Câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, địa hình và khoáng sản Việt Nam (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
ÔN TẬP CHƯƠNG 1
VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ, ĐỊA HÌNH VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Lào.
Trả lời:
Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Lào là: Tây Trang (Điện Biên), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), La Lay (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum).
Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và xác định các điểm cực Bắc, cực Nam phần đất liền của nước ta.
Trả lời:
- Điểm cực Bắc tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, vĩ độ 23o23’B, kinh độ 105o20’Đ.
- Điểm cực Nam tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có vĩ độ 8o34’B, kinh độ 104o40’Đ.
Câu 3: Nêu ý nghĩa tự nhiên của vị trí địa lí nước ta.
Trả lời:
- Vị trí địa lí đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta là mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
+ Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới ở bán cầu Bắc nên có nền nhiệt độ cao, chan hòa ánh nắng, lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Mậu dịch (Tín phong) và gió mùa châu Á, khu vực gió mùa điển hình nhất trên thế giới, nên khí hậu có hai mùa rõ rệt.
+ Tác động của các khối khí di chuyển qua biển kết hợp với vai trò của Biển Đông - nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ẩm, đã làm cho thiên nhiên nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển. Vì thế, thảm thực vật ở nước ta bốn mùa xanh tốt, rất giàu sức sống, khác hẳn với thiên nhiên một số nước có cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Bắc Phi.
- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải, trên đường di lưu và di chuyển của nhiều loài động, thực vật nên có tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú.
- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên giữa miền Bắc với miền Nam, giữa miền núi với đồng bằng, ven biển, hải đảo, hình thành các vùng tự nhiên khác nhau.
- Nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán thường xảy ra hằng năm.
Câu 4: Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng.
Trả lời:
- Về kinh tế:
+ Việt Nam nằm trên ngã tư đường hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
+ Nước ta còn là cửa ngõ mở lối ra biển thuận lợi cho các nước Lào, Đông bắc Thái Lan, Campuchia và khu vực Tây Nam Trung Quốc. Vị trí địa lí thuận lợi như vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ, tạo điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với các nước trên thế giới, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.
- Về văn hóa - xã hội: Vị trí địa lí tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Câu 5: Những thuận lợi của Việt Nam khi có biển.
Trả lời:
- Biển nước ta rất giàu hải sản, có nhiều vũng, vịnh, tạo điều kiện cho nước ta phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản, phát triển giao thông vận tải trên biển.
- Cảnh quan ven bờ tạo điều kiện phát triển du lịch. Ven biển có nhiều bãi tắm đẹp: Vũng Tàu, Cát Bà, Hạ Long.
- Các khoáng sản như dầu khí, titan, cát trắng cung cấp nguyên liệu và vật liệu.
- Tạo điều kiện cho phát triển nghề muối.
Câu 6: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh giáp với Trung Quốc.
Trả lời:
Các tỉnh giáp với Trung Quốc là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Câu 7: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh giáp với Lào.
Trả lời:
Các tỉnh giáp với Lào là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum.
Câu 8: Trình bày đặc điểm chung của địa hình Việt Nam.
Trả lời:
Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam là:
+ Địa hình đồi núi chiếm ưu thế.
+ Địa hình nước ta được nâng lên ở giai đoạn Tân kiến tạo và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau.
+ Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
+ Địa hình nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của con người.
Câu 9: Trình bày đặc điểm địa hình của khu vực bờ biển và thềm lục địa ở nước ta.
Trả lời:
- Địa hình bờ biển của nước ta rất đa dạng. Các hiện tượng bồi tụ, mài mòn và xói lở xảy ra khác nhau ở từng đoạn bờ biển, tạo thành các bãi triều, vũng, vịnh, đầm, phá,...
- Thềm lục địa nước ta nông và mở rộng, đặc biệt ở Bắc Bộ và Nam Bộ, tạo điều kiện cho việc mở rộng diện tích lãnh thổ đất liền và làm thay đổi địa hình bờ biển.
Câu 10: Địa hình nước ta đa dạng nhiều kiểu loại, trong đó quan trọng nhất là địa hình đồi núi. Vì sao?
Trả lời:
Địa hình nước ta đa dạng nhiều kiểu loại, trong đó quan trọng nhất là địa hình đồi núi vì:
- Đồi núi chiếm tới 3/4 lãnh thổ đất liền và là dạng phổ biến nhất. Ngay ở đồng bằng châu thổ ta cũng bắt gặp các đồi núi sót nhô cao trên mặt đồng bằng (núi Đồ Sơn, Con Voi, Tam Điệp, sầm Sơn, Bà Đen, Bảy Núi,...).
- Đồi núi ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chung: sự xuất hiện các đai cao tự nhiên theo địa hình (đai nhiệt đới chân núi, đai á nhiệt đới núi trung bình, đai ôn đới núi cao,...).
Câu 11: Trình bày những ảnh hưởng của địa hình đồi núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời:
Thuận lợi:
- Đối với công nghiệp: là nơi tập trung nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.
+ Dự trữ thủy năng để phát triển thủy điện.
+ Tập trung các mỏ khoáng sản tạo khả năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
- Đối với nông, lâm nghiệp:
+ Tài nguyên rừng và đất rừng phong phú tạo điều kiện phát triển lâm nghiệp.
+ Các cao nguyên thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc lớn.
- Đối với du lịch: khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp thuận lợi để hình thành các điểm du lịch nổi tiếng.
Khó khăn: Địa hình bị chia cắt mạnh, là nơi xảy ra nhiều thiên tai gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội (giao thông, khai thác tài nguyên, giao lưu kinh tế giữa các vùng,...).
Câu 12: So sánh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long về điều kiện hình thành và đặc điểm địa hình.
Trả lời:
* Giống nhau:
- Đều là các đồng bằng châu thổ rộng lớn.
- Hai đồng bằng này đều được thành tạo và phát triển do phù sa sông bồi tụ dần trên vịnh biển nông, thềm lục địa mở rộng.
- Địa hình tương đối bằng phẳng.
Khác nhau:
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Diện tích: khoảng 15000 km2.
+ Do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ nên.
+ Có hình dạng tam giác cân, đỉnh là Việt Trì và đáy là đoạn bờ biển Hải Phòng - Ninh Bình.
+ Địa hình cao ở rìa phía tây và tây bắc, thấp dần ra biển.
+ Có đê sông ngăn lũ vững chắc (dài trên 2 700 km), chia cắt bề mặt đồng bằng thành nhiều ô, thấp hơn mực nước sông ngoài đê từ 3 -7 m.
+ Vùng trong đê không được bồi tụ phù sa, gồm các khu ruộng cao bạc màu và các ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê được bồi tụ phù sa hàng năm.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Diện tích: khoảng 40000 km2.
+ Do phù sa của hệ thống sông Mê Công bồi tụ nên.
+ Có dạng hình thang.
+ Địa hình thấp và bằng phẳng hơn, có độ cao trung bình 2 - 3 m so với mực nước biển.
+ Bề mặt đồng bằng không có đê nhưng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; về mùa lũ nước ngập trên diện rộng, về mùa cạn, nước triều lấn mạnh làm cho 2/3 diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn.
+ Đồng bằng có các vùng trũng lớn như: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên,... là những nơi chưa được bồi lấp xong.
Câu 13: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết quặng, sắt phân bố ở đâu?
Trả lời:
Quặng, sắt phân bố tập trung ở: Tùng Bá (Hà Giang), Trại Cau (Thái Nguyên), Trân Yên (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Câu 14: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết dầu mỏ, khí tự nhiên phân bố ở đâu?
Trả lời:
Dầu mỏ, khí tự nhiên phân bố tập trung ở: thềm lục địa phía đông nam.
Câu 15: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết thiếc phân bố ở đâu?
Trả lời:
Thiếc phân bố tập trung ở: Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Châu (Nghệ An).
Câu 16: Giải thích tại sao nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng.
Trả lời:
Nguồn khoáng sản nước ta đa dạng do:
+ Kết quả của quá trình địa chất kéo dài.
+ Vị trí địa lí nước ta nằm ở nơi giao nhau giữa 2 vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Câu 17: Tại sao khoáng sản nước ta lại phân bố hẩu khắp cả nước.
Trả lời:
Sự phân bố khoáng sản ở nước ta có liên quan chặt chẽ với sự phân hoá phức tạp, đa dạng của các hoạt động địa chất nội sinh và ngoại sinh.
+ Các mỏ khoáng sản nội sinh thường tập trung tại các đứt gãy sâu với hoạt động uốn nếp và mac-ma diễn ra mạnh mẽ.
+ Các khoáng sản ngoại sinh thường tập trung ở vùng biển nông, thềm lục địa hoặc vùng trũng trong nội địa.
Câu 18: Một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta.
Trả lời:
Nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta là:
- Quản lí lỏng lẻo, tự do khai thác bừa bãi (than, vàng, sắt, thiếc, đá quý,...).
- Kĩ thuật khai thác lạc hậu, hàm lượng quặng còn nhiều trong chất thải bỏ.
- Thăm dò đánh giá không chính xác về trữ lượng, hàm lượng, phân bố làm cho khai thác gặp khó khăn và đầu tư lãng phí.
Câu 19: Nêu những thuận lợi và khó khăn do khí hậu mang lại.
Trả lời:
Thuận lợi:
- Khí hậu nóng ẩm: thuận lợi cho sinh vật phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả. Tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ một nền nông nghiệp nhiệt đới theo hướng sản xuất lớn, chuyên canh và đa canh.
Khó khăn:
- Khí hậu nước ta cũng lắm thiên tai, bất trắc, thời tiết diễn biến phức tạp. Ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của nhân dân ta.
Câu 20: Trình bày hoạt động của gió mùa Đông Bắc và ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta
Trả lời:
- Hoạt động của gió mùa Đông Bắc
+ Nguồn gốc: từ khối khí lạnh phương Bắc; thổi theo hướng đông bắc.
+ Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
+ Tính chất: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn.
+ Phạm vi hoạt động: chủ yếu từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16oB) trở ra.
- Ảnh hưởng của nó đến thiên nhiên nước ta
+ Làm cho sự phân hóa của thiên nhiên nước ta càng thêm phức tạp.
+ Thiên nhiên nước ta phân hóa theo không gian và thời gian.