Câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 cánh diều.

ÔN TẬP CHƯƠNG 1

VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ, ĐỊA HÌNH VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trả lời:

Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc là: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Thanh Thủy (Hà Giang).

Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Campuchia.

Trả lời:

Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Campuchia là: Lệ Thanh (Gia Lai), Hoa Lư (Bình Phước), Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh), Mộc Bài (Tây Ninh), Dinh Bà (Đồng Tháp), Thường Phước (Đồng Tháp), Vĩnh Xương (An Giang), Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang), Bình Hiệp (Long An).

Câu 3: Trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm của vị trí địa lí của nước ta:

- Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ:

+ Nằm trên bán đảo Đông Dương, ở gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

+ Phần lãnh thổ đất liền nước ta kéo dài từ vĩ độ 8o34’B đến vĩ độ 23o23’B và từ kinh độ 102o09’Đ đến kinh độ 109o24’Đ.

+ Vùng biển nước ta kéo dài từ khoảng vĩ độ 6o50’B từ kinh độ 101oĐ đến kinh độ 117o20’Đ trên Biển Đông.

- Vị trí địa lí của nước ta có các đặc điểm nổi bật:

+ Nằm trong vùng nhiệt đới bán cầu Bắc, trung tâm hoạt động của gió mùa châu Á.

+ Nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều sinh vật trên đất liền và trên biển.

+ Nằm ở nơi giao nhau của hai vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

+ Nằm trong khu vực có nhiều thiên tai và chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.

Câu 4: Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với tự nhiên.

Trả lời:

- Vị trí địa lí đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và địa trung hải, trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động thực vật nên có nhiều tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú.

- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên thành các vùng tự nhiên khác nhau giữa miền Bắc với miền Nam, giữa miền núi và đồng bằng, ven biển, hải đảo.

 - Nước ta cũng nằm trong vùng có nhiều thiên tai nhất là bão, lũ lụt, hạn hán thường xảy ra hằng năm.

Câu 5: Vị trí địa lí nước ta mang đến những thuận lợi và khó khăn gì cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời:

- Những thuận lợi:

+ Thuận lợi trong việc thông thương, giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

+ Giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới.

+ Nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp.

+ Mang lại khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất và sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và vật nuôi.

+ Thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển.

+ Sinh vật phong phú, đa dạng cả về số lượng và chủng loài.

- Những khó khăn:

+ Thiên tai thường xuyên xảy ra như bão, lũ.

+ Vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới, hải đảo.

Câu 6: Dọc theo Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Cà Mau ta phải vượt qua những đèo lớn nào và cho biết chúng thuộc tỉnh, thành phố nào ở nước ta?

Trả lời:

Dọc theo Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Cà Mau vượt qua các đèo lớn: Sài Hồ (Lạng Sơn), Tam Điệp (Ninh Bình), Ngang (Hà Tĩnh - Quảng Bình), Hải Vân (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng), Cù Mông (Bình Định - Phú Yên), Cả (Phú Yên - Khánh Hòa).

Câu 7: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có đường bờ biển theo thứ tự từ Bắc vào Nam.

Trả lời:

Các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có đường bờ biển theo thứ tự từ Bắc vào Nam là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Đà Nấng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Câu 8: Trình bày đặc điểm chung của địa hình Việt Nam.

Trả lời:

Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam là:

+ Địa hình đồi núi chiếm ưu thế.

+ Địa hình nước ta được nâng lên ở giai đoạn Tân kiến tạo và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau.

+ Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

+ Địa hình nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của con người.

Câu 9: Chứng minh rằng sự phát triển địa hình lãnh thổ nước ta (xét chủ yếu trên đất liền) chịu tác động của nhiều nhân tố và trải qua các giai đoạn chính.

Trả lời:

- Sự hình thành nền móng địa hình ban đầu vào Tiền Cambri.

- Sự ổn định và mở rộng lãnh thổ của giai đoạn cổ kiến tạo. Hình thành những đường nét cơ bản của địa hình chung.

- Sự san bằng địa hình (quá trình bán bình nguyên hóa) vào thời kì trước vận động Tân kiến tạo.

- Sự nâng cao địa hình vào Tân kiến tạo do vận động tạo núi Hi-ma-lay-a làm cho núi non, sông ngòi trẻ lại và kéo dài tới ngày nay. Tân kiến tạo diễn ra thành nhiều đợt (chu kì) và có cường độ không đồng đều giữa các khu vực.

- Sự cắt xẻ, xâm thực của ngoại lực nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm tạo nên các dạng địa hình hiện tại.

- Sự tác động của con người ngày càng mạnh mẽ tạo nên các dạng địa hình nhân tạo: đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước.

Câu 10: So sánh địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ.

Trả lời:

Vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ:

- Độ cao thấp.

- Cao nhất vùng là Tây Côn Lĩnh là 2419m.

- Gồm nhiều dải núi cánh cung mở rộng về phía Đông Bắc, quy tụ ở Tam Đảo.

- Các dãy núi chính:

+ Cánh cung Sông Gâm.

+ Cánh cung Ngân Sơn.

+ Cánh cung Bắc Sơn.

- Địa hình đón gió mùa Đông Bắc vào sâu, khí hậu lạnh nhất cả nước, vành đai nhiệt đới xuống thấp.

- Địa hình cacxto phổ biến.

- Cảnh đẹp nổi tiếng: Ba Bể, Hạ Long.

Vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ:

- Độ cao lớn.

- Cao nhất vùng là Phan-xi-păng là 3143m.

- Gồm nhiều dải núi chạy song song, hướng Tây Bắc -  Đông Nam.

- Các dãy núi chính:

+ Hoàng Liên Sơn.

+ Các dải núi biên giới Việt Lào (Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao, sông Mã).

- Địa hình cacxto phổ biến.

- Cảnh đẹp nổi tiếng: Sa Pa, Mai Châu.

Câu 11: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên một số khoáng sản ở Việt Nam.

Trả lời:

Một số khoáng sản ở Việt Nam là: than, dầu khí, sắt, apatit, đá vôi,...

Câu 12: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết than đá phân bố ở đâu?

Trả lời:

Than đá phân bố tập trung ở: Vàng Danh, Hòn Gai, cẩm Phả (Quảng Ninh), Quỳnh Nhai (Điện Biên), Lạc Thủy (Ninh Bình), Phấn Mễ (Thái Nguyên), Nông Sơn (Quảng Nam).

Câu 13: Trình bày các đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm chung của tài nguyên khoáng sản Việt Nam:

+ Khoáng sản nước ta phong phú và đa dạng. Cả nước phát hiện trên 5000 mỏ và điểm quặng với 60 loại khoáng sản khác nhau.

+ Khoáng sản nước ta có trữ lượng vừa và nhỏ. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Than đá, dầu mỏ, khí đốt,…

+ Sự hình thành khoáng sản ở nước ta gắn với sự hình thành và phát triển của tự nhiên.

Câu 14: Chứng minh khoáng sản nước ta phong phú về chủng loại, đa dạng về loại hình.

Trả lời:

Sự đa dạng của từng nhóm khoáng sản:

- Khoáng sản năng lượng:

+ Than: có nhiều loại, trữ lượng khoảng 7 tỉ tấn, tập trung chủ yếu ở bể than Đông Bắc.

+ Than antraxit: tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh (các mỏ: Vàng Danh, Hòn Gai, cẩm Phả, Đông Triều,...) với trữ lượng hơn 3 tỉ tấn (chiếm hơn 90% trữ lượng than cả hước), cho nhiệt lượng 7000 - 8000 calo/kg.

+ Than mỡ: Làng cẩm (Thái Nguyên), Nông Sơn (Quảng Nam).

+ Than nâu: phân bố ở Đồng bằng sông Hồng với độ sâu 300 - 1000 m, trữ lượng hàng chục tỉ tấn; còn có mỏ Na Dương (Lạng Sơn) và các mỏ phía tây Nghệ An.

+ Than bùn: có ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực U Minh.

+ Dầu khí: Tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa, trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Hai bể trầm tích có triển vọng nhất về trữ lượng và khả năng khai thác là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn.

+ Các mỏ dầu: Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc (bể Cửu Long), Đại Hùng (bể Nam Côn Sơn),...

+ Các mỏ khí: Lan Tây, Lan Đỏ, Tiền Hải,...

- Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen:

Sắt: Tùng Bá (Hà Giang), Trại Cau (Thái Nguyên), Trân Yên (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), Thạch Khê (Hà Tĩnh).

Crôm: Cổ Định (Thanh Hóa).

Mangan: Cao Bằng, Nghệ An.

Titan: có nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Kim loại màu:

Bôxit: tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên: Măng Đen (Kon Tum), Đắk Nông (Đắk Nông), Di Linh (Lâm Đồng).

Thiếc: Tĩnh Túc,(Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Châu (Nghệ An).

Đồng: Sinh Quyền (Lào Cai), Yên Châu (Sơn La), Sơn Động (Bắc Giang).

Chì, kẽm: Chợ Điền (Bắc Kạn).

Vàng: Bồng Miêu (Quảng Nam).

+ Khoáng sản phi kim loại: Apatit: Cam Đường (Lào Cai).

+ Vật liệu xây dựng: rất phong phú.

 - Nguồn đá vôi và sét làm xi măng có nhiều ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 - Ngoài ra còn có cao lanh để làm đồ gốm, cát làm thủy tinh, đá ốp lát, đá trang trí,...

Câu 15: Trình bày vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản ở nước ta. Lấy ví dụ cụ thể để chứng minh.

Trả lời:

Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản ở nước ta:

- Khoáng sản có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc khai thác khoáng sản ở Việt Nam còn chưa hợp lí gây lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường và sự phát triển bền vững.

- Biện pháp:

+ Thực hiện nghiêm Luật khoáng sản của Việt Nam.

+ Quản lí chặt chẽ việc khai thác khoáng sản để tránh tình trạng thất thoát.

+ Sử dụng khoáng sản tiết kiệm để đảm bảo lợi ích lâu dài của đất nước.

+ Quản lí trữ lượng và sản lượng khai thác.

+ Sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến để tránh làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả khai thác.

Ví dụ: Việc khai thác cát trái phép trên sông Lô:

- Nhiều năm qua, sông Lô đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang là một trong nhiều điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép.

- Tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ gây thất thoát lớn tài nguyên của quốc gia mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của cư dân, ví dụ như: gây tình trạng sụt lún, thiệt hại đến hoa mùa; gây mất an ninh trật tự trong khu vực,…

- Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm xử lý quyết liệt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên lòng sông Lô.

Câu 16: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nước ta có mấy miền khí hậu?

Trả lời:

Nước ta có hai miền khí hậu là:

- Miền khí hậu phía Bắc: từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.

- Miền khí hậu phía Nam: từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.

Câu 17: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết nhiệt độ trung bình năm của trạm khí hậu Lạng Sơn.

Trả lời:

Nhiệt độ trung bình năm của Lạng Sơn khoảng 21oC.

Câu 18: Trình bày về tính chất nhiệt đới của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

Tính chất nhiệt đới của gió mùa Việt Nam được thể hiện qua: bức xạ mặt Trời, nhiệt độ và số giờ nắng.

- Bức xạ mặt trời:

+ Tổng bức xạ lên: 110 - 160 kcal/cm2 /năm.

+ Cán cân bức xạ: 75 kcal/cm2 /năm.

- Số giờ nắng: 1400 giờ /năm - 3000 giờ/năm.

- Nhiệt độ trung bình trên 20oC (trừ những vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.

Câu 19: Chứng minh sự phân hoá đa dạng của khí hậu nước ta từ bắc vào nam và từ tây sang đông. Lấy ví dụ cụ thể.

Trả lời:

Sự phân hóa khí hậu từ bắc xuống nam và từ tây sang đông: Từ bắc xuống nam, khí hậu nước ta được chia làm 2 miền:

- Miền khí hậu phía bắc:

+ Ở phía bắc dãy Bạch Mã.

+ Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 20oC. Mùa đông lạnh; mùa hạ nóng và mưa nhiều.

- Miền khí hậu phía nam:

+ Ở phía nam dãy Bạch Mã.

+ Có khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ trung bình năm cao trên 25oC. Lượng mưa có sự phân hóa giữa mùa mưa và mùa khô.

 - Riêng khu vực ven biển miền Trung từ 11oB - 18oB mùa mưa lệch sang mùa thu đông.

Sự phân hóa khí hậu từ đông sang tây:

- Nguyên nhân: ảnh hưởng của địa hình và hoạt động các khối khí.

- Biểu hiện: Sự khác biệt khí hậu giữa các vùng miền và thềm lục địa: vùng đồng bằng ven biển và đồi núi.

Ví dụ:

- Theo chiều bắc nam: Khí hậu miền bắc có mùa đông lạnh, miền nam nóng quanh năm.

- Theo chiều đông tây: Khu vực đông bắc do ảnh hưởng địa hình và hướng gió nên có mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn khu vực tây bắc.

Câu 20: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp nước ta.

Trả lời:

- Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta được tiến hành quanh năm, có thể trồng được nhiều vụ một năm, cho năng suất cao,... tạo nên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị xuất khẩu.

- Tạo điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh:

+ Tính chất gió mùa cùng với sự phân hoá của khí hậu đã làm cho cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp cũng khác nhau giữa các vùng, địa phương.

+ Mỗi vùng có những thế mạnh riêng, tạo điều kiện để nước ta hình thành các vùng chuyên canh với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau.

+ Ở các khu vực địa hình núi, cao nguyên có thể hình thành vùng trồng cây cận nhiệt và ôn đới.

- Sản phẩm nông nghiệp đa dạng: Do sự phân hoá khí hậu từ bắc vào nam, từ tây sang đông và theo độ cao địa hình nên nước ta có cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có cả các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới.

- Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nhiều rủi ro: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng mang đến thiên tai (lũ lụt, hạn hán,...), dịch bệnh,... gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay