Bài tập file word Sinh học 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 8: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở sinh vật (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 8: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT
(PHẦN 3 – 20 CÂU)

Câu 1: Nêu vai trò và sự ảnh hưởng của ánh sáng tới quang hợp. Dựa vào nhu cầu ánh sáng, người ta chia thực vật thành mấy nhóm?

Trả lời:

- Vai trò: Ánh sáng có vai trò cung cấp năng lượng cho quang hợp.

- Ảnh hưởng: Ánh sáng mạnh hoặc yếu và thời gian chiếu sáng có thể làm quang hợp của cây tăng lên hay giảm đi.

- Nhu cầu ánh sáng của các loài cây không giống nhau. Dựa vào nhu cầu ánh sáng, người ta phân biệt các loài cây thành 2 nhóm là nhóm cây ưa ánh sáng mạnh và nhóm cây ưa ánh sáng yếu.

+ Nhóm cây ưa ánh sáng mạnh thường mọc ở nơi quang đãng, phiến lá thường nhỏ, màu xanh sáng

+ Nhóm cây ưa ánh sáng yếu thường mọc dưới tán cây khác,…; phiến lá thường rộng, màu xanh sẫm

Câu 2: Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ ở tế bào có mối quan hệ hai chiều. Trong đó:

+ Quá trình tổng hợp tạo chất hữu cơ (những phân tử có kích thước lớn) cung cấp nguyên liệu cho phân giải trong hô hấp tế bào.

+ Quá trình hô hấp tế bào phân giải các chất hữu cơ giải phóng năng lượng.

Câu 3: Vì sao dù đã bảo quản nhưng qua một thời gian thì thực phẩm vẫn bị giảm chất lượng?

Trả lời:

Một loại thực phẩm được bảo quản quá lâu dù không bị hư hỏng nhưng vẫn bị giảm chất lượng vì nếu trong thời gian dài tế bào không thực hiện hô hấp tế bào cũng như trao đổi chất với môi trường thì các tế bào thực phẩm bị chết đi, làm giảm dinh dưỡng trong thực phẩm.

Câu 4: Quá trình trao đổi khí ở người diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Ở người, trao đổi khí oxygen và carbon dioxide giữa cơ thể với môi trường thông qua hệ hô hấp.

- Đường dẫn khí ở người: mũi → họng → thanh quản → khí quản → phế quản → hai lá phổi.

- Hoạt động trao đổi khí:

+ Khi ta hít vào, oxygen cùng các khí khác có trong không khí được đưa vào phổi đến tận phế nang (bề mặt trao đổi khí). Tại phế nang xảy ra quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mạch máu. Khí oxygen đi vào máu và được vận chuyển đến các tế bào.

+ Khí carbon dioxide từ máu về phế nang và được thải ra ngoài môi trường cùng các khí khác qua động tác thở ra.

Câu 5: Gạo lứt và gạo trắng tác động như thế nào đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2?

Trả lời:

- Trong gạo lứt có chứa nhiều chất xơ và magie hơn gạo trắng. Đây là hai chất quan trọng giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc sử dụng ngũ cốc nguyên hạt nói chung và gạo lứt nói riêng một cách thường xuyên hơn sẽ làm giảm lượng đường trong máu trên bệnh nhân tiểu đường type 2, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.

- Trong khi đó, ăn nhiều gạo trắng hơn thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ cao hơn, vì gạo trắng nằm trong nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thực phẩm cao. Chỉ số này của gạo trắng là 89, trong khi gạo lứt là 50. Vì vậy, mức độ làm tăng đường trong máu khi ăn gạo trắng sẽ cao hơn so với gạo lứt.

Câu 6: Khi nào nên bón đạm cho cây?

Trả lời:

Hầu hết thì bón phân đạm nên chọn thời gian sáng sớm. Hoặc là chiều muộn vì hạn chế nhiệt độ cao phân dễ bay hơi thất thoát. Tùy thuộc vào từng quá trình sinh trưởng của cây mà bón phân đạm hợp lý. Cây trồng cần phân đạm vào giai đoạn ra lá, giai đoạn sinh trưởng của cây.

Câu 7: Cá voi sau khi chết đi có ý nghĩa gì đối với hệ sinh thái biển?

Trả lời:

- Ngay cả khi chết, cá voi cung cấp sự sống cho hàng trăm động vật biển trong tối đa 50 năm. Vì vậy, cá voi nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trong vòng đời các đại dương của Trái đất.

- Sự phân hủy bắt đầu ngay sau khi cá voi qua đời. Xác cá voi nở ra bằng khí và nổi lên mặt nước, bị cá mập và chim biển ăn xác. Sau đó chìm xuống đáy biển.

- Khi xác cá voi đáp xuống đáy biển, cá mú, cá mập ngủ, cua, tôm hùm và một loạt các động vật ăn xác thối khác sẽ ăn thịt mỡ và cơ cho đến tận xương → cung cấp thức ăn cho cả hệ sinh thái động vật trong vùng tối đa hai năm.

- Giun nhiều tơ, ốc biển, giun lông và tôm ăn các mô của cá voi đã chết, cho đến xác cá voi chết chỉ còn trơ xương.

- Giun xương ăn xương về mặt hóa học, phá vỡ các thành phần như collagen và chất béo. Ngoài ra, chúng còn đẩy oxy vào xương làm tăng tốc độ phân hủy. Giai đoạn này kéo dài tới 10 năm.

- Ngoài ra, xương cá voi chết còn bị chiếm giữ bởi vi khuẩn tạo ra hydro sunfua, một loại khí có mùi trứng thối. Các loài động vật thân mềm và giun ống ăn các chất hóa học tiết ra từ xương.

Câu 8: Nếu quá trình trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường bị rối loạn thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Đề xuất biện pháp giảm thiểu sự ảnh hưởng đó.

Trả lời:

- Quá trình trao đổi chất giữa môi trường và cơ thể bị rối loạn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể, khiến cơ thể chúng ta gặp phải những triệu chứng bất thường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

- Để quá trình trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường diễn ra thuận lợi, chúng ta cần tạo cho mình một lối sống lành mạnh:

+ Thường xuyên tập thể dục

+ Uống nhiều nước

+ Có chế độ ăn uống hợp lý

+ Ngủ đủ giấc

+ Làm việc và nghỉ ngơi điều độ

Câu 9: Nêu ý nghĩa  của quang hợp đối với sự sống trên Trái Đất.

Trả lời:

Ý nghĩa của quá trình quang hợp:

- Là nguồn cung cấp oxy số một trong khí quyển.

- Quá trình quang hợp ở thực vật cũng là nguồn cung cấp quan trọng cho các nguyên liệu ngành công nghiệp và dược liệu.

- Góp phần tạo nên mối quan hệ dinh dưỡng (năng lượng) giữa thực vật, con người và động vật.

- Ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết sự sống trên Trái đất.

- Đóng vai trò là quá trình cung cấp năng lượng chính cho hầu hết các cây cối và thực vật.

Câu 10: Chuẩn bị: 1 cốc thí nghiệm với 10 hạt đậu xanh trên bông ẩm. Sau đó cho cốc thí nghiệm vào hộp xốp, duy trì nhiệt độ trong hộp ở 0oC trong 3 – 4 ngày. Hãy dự đoán điều gì sẽ xảy ra và giải thích kết quả. Em hãy làm thí nghiệm để kiểm tra dự đoán của mình.

Trả lời:

- Dự đoán kết quả: Hạt sẽ trong cốc sẽ không nảy mầm.

- Giải thích kết quả: Nhiệt độ thấp ở 0oC trong hộp xốp không thuận lợi cho hô hấp tế bào nên không quan sát thấy hiện tượng nảy mầm của hạt đậu xanh (hạt không nảy mầm được).

Câu 11: Nêu điểm khác biệt giữa tự dưỡng và dị dưỡng. Tại sao cây nắp ấm lại ăn côn trùng trong khi nó có khả năng thực hiện quang hợp?

Trả lời:

- Điểm khác biệt giữa tự dưỡng và dị dưỡng: Sinh vật tự dưỡng tự tổng hợp được chất dinh dưỡng, sinh vật dị dưỡng không tự tổng hợp được chất dinh dưỡng mà phải ăn các sinh vật khác.

- Cây nắp ấm ăn côn trùng trong khi nó có khả năng thực hiện quang hợp vì trong quá trình tiến hóa, loài cây này phát triển trong môi trường sống nghèo chất dinh dưỡng, thiếu nitrogen.

Câu 12: Trẻ em thường thích ăn “bim bim”. Theo em, loại thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng nào? Ăn nhiều bim bim có tốt cho sức khỏe không?

Trả lời:

- “Bim bim” là loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và lipid.

- Nếu ăn nhiều “bim bim” sẽ không tốt đối với sức khỏe vì nếu ăn nhiều có thể gây béo phì (dư thừa carbohydrate và lipid) và thiếu dinh dưỡng (thiếu các nhóm chất cần thiết khác cho cơ thể như protein, vitamin và khoáng,…).

Câu 13: Phá rừng gây ra hậu quả gì?

Trả lời:

Con người đang phải đối mặt với nhiều hậu quả do việc chặt phá rừng bừa bãi:

- Mất rừng đầu nguồn gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất nơi sinh sống của động vật,…

- Diện tích rừng giảm thì lượng oxygen giảm, lượng carbon dioxide tăng lên gây hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên kéo theo đó là hàng loạt các hậu quả của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp đến sự sống của con người và các sinh vật,…

Câu 14: Vì sao sau khi hoạt động mạnh, cơ thể nóng lên và toát mồ hôi?

Trả lời:

- Cơ thể của chúng ta luôn diễn ra quá trình trao đổi chất và năng lượng.

- Khi chạy quá trình này diễn ra nhanh hơn, năng lượng và nhiệt tạo ra nhiều hơn, khiến cơ thể nóng lên,cơ thể cần một lượng lớn oxygen để chuyển hóa năng lượng nên nhịp thở và nhịp tim tăng lên, cơ thể toát mồ hôi, nhiệt năng cũng một phần thoát ra ngoài từ đó, giúp điều hòa thân nhiệt.

Câu 15: Nhiệt độ và nước ảnh hưởng đến hô hấp tế bào như thế nào?

Trả lời:

Nhiệt độ: 

- Hô hấp tế bào bao gồm các phản ứng hóa học với sự xúc tác của các enzyme phụ thuộc chặt chẽ vào nhiệt độ.

- Nhiệt độ thuận lợi cho quá trình hô hấp tế bào ở các sinh vật là khoảng 30 - 35°C.

Nước:

- Nước vừa là môi trường, vừa tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học trong hô hấp tế bào.

- Hàm lượng nước trong tế bào liên quan trực tiếp đến cường độ hô hấp: Hàm lượng nước thấp sẽ ức chế sự hô hấp tế bào.

Câu 16: Vì sao cá cần ngoi lên mặt mặt nước để lấy oxy nhưng khi để cá ở trên cạn một thời gian thì cá sẽ chết?

Trả lời:

Khi bắt cá bỏ lên môi trường trên cạn sau một khoảng thời gian thì cá sẽ chết cá lấy O2 từ nước vào cơ thể qua mang, khi lên cạn, cá không lấy được O2 để thực hiện các hoạt động sống trong tế bào và sau một thời gian cá chết do thiếu O2.

Câu 17: Nêu vai trò của nước đối với cơ thể sinh vật.

Trả lời:

Nước là nhân tố quan trọng đối với các cơ thể sống:

- Là thành phần quan trọng trong tế bào và cơ thể sinh vật.

- Là môi trường và nguyên liệu cho quá trình trao đổi chất, chuyển hoá năng lượng của tế bào và cơ thể.

- Là dung môi vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất thải trong tế bào và mô.

- Giúp duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể.

- Nước cho ánh sáng chiếu qua nên các sinh vật quang hợp vẫn có khả năng sống trong nước.

- Sự sống trên Trái Đất liên quan và phụ thuộc vào nước.

- Sinh vật cần một lượng nước rất lớn trong suốt đời sống. Nhu cầu nước của sinh vật khác nhau tùy từng loài, từng giai đoạn phát triển, trạng thái hoạt động,…

- Sự phân bố của sinh vật trên Trái Đất phụ thuộc vào nguồn nước.

Câu 18: Thực vật hấp thụ nước và chất khoáng nhờ cơ quan nào? Trình bày con đường vận chuyển nước và chất khoáng ở rễ.

Trả lời:

- Cơ quan hấp thụ nước và chất khoáng ở thực vật:

+ Thực vật trên cạn hấp thụ nước và chất khoáng từ đất chủ yếu qua các tế bào lông hút ở rễ. Rễ cây tạo thành mạng lưới phân nhánh trong đất, tăng cường khả năng hút nước và khoáng.

+ Thực vật thủy sinh hấp thụ nước và chất khoáng qua bề mặt các tế bào biểu bì của cây.

- Con đường vận chuyển nước và chất khoáng ở rễ: Sau khi được hấp thụ vào lông hút, dòng nước và khoáng được vận chuyển vào mạch gỗ của rễ thông qua 2 con đường (con đường xuyên qua tế bào chất của các tế bào và con đường xuyên qua khoảng không gian giữa các tế bào).

Câu 19: Vì sao cần uống đủ nước mỗi ngày?

Trả lời:

Khi cơ thể đủ nước, các cơ quan sẽ hoạt động tốt, khỏe mạnh: tiêu hoá tốt, tuần hoàn tốt, tăng cường trao đổi chất, phòng chống bệnh tật → Chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày.

Câu 20: Tại sao các thực vật cần năng lượng từ quang hợp?

Trả lời:

Các thực vật cần năng lượng từ quang hợp để thực hiện các hoạt động sống cần thiết như sinh trưởng, phát triển và tồn tại. Quang hợp giúp thực vật chuyển đổi năng lượng ánh sáng mặt trời thành năng lượng hóa học, được lưu trữ dưới dạng đường và các hợp chất hữu cơ khác. Năng lượng từ quang hợp cũng là nguồn cung cấp năng lượng cho các quá trình sinh tổng hợp và hoạt động của tế bào, giúp thực vật duy trì sự sống và phát triển.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Sinh học 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay