Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 10: Đặc điểm chung của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 10: Đặc điểm chung của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.

BÀI 10: ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA SINH VẬT VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC Ở VIỆT NAM

(17 câu)

      

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và cho biết hệ sinh thái rừng thưa rụng phân bố ở đâu?

Trả lời:

Hệ sinh thái rừng thưa rụng phân bố ở: Tây Nguyên.

Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và cho biết hệ sinh thái ôn đới núi cao phân bố ở đâu?

Trả lời:

Hệ sinh thái rừng ôn đới núi cao phân bố ở: Hoàng Liên Sơn.

Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và cho biết vườn quốc gia Cát Bà phân bố ở tỉnh nào?

Trả lời:

Vườn quốc gia Cát Bà phân bố ở tỉnh: Hải Phòng.

Câu 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và cho biết vườn quốc gia Cúc Phương phân bố ở tỉnh nào?

Trả lời:

Vườn quốc gia Cúc Phương phân bố ở tỉnh: Ninh Bình.

Câu 5: Liệt kê ít nhất 3 nguyên nhân làm cho tài nguyên sinh vật của nước ta bị suy giảm?

Trả lời:

Nguyên nhân làm cho tài nguyên sinh vật của nước ta bị suy giảm là:

- Chiến tranh tàn phá.

- Khai thác quá mức cho phép.

- Đốt rừng làm rẫy.

- Ô nhiễm môi trường...

Câu 6: Dựa vào sự hiểu biết, hãy nêu rõ khu bảo tồn thiên nhiên nào ở nước ta là nơi tập trung nhiều loài chim khác nhau (147 loài) trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới?

Trả lời:

Vườn quốc gia là nơi tập trung nhiều loài chim khác nhau (147 loài) trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới là: Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm sinh vật nước ta có sự đa dạng về hệ sinh thái.

Trả lời:

- Nước ta có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, tạo nên sự đa dạng loài và nguồn gen. Dựa vào môi trường phân bố, các hệ sinh thái ở nước ta có thể chia thành ba nhóm: hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển.

+ Hệ sinh thái trên cạn: phong phú, đa dạng với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau, như: kiểu hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái nhân tạo,…

+ Hệ sinh thái đất ngập nước, gồm có: các kiểu hệ sinh thái ngập nước ven biển; các kiểu hệ sinh thái ngập nước vùng cửa sông; Rừng ngập mặn và các kiểu hệ sinh thái đất ngập nước nội địa,…

+ Hệ sinh thái biển: gồm các kiểu hệ sinh thái: rạn san hô, thảm cỏ biển,... có tính đa dạng sinh học và giá trị cao.

Câu 2: Trình bày đặc điểm sinh vật nước ta có sự đa dạng về thành phần loài. Trả lời:

- Đa dạng về hệ sinh thái tạo nên sự đa dạng thành phần loài của sinh vật nước ta.

- Nước ta có số lượng lớn các loài thực vật, động vật, vi sinh vật và nấm. Trong đó có nhiều loài thực vật quý như: lim, sến, nghiến, trầm hương, sâm, nấm,... và các loài động vật quý hiếm như: sao la, voi, bò tót, voọc, trĩ,....

Câu 3: Trình bày đặc điểm sinh vật nước ta có sự đa dạng nguồn gen.

Trả lời:

- Số lượng cá thể trong mỗi loài thực vật, động vật, vi sinh vật và nấm tương đối lớn đã tạo nên sự đa dạng nguồn gen di truyền.

- Sự phong phú về nguồn gen, trong đó có nhiều nguồn gen quý, đã tạo nên sự đa dạng và giàu có của sinh vật Việt Nam.

Câu 4: Trình bày vai trò của vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học.

Trả lời:

Vai trò của vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học: Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong ổn định hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng thành phần loài, nguồn gen.

+ Các hệ sinh thái cung cấp lương thực, thực phẩm, dược liệu để phục vụ nhu cầu của con người, cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế.

+ Các hệ sinh thái tự nhiên còn có chức năng điều hòa khí hậu, điều tiết dòng chảy, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ bờ sông, bờ biển,....

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Đa dạng sinh học ở Việt Nam bị suy giảm là do đâu?

Trả lời:

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm: Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học của nước ta ngày càng bị suy giảm. Cụ thể:

+ Suy giảm về hệ sinh thái: các hệ sinh thái rừng tự nhiên bị thu hẹp về diện tích và giảm về chất lượng. Sự biến đổi các hệ sinh thái rừng tự nhiên làm cho các loài sinh vật hoang dã mất môi trường sống.

+ Suy giảm về loài và số lượng cá thể trong loài, đặc biệt là các loài động vật hoang dã.

+ Suy giảm về nguồn gen: Sự suy giảm các hệ sinh thái tự nhiên và thành phần loài sinh vật làm cạn kiệt và biến mất một số nguồn gen tự nhiên, nhiều nguồn gen bị suy giảm, trong đó có nhiều giống bản địa quý hiếm.

Câu 2: Những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến tính đa dạng của sinh vật Việt Nam?

Trả lời:

- Môi trường sống thuận lợi: ánh sáng dồi dào, nhiệt độ cao, đủ nước, tầng đất sâu dày, vụn bở,…

- Nhiều luồng sinh vật di cư tới:

+ Thành phần bản địa chiếm khoảng hơn 50% số loài tập trung ở 4 khu vực chính là Hoàng Liên Sơn, Bắc Trung Bộ, Ngọc Linh, Lâm Viên.

+ Các loài di cư chiếm khoảng gần 50%, phân bổ như bảng sau:

Luồng sinh vật

Tỉ lệ (%)

Phạm vi sống chính

Đặc điểm sinh thái

Trung Hoa

10

Đông Bắc, Bắc Trung Bộ

Cận nhiệt đới

Hi-ma-lay-a

10

Tây Bắc, Trường Sơn

Ôn đới núi cao

Ma-lai-xi-a

15

Tây Nguyên, Nam Bộ

Nhiệt đới, á xích đạo

Ấn Độ và Mi-an-ma

14

Tây Bắc, Trung Bộ

Cây rụng lá ưa khô

Câu 3: Chứng minh rằng nước ta có sự giàu có về thành phần loài sinh vật và sự đa dạng về hệ sinh thái.

Trả lời:

- Sự giàu có về thành phần loài sinh vật:

+ Nước ta có tới 14600 loài thực vật, 11200 loài và phân loài động vật.

+ Có 365 loài động vật và 350 loài thực vật thuộc loại quý hiếm được đưa vào “Sách đỏ Việt Nam”.

- Sự đa dạng về hệ sinh thái:

+ Nước ta có nhiều hệ sinh thái khác nhau phân bố khắp mọi miền.

+ Vùng đất triều bãi cửa sông, ven biển phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

+ Vùng đồi núi phát triển hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa với nhiều biến thể: rừng kín thường xanh, rừng thưa rụng lá, rừng tre nứa, rừng ôn đới núi cao.

+ Các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.

+ Các hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng mở rộng và lấn át các hệ sinh thái tự nhiên.

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Nêu một số biện pháp để bảo tồn sinh học ở Việt Nam.

Trả lời:

- Một số biện pháp để bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam:

+Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.

+ Truyền thông về bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao ý thức về bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

+ Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ động vật quý hiếm; chống nạn săn bắt, sử dụng động vật hoang dã trái phép, khai thác thuỷ sản quá mức.

+ Tiếp tục duy trì và xây dựng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ các loài sinh vật, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

+ Bảo vệ và phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật, bao gồm cả môi trường

Câu 2: Các vườn quốc gia có giá trị khoa học và kinh tế - xã hội như thế nào?

Trả lời:

- Giá trị khoa học:

+ Vườn quốc gia là nơi bảo tồn gen sinh vật tự nhiên.

+ Vườn quốc gia là cơ sở để nhân giống và lai tạo giống mới.

+ Vườn quốc gia là phòng thí nghiệm tự nhiên không gì thay thế được.

- Giá trị kinh tế - xã hội:

+ Phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân địa phương (tạo việc làm, tăng thu nhập, phục hồi nghề truyền thống, các lễ hội tốt đẹp ở địa phương).

+ Tạo môi trường sống tốt cho xã hội (chữa bệnh, phát triển thể chất, rèn luyện thân thể,…)

+ Xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

Câu 3: Nêu giá trị của tài nguyên sinh vật ở nước ta đối với đời sống và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Trả lời:

- Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống:

+ Cho các sản phẩm để làm thức ăn, làm thuốc, làm đẹp cho người.

+ Là cơ sở để phát triển du lịch.

+ Tạo thêm việc làm cho người lao động.

+ Nguyên liệu cho sản xuất thủ công nghiệp.

- Bảo vệ môi trường sinh thái:

+ Điều hòa khí hậu, giữ cho môi trường không khí trong lành.

+ Bảo vệ đất, chống xói mòn.

+ Cố định bồi đắp, chắn gió.

+ Hạn chế thiên tai lũ bùn, lũ quét, lũ đá…

Câu 4: Là một học sinh, em cần làm gì để bảo vệ tài nguyên sinh vật quý hiếm?

Trả lời:

- Tăng cường, nâng cao quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật.

- Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

- Ban hành “sách đỏ Việt Nam”: để bảo vệ nguồn gen động, thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

- Quy định khai thác:

+ Cấm khai thác gỗ quý, khai thác gỗ trong rừng cấm.

+ Cấm săn bắt , khai thác trái phép sinh vật quý hiếm.

+ Cấm gây độc hại cho môi trường nước.

+ Cấm dùng các chất độc hóa học để đánh bắt, khai thác tài nguyên sinh vật.

=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 10: Đặc điểm chung của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay