Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 cánh diều.
Xem: => Giáo án địa lí 11 cánh diều
BÀI 29. MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
(13 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Môi trường là gì và gồm những thành phần nào?
Trả lời:
* Khái niệm: Môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, tạo điều kiện để chúng ta sống, hoạt động và phát triển.
* Môi trường sống của con người gồm:
- Môi trường tự nhiên: bao gồm các thành phần của tự nhiên (địa chất, địa hình, khoáng sản, đất, nước, khí hậu, sinh vật);
- Môi trường xã hội: bao gồm các mối quan hệ giữa con người với con người (luật lệ, thể chế, quy định,...);
- Môi trường nhân tạo: bao gồm các nhân tố do con người tạo nên (khu đô thị, công viên, nhà máy, công sở,...).
Câu 2: Trình bày đặc điểm và vai trò của môi trường?
Trả lời:
- Đặc điểm của môi trường:
+Có quan hệ mật thiết và tác động qua lại với con người.
+ Có thể tác động và ảnh hưởng đến con người.
- Vai trò của môi trường:
+ Tạo không gian sống cho con người và sinh vật.
+ Chứa đựng và cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động sản xuất và đời sống con người.
+ Là nơi chứa đựng, cân bằng và phân huỷ các chất thải do con người tạo ra.
+ Lưu giữ và cung cấp thông tin, nhờ đó con người có thể hiểu biết được quá khứ và dự đoán được tương lai cho chính mình.
Câu 3: Tài nguyên thiên nhiên là gì?
Trả lời:
Tài nguyên thiên nhiên bao gồm tất cả các dạng vật chất tồn tại khách quan trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng phục vụ cuộc sống cá nhân và sự phát triển của xã hội loài người.
Câu 4: Trình bày đặc điểm chung và vai trò của tài nguyên thiên nhiên?
Trả lời:
- Đặc điểm chung của tài nguyên thiên nhiên:
+ Phân bố không đồng đều theo không gian lãnh thổ.
+ Phần lớn các nguồn TNTN có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
- Vai trò:
+ Là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội.
+ Là tiền đề quan trọng cho tích luỹ, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Câu 5: Tài nguyên thiên nhiên được phân loại theo những tiêu chí nào?
Trả lời:
Phân loại:
+ Theo thuộc tính tự nhiên: Tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản...
+ Theo công dụng kinh tế: Tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên công nghiệp, tài nguyên du lịch...
+ Theo khả năng có thể bị hao kiệt trong quá trình sử dụng của con người: tài nguyên có thể bị hao kiệt (tài nguyên không khôi phục được: khoáng sản; tài nguyên có thể khôi phục được: đất trồng, các loài động, thực vật,...); tài nguyên không bị hao kiệt: năng lượng mặt trời, gió, nước,...
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Môi trường có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của xã hội loài người?
Trả lời:
Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của xã hội loài người:
- Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực quan trọng của quá trình sản xuất, đặc biệt trong việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến và cung cấp nguyên - nhiên liệu cho các ngành kinh tế khác.
- Tài nguyên thiên nhiên là cơ sở để tích luỹ vốn và phát triển ổn định.
Câu 2: Phân biệt sự khác nhau giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo?
Trả lời:
Sự khác nhau giữa môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo:
- Môi trường tự nhiên: Bao gồm các thành phần của tự nhiên (địa chất, địa hình, khoáng sản, đất, nước, khí hậu, sinh vật). Môi trường tự nhiên xuất hiện trên bề mặt Trái Đất không phụ thuộc vào con người. Con người tác động vào tự nhiên, làm cho nó bị thay đổi, nhưng các thành phần của tự nhiên vẫn phát triển theo quy luật riêng của nó.
- Môi trường xã hội: Bao gồm các mối quan hệ giữa con người với con người (luật lệ, thể chế, quy định,...).
- Môi trường nhân tạo: Bao gồm các nhân tố do con người tạo nên (khu đô thị, công viên, nhà máy, công sở,..). Môi trường nhân tạo là kết quả lao động của con người, tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Nếu không có bàn tay chăm sóc của con người, thì các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại.
Câu 3: Môi trường địa lí có những chức năng nào?
Trả lời:
Môi trường địa lí có 3 chức năng chính:
- Là không gian sống của con người.
- Là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên
- Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra.
Câu 4: Phân tích điểm khác nhau giữa ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và mất cân bằng sinh thái môi trường?
Trả lời:
Ô nhiễm môi trường: Là trạng thái mà khi lượng các chất thải độc hại đưa vào môi trường vượt quá nồng độ cho phép, có thể gây hại cho sức khỏe của con người, đời sống của sinh vật. Nguyên nhân chủ yếu do lượng chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người xả thải vào môi trường không qua xử lí. Các chất thải ở nhiều dạng khác nhau: dạng khí (khí thải), lỏng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chứa hoá chất....
- Suy thoái môi trường: Là tình trạng mà khi chất lượng của các tài nguyên không ngừng bị giảm sút, do khai thác quá mức và sử dụng tài nguyên không hợp lí. Ví dụ:
+Tài nguyên đất bị suy thoái: Đất bạc màu, xói mòn trơ sỏi đá, đất bị ô nhiễm, đất bị đá ong hóa, đất bị sa mạc hóa,...
+ Tài nguyên sinh vật: Rừng bị tàn phá, diện tích đất trống, đồi trọc tăng lên nhiều; nhiều loài bị tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng; số lượng cá thể trong mỗi loài ít dần đi,....
- Mất cân bằng sinh thái môi trường:
+ Biểu hiện: Sự gia tăng của bão, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng bất thường về thời tiết, khí hậu.
+ Nguyên nhân: Do sự khai thác hoặc tác động quá mức vào các thành phần tự nhiên.
3. VẬN DỤNG (2 câu)
Câu 1: Chứng minh rằng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường là đảm bảo sự phát triển của con người?
Trả lời:
Tài nguyên và môi trường có vai trò cực kì quan trọng đối với con người
- Tài nguyên:
+ Là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội.
+ Là tiền đề quan trọng cho tích luỹ, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
- Môi trường:
+ Tạo không gian sống cho con người và sinh vật.
+ Chứa đựng và cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động sản xuất và đời sống con người.
+ Là nơi chứa đựng, cân bằng và phân huỷ các chất thải do con người tạo ra.
+ Lưu giữ và cung cấp thông tin, nhờ đó con người có thể hiểu biết được quá khứ và dự đoán được tương lai cho chính mình.
- Tài nguyên và môi trường có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển xã hội loài người, là điều kiện thường xuyên và cần thiết, là cơ sở vật chất của sự tồn tại và phát triển của xã hội - có thể nói, số phận và tương lai phát triển của xã hội loài người gắn bó chặt chẽ với số phận của môi trường địa lí.
Câu 2: Tiến bộ khoa học công nghệ có ý nghĩa như thế nào tới nguồn tài nguyên thiên nhiên?
Trả lời:
Ý nghĩa của tiến bộ khoa học công nghệ có đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay:
- Mở thêm danh mục tài nguyên thiên nhiên: Với tiến bộ của khoa học công nghệ, con người ngày càng tìm ra được nhiều loại tài nguyên mới (ví dụ: việc sử dụng tài nguyên sức gió, sức nước, năng lượng mặt trời,...).
- Khai thác hợp lí và sử dụng triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, tránh tình trạng lãng phí tài (ví dụ: từ dầu mỏ có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau,...). nguyên
- Sản xuất được các vật liệu mới, thay thế các vật liệu tự nhiên, giảm áp lực đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Con người sản xuất được các vật liệu mới thay thế vật liệu có trong tự nhiên hoặc thay thế các vật liệu được sản xuất với yêu cầu khối lượng tài nguyên lớn. Ví dụ, con người đã chế tạo được cao su nhân tạo thay thế cho cao su tự nhiên, sản xuất các chất dẻo tổng hợp để thay thế các chi tiết bằng kim loại. Hiện nay, vật liệu composite do con người sản xuất đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành kinh tế.
- Làm tăng tốc độ khai thác và sử dụng tài nguyên dẫn đến sự cạn kiệt nhanh chóng một số loại tài nguyên không hoàn lại (khoáng sản).
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Chứng minh rằng tài nguyên thiên nhiên là khái niệm có tính phát triển và tính lịch sử?
Trả lời:
- Tài nguyên thiên nhiên là các thành phần của tự nhiên (các vật thể và các nguồn lực tự nhiên) mà ở trình độ nhất định của sự phát triển lực lượng sản xuất chúng được sử dụng hoặc có thể được sử dụng làm phương tiện sản xuất và làm đối tượng tiêu dùng.
- Như vậy, có những thành phần của tự nhiên ở vào một thời kì nào đó với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất, con người chưa sử dụng được như một tài nguyên. Nhưng đến trình độ phát triển cao hơn, con người sử dụng được, lúc đó trở thành tài nguyên thiên nhiên.
- Trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, có những loại tài nguyên ngày càng khan hiếm dần và cạn kiệt hẳn. Đồng thời, có những loại tài nguyên mới được đưa vào sử dụng; danh sách tài nguyên được thay đổi (chủ yếu là bổ sung không ngừng).
- Ví dụ về tài nguyên năng lượng:
+ Trong nhiều thế kỉ, loài người đã sử dụng củi gỗ, sau đó là than đá làm nguồn năng lượng cho sản xuất và đời sống. + Trong thế kỉ XX, dầu mỏ với những thuận lợi hơn trong việc sử dụng và vận chuyển, đã thay thế
than đá và trở thành năng lượng quy đổi. Do liên tiếp xảy ra các cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở nhiều nước đã dẫn đến việc tìm và sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân.
+ Cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, do sự cạn kiệt năng lượng than, dầu khí; do hiện tượng nhà kính, những cơn mưa axit, sự ô nhiễm các đại dương đã thúc đẩy con người tìm kiếm nguồn năng lượng mới là nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo (năng lượng mặt trời, sức gió, địa nhiệt,...).
Câu 2: Vấn đề môi trường luôn có tính toàn cầu; đòi hỏi phải giải quyết có sự phối hợp giữa các quốc gia, sự đóng góp chung của mọi thành viên trong xã hội. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Vấn đề môi trường luôn có tính toàn cầu; đòi hỏi phải giải quyết có sự phối hợp giữa các quốc gia, sự đóng góp chung của mọi thành viên trong xã hội do:
- Môi trường là một thể thống nhất. Các thành phần, yếu tố trong môi trường có mối quan hệ xâm nhập, gắn bó hữu cơ chặt chẽ với nhau không thể chia cắt được. Các tác động đến môi trường đều có khả năng gây ra các phản ứng dây chuyền trong môi trường.
Các vấn đề môi trường cũng liên quan đến tính toàn cầu trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới (ví dụ, nhiệt độ toàn cầu nóng lên, lỗ thủng tầng ôzôn, khai thác tài nguyên nước trên các dòng sông lớn chảy qua nhiều quốc gia,...).
=> Giáo án địa lí 10 cánh diều bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên