Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều chủ đề 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều chủ đề 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
CHỦ ĐỀ 1: VĂN MINH CHÂU THỔ SÔNG HỒNG VÀ SÔNG CỬU LONG
(20 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Kể tên các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng?
Trả lời:
Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
Câu 2: Kể tên các vùng tiếp giáp với Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời:
Các vùng tiếp giáp với Đồng bằng sông Hồng là:
- Phía bắc và đông bắc: giáp với Trung du và miền núi Bắc Bộ.
- Phía tây giáp với Tây Bắc.
- Phía nam giáp với Bắc Trung Bộ.
- Phía đông giáp với vịnh Bắc Bộ.
Câu 3: Kể tên các loại đất chính ở Đồng bằng sông Hồng?
Trả lời:
Các loại đất ở đồng bằng sông Hồng: đất Feralit, đất lầy thụt, đất phù sa, đất mặn, đất phèn, đất xám trên phù sa cổ.
Câu 4: Kể tên các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời:
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ.
Câu 5: Kể tên các con sông lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời:
Các con sông lớn của vùng là: sông Tiền và sông Hậu.
2. THÔNG HIỂU (6 câu)
Câu 1: Trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng?
Trả lời:
- Châu thổ sông Hồng có diện tích khoảng 15000 km2, được hình thành chủ yếu do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình trên vùng sụt lún thấp, rộng lớn.
- Châu thổ sông Hồng có dạng hình tam giác với đỉnh ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), đáy là đường bờ biển từ thành phố Hải Phòng đến cửa sông Đáy thuộc huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).
- Quá trình bồi đắp châu thổ diễn ra thường xuyên, liên tục từ hàng chục nghìn năm trước và luôn gắn liền với lịch sử con người khai khẩn, cải tạo, mở rộng châu thổ:
+ Cư dân châu thổ sông Hồng có nguồn gốc chủ yếu là người Việt cổ. Cư dân di chuyển dần từ vùng trung du đến các vùng đồng bằng mới được bồi đắp dọc theo các triền sông ở vùng hạ lưu ven biển.
+ Từ thời Lý, các công trình quai đê lấn biển, đắp đê trên các triền sông vùng hạ lưu đã làm cho quá trình hình thành và phát triển châu thổ diễn ra nhanh và có hiệu quả hơn.
+ Hiện nay, trung bình mỗi năm châu thổ sông Hồng mở rộng ra biển khoảng 80 - 100 m.
Câu 2: Trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Cửu Long?
Trả lời:
- Châu thổ sông Cửu Long có diện tích khoảng 40000 km2, đây là bộ phận cuối cùng của hạ lưu châu thổ sông Mê Công. - Châu thổ sông Cửu Long được tiếp nhận nguồn nước và lượng phù sa dồi dào đã bồi đắp nên những cánh đồng rộng lớn, đất đai màu mỡ.
- Do địa thế thấp (độ cao trung bình khoảng 2 m so với mực nước biển) nên châu thổ sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn của chế độ thuỷ triều, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền theo các cửa sông lớn.
- Hiện nay, châu thổ sông Cửu Long vẫn tiếp tục mở rộng ra biển ở khu vực các cửa sông lớn và bán đảo Cà Mau, trung bình mỗi năm khoảng 60 - 80 m.
Câu 3: Nền văn minh châu thổ sông Hồng hình thành và phát triển dựa trên những điều kiện tự nhiên thuận lợi nào?
Trả lời:
- Nền văn minh sông Hồng được hình thành và phát triển dựa trên những cơ sở sau:
+ Điều kiện tự nhiên thuận lợi (khí hậu nóng ẩm, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ).
+ Sức lao động cần cù, sáng tạo của con người.
Câu 4: Nền văn minh châu thổ sông Cửu Long hình thành và phát triển dựa trên những điều kiện tự nhiên thuận lợi nào?
Trả lời:
- Nền văn minh châu thổ sông Cửu Long được hình thành và phát triển dựa trên những cơ sở sau:
+ Địa hình bằng phẳng; đất đai phì nhiêu, màu mỡ; khí hậu điều hoà và hệ thống kênh rạch chằng chịt.
+ Công sức khai phá, cải tạo của con người.
Câu 5: Trình bày đặc điểm chế độ nước của sông Hồng.
Trả lời:
- Chế độ nước của sông Hồng có hai mùa rõ rệt.
+ Mùa lũ: kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, chiếm từ 75 % đến 80 % lượng nước cả năm; trong đó đỉnh lũ vào tháng 8, chiếm khoảng 21% lượng nước cả năm. Vào mùa lũ, sông Hồng mang đến rất nhiều phù sa bồi đắp cho đồng bằng.
+ Mùa cạn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, cạn nhất là vào tháng 3.
- Do sông có độ dốc lớn, mạng lưới sông có hình nan quạt, hai phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô đổ nước vào dòng chính ở khu vực thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) nên lũ của sông Hồng ở phần hạ lưu lên rất nhanh và thất thường, thời gian lũ kéo dài, ảnh hưởng lớn đến cả vùng đồng bằng châu thổ.
- Từ khi các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng đi vào hoạt động, chế độ nước sông Hồng ở vùng hạ lưu điều hoà hơn. Mực nước sông vào mùa lũ thấp hơn, mùa cạn được cung cấp bổ sung bằng lượng nước xả từ các hồ thuỷ điện.
Câu 6: Trình bày đặc điểm chế độ nước của sông Cửu Long.
Trả lời:
- Sông Cửu Long có hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu. Chế độ nước sông có hai mùa rõ rệt:
+ Mùa lũ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, đỉnh lũ vào tháng 9, chiếm 75 - 80 % lượng nước cả năm. Vào mùa lũ, nước sông tràn bờ, phủ ngập các vùng đất rộng lớn ở vùng trũng thấp Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
+ Mùa cạn từ tháng 12 hoặc tháng 1 đến tháng 6, cạn nhất là tháng 3 hoặc tháng 4.
- Do sông dài, diện tích lưu vực lớn nên sông Cửu Long có lượng nước và lượng phù sa rất dồi dào.
- Nhờ có sự điều tiết nước của Biển Hồ ở Cam-pu-chia, độ dốc lòng sông nhỏ và đổ ra biển bằng nhiều cửa nên chế độ nước sông Cửu Long đơn giản và khá điều hoà, lũ lên chậm và rút nhanh.
- Chế độ nước của sông Cửu Long còn chịu tác động mạnh của thuỷ triều.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Chứng minh việc con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Hồng.
Trả lời:
- Cách đây hàng nghìn năm, người Việt đã tiến hành khai khẩn và cải tạo vùng châu thổ sông Hồng để sinh cơ lập nghiệp, thông qua các hoạt động như:
+ Quai đê lấn biển, đào sông, kênh mương;
+ Xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông để thoát lũ, tiêu úng, lấy nước tưới;
+ Cải tạo các vùng đất hoang vu ven biển mới được bồi đắp để mở rộng diện tích đồng bằng, lấy đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa;
+ Xây dựng nhà cửa để cư trú ổn định, lâu dài; mở mang đường sá, lập các đô thị;…
- Để chế ngự nước sông, người dân đồng bằng sông Hồng đã bỏ nhiều công sức để đắp hàng nghìn ki-lô-mét đê điều (cả đê sông và đê biển), thay đổi cơ cấu mùa vụ để hạn chế rủi ro do mùa lũ của sông mang lại. Ví dụ:
+ Năm 1108, đời vua Lý Nhân Tông đã tiến hành đắp đê ở phường Cơ Xá để bảo vệ kinh thành Thăng Long.
+ Năm 1248, vua Trần Thái Tông cho đắp đê ở hai bên bờ sông Hồng ở vùng hạ du.
+ Thời vua Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ đã có công quai đê lấn biển, di dân lập ấp xây dựng nên hai vùng đất mới là Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).
- Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa cạn, người dân ở đây đã xây dựng nhiều công trình thuỷ nông, cung cấp nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Câu 2: Chứng minh việc con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Cửu Long.
Trả lời:
- Quá trình khai khẩn và cải tạo vùng châu thổ sông Cửu Long:
+ Đầu thế kỉ XVI, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là vùng đất khá hoang vu.
+ Từ cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII, một bộ phận người Việt bắt đầu đến cư trú, khai phá vùng đất này. Họ sinh sống chủ yếu bằng cách khai thác thuỷ hải sản, lâm sản, trồng lúa,...
+ Đến thế kỉ XVIII, người Việt di cư đến đây sinh sống đã khá đông đúc, hình thành nên những xóm làng trù phú, những cánh đồng lúa rộng lớn, những vườn cây trái xanh tốt.
+ Bên cạnh hệ thống sông, kênh rạch tự nhiên, người dân còn đào nhiều kênh mới để dẫn nước tưới tiêu, làm đường giao thông, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa,... Nổi tiếng là các kênh: Vĩnh Tế, Thoại Hà, Tháp Mười, Chợ Gạo,...
- Các hoạt động nhằm thích ứng với chế độ nước sông Cửu Long:
+ Ở đồng bằng sông Cửu Long, từ lâu đời con người đã thích ứng với điều kiện tự nhiên, tận dụng khai thác nguồn lợi thuỷ sản phong phú, nguồn nước ngọt và phù sa màu mỡ do nước sông mang lại để tăng độ phì và cải tạo đất.
+ Trong những năm gần đây, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành các giải pháp như:
- Xây các đập ngăn mặn xâm nhập vào thời kì mùa cạn;
- Đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các giống mới phù hợp;
- Tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, phát huy cao nhất những lợi thế của vùng là: trồng lúa, nuôi trồng thuỷ hải sản, phát triển vườn trồng cây ăn quả,...
Câu 3: Lợi ích và hạn chế của hệ thống đê sông Hồng mang lại.
Trả lời:
Lợi ích của hệ thống đê sông Hồng:
+ Hạn chế thiệt hại của lũ lụt hàng năm do sông Hồng gây ra, đặc biệt vào mùa mưa bão.
+ Làm cho diện tích đất phù sa của Đồng bằng sông Hồng không ngừng được mở rộng về phía biển.
+ Làm cho địa bàn phân bố dân cư được phủ khắp châu thổ, làng mạc trù phú, dân cư đông đúc.
+ Giúp cho nông nghiệp thâm canh, tăng vụ; công nghiệp, dịch vụ phát triển sôi động. Nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được lưu giữ và phát triển.
- Hạn chế: vùng đất phía trong đê sông Hồng (gồm các khu đất cao và ô trũng) không được phù sa bồi đắp hằng năm nên kém màu mỡ hơn so với vùng đất phía ngoài đê.
Câu 4: Nêu những thuận lợi và khó khăn do lũ gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long?
Trả lời:
- Thuận lợi:
+ Thau chua, rửa mặn đất đồng bằng.
+ Bồi đắp phù sa tự nhiên, mở rộng diện tích đồng bằng.
+ Du lịch sinh thái trên kênh rạch và rừng ngập mặn.
+ Giao thông trên kênh rạch.
- Khó khăn:
+ Gây ngập lụt diện rộng và kéo dài.
+ Phá hoại nhà cửa, vườn tược, mùa màng.
+ Gây ra dịch bệnh do ô nhiễm môi trường.
+ Làm chết người, gia súc.
Câu 5: Nêu những khó khăn mà điều kiện tự nhiên mang lại ở đồng bằng sông Cửu Long? Đưa ra biện pháp khắc phục những khó khăn?
Trả lời:
- Những khó khăn mà điều kiện tự nhiên mang lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long:
+ Diện tích đất phèn, đất mặn cần được cải tạo.
+ Lũ, lụt vào mùa mưa. Thiếu nước mùa khô, nguy cơ xâm nhập mặn…
- Giải pháp khắc phục những khó khăn:
+ Thoát lũ, cải tạo đất thau chua, rửa mặn. Tăng cường hệ thống thủy lợi.
+ Chủ động sống chung với lũ: Đổ đất tạo vùng đất cao hơn mực nước lũ hàng năm để xây dựng khu dân cư, xây nhà trên cọc, nhà nổi trên phao, bè…
+ Sản xuất thu hoạch đúng mùa vụ tránh lũ.
+ Khai thác lợi thế do lũ mang lại: Khai thác thủy sản, làm vệ sinh đồng ruộng, lấy nước, tích phù sa…
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Cho biết những công trình nào thể hiện lịch sử chế ngự và thích ứng với chế độ nước của cư dân ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.
Trả lời:
- Một số công trình thể hiện lịch sử chế ngự và thích ứng với chế độ nước của cư dân sông Hồng là:
+ Hệ thống đê sông Hồng.
+ Các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông, như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bản Chát, Thác Bà,…
- Một số công trình thể hiện lịch sử chế ngự và thích ứng với chế độ nước của cư dân sông Cửu Long là:
+ Kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà, kênh Chợ Gạo, kênh Tháp Mười,…
+ Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp (ở 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
+ Hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre.
+ Cống đập Ba Lai (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).
+ Hệ thống đê biển ở toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 2: Để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng, nhân dân ta đã làm gì? Việc làm đó đã làm biến đổi địa hình ở đây như thế nào?
Trả lời:
- Các việc làm để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng:
+ Đắp đê dọc hai bên bờ các sông.
+ Phân lũ vào các sông nhánh (qua sông Đáy), các vùng trũng đã được chuẩn bị trước.
+ Xây dựng các hồ chứa nước ở thượng lưu sông (hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà,…).
+ Trồng rừng ở đầu nguồn nước.
+ Nạo vét lòng sông.
- Việc đắp đê lớn dọc các bờ sông ở đồng bằng Bắc Bộ đã phân chia đồng bằng thành nhiều ô trũng, thấp hơn mặt đê và mặt nước sông mùa lũ rất nhiều.
Câu 3: Để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân ta đã làm gì?
Trả lời:
- Các việc làm để phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long:
+ Đắp đê bao hạn chế lũ nhỏ.
+ Tiêu lũ ra vùng biển phía tây theo các kênh rạch.
+ Làm nhà nổi, làng nổi.
+ Xây dựng làng tại các vùng đất cao, hạn chế tác động của lũ.
Câu 4: Tại sao cần phải cải tạo đất nhiễm mặn, nhiễm phèn ở đồng bằng Sông Cửu Long?
Trả lời:
Cần phải cải tạo đất nhiễm mặn, nhiễm phèn vì:
- Đất phèn và đất mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long chiếm diện tích rất lớn (2,5 triệu ha). Nếu được cải tạo thì sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác hoặc nuôi trồng thủy sản bằng các biện pháp thau chua, rửa mặn, xây dựng hệ thống bờ bao, kênh rạch thoát nước vào mùa mưa lũ, giữ nước ngọt vào mùa cạn, lựa chọn cơ cấu cây trồng thích hợp đất phèn, đất mặn thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lương thực của cả nước, đẩy mạnh cải tạo hai loại đất trên sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng (tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, góp phần phân bố dân cư và xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu).
=> Giáo án điện tử Địa lí 8 cánh diều Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long