Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều Ôn tập Chương 9: Địa lí các ngành kinh tế - Dịch vụ (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 9: Địa lí các ngành kinh tế - Dịch vụ (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 9. ĐỊA LÝ DỊCH VỤ (PHẦN 2)

Câu 1: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành du lịch?

Trả lời:

* Vai trò của ngành du lịch:

+ Kích thích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia và địa phương.

+ Tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, phục hồi sức khoẻ, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia.

+ Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí và hiệu quả tài nguyên; bảo vệ, khôi phục và tôn tạo môi trường (tự nhiên và nhân văn).

* Đặc điểm của ngành du lịch:

+ Hoạt động du lịch thường gắn với tài nguyên du lịch, khách du lịch phải đến nơi có tài nguyên du lịch nhờ các dịch vụ du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình.

+ Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng và phong phú, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi,...

+ Hoạt động du lịch thường có tính mùa vụ.

Câu 2: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của du lịch?

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của du lịch: tài nguyên du lịch, thị trường khách du lịch, cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thông tin liên lạc,...) và cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch (cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí, cơ sở dịch vụ...), các nhân tố kinh tế - xã hội khác như khoa học công nghệ, chính sách phát triển du lịch, điều kiện chính trị và an toàn xã hội,...

 

Câu 3: Thế nào là ngành thương mại?

Trả lời:

- Thương mại là quá trình mua, bán, trao đổi, lưu thông hàng hoá, dịch vụ bên trong một nước và giữa các nước trên thế giới.

- Thương mại là khâu nối liền sản xuất với tiêu dùng thông qua việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua.

- Thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương.

Câu 4: Trình bày cơ cấu của ngành dịch vụ?

Trả lời:

Cơ cấu của ngành dịch vụ:

- Là khu vực có cơ cấu ngành hết sức phức tạp.

- Ở nhiều nước, người ta chia các ngành dịch vụ ra thành ba nhóm: -

+ Dịch vụ kinh doanh: gồm vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...

+ Dịch vụ tiêu dùng: bao gồm các hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch, các dịch vụ cá nhân (như y tế, giáo dục, thể dục thể thao)...

+ Dịch vụ công: bao gồm dịch vụ hành chính công, các hoạt động đoàn thể...

Câu 5: Phân biệt cán cân xuất nhập khẩu?

Trả lời:

Cán cân xuất nhập khẩu:

+ Quan hệ so sánh giá trị giữa hàng xuất khẩu với giá trị hàng nhập khẩu được gọi là cán cân xuất nhập khẩu.

+ Nếu trị giá hàng xuất khẩu mà lớn hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là xuất siêu. Ngược lại, nếu trị giá hàng xuất khẩu mà nhỏ hơn trị giá hàng nhập khẩu thì gọi là nhập siêu.

Câu 6: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và doanh thu du lịch?

Trả lời:

- Tài nguyên du lịch trên lãnh thổ (tự nhiên, nhân văn).

- Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho ngành du lịch và cơ sở hạ tầng.

Nhân lực ngành du lịch: tính chuyên nghiệp của người phục vụ lữ hành, khách sạn, quảng bá.

- Thị trường du lịch (trong nước và quốc tế).

- Các nhân tố: an ninh, chính trị, sự phát triển các ngành kinh tế, hệ thống pháp luật,...

 

Câu 7: Hoạt động nhập khẩu tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế?

Trả lời:

- Tác động của hoạt động nhập khẩu đến sự phát triển kinh tế:

+ Nhập khẩu thiết bị, máy móc góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật của các ngành kinh tế.

+ Nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu cho phép mở rộng sản xuất, bù đắp các nhu cầu trong nước mà chưa đáp ứng được, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

+ Việc nhập khẩu hàng hóa còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh cần thiết giữa hàng nội địa và hàng nhập, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…

Câu 8: Nêu vai trò của dịch vụ?

Trả lời:

Vai trò: vừa thúc đẩy các hoạt động kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.

+ Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

+ Thúc đẩy phân công lao động, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

+ Phát triển nguồn nhân lực và phát triển con người, giải quyết tốt các vấn đề xã hội,

+ Góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường

+ Kết nối các hệ thống, yếu tố của các thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.

 

Câu 9: Dịch vụ có những đặc điểm gì?

Trả lời:

Đặc điểm của dịch vụ:

- Sản phẩm dịch vụ phần lớn là phi vật chất. Do đó, việc đánh giá chất lượng và quy mô cung cấp dịch vụ khó hơn so với việc đánh giá chất lượng và quy mô các sản phẩm vật chất (nông nghiệp, công nghiệp).

Quá trình sản xuất (cung cấp ) dịch vụ và tiêu dùng (hưởng thụ) dịch vụ thường diễn ra đồng thời.

- Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã làm thay đổi hình thức, cơ cấu, chất lượng của ngành dịch vụ.

Câu 10: Dân cư có tác động tới sự phát triển của ngành dịch vụ như thế nào?

Trả lời:

Dân cư tác động đến sự phát triển ngành dịch vụ.

+ Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ tăng dân số và sức mua của dân cư đặt ra những yêu cầu về quy mô phát triển, nhịp độ tăng trưởng và cơ cấu của ngành dịch vụ.

+ Sự phân bố dân cư kéo theo sự phân bố mạng lưới dịch vụ tiêu dùng; các ngành dịch vụ thường phân bố ở ngay trong lòng các điểm phân bố dân cư (thành phố, thị xã, các làng bản...).

- Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân cư có ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ: lễ + hội, văn hóa dân gian,... càng đa dạng và phong phú là cơ sở để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.

 

Câu 11: Sự phát triển kinh tế tác động tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ như thế nào?

Trả lời:

Tác động của sự phát triển kinh tế tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ:

- Sự phát triển của các ngành sản xuất vật chất làm nảy sinh các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất.

- Kinh tế phát triển, mức sống của nhân dân sẽ tăng, quyết định sức mua, nhu cầu dịch vụ.

- Sự phát triển kinh tế sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất

vật chất sang khu vực dịch vụ.

- Việc mở rộng sự phân bố sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ kéo theo sự phân bố rộng rãi và chuyển dịch phân bố dịch vụ.

Câu 12: Đô thị hóa có tác động như thế nào tới phát triển ngành dịch vụ?

Trả lời:

Sự phát triển của đô thị hóa tác động mạnh mẽ đến phát triển dịch vụ sản xuất, dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ công.

- Các thành phố thường là các trung tâm công nghiệp, vì vậy, các loại dịch vụ kinh doanh (dịch vụ sản xuất) phát triển một cách tương xứng.

- Dân cư thành thị nói chung có mức sống cao, có “lối sống thành thị”. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ hết sức

đa dạng, hoạt động dịch vụ cực kì phức tạp.

- Môi trường của các thành phố là môi trường nhân tạo, phần lớn nhu cầu của dân cư được đáp ứng nhờ các nguồn cung cấp từ bên ngoài vào (lương thực, thực phẩm, năng lượng, nước sinh hoạt,...).

- Nhiều thành phố là trung tâm hành chính, văn hoá, xã hội, một số thành phố, thị xã còn là trung tâm chính trị của cả nước, của địa phương; vì vậy, các dịch vụ công (hành chính, văn hóa, giáo dục,...) cũng được tập trung ở đây.

 

Câu 13: Dịch vụ sản xuất ngày càng phát triển mạnh. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Dịch vụ sản xuất phát triển, do:

- Sản xuất ngày càng phát triển với quy mô lớn, năng suất cao, tốc độ nhanh..., đòi hỏi ngành dịch vụ sản xuất (vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...) phát triển đáp ứng.

- Sự phát triển của nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ sản xuất phát triển (ví dụ, các phương tiện kĩ thuật hiện đại cùng với toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho các hoạt động của dịch vụ sản xuất diễn ra rất thuận lợi).

Câu 14: Tại sao ở các nước đang phát triển, lao động trong các ngành dịch vụ còn ít?

Trả lời:

– Trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội thấp.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tới các nước này còn yếu.

Trình độ đô thị hóa thấp, mạng lưới thành phố kém phát triển, tỉ lệ dân thành thị còn thấp.

– Mức sống của nhân dân nhìn chung còn thấp.

Câu 15: Chứng minh rằng ngành giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh mẽ?

Trả lời:

Giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh:

- Vận tải bằng ô tô có nhiều ưu điểm nổi bật:

+ Tiện lợi, cơ động, thích nghi cao với các điều kiện địa hình.

+ Có hiệu quả kinh tế cao trên các cự li ngắn và trung bình

+ Phối hợp được sự hoạt động của các loại phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường không,...

- Có nhiều cải tiến quan trọng về phương tiện vận tải, hệ thống đường, đặc biệt là việc chế tạo được các loại ô tô dùng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường.

 

Câu 16: Tại sao sự phát triển kinh tế của một quốc gia chịu tác động to lớn của giao thông vận tải?

Trả lời:

- Giao thông vận tải là một ngành dịch vụ, tham gia vào việc cung ứng vật tư kĩ thuật, nguyên liệu, năng lượng cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, giúp cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.

- Giao thông vận tải thực hiện các mối liên hệ kinh tế - xã hội giữa các địa phương, thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa, tác động đến sự phát triển kinh tế.

- Những tiến bộ của ngành giao thông vận tải đã có tác động to lớn làm thay đổi sự phân bố sản xuất.

+ Những nơi nằm gần các tuyến vận tải lớn hoặc các đầu mối giao thông vận tải cũng là nơi tập trung các ngành sản xuất, dịch vụ và dân cư.

+ Nhờ hoàn thiện kĩ thuật, mở rộng cự li vận tải, tăng tốc độ vận chuyển mà các vùng xa xôi về mặt địa lí cũng trở nên gần.

- Sự phát triển của giao thông vận tải góp phần thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ. Trong sự phân công lao động theo lãnh thổ, mỗi lãnh thổ dựa vào những thuận lợi nổi trội của mình về các nguồn lực để sản xuất một số sản phẩm hàng hóa chuyên biệt có giá trị cao (chuyên môn hóa), đưa trao đổi với các lãnh thổ khác. Việc trao đổi đó không thể xảy ra nếu không có hoạt động của giao thông vận tải.

Câu 17: Sự phân bố đường sắt gắn liền với sự phân bố công nghiệp; sự phát triển đường biển gắn chặt với sự mở rộng buôn bán quốc tế. Giải thích tại sao?

Trả lời:

- Đường sắt: Vận tải đường sắt có ưu điểm nổi bật là vận tải được các hàng nặng trên quãng đường xa với tốc độ nhanh ổn định và giá rẻ, nên rất thích hợp cho vận chuyển hàng hóa công nghiệp (nguyên liệu, sản phẩm,...).

- Đường biển: Do ưu thế chở được khối lượng hàng hóa lớn với giá thành rẻ, vượt được đại dương rộng - lớn, khối lượng luân chuyển hàng hóa lớn,... nên vận tải đường biển đảm bảo phần lớn trong vận tải hàng hóa quốc tế.

Câu 18: Nước ta có mạng lưới sông ngòi vô cùng dày đặc. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới ngành giao thông vận tải?

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành vận tải đường sông (chính vì thế ở nước ta vận tải đường sông có khối lượng vận chuyển hàng hóa đứng thứ hai sau đường bộ).

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc lại không thuận lợi cho vận tải đường ô tô và đường sắt, đòi hỏi phải làm nhiều cầu, phà, và dễ gây tắc nghẽn giao thông trong mùa lũ. Điều này rất rõ đối với các tuyến đường chạy theo hướng Bắc – Nam (quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất).

 

Câu 19: Tại sao nói: “Giao thông vận tải là ngành sản xuất vật chất độc đáo”?

Trả lời:

- Giao thông vận tải là ngành không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hóa, được đánh giá theo ba chỉ tiêu: khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.

- Ngành giao thông vận tải có vai trò đặc biệt mà các ngành khác không có:

+ Đảm bảo cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.

+ Đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp cho sinh hoạt được thuận tiện.

+ Là nhân tố quan trọng trong phân bố sản xuất và phân bố dân cư.

+ Thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa ở các vùng núi xa xôi.

+ Củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng.

+ Tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các nước trên thế giới.

Câu 20: Chứng minh sự phát triển của dịch vụ bưu chính viễn thông trên thế giới?

Trả lời:

Ngành viễn thông trên thế giới phát triển mạnh mẽ:

+ Mật độ điện thoại tăng nhanh, đứng thứ hai thế giới, tốc độ tăng lớn hơn mức tăng trưởng kinh tế nói chung.

 + Toàn mạng lưới điện thoại được tự động hóa, tới hơn 90% số xã trong cả nước.

 + Được nâng cấp các tính năng vượt trội: dịch vụ nhắn tin, gọi điện, gọi video, thư điện tử, giáo dục và giao dịch buôn bán trên mạng,…

 + Phát triển các trạm thông tin vệ tinh, cáp quang quốc tế và trong nước,…

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay