Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 11: Phạm vi biển Đông, các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 11: Phạm vi biển Đông, các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Đặc điểm tự nhiên vùng biển đảo Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
BÀI 11: PHẠM VI BIỂN ĐÔNG, CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÙNG BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
(17 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết các nước có chung biển Đông với Việt Nam?
Trả lời:
Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin.
Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết vùng biển của Việt Nam thông qua hai đại dương lớn nào?
Trả lời:
Vùng biển của Việt Nam thông qua hai đại dương lớn: Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết khoáng sản ở vùng biển Việt Nam là?
Trả lời:
Khoáng sản ở vùng biển Việt Nam là: dầu khí.
Câu 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết đảo lớn nhất Việt Nam đảo nào?
Trả lời:
Đảo lớn nhất Việt Nam là: đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Câu 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết hệ thống đảo ven bờ nước ta phân bố tập trung nhất ở vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào?
Trả lời:
Hệ thống đảo ven bờ nước ta phân bố tập trung nhất ở vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Nêu phạm vi của biển Đông.
Trả lời:
- Phạm vi của Biển Đông:
+ Biển Đông có diện tích khoảng 3,447 triệu km2, là biển lớn thứ hai của Thái Bình Dương và lớn thứ ba thế giới, nằm trong khoảng từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB và từ kinh độ 100oĐ đến kinh độ 121oĐ.
+ Biển Đông là biển tương đối kín vì được bao bọc bởi đất liền và hệ thống các đảo, quần đảo.
Câu 2: Trình bày đặc điểm tự nhiên của vùng biển đảo Việt Nam.
Trả lời:
- Địa hình:
+ Địa hình ven biển: khá đa dạng, gồm: các tam giác châu, các bãi cát phẳng, cồn cát, đầm, phá, vịnh cửa sông, vũng vịnh nước sâu, bờ biển bồi tụ, bờ biển mài mòn,...
+ Địa hình thềm lục địa: nông, mở rộng ở vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, thu hẹp ở khu vực miền Trung. Vùng thềm lục địa được tiếp nối với địa hình trên đất liền, tạo nên sự thống nhất về tự nhiên giữa đất liền và vùng biển.
+ Địa hình đảo: Việt Nam có nhiều đảo và quần đảo, trong đó có hai quần đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
- Khí hậu: Vùng biển đảo nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa hải dương.
+ Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là khoảng trên 23oC.
+ Lượng mưa trung bình năm khoảng 1100 mm/năm trở lên.
+ Hướng gió trên Biển Đông thay đổi theo mùa: từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió hướng đông bắc chiếm ưu thế; Các tháng còn lại, gió hướng tây nam chiếm ưu thế, riêng vịnh Bắc Bộ, gió chủ yếu có hướng đông nam.
+ Vùng biển đảo nước ta chịu nhiều thiên tai như: áp thấp nhiệt đới, bão, dông, lốc,...
- Hải văn:
+ Độ muối trung bình là khoảng 32 %0 - 33%0, có sự thay đổi theo mùa, theo từng khu vực và theo độ sâu.
+ Chế độ thuỷ triều đa dạng, bao gồm: nhật triều đều, nhật triều không đều, bán nhật triều đều và bán nhật triều không đều.
+ Trên vùng biển có các dòng biển hoạt động theo mùa: vào mùa đông, dòng biển có hướng đông bắc - tây nam; vào mùa hạ, dòng biển có hướng tây nam - đông bắc. Ở vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan có những dòng biển riêng.
- Sinh vật:
+ Sinh vật biển rất phong phú và đa dạng với các loài cá, tôm, mực, rắn biển, rùa biển, san hô,...
+ Trên các đảo và ven biển còn có rừng nhiệt đới thường xanh, rừng ngập mặn với một số loài cây đặc trưng như: sú, vẹt, đước, mắm,...
- Khoáng sản:
+ Thềm lục địa Việt Nam có dầu mỏ, khí đốt.
+ Ngoài ra, vùng ven biển nước ta còn có một số loại khoáng sản khác như: ti-tan, ni-ken, cát,... Đáy biển Việt Nam còn có trữ lượng băng cháy khá lớn.
Câu 3: Trình bày các điều kiện thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta.
Trả lời:
Các điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển là:
- Nguồn lợi sinh vật: Phong phú, giàu thành phần loài; nhiều loài có giá trị kinh tế cao, loài quý hiếm,...
- Tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ, khí tự nhiên nhiều.
- Có nhiều vùng biển kín, cửa sông thuận lợi xây dựng cảng.
- Có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt; đảo,... thuận lợi cho phát triển du lịch.
Câu 4: Trình bày khái niệm về vùng: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trả lời:
- Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
- Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.
- Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
- Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.
+ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lí thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
+ Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lí tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lí tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lí tính từ đường đẳng sâu 2500 m.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Nêu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiên tai ở vùng biển nước ta.
Trả lời:
- Tài nguyên thiên nhiên vùng biển:
- Tài nguyên khoáng sản:
- Có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Hai bể dầu lớn nhất hiện đang khai thác là Nam Côn Sơn và Cửu Long; các bể dầu khí Thổ Chu - Mã Lai và sông Hồng cũng có trữ lượng đáng kể; ngoài ra còn nhiều vùng có thể chứa dầu, khí đang được thăm dò.
- Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan là nguồn nguyên liệu quý cho ngành công nghiệp.
- Vùng ven biển nước ta cần thuận lợi cho nghề làm muôi, nhất là ven biển Nam Trung Bộ, nơi có nhiệt độ cao, nhiều nắng, lại chỉ có một số sông nhỏ để ra biển.
+ Tài nguyên hải sản:
- Sinh vật Biển Đông giàu thành phần loài và có năng suất sinh học cao, nhất là ở vùng ven bờ. Trong Biển Đông có trên 2000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác.
- Ven các đảo, nhất là tại hai quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa có nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác.
- Thiên tai:
+ Bão: Mỗi năm trung bình có 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có 3 - 4 cơn bão trực tiếp đổ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là với cư dân sống ở vùng ven biển.
+ Sạt lở bờ biển: Hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang đe dọa nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.
+ Ở vùng ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hóa đất đai.
Câu 2: Tại sao phải khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên vùng biển và hải đảo?
Trả lời:
Cần phải phải khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên vùng biển và hải đảo vì:
- Hoạt động kinh tế biển rất đa dạng, chỉ có khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.
- Môi trường biển là không bị chia cắt được nên một vùng biển bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho các vùng xung quanh.
- Môi trường đảo rất nhạy cảm trước tác động của con người. Chẳng hạn, việc chặt phá rừng và lớp phủ thực vật có thể làm mất đi vĩnh viễn nguồn nước ngọt trên đảo và biến đảo thành nơi con người không thể cư trú được.
Câu 3: Nêu ý nghĩa của vùng biển đối với tự nhiên?
Trả lời:
- Khí hậu: Biển Đông rộng, nhiệt độ nước biển cao và thay đổi theo mùa đã làm tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết nóng bức vào mùa hạ. Nhờ biển Đông, khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương và trở lên điều hòa hơn.
- Địa hình: Các dạng địa hình ven biển rất đa dạng gồm vịnh của sông, bờ biển mài mòn, bờ biển cửa sông có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, đầm phá, cồn cát,…
- Các hệ sinh thái ven biển: Rừng ngập mặn ven biển có diện tích rất rộng lớn với các loài sinh vật phong phú, đa dạng.
Câu 4: Nêu ý nghĩa của vùng biển đối với kinh tế - xã hội?
Trả lời:
- Vùng biển rộng lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội.
- Biển có độ sâu trung bình, nhiều ánh sáng, giàu oxi, sinh vật biển phog phú về chủng loại, trữ lượng lớn với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như các đặc sản: đồi mồi, vích, hái sâm, bào ngư, sò huyết,… Trên các đảo đá ven bờ biển Nam Trung Bộ có nhiều tổ Yến( Yến sào) là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
- Dọc bờ biển của nhiều vùng có thể sản xuất muối, có các mỏ oxit titan được khai thác để xuất khẩu. Cát trắng trên các đảo thuộc Quảng Ninh, Khánh Hòa là nguyên liệu để làm thủy tinh. Vùng thềm lục địa có các mỏ dầu khí đã và đang được thăm dò, phát hiện, khai thác.
- Vùng biển có điều kiện phát triển giao thông vận tải.
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Đối với cảnh quan tự nhiên, vùng biển nước ta có vai trò như thế nào?
Trả lời:
- Vùng biển Việt Nam (một phần của Biển Đông) có tác động trực tiếp đến việc hình thành các cảnh quan tự nhiên.
- Biển là nguồn cung cấp hơi nước thường xuyên, làm cho tính chất hải dương của thiên nhiên nước ta thể hiện rõ rệt. Với hình dạng lãnh thổ hẹp ngang, gió từ biển dễ đi sâu vào đất liền làm giảm tính chất khô hạn trong mùa đông và gây nên lượng mưa lớn trong mùa hè, đồng thời độ ẩm tương đối trong không khí cũng cao, thường đạt trên 80%. Có thể nói: biển nước ta đã điều hòa khí hậu, tạo nên môi trường tự nhiên trong sạch, dễ chịu.
- Do tác động của biển, các cảnh quan tự nhiên nước ta càng thêm phong phú, đa dạng: Cảnh quan duyên hải chạy liên tục từ bắc chí nam với các cồn cát, bãi cát, đầm phá, rừng ngập mặn,... Ngoài ra, cảnh quan hải đảo cũng là nét đặc sắc của một đất nước có đường bờ biển dài 3260 km.
Câu 2: Nêu ý nghĩa của hệ thống các đảo và quần đảo của Việt Nam trưng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Trả lời:
- Về kinh tế - xã hội:
+ Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với việc đánh bắt và nuôi trồng hải sản, cũng như các đặc sản.
- Đánh bắt, nuôi cá, tôm.
- Các đặc sản: bào ngư, ngọc trai, tổ yến,...
+ Phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản (cá, nước mắm,...) và giao thông vận tải biển.
+ Có ý nghĩa về du lịch:
- Tiềm năng đa dạng (rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các di tích lịch sử - cách mạng,...).
- Mới bắt đầu khai thác.
+ Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân cho các huyện đảo.
- Về an ninh, quốc phòng:
+ Là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền.
+ Là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo và quần đảo.
Câu 3: Chứng minh Biển Đông là biển tương đối kín và là biển ấm.
Trả lời:
- Biển Đông là vùng biển tương đối kín là do được bao quanh bởi hệ thống đảo và quần đảo. Vùng biển này được bao bọc 4 phía bởi lục địa châu Á, các quần đảo Philippin, Malaixia và Inđônêxia, chỉ thông ra Thái Bình Dương và các biển lân cận bằng những eo biển hẹp.
- Biển Đông là biển ấm do nhiệt độ trung bình năm của nước biển tầng mặt là khoảng trên 23oC.
Câu 4: Tại sao phải phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển?
Trả lời:
Phải phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển ở nước ta, vì:
- Phát triển tổng hợp là sự phát triển nhiều ngành, giữa các ngành có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau để cùng phát triển và sự phát triển của một ngành không được kìm hãm hoặc gây thiệt hại cho các ngành khác.
- Tài nguyên biển nước ta phong phú và đa dạng, nên các hoạt động kinh tế biển rất đa dạng: đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác các đặc sản, khai thác khoáng sản trong nước biển và lòng đất, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Chỉ có khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.