Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Địa lí 8 Cánh diều bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Cánh diều.

Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều

BÀI 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ VIỆT NAM

(16 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trả lời:

Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc là: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Thanh Thủy (Hà Giang).

Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Lào.

Trả lời:

Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Lào là: Tây Trang (Điện Biên), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), La Lay (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum).

Câu 3: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và liệt kê các cửa khẩu giữa Việt Nam - Campuchia.

Trả lời:

Các cửa khẩu giữa Việt Nam - Campuchia là: Lệ Thanh (Gia Lai), Hoa Lư (Bình Phước), Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh), Mộc Bài (Tây Ninh), Dinh Bà (Đồng Tháp), Thường Phước (Đồng Tháp), Vĩnh Xương (An Giang), Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang), Bình Hiệp (Long An).

Câu 4: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và xác định các điểm cực Bắc, cực Nam phần đất liền của nước ta.

Trả lời:

- Điểm cực Bắc tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, vĩ độ 23o23’B, kinh độ 105o20’Đ.

- Điểm cực Nam tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có vĩ độ 8o34’B, kinh độ 104o40’Đ.

Câu 5: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 4,5 và kể tên đảo và quần đảo nước ta.

Trả lời:

- Quần đảo: Quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng); quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa); quần đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu),…

- Đảo: đảo Phú Quý; đảo Cát Bà; đảo Lí Sơn; đảo Cồn Cỏ; đảo Bạch Long Vĩ,…

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm của vị trí địa lí của nước ta:

- Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ:

+ Nằm trên bán đảo Đông Dương, ở gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

+ Phần lãnh thổ đất liền nước ta kéo dài từ vĩ độ 8o34’B đến vĩ độ 23o23’B và từ kinh độ 102o09’Đ đến kinh độ 109o24’Đ.

+ Vùng biển nước ta kéo dài từ khoảng vĩ độ 6o50’B từ kinh độ 101oĐ đến kinh độ 117o20’Đ trên Biển Đông.

- Vị trí địa lí của nước ta có các đặc điểm nổi bật:

+ Nằm trong vùng nhiệt đới bán cầu Bắc, trung tâm hoạt động của gió mùa châu Á.

+ Nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều sinh vật trên đất liền và trên biển.

+ Nằm ở nơi giao nhau của hai vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

+ Nằm trong khu vực có nhiều thiên tai và chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.

Câu 2: Trình bày khái quát về các bộ phận thuộc vùng biển nước ta.

Trả lời:

- Nội thủy: vùng nước tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở.

- Lãnh hải: vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển, có chiều rộng 12 hải lí.

- Vùng tiếp giáp lãnh hải: vùng biển được quy định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chủ quyền của nước ven biển, rộng 12 hải lí.

- Vùng đặc quyền về kinh tế: vùng tiếp liền với lãnh hải và hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở. Nhà nước ta có chủ quyền hoàn toàn về kinh tế nhưng vẫn để các nước khác được đặt ống dẫn dầu, dây cáp ngầm và tàu thuyền, máy bay nước ngoài được tự do về hàng hải và hàng không như Công ước quốc tế quy định.

- Thềm lục địa: phần ngầm dưới biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần lục địa kéo dài mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, có độ sâu khoảng 200m hoặc hơn nữa. Có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lí các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam.

Câu 3: Cho biết lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của nước ta bao gồm những bộ phận nào.

Trả lời:

Lãnh thổ Việt Nam thống nhất và toàn vẹn, bao gồm ba bộ phận: vùng đất, vùng biển và vùng trời.

- Vùng đất: bao gồm toàn bộ phần đất liền, đảo và quần đảo có tổng diện tích là khoảng 331344 km2  (theo Niên giám Thống kê năm 2021).

+ Đường biên giới trên đất liền có tổng chiều dài là 5000 km, tiếp giáp với ba quốc gia: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia.

+ Đường bờ biển nước ta kéo dài 3260 km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang).

- Vùng biển:

+ Vùng biển của Việt Nam thuộc Biển Đông, có tổng diện tích là 1 triệu km2.

+ Trong vùng biển Việt Nam có hàng nghìn đảo, quần đảo; trong đó có hai quần đảo lớn, xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

- Vùng trời rộng lớn bao trùm lên trên lãnh thổ, bao gồm không gian trên đất liền, mở rộng đến hết ranh giới ngoài của lãnh hải và không gian trên các đảo, quần đảo.

Câu 4: Nêu ý nghĩa tự nhiên của vị trí địa lí nước ta.

Trả lời:

- Vị trí địa lí đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta là mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

+ Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới ở bán cầu Bắc nên có nền nhiệt độ cao, chan hòa ánh nắng, lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Mậu dịch (Tín phong) và gió mùa châu Á, khu vực gió mùa điển hình nhất trên thế giới, nên khí hậu có hai mùa rõ rệt.

+ Tác động của các khối khí di chuyển qua biển kết hợp với vai trò của Biển Đông - nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ẩm, đã làm cho thiên nhiên nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển. Vì thế, thảm thực vật ở nước ta bốn mùa xanh tốt, rất giàu sức sống, khác hẳn với thiên nhiên một số nước có cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Bắc Phi.

- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải, trên đường di lưu và di chuyển của nhiều loài động, thực vật nên có tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú.

- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên giữa miền Bắc với miền Nam, giữa miền núi với đồng bằng, ven biển, hải đảo, hình thành các vùng tự nhiên khác nhau.

- Nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán thường xảy ra hằng năm.

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với tự nhiên.

Trả lời:

- Vị trí địa lí đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và địa trung hải, trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động thực vật nên có nhiều tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú.

- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên thành các vùng tự nhiên khác nhau giữa miền Bắc với miền Nam, giữa miền núi và đồng bằng, ven biển, hải đảo.

 - Nước ta cũng nằm trong vùng có nhiều thiên tai nhất là bão, lũ lụt, hạn hán thường xảy ra hằng năm.

Câu 2: Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng.

Trả lời:

- Về kinh tế:

+ Việt Nam nằm trên ngã tư đường hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Nước ta còn là cửa ngõ mở lối ra biển thuận lợi cho các nước Lào, Đông bắc Thái Lan, Campuchia và khu vực Tây Nam Trung Quốc. Vị trí địa lí thuận lợi như vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ, tạo điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với các nước trên thế giới, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

- Về văn hóa - xã hội: Vị trí địa lí tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Câu 3: Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với an ninh quốc phòng.

Trả lời:

- Theo quan điểm địa lý chính trị và địa lý quân sự, nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á: do nằm ở nơi tiếp giáp giữa Đông Nam Á (lục địa) và Đông Nam Á (hải đảo), một khu vực giàu tài nguyên, một thị tường có sức mua đang tăng, một vùng kinh tế rất năng động. Như vậy đây là nơi rất hấp dẫn với các thế lực đế quốc thù địch, mặt khác đây cugx là khu vực nhạy cảm trước những biến chuyển trong đời sống chính trị thế giới.

- Vấn đề an ninh - quốc phòng còn đặt ra trên đất liền Việt Nam có đường biên giới rất dài với các nước láng giềng (4500km): dọc biên giới với Trung Quốc và Lào là núi liền núi, sông liền sông, không có những trở ngại lớn về tự nhiên; có thung lũng, đèo thấp thông với các nước láng giềng. Với campuchia không có biên giới tự nhiên mà là châu thổ mênh mông trải dài từ Cà Mau đến tận Biển Hồ (việc xác định mốc biên giới giữa hai nước còn là vấn đề cần đàm phán để thống nhất).

- Vấn đề an ninh - quốc phòng còn đặt ra với đường biên giới trên biển: bờ biển nước ta dài 3260km, giáp với rất nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Inđônêxia, Malaysia, Philippine, Bruney, Singapore, Thái Lan, Campuchia. Biển Đông rất giàu tài nguyên như tôm, cá,... Thềm lục địa rất giàu tài nguyên khoáng sản (dầu khí),... lại án ngữ đường biển quốc tế nối hai đại dương lớn Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Vì vậy, Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước ta về mặt chiến lược đối với kinh tế, an ninh quốc phòng.

Câu 4: Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đối với sự hình thành của đặc điểm tự nhiên của nước ta.

Trả lời:

- Đối với khí hậu:

+ Vị trí địa lí nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, trong khu vực hoạt động của Tín phong và gió mùa châu Á, lại tiếp giáp với Biển Đông nên khí hậu thể hiện rõ tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa; với nhiệt độ trung bình năm cao, lượng mưa và độ ẩm lớn, trong năm có hai mùa gió (gió mùa hạ và gió mùa đông).

+ Hoạt động của các khối khí và bức chắn địa hình còn làm cho khí hậu nước ta phân hoá từ bắc xuống nam và từ đông sang tây.

+ Tuy nhiên, vị trí địa lí cũng làm cho nước ta chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai và biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng,…

- Đối với sinh vật:

+ Do vị trí địa lí nằm trên đường di lưu và di cư của sinh vật nên Việt Nam có tài nguyên sinh vật rất phong phú, đa dạng.

+ Ngoài sinh vật nhiệt đới, nước ta còn có cả các loài sinh vật cận nhiệt đới và ôn đới.

- Đối với khoáng sản: Do vị trí địa lí nằm ở nơi giao nhau của hai vành đai sinh khoáng lớn là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải nên Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với nhiều loại như: than, dầu mỏ, khí đốt, sắt, đồng, bô-xít, a-pa-tít, đá vôi, sét, cao lanh,...

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Vị trí địa lí nước ta mang đến những thuận lợi và khó khăn gì cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời:

- Những thuận lợi:

+ Thuận lợi trong việc thông thương, giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

+ Giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới.

+ Nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp.

+ Mang lại khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất và sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và vật nuôi.

+ Thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển.

+ Sinh vật phong phú, đa dạng cả về số lượng và chủng loài.

- Những khó khăn:

+ Thiên tai thường xuyên xảy ra như bão, lũ.

+ Vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới, hải đảo.

Câu 2: Những thuận lợi của Việt Nam khi có biển.

Trả lời:

- Biển nước ta rất giàu hải sản, có nhiều vũng, vịnh, tạo điều kiện cho nước ta phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản, phát triển giao thông vận tải trên biển.

- Cảnh quan ven bờ tạo điều kiện phát triển du lịch. Ven biển có nhiều bãi tắm đẹp: Vũng Tàu, Cát Bà, Hạ Long.

- Các khoáng sản như dầu khí, titan, cát trắng cung cấp nguyên liệu và vật liệu.

- Tạo điều kiện cho phát triển nghề muối.

Câu 3: Hình dạng lãnh thổ có ảnh hưởng gì tới các điều kiện tự nhiên và hoạt động giao thông vận tải ở nước ta?

Trả lời:

- Hình dạng kéo dài và hẹp ngang của phần đất liền, với bờ biển uốn khúc (hình chữ S) theo nhiều hướng và dài trên 3260 km đã góp phần làm cho thiên nhiên nước ta trở nên đa dạng, phong phú và sinh động, cảnh quan thiên nhiên nước ta có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, các miền tự nhiên. Ảnh hưởng của biển vào sâu trong đất liền, tăng cường tính chất nóng ẩm của thiên nhiên nước ta.

- Đối với giao thông vận tải, hình dạng lãnh thổ cho phép nước ta phát triển nhiều loại hình vận tải: đường bộ, đường biển, đường hàng không,... Mặt khác, giao thông vận tải nước ta cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn, nguy hiểm do hình dạng địa hình lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang, nằm sát biển. Các tuyến đường dễ bị chia cắt bởi thiên tai, địch họa. Đặc biệt là tuyến giao thông Bắc - Nam thường bị bão, lụt, nước biển phá hỏng gây ách tắc giao thông.

 

=> Giáo án Địa lí 8 cánh diều Bài 1: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay