Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án địa lí 8 chân trời sáng tạo
ÔN TẬP CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM
Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam - trang 9 cho biết thành phố Hồ Chí Minh có nhiệt độ trung bình là bao nhiêu?
Trả lời:
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệt độ trung bình ở mức trên 24oC.
Câu 2: Trình bày tính chất gió mùa của khí hậu nước ta.
Trả lời:
Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có gió Tín Phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm. Mặt khác, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
* Gió mùa đông:
- Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
- Nguồn gốc:
+ Ở miền Bắc, do tác động của khối khí lạnh phương bắc di chuyển xuống;
+ Ở miền Nam, do hoạt động của gió Tín Phong Bắc bán cầu.
- Hướng gió: Đông Bắc
- Hệ quả:
+ Tạo nên mùa đông lạnh ở miền Bắc (nửa đầu mùa đông có thời tiết lạnh, khô; nửa sau mùa đông, thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn);
+ Tạo mùa khô cho khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; gây mưa cho khu vực Duyên hải miền Trung.
* Gió mùa hạ:
- Thời gian hoạt động: từ tháng 5 đến tháng 10.
+ Nguồn gốc: do tác động của các khối khí nhiệt đới ẩm:
+ Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm xuất phát từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương;
+ Vào giữa và cuối mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm xuất phát từ áp cao cận chí tuyến Nam.
- Hướng gió: Tây Nam (riêng miền Bắc, do ảnh hưởng của áp thấp Bắc Bộ nên gió thổi vào đất liền theo hướng Đông Nam).
- Hệ quả:
+ Vào đầu mùa hạ: gió Tây Nam gây mưa cho Nam Bộ và Tây Nguyên; tạo nên hiệu ứng phơn khô, nóng cho Trung Bộ và Bắc Bộ.
+ Vào giữa và cuối mùa hạ, gió Tây Nam gây mưa lớn kéo dài trên cả nước.
Câu 3: Nước ta có mấy miền khí hậu? Nêu đặc điểm khí hậu từng miền.
Trả lời:
Nước ta có hai miền khí hậu:
- Miền khí hậu phía Bắc, từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mửa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.
- Miền khí hậu phía Nam, từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.
Câu 4: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo chiều Đông - Tây.
Trả lời:
- Khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Đông - Tây:
+ Khí hậu có sự phân hóa giữa hai sườn của dãy Hoàng Liên Sơn; Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, tạo nên sự khác biệt về chế độ nhiệt và ẩm giữa hai sườn.
+ Vùng Biển Đông, khí hậu có tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.
Câu 5: Chứng minh rằng khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
Trả lời:
- Tính chất nhiệt đới thể hiện qua các yếu tố bức xạ:
+ Lượng bức xạ tổng cộng của nước ta lớn; cán cân bức xạ trên lãnh thổ luôn dương (từ 70 - 100 kcal/cm2/năm).
+ Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 200C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.
+ Số giờ nắng nhiều, đạt từ 1400 - 3000 giờ/ năm.
- Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm:
+ Lượng mưa trung bình năm lớn: từ 1500 - 2000 mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trong năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000 mm/ năm.
+ Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.
- Tính chất gió mùa:
+ Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có gió Tín Phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm.
+ Mặt khác, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
Câu 6: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình nước ta.
Trả lời:
Ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình là:
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho quá trình phong hóa đất đá diễn ra mạnh, tạo nên lớp vỏ phong hóa dày, vụn bở.
- Lượng mưa lớn tập trung theo mùa làm cho đất đai dễ bị xói mòn, quá trình xâm thực địa hình diễn ra mạnh; nước mưa hòa tan với đá vôi tạo nên dạng địa hình cácxtơ độc đáo với các hang động, suối cạn, thung khô.
Câu 7: Kể tên ít nhất 3 hoạt động của con người có khả năng làm biến đổi khí hậu.
Trả lời:
Hành động của con người làm biến đổi khí hậu là:
+ Quá trình tạo điện và nhiệt từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tạo ra lượng khí thải rất lớn trên toàn cầu.
+ Chặt phá rừng; đốt cháy rừng làm nương rẫy.
+ Khói bụi từ phương tiện giao thông.
+ Sử dụng phân bón, hóa chất độc hại.
Câu 8: Trình bày giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trả lời:
- Một số giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu:
+ Thay đổi cơ cấu mùa vụ, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các công trình thuỷ lợi.
+ Bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.
+ Xây dựng các cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường.
+ Phát triển giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.
+ Sử dụng năng lượng (điện, xăng, dầu,...) tiết kiệm và hiệu quả.
Câu 9: Phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với thuỷ văn ở nước ta. Lấy ví dụ cụ thể.
Trả lời:
Tác động biến đổi khí hậu đối với thủy văn: biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, gia tăng thiên tai và nước biển dâng, cụ thể:
- Thay đổi chế độ dòng chảy: Biến động của lượng mưa kéo theo sự thay đổi mạnh và thất thường của chế độ dòng chảy sông ngòi nước ta: mùa lũ, mực nước sông dâng cao, lũ thường lên nhanh và bất thường nên rất khó dự báo để phòng tránh; mùa cạn, dòng chảy sông ngòi giảm mạnh, mực nước sông hạ thấp.
- Gia tăng lũ lụt, sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn: Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng lũ lụt, sạt lở bờ sông trong mùa lũ; hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trên cả nước và nhiễm mặn ở các đồng bằng ven biển trong mùa cạn.
- Nước biển dâng: Biến đổi khí hậu làm mực nước biển, đại dương tăng lên. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn ven biển có xu thế tăng 2,74 mm/năm.
Ví dụ: Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây hiện tượng nhiễm mặn đang gia tăng.
Câu 10: Tài nguyên nước là gì?
Trả lời:
Tài nguyên nước là toàn bộ lượng nước có trong các khu vực có nước trên Trái Đất mà con người có thể sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày, để tồn tại, phát triển, phát triển nền kinh tế xã hội,…
Câu 11: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 và cho biết lưu vực sông nào hầu hết không chảy trực tiếp ra biển?
Trả lời:
Lưu vực sông hầu hết không chảy trực tiếp ra biển là: sông Mê Công (phần trên lãnh thổ Tây Nguyên).
Câu 12: Trình bày vai trò của khí hậu đối với phát triển du lịch của nước ta.
Trả lời:
Thuận lợi:
- Có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch có thể kể đến như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ trong lành của không khí...
- Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thích hợp phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm...
Khó khăn:
- Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, mưa đá, lũ... là trở ngại lớn để phát triển du lịch.
Câu 13: Chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở một lưu vực sông.
Trả lời:
Việc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng:
- Ở lưu vực sông Hồng có xây dựng hồ chứa nước với nhiều mục đích khác nhau, như: phát triển thuỷ điện, du lịch, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất và hoạt động sinh hoạt của người dân…
- Các hồ chứa nước có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng tài nguyên nước cần chú ý đến vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước.
Câu 14: Chứng minh vai trò của khí hậu đối với phát triển du lịch ở một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước ta.
Trả lời:
Vai trò của khí hậu đối với sự phát triển du lịch Đà Lạt:
- Đà Lạt nằm ở độ cao 1500 m so với mực nước biển, thuộc cao nguyên Lâm Viên của tỉnh Lâm Đồng. Khí hậu Đà Lạt ôn hòa, quanh năm dịu mát với ngưỡng nhiệt trung bình khoảng 180C đến 19oC; không khí trong lành, mát mẻ. Do địa hình cao và được bao phủ bởi núi rừng nên Đà Lạt thường xuyên có sương mù.
=> Với những đặc điểm khí hậu thú vị như vậy, nên các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng rất phát triển ở Đà Lạt, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Câu 15: Cho ví dụ để chứng minh mối quan hệ của sông ngòi nước ta với các nhân tố tự nhiên.
Trả lời:
- Địa chất, địa hình quyết định độ dốc lòng sông, hướng chảy và tốc độ dòng chảy cũng như hình dạng mạng lưới sông (dạng lông chim, dạng nan quạt, dạng cành cây), dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm.
- Khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ) quyết định lưu lượng nước, mùa nước, tính liên tục của dòng chảy (thường xuyên hay tạm thời).
Câu 16: Ảnh hưởng của cơn bão số 7 vào ngày 11/10/2022 đã gây thiệt hại như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp tại Hải Dương?
Trả lời:
Ảnh hưởng của mưa lớn đến sản xuất nông nghiệp tại một số huyện thuộc tỉnh Hải Dương.
- Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, ngày 11/10/2022, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp:
+ Tại huyện Bình Giang, có hơn 500ha lúa bị đổ, chủ yếu là lúa nếp ở các xã Thúc Kháng, Long Xuyên và Thái Hòa và hơn 80ha cây vụ đông mới trồng bị ảnh hưởng do mưa úng.
+ Tại huyện Gia Lộc, ghi nhận hơn 450ha lúa mùa đã bị đổ và khoảng 1.100ha rau màu bị ảnh hưởng do mưa úng.
+ Tại huyện Nam Sách cũng có khoảng 96ha rau màu bị ngập úng, trong đó có khoảng 38ha có nguy cơ bị thiệt hại nặng, tập trung ở các xã Thái Tân và Minh Tân.
Câu 17: Những nguyên nhân nào làm cho nguồn nước sông của nước ta bị ô nhiễm? Để dòng sông không bị ô nhiễm, chúng ta cần phải làm gì?
Trả lời:
- Những nguyên nhân làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm
+ Sông ngòi thường bắt nguồn từ miền núi chảy về đồng bằng, sau đó đổ nước ra biển.
+ Miền núi là đầu nguồn nước, do rừng cây ở đây bị chặt phá nhiều khiến cho nước mưa và bùn cát dồn nhanh xuống dòng sông, gây ra những trận lũ đột ngột và dữ dội, tàn phá mùa màng, cuốn trôi nhà cửa, gia súc,...
+ Ở các vùng đồng bằng, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, có rất nhiều dòng sông, khúc sông đã bị ô nhiễm nặng 11C bởi rác thải và các chất độc hại từ các khu dân cư, các đô thị, các khu công nghiệp chưa qua xử lí đã thải ngay vào dòng sông.
- Một số biện pháp để dòng sông không bị ô nhiễm
+ Bảo vệ tốt rừng đầu nguồn các sông và thảm thực vật trong lưu vực sông.
+ Xử lí tốt nguồn chất thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt trước khi đưa vào sông, hồ,...
+ Khai thác hợp lí, bền vững các giá trị kinh tế của sông ngòi.
Câu 18: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi nước ta.
Trả lời:
Ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi là:
- Lượng mưa lớn làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có nhiều sông ngòi, sông nhiều nước.
- Chế độ mưa theo mùa làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến theo mùa, theo sát nhịp điệu mưa. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô. Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến thất thường.
- Mưa lớn tập trung theo mùa làm cho quá trình xâm thực diễn ra mạnh ở vùng đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.
Câu 19: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 cho biết thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cần Thơ nằm trên bờ những dòng sông nào?
Trả lời:
- Hà Nội: nằm trên bờ sông Hồng.
- Tp. Hồ Chí Minh: nằm trên bờ sông Sài Gòn.
- Đà Nẵng: nằm trên bờ sông Hàn.
- Cần Thơ: nằm trên bờ sông Hậu Giang.
Câu 20: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 kể tên các hệ thống sông ngòi Trung Bộ.
Trả lời:
Các hệ thống sông ngòi Trung Bộ là: hệ thống sông Cả, hệ thống sông Thu Bồn, hệ thống sông Đà Rằng.