Câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 2

KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM

Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nước ta có mấy miền khí hậu?

Trả lời:

Nước ta có hai miền khí hậu là:

- Miền khí hậu phía Bắc: từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.

- Miền khí hậu phía Nam: từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắ

Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nhiệt độ trung bình năm của trạm khí hậu Lạng Sơn.

Trả lời:

Nhiệt độ trung bình năm của Lạng Sơn khoảng 21oC.

Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết mùa mưa và mùa khô ở Lạng Sơn diễn ra trong khoảng thời gian nào?

Trả lời:

Mùa mưa ở Lạng Sơn: kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9.

Mùa khô ở Lạng Sơn: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4.

Câu 4: Trình bày về tính chất nhiệt đới của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

Tính chất nhiệt đới của gió mùa Việt Nam được thể hiện qua: bức xạ mặt Trời, nhiệt độ và số giờ nắng.

- Bức xạ mặt trời:

+ Tổng bức xạ lên: 110 - 160 kcal/cm2 /năm.

+ Cán cân bức xạ: 75 kcal/cm2 /năm.

- Số giờ nắng: 1400 giờ /năm - 3000 giờ/năm.

- Nhiệt độ trung bình trên 20oC (trừ những vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.

Câu 5: Chứng minh sự phân hoá đa dạng của khí hậu nước ta từ bắc vào nam và từ tây sang đông. Lấy ví dụ cụ thể.

Trả lời:

Sự phân hóa khí hậu từ bắc xuống nam và từ tây sang đông: Từ bắc xuống nam, khí hậu nước ta được chia làm 2 miền:

- Miền khí hậu phía bắc:

+ Ở phía bắc dãy Bạch Mã.

+ Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 20oC. Mùa đông lạnh; mùa hạ nóng và mưa nhiều.

- Miền khí hậu phía nam:

+ Ở phía nam dãy Bạch Mã.

+ Có khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ trung bình năm cao trên 25oC. Lượng mưa có sự phân hóa giữa mùa mưa và mùa khô.

 - Riêng khu vực ven biển miền Trung từ 11oC - 18oC mùa mưa lệch sang mùa thu đông.

Sự phân hóa khí hậu từ đông sang tây:

- Nguyên nhân: ảnh hưởng của địa hình và hoạt động các khối khí.

- Biểu hiện: Sự khác biệt khí hậu giữa các vùng miền và thềm lục địa: vùng đồng bằng ven biển và đồi núi.

Ví dụ:

- Theo chiều bắc nam: Khí hậu miền bắc có mùa đông lạnh, miền nam nóng quanh năm.

- Theo chiều đông tây: Khu vực đông bắc do ảnh hưởng địa hình và hướng gió nên có mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn khu vực tây bắc.

Câu 6: Chứng minh khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Giải thích tại sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?

Trả lời:

Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa

- Tính chất nhiệt đới:

+ Bình quân 1 m2 lãnh thổ nhận được một triệu kilô calo trong một năm.

+ Số giờ nắng đạt từ 1400 - 3000 giờ trong một năm.

+ Nhiệt độ trung bình năm của không khí đều vượt 21% trên cả nước.

- Tính chất gió mùa:

+ Khí hậu nước ta chia thành hai mùa rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió,

+ Mùa đông có gió mùa Đông Bắc lạnh khô, mùa hạ có gió mùa Tây Nam và Đông Nam nóng ẩm.

- Tính chất ẩm:

+ Lượng mưa trung bình năm lớn đạt từ 1500 - 2000 mm. Ở những sườn núi đón gió biển và các khối núi cao, lượng mưa trung bình năm có thể lên đến 3500 - 4000 mm.

+ Độ ẩm không khí cao, trên 80%, cân bằng ẩm luôn luôn dương.

Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, vì:

- Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến. Hằng năm, lãnh thổ nước ta nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn do góc nhập xạ lớn và ở mọi nơi trong năm đều có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh.

- Giáp Biển Đông - nguồn dự trữ nhiệt ẩm dồi dào, các khối khí di chuyển qua biển đã mang lại cho nước ta lượng mưa lớn, độ ẩm không khí cao.

- Nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa châu Á.

Câu 7: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp nước ta.

Trả lời:

- Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta được tiến hành quanh năm, có thể trồng được nhiều vụ một năm, cho năng suất cao,... tạo nên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị xuất khẩu.

- Tạo điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh:

+ Tính chất gió mùa cùng với sự phân hoá của khí hậu đã làm cho cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp cũng khác nhau giữa các vùng, địa phương.

+ Mỗi vùng có những thế mạnh riêng, tạo điều kiện để nước ta hình thành các vùng chuyên canh với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.

+ Ở các khu vực địa hình núi, cao nguyên có thể hình thành vùng trồng cây cận nhiệt và ôn đới.

- Sản phẩm nông nghiệp đa dạng: Do sự phân hoá khí hậu từ bắc vào nam, từ tây sang đông và theo độ cao địa hình nên nước ta có cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có cả các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới.

- Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nhiều rủi ro: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng mang đến thiên tai (lũ lụt, hạn hán,...), dịch bệnh,... gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Câu 8: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kể tên các hệ thống sông lớn ở nước ta.

Trả lời:

Nước ta có 9 hệ thống sông lớn là: Hồng, Thái Bình, Kỳ Cùng - Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba (Đà Rằng), Đồng Nai và Cửu Long.

Câu 9: Liệt kê ít nhất 3 biện pháp khai thác tổng hợp dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời:

Biện pháp khai thác tổng hợp các dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long là:

- Tận dụng nguồn nước để thau chua rửa mặn, nuôi trồng thủy sản, phát triển giao thông, du lịch.

- Tận dụng nguồn phù sa để bón ruộng, mở rộng đồng bằng.

- Tận dụng thủy sản tự nhiên, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.

Câu 10: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết sông Cửu Long được chia làm mấy nhánh, tên các nhánh đó và đổ ra cửa biển nào?

Trả lời:

Sông Cửu Long:

- 2 nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang.

- 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bắt Sắc, Trần Đề.

Câu 11: Trình bày đặc điểm mạng lưới sông ở nước ta.

Trả lời:

- Mạng lưới sông dày đặc:

+ Nước ta có 2360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên.

+ Mật độ sông: 0,66 km/km2 . Trung bình cứ 20km lại có một cửa sông.

+ Sông của nước ta nhỏ, ngắn và dốc do lãnh thổ hẹp ngang và địa hình dốc.

- Hướng:

+ Sông có 2 hướng chính là tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.

+ Ngoài ra, còn có một số sông chảy theo hướng tây - đông và đông tây ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

- Chế độ nước sông: Có 2 mùa: mùa lũ và mùa cạn.

+ Mùa lũ tương ứng mùa mưa, kéo dài 4-5 tháng; chiếm 70-80% lượng nước cả năm.

+ Mùa cạn tương ứng mùa khô, kéo dài 7-8 tháng; chiếm 20-30% lượng nước cả năm.

- Sông có lượng phù sa lớn:

+ Khoảng 200 triệu tấn/năm. Nguyên nhân do mưa lớn và tập trung vào mùa mưa và địa hình đồi núi.

+ Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng nhanh về phía biển khoảng 80-100m/năm.

Câu 12: Vai trò của hồ, đầm đối với sản xuất và sinh hoạt của con người ở nước ta.

Trả lời:

- Trong sản xuất:

+ Hồ, đầm cung cấp nguồn nước tưới cho các vùng trồng trọt và chăn nuôi, cho nhiều ngành công nghiệp, là nơi nuôi trồng thuỷ sản.

+ Nhiều hồ nhân tạo còn là nơi cung cấp nước cho các nhà máy thuỷ điện.

+ Hồ, đầm còn là đường giao thông thuỷ và tạo cảnh quan cho phát triển du lịch.

- Trong sinh hoạt: hồ cung cấp nguồn nước ngọt để phục vụ đời sống hằng ngày của người dân.

- Ngoài ra, hồ, đầm còn góp phần làm cho không khí mát mẻ hơn, điều tiết nước, là nơi dự trữ nước lớn, nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật dưới nước,...

Câu 13: Tại sao chế độ nước sông ở ba vùng sông ngòi (sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) nước ta lại có sự khác nhau?

Trả lời:

Chế độ nước của ba vùng sông ngòi lại có sự khác nhau là do:

- Đặc điểm nền địa chất, địa hình lưu vực và hình dạng lãnh thổ ở ba vùng sông ngòi có sự khác nhau.

- Do đặc điểm khí hậu, đặc biệt là chế độ mưa ở ba vùng khác nhau.

- Ngoài ra, còn do tác động của các nhân tố khác như: đặc điểm lưu vực (diện tích, phụ lưu,...), thực vật, hồ, đầm và nhân tố con người.

Câu 14: Chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Công.

Trả lời:

- Ở lưu vực sông Cửu Long (sông Mê Kông) có tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô; cùng với tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng càng khiến xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra trầm trọng hơn.

- Để khắc phục tình trạng đó, cần đẩy mạnh việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Cửu Long thông qua biện pháp cải tạo, mở rộng hệ thống kênh rạch vừa góp phần đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất (trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản,..), vừa phòng chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn).

- Trong quá trình sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Cửu Long cần chú ý đến vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước.

Câu 15: Những nguyên nhân nào làm cho nguồn nước sông của nước ta bị ô nhiễm? Để dòng sông không bị ô nhiễm, chúng ta cần phải làm gì?

Trả lời:

- Những nguyên nhân làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm

+ Sông ngòi thường bắt nguồn từ miền núi chảy về đồng bằng, sau đó đổ nước ra biển.

+ Miền núi là đầu nguồn nước, do rừng cây ở đây bị chặt phá nhiều khiến cho nước mưa và bùn cát dồn nhanh xuống dòng sông, gây ra những trận lũ đột ngột và dữ dội, tàn phá mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, gia súc,...

+ Ở các vùng đồng bằng, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, có rất nhiều dòng sông, khúc sông đã bị ô nhiễm nặng 11C bởi rác thải và các chất độc hại từ các khu dân cư, các đô thị, các khu công nghiệp chưa qua xử lí đã thải ngay vào dòng sông.

- Một số biện pháp để dòng sông không bị ô nhiễm

+ Bảo vệ tốt rừng đầu nguồn các sông và thảm thực vật trong lưu vực sông.

+ Xử lý tốt nguồn chất thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt trước khi đưa vào sông, hồ,...

+ Khai thác hợp lý, bền vững các giá trị kinh tế của sông ngòi.

Câu 16: Trình bày vai trò của nước ngầm đối với đời sống con người?

Trả lời:

Vai trò của nước ngầm đối với đời sống con người là:

- Nước ngầm là nguồn nước quan trọng phục vụ nhu cầu  ăn uống, sinh hoạt của con người.

- Nguồn nước ngầm chất lượng tốt còn có vài trò trong việc hỗ trợ chữa bệnh.

- Nước ngầm là nguồn nước duy trì sự sống cho các loại động thực vật trên toàn thế giới.

- Nước ngầm cung cấp nước phục vụ cho nông nghiệp: Tưới hoa màu, cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao.

- Nguồn nước cung cấp cho sông suối, ao hồ và đại dương.

- Sử dụng nguồn nước ngầm giúp con người giải phóng sức lao động khi phải lấy nước xá.

- Nước ngầm góp phần ổn định dòng chảy sông ngòi của nhiều con sông. Ngoài ra giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở, sụt lún.

Câu 17: Dựa vào kiến thức đã học, cho biết có mấy nhóm giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Trả lời:

Có 2 nhóm giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu là:

- Giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Giải pháp để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Câu 18: Liệt kê một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trả lời:

Một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu là:

- Sử dụng năng lượng mặt trời.

- Sử dụng năng lượng gió.

Câu 19: Trình bày ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi nước ta.

Trả lời:

Ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi nước ta là:

- Lượng mưa lớn làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có nhiều sông ngòi, sông nhiều nước.

- Chế độ mưa theo mùa làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến theo mùa, theo sát nhịp điệu mưa. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô. Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến thất thường.

- Mưa lớn tập trung theo mùa làm cho quá trình xâm thực diễn ra mạnh ở vùng đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.

Câu 20: Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu ở Việt Nam là?

Trả lời:

Nguyên nhân biến đổi khí hậu ở Việt Nam là:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Do nhu cầu sinh hoạt và lao động, con người đã không ngừng thay đổi mục đích sử dụng đất và nước. Cùng với đó, lượng khí thải lớn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là ở thời đại máy móc công nghiệp càng khiến khí hậu bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khí thải tăng cao khiến nồng độ CO2 trong không khí vượt ngưỡng cho phép, các khí nhà kính tồn tại trong khí quyển là một trong những nguyên nhân biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Nóng lên toàn cầu.

+ Nước biển dâng bất thường.

+ Xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan: lốc xoáy, bão tố, ngập lụt,...

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay