiềm tan.Có thể chuyển thành chu trình sinh tan.

Câu 2: Vì sao virus lại không được xem là một vật sống hoàn chỉnh?

Trả lời:

Virus không được xem là một vật sống hoàn chỉnh vì các loại virus có kích thước siêu nhỏ. Virus không có khả năng sinh sản cũng như các hoạt động chuyển hoá khi bên ngoài tế bào.

Câu 3: Vì sao virus dễ lâu lan thành bệnh dịch?

Trả lời:

Vì virus có thể sống kí sinh ở tất cả các nhóm sinh vật. Các sinh vật là các ổ chứa virus có thể biểu hiện hoặc không biểu hiện triệu chứng nhưng từ đó virus có thể lây bệnh sang vật chủ khác khiến việc không chế dịch bệnh do virus gây ra khó khăn.

 

Câu 4: Nếu vật chất di truyền của virus là RNA thì mỗi hạt virus, ngoài các phần tử RNA và lớp vỏ capsid còn có thêm những protein gì?

Trả lời:

Nếu vật chất di truyền của virus là RNA thì mỗi hạt virus ngoài RNA và vỏ capsid, mỗi hạt virus còn có thêm một số loại enzyme mà trong tế bào chủ thường không có. Đó là các enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp RNA như enzyme sao chép ngược, enzyme giúp tích hợp hệ gene virus vào hệ gene tế bào chủ và một số enzyme giúp lắp ráp và giải phóng virus ra khỏi tế bào.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Kể tên một số vật trung gian truyền bệnh virus ở người mà em biết.

Trả lời:

Một số vật trung gian truyền bệnh virus: muỗi, ruồi, ve, ốc, chuột,...

Câu 2: Vì sao để bảo quản rau quả lâu hơn, người ta sử dụng chế phẩm thể thực khuẩn phun lên rau quả?

Trả lời:

Dùng chế phẩm thực khuẩn phun lên rau quả để bảo vệ rau quả lâu dài hơn là bởi vì thực khuẩn thể có thể xâm nhập tiêu diệt vi khuẩn gây hại  làm chậm quá trình bị thâm hay hư hỏng của rau quả

Câu 3: Trong cuộc sống hàng ngày, em đã bắt gặp quá trình nuôi cấy không liên tục khi nào?

Trả lời:

Nuôi cấy không liên tục trong cuộc sống hàng ngày: làm sữa chua, muối dưa cà, lên men rượu,…

Câu 4: Đề xuất biện pháp ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào.

Trả lời:

Một số cách ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào ở người: bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể; vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trong nhà; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; tiêm vaccine hoặc thuốc kháng virus;...

IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Kể tên những bệnh nguy hiểm do virus gây ra thường gặp.

Trả lời:

-      Sởi, quai bị, Rubella: Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, bao gồm viêm não ở trẻ em và viêm phổi ở người lớn. Quai bị gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là vô sinh. Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính nhưng nguy hiểm nhất khi gặp ở phụ nữ đang mang thai.

-      Bệnh dại: Dại là một bệnh nhiễm virus dại ở hệ thần kinh trung ương.

-      Bệnh viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm: Do rất nhiều loại virus gây ra. Bệnh rất nguy hiểm, có thể lây lan rất nhanh.

-      Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

-      Bệnh viêm não: Viêm não (encephalitis), một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.

-      Bệnh AIDS do HIV gây ra: Căn bệnh thế kỷ đã giết chết nhiều người và đe dọa nhiều cộng đồng. Lây lan chủ yếu qua đường tình dục không an toàn, đường máu khi sử dụng chung bơm kim tiêm, tiêm chích ma túy..., lây truyền từ mẹ sang con.

-      Bệnh viêm gan do virus: Bệnh tiến triển từ từ qua nhiều giai đoạn dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan... Phòng bệnh bằng cách ăn uống vệ sinh, không dùng chung bơm kim tiêm, tìm kháng nguyên HbsAg (+) khi thử máu...

Câu 2: Đề xuất cách phòng bệnh do virus, vi khuẩn gây ra lúc giao mùa.

Trả lời:

-      Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý thông qua ăn uống. Bữa ăn hàng ngày cần đủ 4 nhóm là chất bột đường (gạo, bắp, khoai, các loại đậu...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...) chất béo (mỡ, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…) và uống đủ nước mỗi ngày.

-      Nên mang khẩu trang để phòng khói bụi, độc hại và tránh các tác nhân gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sử dụng các phương tiện phòng hộ và vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc.

-      Vệ sinh tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng nhất là trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm…

-      Giữ ấm cơ thể, tránh dầm mưa quá lâu, khi bị ướt mưa thì khi về nhà nên tắm ấm ngay. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ trong cơ thể.

-      Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nên duy trì thói quen súc họng bằng nước muối ấm pha loãng.

-      Không nên hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả chủ động lẫn bị động (tức hít phải khói thuốc người hút phả ra), nhất là những người đã bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang...

-      Giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh những đồ vật thường tiếp xúc như tay nắm cửa, ban công, tay vịn cầu thang...

-      Năng vận động, tránh xa cuộc sống tĩnh tại, nằm và ngồi nhiều.

-      Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay