Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 5: Khí hậu Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 5: Khí hậu Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
BÀI 5: KHÍ HẬU VIỆT NAM
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nước ta có mấy miền khí hậu?
Trả lời:
Nước ta có hai miền khí hậu là:
- Miền khí hậu phía Bắc: từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.
- Miền khí hậu phía Nam: từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.
Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nhiệt độ trung bình năm của trạm khí hậu Lạng Sơn.
Trả lời:
Nhiệt độ trung bình năm của Lạng Sơn khoảng 21oC.
Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết mùa mưa và mùa khô ở Lạng
Sơn diễn ra trong khoảng thời gian nào?
Trả lời:
Mùa mưa ở Lạng Sơn: kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9.
Mùa khô ở Lạng Sơn: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4.
Câu 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nhiệt độ trung bình năm của trạm khí tượng Hà Nội.
Trả lời:
Nhiệt độ trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 23oC.
Câu 5: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết tổng lượng mưa trung bình năm của Đà Nẵng.
Trả lời:
Lượng mưa trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 2000 mm.
2. THÔNG HIỂU (3 câu)
Câu 1: Trình bày về tính chất nhiệt đới của khí hậu Việt Nam.
Trả lời:
Tính chất nhiệt đới của gió mùa Việt Nam được thể hiện qua: bức xạ mặt Trời, nhiệt độ và số giờ nắng.
- Bức xạ mặt trời:
+ Tổng bức xạ lên: 110 - 160 kcal/cm2 /năm.
+ Cán cân bức xạ: 75 kcal/cm2 /năm.
- Số giờ nắng: 1400 giờ /năm - 3000 giờ/năm.
- Nhiệt độ trung bình trên 20oC (trừ những vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.
Câu 2: Trình bày về tính chất ẩm của khí hậu Việt Nam.
Trả lời:
- Tính chất ẩm được thể hiện qua lượng mưa, cân bằng ẩm và độ ẩm không khí.
+ Nước ta có tổng lượng mưa năm rất lớn, phổ biến từ 1500 mm đến 2000 mm. Nhiều nơi do ảnh hưởng của địa hình đón gió ẩm, lượng mưa lên tới trên 3000 mm như: Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế); Trà My (tỉnh Quảng Nam),...
+ Cân bằng ẩm luôn dương.
+ Độ ẩm không khí cao, thường trên 80%.
Câu 3: Trình bày đặc điểm gió mùa của khí hậu Việt Nam.
Trả lời:
Nguyên nhân:
- Do nằm trong khu vực hoạt động của gió Tín phong và gió mùa.
- Hoạt động của gió mùa lấn át gió Tín phong nên trong năm nước ta có 2 mùa gió chính: Gió mùa đông và gió mùa hạ.
Gió mùa mùa đông:
- Phạm vi hoạt động: Từ vĩ tuyến 16oB trở ra Bắc.
- Thời gian: Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
- Hướng gió: Đông Bắc.
- Biểu hiện:
+ Vào đầu mùa đông, khối không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống đã tạo cho miền bắc nước ta có một mùa đông lạnh ⇒ Miền Bắc có mùa đông lạnh.
+ Vào cuối mùa đông: khối khí di chuyển xuống phía nam bị suy yếu nên Tín phong hoạt động mạnh gây mưa lớn cho ven biển Trung Bộ và tạo nên mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
Gió mùa mùa hạ:
- Phạm vi hoạt động: từ 16oB trở vào Nam.
- Thời gian: Từ tháng 5 đến tháng 10.
- Hướng: Tây Nam.
- Biểu hiện:
+ Vào đầu mùa hạ: Khối không khí ẩm Bắc Ấn Độ Dương đến nước ta gây mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi di chuyển đến vùng ven biển Trung Bộ và khu vực phía Nam Tây Bắc gây hiệu ứng phơn làm thời tiết hanh khô.
+ Vào giữa vào cuối mùa hạ: Gió mùa Tây Nam (Tín phong Bán Cầu Nam) cùng dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn cho cả nước.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Chứng minh sự phân hoá đa dạng của khí hậu nước ta từ bắc vào nam và từ tây sang đông. Lấy ví dụ cụ thể.
Trả lời:
Sự phân hóa khí hậu từ bắc xuống nam và từ tây sang đông: Từ bắc xuống nam, khí hậu nước ta được chia làm 2 miền:
- Miền khí hậu phía bắc:
+ Ở phía bắc dãy Bạch Mã.
+ Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 20oC. Mùa đông lạnh; mùa hạ nóng và mưa nhiều.
- Miền khí hậu phía nam:
+ Ở phía nam dãy Bạch Mã.
+ Có khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ trung bình năm cao trên 25oC. Lượng mưa có sự phân hóa giữa mùa mưa và mùa khô.
- Riêng khu vực ven biển miền Trung từ 11oB - 18oB mùa mưa lệch sang mùa thu đông.
Sự phân hóa khí hậu từ đông sang tây:
- Nguyên nhân: ảnh hưởng của địa hình và hoạt động các khối khí.
- Biểu hiện: Sự khác biệt khí hậu giữa các vùng miền và thềm lục địa: vùng đồng bằng ven biển và đồi núi.
Ví dụ:
- Theo chiều bắc nam: Khí hậu miền bắc có mùa đông lạnh, miền nam nóng quanh năm.
- Theo chiều đông tây: Khu vực đông bắc do ảnh hưởng địa hình và hướng gió nên có mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn khu vực tây bắc.
Câu 2: Chứng minh sự phân hoá đa dạng của khí hậu nước ta theo độ cao địa hình. Lấy ví dụ cụ thể.
Trả lời:
- Theo độ cao địa hình, khí hậu phân hóa thành các đai khí hậu:
+ Đai nhiệt đới gió mùa: Từ 0 m đến 600 - 700 m ở miền Bắc và 0 m đến 900 - 1000m ở miền nam. Khí hậu thể hiện rõ tính chất nhiệt đới ẩm.
+ Đai nhiệt đới gió mùa trên núi: Ranh giới phía trên của đai nhiệt đới gió mùa đến 2600m. Khí hậu mát mẻ, mưa nhiều.
+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: độ cao trên 2600m; nhiệt độ: <15oC, nhiệt độ xuống thấp và có tuyết rơi.
- Ví dụ: ở Sapa khi nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện tuyết rơi trên đỉnh Fan-xi-păng.
Câu 3: Chứng minh khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Giải thích tại sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Trả lời:
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa
- Tính chất nhiệt đới:
+ Bình quân 1 m2 lãnh thổ nhận được một triệu kilô calo trong một năm.
+ Số giờ nắng đạt từ 1400 - 3000 giờ trong một năm.
+ Nhiệt độ trung bình năm của không khí đều vượt 21% trên cả nước.
- Tính chất gió mùa:
+ Khí hậu nước ta chia thành hai mùa rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió,
+ Mùa đông có gió mùa Đông Bắc lạnh khô, mùa hạ có gió mùa Tây Nam và Đông Nam nóng ẩm.
- Tính chất ẩm:
+ Lượng mưa trung bình năm lớn đạt từ 1500 - 2000 mm. Ở những sườn núi đón gió biển và các khối núi cao, lượng mưa trung bình năm có thể lên đến 3500 - 4000 mm.
+ Độ ẩm không khí cao, trên 80%, cân bằng ẩm luôn luôn dương.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, vì:
- Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến. Hằng năm, lãnh thổ nước ta nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn do góc nhập xạ lớn và ở mọi nơi trong năm đều có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh.
- Giáp Biển Đông - nguồn dự trữ nhiệt ẩm dồi dào, các khối khí di chuyển qua biển đã mang lại cho nước ta lượng mưa lớn, độ ẩm không khí cao.
- Nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa châu Á.
Câu 4: Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc và ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta
Trả lời:
- Hoạt động của gió mùa Đông Bắc
+ Nguồn gốc: từ khối khí lạnh phương Bắc; thổi theo hướng đông bắc.
+ Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
+ Tính chất: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn.
+ Phạm vi hoạt động: chủ yếu từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra.
- Ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta
+ Làm cho sự phân hóa của thiên nhiên nước ta càng thêm phức tạp.
+ Thiên nhiên nước ta phân hóa theo không gian và thời gian.
4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp nước ta.
Trả lời:
- Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta được tiến hành quanh năm, có thể trồng được nhiều vụ một năm, cho năng suất cao,... tạo nên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị xuất khẩu.
- Tạo điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh:
+ Tính chất gió mùa cùng với sự phân hoá của khí hậu đã làm cho cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp cũng khác nhau giữa các vùng, địa phương.
+ Mỗi vùng có những thế mạnh riêng, tạo điều kiện để nước ta hình thành các vùng chuyên canh với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.
+ Ở các khu vực địa hình núi, cao nguyên có thể hình thành vùng trồng cây cận nhiệt và ôn đới.
- Sản phẩm nông nghiệp đa dạng: Do sự phân hoá khí hậu từ bắc vào nam, từ tây sang đông và theo độ cao địa hình nên nước ta có cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có cả các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới.
- Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nhiều rủi ro: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng mang đến thiên tai (lũ lụt, hạn hán,...), dịch bệnh,... gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Câu 2: Trình bày những nết đặc trưng về khí hậu và thời tiết ở hai mùa là mùa gió Đông Bắc và mùa gió Tây Nam ở nước ta.
Trả lời:
Mùa gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 (mùa đông)
- Đặc trưng chủ yếu của mùa này là sự hoạt động mạnh mẽ của gió Đông Bắc và xen kẽ là những đợt gió Đông Nam.
- Trong mùa này, thời tiết - khí hậu trên các miền của nước ta khác nhau rất rõ rệt:
+ Miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc từ vùng áp cao ở lục địa phương Bắc tràn xuống thành từng đợt, mang lại một mùa đông không thuần nhất.
- Đầu mùa đông là thời tiết se lạnh, khô hanh. Còn cuối mùa đông là tiết xuân với mưa phùn ẩm ướt.
- Nhiệt độ trung bình tháng, nhiều nơi xuống dưới 15o Miền núi cao có thể xuất hiện sương muối, sương giá, mưa tuyết gây trở ngại lớn cho sinh vật nhiệt đới.
+ Ở Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết nóng khô, ổn định suốt mùa.
+ Riêng ở duyên hải Trung Bộ có mưa rất lớn vào các tháng cuối năm.
Mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 (mùa hạ)
- Đây là mùa thịnh hành của hướng gió Tây Nam. Ngoài ra, Tín phong nửa cầu Bắc vẫn hoạt động xen kẽ và thổi theo hướng Đông Nam.
- Trong mùa này, nhiệt độ cao đều trên toàn quốc và đạt trên 25oC ở các vùng thấp. Lượng mưa trong mùa cũng rất lớn, chiếm trên 80% lượng mưa cả năm, riêng vùng duyên hải Trung Bộ mùa này ít mưa.
- Thời tiết phổ biến trong mùa này là trời nhiều mây, có mưa rào và mưa dông. Những dạng thời tiết đặc biệt là gió tây, mưa ngâu và bão.
Câu 3: Nêu những thuận lợi và khó khăn do khí hậu mang lại.
Trả lời:
Thuận lợi:
- Khí hậu nóng ẩm: thuận lợi cho sinh vật phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả. Tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ một nền nông nghiệp nhiệt đới theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh và đa canh.
Khó khăn:
- Khí hậu nước ta cũng lắm thiên tai, bất trắc, thời tiết diễn biến phức tạp. Ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của nhân dân ta.
=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 5: Khí hậu Việt Nam