Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 2: Địa hình Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 2: Địa hình Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
BÀI 2: ĐỊA HÌNH VIỆT NAM
(19 câu)
1. NHẬN BIẾT (7 câu)
Câu 1: Dọc theo Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Cà Mau ta phải vượt qua những đèo lớn nào và cho biết chúng thuộc tỉnh, thành phố nào ở nước ta?
Trả lời:
Dọc theo Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Cà Mau vượt qua các đèo lớn: Sài Hồ (Lạng Sơn), Tam Điệp (Ninh Bình), Ngang (Hà Tĩnh - Quảng Bình), Hải Vân (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẩng), Cù Mông (Bình Định - Phú Yên), Cả (Phú Yên - Khánh Hòa).
Câu 2: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh giáp với Trung Quốc.
Trả lời:
Các tỉnh giáp với Trung Quốc là: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Câu 3: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh giáp với Lào.
Trả lời:
Các tỉnh giáp với Lào là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum.
Câu 4: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh giáp với Cam-pu-chia.
Trả lời:
Các tỉnh giáp với Cam-pu-chia là: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Câu 5: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết các điểm cực Bắc, cực Đông, cực Tây, cực Nam ở nước ta thuộc tỉnh/thành phố nào?
Trả lời:
Điểm cực Bắc ở Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.
Điểm cực Nam ở Xóm Mũi, tỉnh Cà Mau.
Điểm cực Tây ở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên.
Điểm cực Đông ở Hòn Gốm, tỉnh Khánh Hòa..
Câu 6: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có đường bờ biển theo thứ tự từ Bắc vào Nam.
Trả lời:
Các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có đường bờ biển theo thứ tự từ Bắc vào Nam là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Đà Nấng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Câu 7: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kể tên các cửa khẩu quốc tế quan trọng trên đường biên giới của nước ta với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia.
Trả lời:
Một số cửa khẩu quốc tế quan trọng trên đường biên giới của nước ta với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia là:
- Trên đường biên giới với Trung Quốc: cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai).
- Trên đường biên giới với Lào: cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên Phủ), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm cắn (Nghệ An), cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum).
- Trên đường biên giới với Cam-pu-chia: cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Hoa Lư (Bình Phước), Xa Mát, Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang), Xà Xía (Kiên Giang).
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Trình bày đặc điểm chung của địa hình Việt Nam.
Trả lời:
Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam là:
+ Địa hình đồi núi chiếm ưu thế.
+ Địa hình nước ta được nâng lên ở giai đoạn Tân kiến tạo và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau.
+ Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
+ Địa hình nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của con người.
Câu 2: Trình bày đặc điểm địa hình của các khu vực đồi núi ở nước ta.
Trả lời:
Khu vực Đông Bắc:
- Phạm vi: nằm ở phía đông thung lũng sông Hồng.
- Đặc điểm:
+ Chủ yếu là đồi núi thấp.
+ Hướng vòng cung. Gồm 4 cánh cung lớn: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn. Đông Triều chụm lại ở Tam Đảo và mở rộng ra phía Bắc.
+ Hướng nghiêng chung: Tây Bắc - Đông Nam.
+ Địa hình cat-xtơ chiếm phần lớn diện tích. Nhiều khối núi đá vôi đồ sộ như Hà Giang, Cao Bằng.
+ Một số dãy núi có độ cao trên 2000m: Tây Côn Lĩnh (2419m), Kiều Liêu Ti (2402m),…
Khu vực Tây Bắc:
- Phạm vi: Nằm giữa sông Hồng và sông Cả.
- Đặc điểm:
+ Chủ yếu là những dãy núi cao, núi trung bình. Bao gồm có nhiều dãy núi cao đồ sộ như dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh núi Phan-xi-păng được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”.
+ Nhiều các núi cao trên 2000m như: Pu-ta-leng (3096m); Phu-luông (2985m),… Các dãy núi cao dọc biên giới Việt-Lào và các cao nguyên: Tả Phìn, Sơn La,…
+ Hướng: Tây Bắc - Đông Nam.
Khu vực Trường Sơn Bắc:
- Phạm vi: Phía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã.
- Đặc điểm:
+ Chủ yếu là các dãy núi trung bình và thấp, chạy song song và so le nhau,
+ Hướng: tây bắc - đông nam và tây - đông.
+ Sườn tây rộng thoải, sườn đông hẹp và dốc.
Khu vực Trường Sơn Na:
- Phạm vi: Nằm ở phía Nam dãy Bạch Mã.
- Đặc điểm: Dãy núi hình khối như Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ với một số đỉnh trên 2000m: Ngọc Linh (2598m), Chư Yang Sin (2405m),..
Câu 3: Trình bày đặc điểm địa hình của các khu vực đồng bằng ở nước ta.
Trả lời:
Đồng bằng sông Hồng:
- Diện tích: 15 000 km2
- Đặc điểm:
+ Nguồn gốc: được bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. + Độ cao: khoảng 2 - 4m
+ Trong đồng bằng có nhiều đồi núi sót, chia cắt đồng bằng thành nhiều ô trũng; còn hệ thống đê biển ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng bằng.
Đồng bằng sông Cửu Long:
- Diện tích: 40 000 km2
- Đặc điểm:
+ Nguồn gốc: Được bồi đắp phù sa từ hệ thống sông Mê Công.
+ Độ cao: Địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. + Trong đồng bằng còn có nhiều ô trũng lớn, ngập nước hằng năm và ảnh hưởng thường xuyên của thủy triều.
Các đồng bằng ven biển miền Trung:
- Diện tích: 15 000 km2
- Đặc điểm:
+ Nguồn gốc: được sự bồi đắp phù sa của biển.
+ Đồng bằng hẹp nhỏ, hẹp ngang, dốc và bị chia cắt bởi các dãy núi hướng tây đông.
Câu 4: Trình bày đặc điểm địa hình của khu vực bờ biển và thềm lục địa ở nước ta.
Trả lời:
- Địa hình bờ biển của nước ta rất đa dạng. Các hiện tượng bồi tụ, mài mòn và xói lở xảy ra khác nhau ở từng đoạn bờ biển, tạo thành các bãi triều, vũng, vịnh, đầm, phá,...
- Thềm lục địa nước ta nông và mở rộng, đặc biệt ở Bắc Bộ và Nam Bộ, tạo điều kiện cho việc mở rộng diện tích lãnh thổ đất liền và làm thay đổi địa hình bờ biển.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Chứng minh rằng sự phát triển địa hình lãnh thổ nước ta (xét chủ yếu trên đất liền) chịu tác động của nhiều nhân tố và trải qua các giai đoạn chính.
Trả lời:
- Sự hình thành nền móng địa hình ban đầu vào Tiền Cambri.
- Sự ổn định và mở rộng lãnh thổ của giai đoạn cổ kiến tạo. Hình thành những đường nét cơ bản của địa hình chung.
- Sự san bằng địa hình (quá trình bán bình nguyên hóa) vào thời kì trước vận động Tân kiến tạo.
- Sự nâng cao địa hình vào Tân kiến tạo do vận động tạo núi Hi-ma-lay-a làm cho núi non, sông ngòi trẻ lại và kéo dài tới ngày nay. Tân kiến tạo diễn ra thành nhiều đợt (chu kì) và có cường độ không đồng đều giữa các khu vực.
- Sự cắt xẻ, xâm thực của ngoại lực nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm tạo nên các dạng địa hình hiện tại.
- Sự tác động của con người ngày càng mạnh mẽ tạo nên các dạng địa hình nhân tạo: đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước.
Câu 2: Chứng minh địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa và chịu tác động mạnh mẽ của con người.
Trả lời:
- Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm:
+ Trong môi trường nóng, ẩm, gió mùa, lượng mưa lớn tập trung theo mùa đã nhanh chóng xói mòn, cắt xẻ, xâm thực các khối núi, bồi tụ các đồng bằng tạo nên các dạng địa hình hiện đại…
+ Tạo nên các dạng địa hình độc đáo như Cacxtơ nhiệt đới…
- Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người:
+ Tác động trực tiếp, thường xuyên tạo nên các dạng địa hình nhân tạo: đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước…
+ Tác động gián tiếp: chặt phá rừng lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy, xây dựng các công trình…cũng là nguyên nhân làm địa hình biến đổi mạnh mẽ.
Câu 3: Địa hình nước ta đa dạng nhiều kiểu loại, trong đó quan trọng nhất là địa hình đồi núi. Vì sao?
Trả lời:
Địa hình nước ta đa dạng nhiều kiểu loại, trong đó quan trọng nhất là địa hình đồi núi vì:
- Đồi núi chiếm tới 3/4 lãnh thổ đất liền và là dạng phổ biến nhất. Ngay ở đồng bằng châu thổ ta cũng bắt gặp các đồi núi sót nhô cao trên mặt đồng bằng (núi Đồ Sơn, Con Voi, Tam Điệp, sầm Sơn, Bà Đen, Bảy Núi,...).
- Đồi núi ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chung: sự xuất hiện các đai cao tự nhiên theo địa hình (đai nhiệt đới chân núi, đai á nhiệt đới núi trung bình, đai ôn đới núi cao,...).
- Đồi núi ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội. Vùng đồi núi có những thế mạnh riêng về kinh tế, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy điện, trồng cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc lớn, phát triển du lịch sinh thái,... nhưng đồi núi cũng có nhiều khó khăn ưu ngại về đầu tư phát triển kinh tế, về giao thông vận tải,... Do vậy miền đồi núi nước ta vẫn còn là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống vất vả hơn so với các vùng khác.
Câu 4: Chứng minh rằng địa hình nước ta được vận động Tân kiến tạo nâng lên làm trẻ lại và có tính phân bậc rõ rệt.
Trả lời:
- Địa hình nước ta được vận động Tân kiến tạo nâng lên làm trẻ lại:
+ Sự nâng cao của Tân kiến tạo với biên độ lớn tạo nên các dãy núi trẻ có độ cao lớn, điển hình là Hoàng Liên Sơn.
+ Sự cắt xẻ sâu của dòng nước tạo ra các thung lũng sâu, hẹp, vách dựng đứng, điển hình là thung lũng sông Đà.
+ Địa hình cao nguyên badan núi lửa trẻ với các đứt gãy sâu tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
+ Sự sụt lún sâu tại một số khu vực để hình thành các đồng bằng trẻ của sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực vịnh Hạ Long.
- Tính phân bậc của địa hình:
+ Vận động tạo núi Hi-ma-lay-a đã làm cho địa hình nước ta phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: núi đồi, đồng bằng, thềm lục địa,...
+ Trong từng bậc địa hình lớn như: đồi núi, đồng bằng, bờ biển, còn có các bậc địa hình nhỏ như: các bề mặt san bằng, các cao nguyên xếp tầng, các bậc thềm sông, thềm biển,...
Câu 5: Chứng minh rằng sự phát triển địa hình lãnh thổ nước ta (xét chủ yếu trên đất liền) chịu tác động của nhiều nhân tố và trải qua các giai đoạn chính.
Trả lời:
Sự phát triển địa hình lãnh thổ nước ta (xét chủ yếu trên đất liền) chịu tác động của nhiều nhân tố và trải qua các giai đoạn chính vì:
- Sự hình thành nền móng địa hình ban đầu vào Tiền Cambri.
- Sự ổn định và mở rộng lãnh thổ của giai đoạn cổ kiến tạo. Hình thành những đường nét cơ bản của địa hình chung.
- Sự san bằng địa hình (quá trình bán bình nguyên hóa) vào thời kì trước vận động Tân kiến tạo.
- Sự nâng cao địa hình vào Tân kiến tạo do vận động tạo núi Hi-ma-lay-a làm cho núi non, sông ngòi trẻ lại và kéo dài tới ngày nay. Tân kiến tạo diễn ra thành nhiều đợt (chu kì) và có cường độ không đồng đều giữa các khu vực.
- Sự cắt xẻ, xâm thực của ngoại lực nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm tạo nên các dạng địa hình hiện tại.
- Sự tác động của con người ngày càng mạnh mẽ tạo nên các dạng địa hình nhân tạo: đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước.
4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: So sánh địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ.
Trả lời:
Vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ:
- Độ cao thấp.
- Cao nhất vùng là Tây Côn Lĩnh là 2419m.
- Gồm nhiều dải núi cánh cung mở rộng về phía Đông Bắc, quy tụ ở Tam Đảo.
- Các dãy núi chính:
+ Cánh cung Sông Gâm.
+ Cánh cung Ngân Sơn.
+ Cánh cung Bắc Sơn.
- Địa hình đón gió mùa Đông Bắc vào sâu, khí hậu lạnh nhất cả nước, vành đai nhiệt đới xuống thấp.
- Địa hình cacxto phổ biến.
- Cảnh đẹp nổi tiếng: Ba Bể, Hạ Long.
Vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ:
- Độ cao lớn.
- Cao nhất vùng là Phan-xi-păng là 3143m.
- Gồm nhiều dải núi chạy song song, hướng Tây Bắc - Đông Nam.
- Các dãy núi chính:
+ Hoàng Liên Sơn.
+ Các dải núi biên giới Việt Lào (Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao, sông Mã).
- Địa hình cacxto phổ biến.
- Cảnh đẹp nổi tiếng: Sa Pa, Mai Châu.
Câu 2: So sánh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long về điều kiện hình thành và đặc điểm địa hình.
Trả lời:
* Giống nhau:
- Đều là các đồng bằng châu thổ rộng lớn.
- Hai đồng bằng này đều được thành tạo và phát triển do phù sa sông bồi tụ dần trên vịnh biển nông, thềm lục địa mở rộng.
- Địa hình tương đối bằng phẳng.
Khác nhau:
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Diện tích: khoảng 15000 km2.
+ Do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ nên.
+ Có hình dạng tam giác cân, đỉnh là Việt Trì và đáy là đoạn bờ biển Hải Phòng - Ninh Bình.
+ Địa hình cao ở rìa phía tây và tây bắc, thấp dần ra biển.
+ Có đê sông ngăn lũ vững chắc (dài trên 2 700 km), chia cắt bề mặt đồng bằng thành nhiều ô, thấp hơn mực nước sông ngoài đê từ 3 -7 m.
+ Vùng trong đê không được bồi tụ phù sa, gồm các khu ruộng cao bạc màu và các ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê được bồi tụ phù sa hàng năm.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Diện tích: khoảng 40000 km2.
+ Do phù sa của hệ thống sông Mê Công bồi tụ nên.
+ Có dạng hình thang.
+ Địa hình thấp và bằng phẳng hơn, có độ cao trung bình 2 - 3 m so với mực nước biển.
+ Bề mặt đồng bằng không có đê nhưng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; về mùa lũ nước ngập trên diện rộng, về mùa cạn, nước triều lấn mạnh làm cho 2/3 diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn.
+ Đồng bằng có các vùng trũng lớn như: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên,... là những nơi chưa được bồi lấp xong.
Câu 3: Trình bày những ảnh hưởng của địa hình đồi núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời:
Thuận lợi:
- Đối với công nghiệp: là nơi tập trung nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.
+ Dự trữ thủy năng để phát triển thủy điện.
+ Tập trung các mỏ khoáng sản tạo khả năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
- Đối với nông, lâm nghiệp:
+ Tài nguyên rừng và đất rừng phong phú tạo điều kiện phát triển lâm nghiệp.
+ Các cao nguyên thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc lớn.
- Đối với du lịch: khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp thuận lợi để hình thành các điểm du lịch nổi tiếng.
Khó khăn: Địa hình bị chia cắt mạnh, là nơi xảy ra nhiều thiên tai gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội (giao thông, khai thác tài nguyên, giao lưu kinh tế giữa các vùng,...).
=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 2: Địa hình Việt Nam