Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 7: Thủy văn Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 7: Thủy văn Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
BÀI 7: THỦY VĂN VIỆT NAM
(17 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kể tên các hệ thống sông lớn ở nước ta.
Trả lời:
Nước ta có 9 hệ thống sông lớn là: Hồng, Thái Bình, Kỳ Cùng - Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba (Đà Rằng), Đồng Nai và Cửu Long.
Câu 2: Liệt kê ít nhất 3 biện pháp khai thác tổng hợp dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời:
Biện pháp khai thác tổng hợp các dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long là:
- Tận dụng nguồn nước để thau chua rửa mặn, nuôi trồng thủy sản, phát triển giao thông, du lịch.
- Tận dụng nguồn phù sa để bón ruộng, mở rộng đồng bằng.
- Tận dụng thủy sản tự nhiên, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.
Câu 3: Liệt kê ít nhất 3 nguồn gây ô nhiễm nước sông.
Trả lời:
Các nguồn gây ô nhiễm nước sông là:
- Nước thải, rác thải của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ sinh hoạt.
- Vật liệu chìm đắm cản trở dòng chảy tự nhiên.
- Đánh bắt thủy sản hằng hóa chất, điện.
Câu 4: Liệt kê một số giá trị của sông ngòi nước ta.
Trả lời:
Một số giá trị của sông ngòi nước ta là:
- Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.
- Xây dựng các nhà máy thủy điện.
- Bồi đắp phù sa, mở rộng đồng bằng về phía biển.
- Khai thác và nuôi trồng thủy sản.
- Phát triển giao thông vận tải đường sông.
- Còn có giá trị về du lịch, thể thao,...
Câu 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết sông Cửu Long được chia làm mấy nhánh, tên các nhánh đó và đổ ra cửa biển nào?
Trả lời:
Sông Cửu Long:
- 2 nhánh: Tiền Giang và Hậu Giang.
- 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Bắt Sắc, Trần Đề.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Trình bày đặc điểm mạng lưới sông ở nước ta.
Trả lời:
- Mạng lưới sông dày đặc:
+ Nước ta có 2360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên.
+ Mật độ sông: 0,66 km/km2 . Trung bình cứ 20km lại có một cửa sông.
+ Sông của nước ta nhỏ, ngắn và dốc do lãnh thổ hẹp ngang và địa hình dốc.
- Hướng:
+ Sông có 2 hướng chính là tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.
+ Ngoài ra, còn có một số sông chảy theo hướng tây - đông và đông tây ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
- Chế độ nước sông: Có 2 mùa: mùa lũ và mùa cạn.
+ Mùa lũ tương ứng mùa mưa, kéo dài 4-5 tháng; chiếm 70-80% lượng nước cả năm.
+ Mùa cạn tương ứng mùa khô, kéo dài 7-8 tháng; chiếm 20-30% lượng nước cả năm.
- Sông có lượng phù sa lớn:
+ Khoảng 200 triệu tấn/năm. Nguyên nhân do mưa lớn và tập trung vào mùa mưa và địa hình đồi núi.
+ Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng nhanh về phía biển khoảng 80-100m/năm.
Câu 2: Trình bày chế độ nước của các hệ thống sông Hồng, Thu Bồn và Cửu Long.
Trả lời:
- Chế độ nước của hệ thống sông Hồng:
+ Là hệ thống sông lớn nhất ở phía bắc nước ta, chảy theo hướng tây bắc - đông nam.
+ Toàn bộ hệ thống sông có trên 600 phụ lưu, trong đó có hai phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô.
+ Ở vùng đồng bằng, sông Hồng có nhiều chi lưu kết nối với hệ thống sông Thái Bình trước khi đổ ra biển.
+ Chế độ dòng chảy khá đơn giản với mùa lũ dài khoảng 5 tháng, tập trung tới 75 - 80% tổng lượng nước cả năm. Do mùa lũ xảy ra đồng thời giữa sông chính và các phụ lưu nên lũ thường lên nhanh.
- Chế độ nước của hệ thống sông Thu Bồn:
+ Là hệ thống sống lớn ở duyên hải miền Trung nước ta.
+ Toàn bộ hệ thống sông có hơn 80 phụ lưu chảy theo các hướng khác nhau, những đoạn dòng chảy chính ở hạ lưu khi đổ ra biển có hướng tây - đông.
+ Mùa lũ thường kéo dài khoảng 3 tháng vào thu - đông nhưng tập trung khoảng 65% tổng lượng nước cả năm.
+ Do độ dốc địa hình lớn, hình dạng sông và chế độ mưa phân mùa mạnh mẽ nên sông thường xảy ra lũ lớn, lũ lên nhanh và rút nhanh.
- Chế độ nước của hệ thống sông Cửu Long:
+ Là phần dòng chảy thuộc hạ lưu hệ thống sông Mê Công.
+ Hệ thống sông Mê Công có rất nhiều phụ lưu (trong đó có hơn 280 phụ lưu trên lãnh thổ nước ta). Khi chảy về lãnh thổ Việt Nam, sông chia thành hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu.
+ Chế độ nước đơn giản và khá điều hòa, mùa lũ dài khoảng 5 tháng, chiếm 75 - 80% tổng lượng nước cả năm.
+ Do sông có diện tích lưu vực lớn, độ dốc nhỏ nên lũ thường lên chậm và rút chậm. Tuy nhiên, hệ thống sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biển, đặc biệt là trong mùa cạn.
Câu 3: Trình bày mối quan hệ giữa chế độ mưa và chế độ nước của một hệ thống sông lớn ở nước ta.
Trả lời:
- Chế độ nước sông có 2 mùa: mùa lũ và mùa cạn.
+ Mùa lũ tương ứng mùa mưa, kéo dài 4-5 tháng; chiếm 70-80% lượng nước cả năm.
+ Mùa cạn tương ứng mùa khô, kéo dài 7-8 tháng; chiếm 20-30% lượng nước cả năm
Câu 4: Giải thích vì sao sông ngòi nước ta có những đặc điểm như vậy?
Trả lời:
Sông ngòi nước ta có những đặc điểm như vậy là bởi vì:
- Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có lượng mưa lớn đã làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc và phân bố rộng khắp trên cả nước.
- Do cấu trúc địa hình nước ta có hai hướng chính là hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung nên những sông chảy trong các khu vực địa hình đó cũng có hướng như vậy.
- Do mưa theo mùa nên sông ngòi nước ta có chế độ nước theo mùa.
- Do mưa nhiều nên sông ngòi nước ta có lượng nước lớn, hơn nữa sông ngòi nước ta còn nhận một lượng nước lớn từ lưu vực nằm ngoài lãnh thổ.
- Do quá trình xâm thực mạnh ở miền đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Vai trò của hồ, đầm đối với sản xuất và sinh hoạt của con người ở nước ta.
Trả lời:
- Trong sản xuất:
+ Hồ, đầm cung cấp nguồn nước tưới cho các vùng trồng trọt và chăn nuôi, cho nhiều ngành công nghiệp, là nơi nuôi trồng thuỷ sản.
+ Nhiều hồ nhân tạo còn là nơi cung cấp nước cho các nhà máy thuỷ điện.
+ Hồ, đầm còn là đường giao thông thuỷ và tạo cảnh quan cho phát triển du lịch.
- Trong sinh hoạt: hồ cung cấp nguồn nước ngọt để phục vụ đời sống hằng ngày của người dân.
- Ngoài ra, hồ, đầm còn góp phần làm cho không khí mát mẻ hơn, điều tiết nước, là nơi dự trữ nước lớn, nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật dưới nước,...
Câu 2: Vai trò của nước ngầm đối với sản xuất và sinh hoạt của con người nước ta.
Trả lời:
- Nguồn nước ngầm có vai trò quan trọng đối với sản xuất và sinh hoạt:
+ Cung cấp nước cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
+ Cung cấp nước sinh hoạt rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đông dân cư.
+ Nguồn nước ngầm là nước khoáng, nước nóng ở nhiều địa phương có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người nên có thể khai thác để phát triển các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh,...
Câu 3: Nêu những thuận lợi và khó khăn của sông ngòi đối với đời sống, sản xuất và sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước sông.
Trả lời:
- Thuận lợi: cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch,...
- Khó khăn: chế độ nước thất thường, gây ngập úng một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ quét ở miền núi,...
- Nguồn nước, sông đang bị ô nhiễm, nhất là sông ở các thành phố, các khu công nghiệp, các khu tập trung dân cư,... Nguyên nhân: mất rừng, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt,...
Câu 4: Tại sao chế độ nước sông ở ba vùng sông ngòi (sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) nước ta lại có sự khác nhau?
Trả lời:
Chế độ nước của ba vùng sông ngòi lại có sự khác nhau là do:
- Đặc điểm nền địa chất, địa hình lưu vực và hình dạng lãnh thổ ở ba vùng sông ngòi có sự khác nhau.
- Do đặc điểm khí hậu, đặc biệt là chế độ mưa ở ba vùng khác nhau.
- Ngoài ra, còn do tác động của các nhân tố khác như: đặc điểm lưu vực (diện tích, phụ lưu,...), thực vật, hồ, đầm và nhân tố con người.
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Công.
Trả lời:
- Ở lưu vực sông Cửu Long (sông Mê Công) có tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô; cùng với tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng càng khiến xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra trầm trọng hơn.
- Để khắc phục tình trạng đó, cần đẩy mạnh việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Cửu Long thông qua biện pháp cải tạo, mở rộng hệ thống kênh rạch vừa góp phần đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất (trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản,..), vừa phòng chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn).
- Trong quá trình sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Cửu Long cần chú ý đến vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước.
Câu 2: Những nguyên nhân nào làm cho nguồn nước sông của nước ta bị ô nhiễm? Để dòng sông không bị ô nhiễm, chúng ta cần phải làm gì?
Trả lời:
- Những nguyên nhân làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm
+ Sông ngòi thường bắt nguồn từ miền núi chảy về đồng bằng, sau đó đổ nước ra biển.
+ Miền núi là đầu nguồn nước, do rừng cây ở đây bị chặt phá nhiều khiến cho nước mưa và bùn cát dồn nhanh xuống dòng sông, gây ra những trận lũ đột ngột và dữ dội, tàn phá mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, gia súc,...
+ Ở các vùng đồng bằng, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, có rất nhiều dòng sông, khúc sông đã bị ô nhiễm nặng 11C bởi rác thải và các chất độc hại từ các khu dân cư, các đô thị, các khu công nghiệp chưa qua xử lí đã thải ngay vào dòng sông.
- Một số biện pháp để dòng sông không bị ô nhiễm
+ Bảo vệ tốt rừng đầu nguồn các sông và thảm thực vật trong lưu vực sông.
+ Xử lí tốt nguồn chất thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt trước khi đưa vào sông, hồ,...
+ Khai thác hợp lí, bền vững các giá trị kinh tế của sông ngòi.
Câu 3: Tại sao phải “sống chung với lũ” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời:
Cần “sống chung với lũ” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì có thể khai thác các nguồn lợi từ lũ:
- Tận dụng nguồn phù sa mà lũ mang lại để canh tác cây trồng đặc biệt là lúa và cây hoa màu.
- Để bảo vệ độ màu mỡ cho đất, một số khu vực có chủ trương xả lũ trong mùa lũ để cải tạo đất và lấy phù sa cho vùng đê bao khép kín.
- Khai thác nguồn lợi thủy sản từ lũ. Lũ mang theo nhiều loại thủy sản như tôm, cá. Đây là điều kiện tốt để cung cấp nguồn thức ăn cho thủy sản nuôi trồng vùng lại là thuận lợi để đa dạng hóa cơ cấu các loài thủy sản.
Câu 4: Trình bày vai trò của nước ngầm đối với đời sống con người?
Trả lời:
Vai trò của nước ngầm đối với đời sống con người là:
- Nước ngầm là nguồn nước quan trọng phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của con người.
- Nguồn nước ngầm chất lượng tốt còn có vài trò trong việc hỗ trợ chữa bệnh.
- Nước ngầm là nguồn nước duy trì sự sống cho các loại động thực vật trên toàn thế giới.
- Nước ngầm cung cấp nước phục vụ cho nông nghiệp: Tưới hoa màu, cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao.
- Nguồn nước cung cấp cho sông suối, ao hồ và đại dương.
- Sử dụng nguồn nước ngầm giúp con người giải phóng sức lao động khi phải lấy nước xá.
- Nước ngầm góp phần ổn định dòng chảy sông ngòi của nhiều con sông. Ngoài ra giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở, sụt lún.
=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 7: Thuỷ văn Việt Nam