Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 cánh diều.

BÀI 27: ĐỊA LÍ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

(22 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành giao thông vận tải?

Trả lời:

* Vai trò của giao thông vận tải

+ Thúc đẩy hoạt động sản xuất và là cầu nối giúp các ngành kinh tế phát triển. Đồng thời chính sự phát triển của các ngành kinh tế đã tạo đà thúc đẩy giao thông vận tải. Một hệ thống giao thông thuận tiện, đảm bảo thông suốt, vận chuyển nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ sẽ như mạch máu lưu thông giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được liên tục.

+ Phục vụ nhu cầu đi lại của toàn xã hội, là cầu nối giữa các địa phương, là phương tiện giúp các quốc gia giao lưu và hội nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, làm cho khoảng cách địa lí được rút ngắn lại.

+ Góp phần khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

* Đặc điểm của giao thông vận tải:

+ Đối tượng của vận tải chính là con người và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra.

+ Sản phẩm của giao thông vận tải là sự chuyên chở người và hàng hoá từ nơi này đến nơi khác.

+ Sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu từ các ngành kinh tế khác.

+ Có sự phân bố đặc thù, theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.

Câu 2: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành bưu chính viễn thông?

Trả lời:

* Vai trò của bưu chính viễn thông

+ Tạo ra những điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh tế phát triển; tác động đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thay đổi cách thức tổ chức nền kinh tế.

+ Góp phần thực hiện giao lưu giữa các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế.

+ Tác động tích cực đến phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần và đảm bảo an ninh quốc gia.

* Đặc điểm của bưu chính viễn thông

+ Tạo ra mạng lưới bưu chính và mạng lưới truyền thông tin đến mọi nơi trong nước và các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất, phục vụ nhu cầu sản xuất và xã hội.

+ Bưu chính nhận, vận chuyển và chuyển phát bằng các phương thức khác nhau qua mạng bưu chính; viễn thông sử dụng các thiết bị kết hợp với vệ tinh và internet cung ứng dịch vụ từ xa không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa người cung ứng và người tiêu dùng dịch vụ.

Câu 3: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của giao thông vận tải?

Trả lời:

* Điều kiện tự nhiên

- Điều kiện tự nhiên quy định sự có mặt và vai trò của một số loại hình vận tải.

- Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến công tác thiết kế và khai thác các công trình giao thông vận tải. Không những thế, để khắc phục điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chi phí xây dựng cũng lớn hơn nhiều.

- Khí hậu và thời tiết có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện vận tải.

* Điều kiện kinh tế – xã hội

- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế quốc dân có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và phân bố, cũng như sự hoạt động của ngành giao thông vận tải.

- Trước hết, các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải. Tình hình phân bố các cơ sở công nghiệp, trình độ phát triển kinh tế của các vùng, quan hệ kinh tế giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ quy định mật độ mạng lưới giao thông vận tải, các loại hình vận tải, hướng và cường độ của các luồng vận chuyển.

Câu 4: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông?

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông: trình độ phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ, vốn đầu tư,...

2. THÔNG HIỂU (7 câu)

Câu 1: Tình hình phát triển của đường ô tô có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường ô tô:

- Ưu điểm: Nổi bật là sự thuận tiện, tính cơ động và khả năng thích nghi với các điều kiện địa hình, có hiệu quả kinh tế cao ở các cự li ngắn và trung bình, đáp ứng yêu cầu vận chuyển đa dạng của khách hàng. Vận tải đường ô tô phối hợp được với phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không... Có nhiều cải tiến không ngừng về phương tiện vận tải, hệ thống đường sá, về nhiên liệu sử dụng hạn chế ô nhiễm môi trường,...

- Hạn chế: cước phí vận chuyển đắt hơn so với đường sắt, đường thuỷ; gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Tai nạn ô tô là nguyên nhân gây tử vong và chấn thương nhiều trên thế giới.

 

Câu 2: Tình hình phát triển của đường sắt có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường sắt:

- Ưu điểm: vận chuyển được nhiều hàng hoá nặng trên những tuyến đường xa với tốc độ nhanh, ổn định, an toàn cao, giá rẻ hơn và ít gây ô nhiễm môi trường. Có những đổi mới về sức kéo (đầu máy chạy điện, chạy trên đệm từ,...).

- Hạn chế: Chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cố định có đặt đường ray, vốn đầu tư lớn để lắp đặt đường ray, xây dựng hệ thống nhà ga,...

 

Câu 3: Tình hình phát triển của đường hàng không có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường hàng không:

- Kết nối mạng lưới giao thông vận tải trên toàn thế giới, có vai trò quan trọng trong việc chuyên chở hành khách giữa các châu lục, đảm bảo giao lưu quốc tế.

- Ưu điểm: Tốc độ vận chuyên nhanh (nhanh nhất trong các phương tiện vận tải), tính an toàn cao, không bị cản trở bởi bề mặt địa hình.

- Hạn chế: cước phí đắt, không thích hợp cho hàng hoá cồng kềnh có giá trị thấp, khối lượng lớn, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết (sương mù, mưa, bão,..), gây ô nhiễm môi trường không khí.

 

Câu 4: Tình hình phát triển của đường biển có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường biển:

- Là phương tiện vận tải hàng hoá chủ yếu trên các tuyến đường quốc tế (vận tải viễn dương).

- Ưu điểm: Vận chuyển được hàng hoá nặng, cồng kềnh trên quãng đường dài, giá thành vận chuyển tương đối rẻ và khá ổn định, mức độ đảm bảo an toàn khá lớn. Chính vì thế mà vận tải đường biển đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hoá của tất cả các phương tiện vận tải trên thế giới mặc dù khối lượng vận chuyển hàng hoá không lớn.

- Hạn chế: Phụ thuộc vào thời tiết (bão), tốc độ vận tải chậm, thời gian vận chuyển lâu và gây ô nhiễm biển, đại dương (sự cố tràn dầu) do khoảng 1/2 khối lượng vận chuyển là dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ.

 

Câu 5: Tình hình phát triển của đường sông hồ có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường sông, hồ:

- Là phương tiện vận tải hàng hóa và người trên các tuyến đường thủy nội địa.

- Ưu điểm: cước phí vận chuyển rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, thích hợp với việc chuyên chở hàng hóa nặng, cồng kềnh, không cần nhanh.

- Hạn chế: phụ thuộc vào thời tiết, tính chất của dòng chảy (mực nước cạn, mặt nước sông, hồ đóng băng,...), tốc độ vận tải chậm.

 

Câu 6: Phân tích vai trò to lớn của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

Trả lời:

Vai trò to lớn của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội:

- Tạo ra những điều kiện cần thiết cho hoạt động kinh tế phát triển, tác động đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thay đổi cách thức tổ chức nền kinh tế; góp phần quan trọng làm thay đổi các nhân tố phân bố sản xuất, làm tăng trưởng mạnh mẽ quá trình phi tập trung hóa trong hoạt động của các cơ sở kinh tế.

- Góp phần thực hiện giao lưu giữa các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh - tế; tăng cường khả năng phối hợp hành động của con người ở những nơi rất xa trên Trái Đất.

- Tác động tích cực đến phát triển xã hội, có tác động sâu sắc đến việc tổ chức đời sống xã hội, đến việc tổ chức lãnh thổ các hoạt động kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, đảm bảo an ninh quốc gia.

Câu 7: Phân tích sự phát triển của bưu chính?

Trả lời:

Đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Mạng bưu cục không ngừng được mở rộng và nâng cấp. Nhiều dịch vụ mới với chất lượng cao ra đời như chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh, điện hoa, tiết kiệm qua bưu điện. Trong tương lai, nhiều dich vụ mới sẽ ra đời như bán hàng qua bưu chính , khai thác dữ liệu qua bưu chính.

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Để phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước. Giải thích tại sao?

Trả lời:

- Giao thông vận tải ở miền núi được phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn có nhiều trở ngại do địa hình, giữa miền núi với đồng bằng, nhờ thế sẽ giúp phá được thế “cô lập”, “tự cấp tự túc” của nền kinh tế.

- Sẽ có điều kiện khai thác các tài nguyên thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành được các nông, lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thúc đẩy sự thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi.

- Như vậy, sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tế ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hoá, giáo dục, y tế) cũng có điều kiện phát triển.

Câu 2: Tại sao sự phát triển của giao thông vận tải tác động tới phân bố dân cư đô thị?

Trả lời:

- Sự phát triển của giao thông vận tải (mạng lưới, phương tiện, tốc độ, chi phí, tiện nghi...).

- Tác động: Dân cư phân bố ra xa hơn ở các vùng ngoại thành, do người dân không cần ở tập trung gần nơi làm việc hoặc gần trung tâm vẫn có thể đi về hàng ngày.

Câu 3: Giao thông vận tải và các ngành sản xuất công, nông nghiệp có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

- Giao thông vận tải tác động đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp:

+ Giao thông vận tải phục vụ, tạo điều kiện, hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển (cung ứng nguyên, nhiên liệu; vận chuyển máy móc, thiết bị đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường,...).

+ Phân bố giao thông vận tải (đầu mối, tuyển đường) tác động đến phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

+ Giao thông vận tải là khách hàng của công nghiệp và nông nghiệp, đặt ra các nhu cầu cần đáp ứng về trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,...

- Các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tác động đến giao thông vận tải:

+ Cung cấp sản phẩm, máy móc, thiết bị, phương tiện cho giao thông vận tải. Các ngành này càng

phát triển mạnh càng tác động mạnh mẽ, nâng cao năng lực, hiện đại hoá giao thông vận tải.

+Sự phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp kéo theo và mở rộng sự phân bố của giao thông vận tải.

+ Công nghiệp, nông nghiệp là khách hàng của giao thông vận tải, đòi hỏi giao thông vận tải phải phát triển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển về mật độ, loại hình vận tải; hướng và cường độ vận tải...

 

Câu 4: Chứng minh rằng ngành giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh mẽ?

Trả lời:

Giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh:

- Vận tải bằng ô tô có nhiều ưu điểm nổi bật:

+ Tiện lợi, cơ động, thích nghi cao với các điều kiện địa hình.

+ Có hiệu quả kinh tế cao trên các cự li ngắn và trung bình

+ Phối hợp được sự hoạt động của các loại phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường không,...

- Có nhiều cải tiến quan trọng về phương tiện vận tải, hệ thống đường, đặc biệt là việc chế tạo được các loại ô tô dùng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường.

Câu 5: Chứng minh rằng ngành viễn thông có sự phát triển nhanh chóng?

Trả lời:

- Mật độ điện thoại – một chỉ tiêu tiêu đặc trưng cho sự phát triển viễn thông tăng lên rất nhanh, tốc độ lớn hơn mức tăng trưởng kinh tế nói chung.

- Việt Nam hiện là nước có tốc độ phát triển điện thoại đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2002 trung bình có 7,1 điện thoại cố định trên 100 dân.

- Toàn mạng lưới điện thoại đã được tự động hoá, tới tất cả các huyện và tới hơn 90% số xã trong cả nước. Đến giữa năm 2002 cả nước có hơn 5 triệu thuê bao điện thoại cố định, gần 1 triệu thuê bao điện thoại di động.

- Năng lực mạng viễn thông quốc tế và liên tỉnh được nâng lên vượt bậc. Các dịch vụ nhắn tin, điện thoại di động, điện thoại dùng thẻ, thư điện tử, truyền số liệu… không chỉ dừng ở các thành phố lớn như trước mà đã và đang phát triển đến hầu hết các tỉnh.

- Hơn 10 năm qua ngành viễn thông đã thành công trong việc đi thẳng vào hiện đại. Việt Nam có 6 trạm thông tin vệ tinh, 3 tuyến cáp quang biển quốc tế nối trực tiệp Việt Nam với hơn 30 nước, qua châu Á, Trung Cận Đông, đến Tây Âu. Tuyến cáp quang Bắc – Nam nối tất cả các  tỉnh thành.

- Nước ta hoà mạng Internet vào cuối năm 1997. Mạng Internet quốc gia là kết cấu hạ tầng tối quan trọng để phát triển và hội nhập. Trên cơ sở phát triển Internet và hàng loạt các dịch vụ khác đã được phát triển như phát hành báo điện tử, các trang WEB của của các cơ quan, các tổ chức kinh tế, các trường học… Đang hình thành mạng giáo dục và có thể tiến hành dạy học trên mạng, giao dịch buôn bán trên mạng.

4. VẬN DỤNG CAO (6 câu)

Câu 1: Tại sao sự phát triển kinh tế của một quốc gia chịu tác động to lớn của giao thông vận tải?

Trả lời:

- Giao thông vận tải là một ngành dịch vụ, tham gia vào việc cung ứng vật tư kĩ thuật, nguyên liệu, năng lượng cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, giúp cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.

- Giao thông vận tải thực hiện các mối liên hệ kinh tế - xã hội giữa các địa phương, thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa, tác động đến sự phát triển kinh tế.

- Những tiến bộ của ngành giao thông vận tải đã có tác động to lớn làm thay đổi sự phân bố sản xuất.

+ Những nơi nằm gần các tuyến vận tải lớn hoặc các đầu mối giao thông vận tải cũng là nơi tập trung các ngành sản xuất, dịch vụ và dân cư.

+ Nhờ hoàn thiện kĩ thuật, mở rộng cự li vận tải, tăng tốc độ vận chuyển mà các vùng xa xôi về mặt địa lí cũng trở nên gần.

- Sự phát triển của giao thông vận tải góp phần thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ. Trong sự phân công lao động theo lãnh thổ, mỗi lãnh thổ dựa vào những thuận lợi nổi trội của mình về các nguồn lực để sản xuất một số sản phẩm hàng hóa chuyên biệt có giá trị cao (chuyên môn hóa), đưa trao đổi với các lãnh thổ khác. Việc trao đổi đó không thể xảy ra nếu không có hoạt động của giao thông vận tải.

 

Câu 2: Sự phân bố đường sắt gắn liền với sự phân bố công nghiệp; sự phát triển đường biển gắn chặt với sự mở rộng buôn bán quốc tế. Giải thích tại sao?

Trả lời:

- Đường sắt: Vận tải đường sắt có ưu điểm nổi bật là vận tải được các hàng nặng trên quãng đường xa với tốc độ nhanh ổn định và giá rẻ, nên rất thích hợp cho vận chuyển hàng hóa công nghiệp (nguyên liệu, sản phẩm,...).

- Đường biển: Do ưu thế chở được khối lượng hàng hóa lớn với giá thành rẻ, vượt được đại dương rộng - lớn, khối lượng luân chuyển hàng hóa lớn,... nên vận tải đường biển đảm bảo phần lớn trong vận tải hàng hóa quốc tế.

 

Câu 3: Nước ta có mạng lưới sông ngòi vô cùng dày đặc. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới ngành giao thông vận tải?

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành vận tải đường sông (chính vì thế ở nước ta vận tải đường sông có khối lượng vận chuyển hàng hóa đứng thứ hai sau đường bộ).

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc lại không thuận lợi cho vận tải đường ô tô và đường sắt, đòi hỏi phải làm nhiều cầu, phà, và dễ gây tắc nghẽn giao thông trong mùa lũ. Điều này rất rõ đối với các tuyến đường chạy theo hướng Bắc – Nam (quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất).

 

Câu 4:  Tại sao nói : “Giao thông vận tải là ngành sản xuất vật chất độc đáo”?

Trả lời:

- Giao thông vận tải là ngành không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hóa, được đánh giá theo ba chỉ tiêu: khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.

- Ngành giao thông vận tải có vai trò đặc biệt mà các ngành khác không có:

+ Đảm bảo cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.

+ Đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp cho sinh hoạt được thuận tiện.

+ Là nhân tố quan trọng trong phân bố sản xuất và phân bố dân cư.

+ Thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa ở các vùng núi xa xôi.

+ Củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng.

+ Tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các nước trên thế giới.

 

Câu 5: Chứng minh sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông trên thế giới?

Trả lời:

Ngành viễn thông trên thế giới phát triển mạnh mẽ:

+ Mật độ điện thoại tăng nhanh, đứng thứ hai thế giới, tốc độ tăng lớn hơn mức tăng trưởng kinh tế nói chung.

 + Toàn mạng lưới điện thoại được tự động hóa, tới hơn 90% số xã trong cả nước.

 + Được nâng cấp các tính năng vượt trội: dịch vụ nhắn tin, gọi điện, gọi video, thư điện tử, giáo dục và giao dịch buôn bán trên mạng,…

 + Phát triển các trạm thông tin vệ tinh, cáp quang quốc tế và trong nước,…

 

Câu 6: Chứng minh rằng ở nước ta, ngành bưu chính phát triển mạnh, ngành viễn thông phát triển hiện đại?

Trả lời:

– Trong sản xuất: Dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ thông tin kinh tế giữa các nhà kinh doanh, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, giữa nước ta với thế giới bên ngoài.

– Trong đời sống: Ngành bưu chính viễn thông đảm bảo chuyển thư từ, bưu phẩm, điện báo và nhiều dịch vụ khác; đảm bảo thông suốt thông tin trong cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai…

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay