Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều Ôn tập Chương 9: Địa lí các ngành kinh tế - Dịch vụ (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 9: Địa lí các ngành kinh tế - Dịch vụ (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 9. ĐỊA LÝ DỊCH VỤ (PHẦN 1)

Câu 1: Dịch vụ là gì?

Trả lời:

Dịch vụ là những hoạt động mang tính xã hội, tạo ra các sản phẩm phần lớn là vô hình (phi vật chất) nhằm thoả mãn các nhu cầu trong sản xuất và đời sống của con người.

Câu 2: Trình bày cơ cấu của ngành dịch vụ?

Trả lời:

- Là khu vực có cơ cấu ngành hết sức phức tạp.

- Người ta thường chia dịch vụ thành ba nhóm:

+ Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hoá, bản buôn, bán lẻ....

+ Dịch vụ tiêu dùng y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch, bưu chính viễn thông,...

+ Dịch vụ công hành chính công, thủ tục hành chính.....

 

Câu 3: Trình bày tác động của dịch vụ đến sản xuất?

Trả lời:

Tác động của dịch vụ đến sản xuất:

+ Thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bản thành phẩm... vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.

+ Giao thông vận tải, thông tin liên lạc tác động mạnh mẽ đến phân bổ sản xuất; tạo cơ sở hạ tầng.. các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.

+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư; các dịch vụ về tài chính tạo nguồn lực về sản xuất cho các doanh nghiệp.

+ Các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.

Câu 4: Phân tích tác động của ngành dịch vụ tới phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên môi trường?

Trả lời:

- Dịch vụ phát triển có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất.

+ Dịch vụ cung ứng nguyên liệu, vật tư, máy móc... để phát triển sản xuất.

+ Dịch vụ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra thị hiếu mới, nhu u mới, kích thích sản xuất phát triển.

+ Dịch vụ góp phần tăng cường các mối liên hệ kinh tế - xã hội giữa các địa phương, có tác động to lớn làm thay đổi phân bố sản xuất, thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ.

+ Sự phát triển của du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

- Dịch vụ phát triển có tác động đến tài nguyên, môi trường. -

+ Sự phát triển của dịch vụ cho phép khai thác tốt hơn tài nguyên thiên nhiên và sự ưu đãi của tự nhiên; các di sản văn hóa, lịch sử... để phục vụ con người.

+ Du lịch phát triển góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.

Câu 5: Sự phân bố các ngành dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Sự phân bố các ngành dịch vụ có ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế:

+ Loại hình dịch vụ có ảnh hưởng đến phân bố kinh tế chủ yếu là dịch vụ sản xuất, trong đó chủ yếu là giao thông vận tải, thông tin liên lạc.

+Các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tác động mạnh mẽ đến phân bố sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ khác.

+Các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.

+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Câu 6: Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế, vì

- Các ngành thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bán thành phẩm. và vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, như vậy là tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.

- Các dịch vụ về tài chính có ý nghĩa càng lớn khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng và vốn, bất động sản là nguồn lực của các doanh nghiệp.

- Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại, khoa học trở thành lực lượng sản xuất - trực tiếp, thì các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.

- Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông vận tải và thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho việc quản lí xã hội, quản lí nền kinh tế, làm thay đổi quan niệm của con người về không gian, về khoảng cách, làm tăng thêm vai trò của yếu tố thời gian.

- Trên thực tế, ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kì, EU và Nhật Bản đều là các nền kinh tế với công nghiệp chế tạo có công nghệ cao và dịch vụ rất phát triển.

 

Câu 7: Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất, vì:

- Dịch vụ sản xuất là ngành phục vụ cho yêu cầu của các ngành sản xuất, đảm bảo và tạo điều kiện để các ngành sản xuất phát triển.

- Các ngành dịch vụ sản xuất (trừ giao thông vận tải) không chịu ảnh hưởng của phân bố tài nguyên thiên nhiên, chỉ chịu tác động của các nhân tố kinh tế – xã hội.

Câu 8: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành giao thông vận tải.

Trả lời:

* Vai trò của giao thông vận tải

+ Thúc đẩy hoạt động sản xuất và là cầu nối giúp các ngành kinh tế phát triển. Đồng thời chính sự phát triển của các ngành kinh tế đã tạo đà thúc đẩy giao thông vận tải. Một hệ thống giao thông thuận tiện, đảm bảo thông suốt, vận chuyển nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ sẽ như mạch máu lưu thông giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được liên tục.

+ Phục vụ nhu cầu đi lại của toàn xã hội, là cầu nối giữa các địa phương, là phương tiện giúp các quốc gia giao lưu và hội nhập, giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, làm cho khoảng cách địa lí được rút ngắn lại.

+ Góp phần khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

* Đặc điểm của giao thông vận tải:

+ Đối tượng của vận tải chính là con người và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra.

+ Sản phẩm của giao thông vận tải là sự chuyên chở người và hàng hoá từ nơi này đến nơi khác.

+ Sử dụng nhiều nguyên, nhiên, vật liệu từ các ngành kinh tế khác.

+ Có sự phân bố đặc thù, theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.

 

Câu 9: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của giao thông vận tải?

Trả lời:

* Điều kiện tự nhiên

- Điều kiện tự nhiên quy định sự có mặt và vai trò của một số loại hình vận tải.

- Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến công tác thiết kế và khai thác các công trình giao thông vận tải. Không những thế, để khắc phục điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chi phí xây dựng cũng lớn hơn nhiều.

- Khí hậu và thời tiết có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện vận tải.

* Điều kiện kinh tế – xã hội

- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế quốc dân có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và phân bố, cũng như sự hoạt động của ngành giao thông vận tải.

- Trước hết, các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải. Tình hình phân bố các cơ sở công nghiệp, trình độ phát triển kinh tế của các vùng, quan hệ kinh tế giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ quy định mật độ mạng lưới giao thông vận tải, các loại hình vận tải, hướng và cường độ của các luồng vận chuyển.

Câu 10: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông?

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông: trình độ phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ, vốn đầu tư,...

 

Câu 11: Tình hình phát triển của đường ô tô có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường ô tô:

- Ưu điểm: Nổi bật là sự thuận tiện, tính cơ động và khả năng thích nghi với các điều kiện địa hình, có hiệu quả kinh tế cao ở các cự li ngắn và trung bình, đáp ứng yêu cầu vận chuyển đa dạng của khách hàng. Vận tải đường ô tô phối hợp được với phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không... Có nhiều cải tiến không ngừng về phương tiện vận tải, hệ thống đường sá, về nhiên liệu sử dụng hạn chế ô nhiễm môi trường,...

- Hạn chế: cước phí vận chuyển đắt hơn so với đường sắt, đường thuỷ; gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Tai nạn ô tô là nguyên nhân gây tử vong và chấn thương nhiều trên thế giới.

Câu 12: Tình hình phát triển của đường sắt có những ưu điểm và hạn chế nào?

Trả lời:

Đường sắt:

- Ưu điểm: vận chuyển được nhiều hàng hoá nặng trên những tuyến đường xa với tốc độ nhanh, ổn định, an toàn cao, giá rẻ hơn và ít gây ô nhiễm môi trường. Có những đổi mới về sức kéo (đầu máy chạy điện, chạy trên đệm từ,...).

- Hạn chế: Chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cố định có đặt đường ray, vốn đầu tư lớn để lắp đặt đường ray, xây dựng hệ thống nhà ga,...

 

Câu 13: Để phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước. Giải thích tại sao?

Trả lời:

- Giao thông vận tải ở miền núi được phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn có nhiều trở ngại do địa hình, giữa miền núi với đồng bằng, nhờ thế sẽ giúp phá được thế “cô lập”, “tự cấp tự túc” của nền kinh tế.

- Sẽ có điều kiện khai thác các tài nguyên thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành được các nông, lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thúc đẩy sự thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi.

- Như vậy, sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tế ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hoá, giáo dục, y tế) cũng có điều kiện phát triển.

Câu 14: Tại sao sự phát triển của giao thông vận tải tác động tới phân bố dân cư đô thị?

Trả lời:

- Sự phát triển của giao thông vận tải (mạng lưới, phương tiện, tốc độ, chi phí, tiện nghi...).

- Tác động: Dân cư phân bố ra xa hơn ở các vùng ngoại thành, do người dân không cần ở tập trung gần nơi làm việc hoặc gần trung tâm vẫn có thể đi về hàng ngày.

Câu 15: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành thương mại?

Trả lời:

* Vai trò của thương mại

+ Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.

+ Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.

+ Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.

+ Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.

* Đặc điểm của thương mại

+ Hoạt động theo quy luật cung, cầu gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. cầu của

+ Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).

+ Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

 

Câu 16: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành thương mại?

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của thương mại: trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm dân số, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn...

Câu 17: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng?

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng:

+ Sự phát triển của nền kinh tế: Kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu hoặc tích luỹ tiền tệ của mọi chủ thể trong xã hội.

+ Khoa học - công nghệ, mức thu nhập của dân cư, chính sách tài chính...

Câu 18: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành thương mại?

Trả lời:

Tình hình phát triển và phân bố của thương mại:

+ Nội thương: Hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia (còn gọi là thương mại nội địa); tạo ra thị trường thống nhất trong nước và thúc đẩy phân công lao động giữa các vùng. Thương mại bán lẻ còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân. Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại,...

+ Ngoại thương: Hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia (còn gọi là thương mại quốc tế). Hoạt động ngoại thương (xuất khẩu, nhập khẩu) gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Thông qua việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, nền kinh tế trong nước có động lực mạnh mẽ để phát triển, các lợi thế được khai thác có hiệu quả hơn. Kết quả hoạt động ngoại thương thể hiện bằng trị giá xuất nhập khẩu.

 

Câu 19: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành tài chính ngân hàng?

Trả lời:

Tình hình phát triển và phân bố: Hoạt động tài chính ngân hàng sôi động cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, chính sách tài chính năng động và phù hợp.

Câu 20: Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Thương mại được coi là mạch máu của nền kinh tế do:

- Thương mại là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua. Trong nền kinh tế thị trường thì sản xuất hàng hóa phát triển mạnh làm tăng vai trò của thương mại.

- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.

- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới. Thương mại là cầu nối thị trường trong nước với thị trường thế giới. Trong thời đại ngày nay, thương mại phát triển thể hiện rõ xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, tử đó góp phần đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.

- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay