Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án địa lí 8 chân trời sáng tạo

ÔN TẬP CHƯƠNG 2

ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM

ÔN TẬP CHƯƠNG

Câu 1: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam - trang 9 kể tên những nơi có lượng mưa trung bình năm lớn ở nước ta.

Trả lời:

Những nơi có lượng mưa trung bình năm lớn ở nước ta là: Móng Cái, Bạch Mã (thuộc Thừa Thiên Huế), Ngọc Linh, Cao Nguyên Mơ Nông (thuộc Tây Nguyên).

Câu 2: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam - trang 9 cho biết Thanh Hóa thuộc vùng khí hậu nào?

Trả lời:

Thanh Hóa thuộc vùng khí hậu Bắc Trung Bộ.

Câu 3: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam - trang 9 cho biết thời kỳ tần suất các cơn bão di chuyển từ Biển Đông vào miền khí hậu phía Bắc ít nhất?

Trả lời:

Thời kỳ tần suất các cơn bão di chuyển từ Biển Đông vào miền khí hậu phía Bắc ít nhất là: tháng VI và tháng IX.

Câu 4: Trình bày một số đặc điểm nổi bật của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

- Tính chất nhiệt đới thể hiện qua các yếu tố bức xạ:

+ Lượng bức xạ tổng cộng của nước ta lớn; cán cân bức xạ trên lãnh thổ luôn dương (từ 70 - 100 kcal/cm2/năm).

+ Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 200C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.

+ Số giờ nắng nhiều, đạt từ 1400 - 3000 giờ/ năm.

- Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm:

+ Lượng mưa trung bình năm lớn: từ 1500 - 2000 mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trong năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000 mm/ năm.

Câu 5: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo chiều Bắc -Nam.

Trả lời:

- Khí hậu nước ta phân hoá từ Bắc vào Nam:

+ Miền khí hậu phía Bắc (từ dãy Bạch Mã về phía bắc):khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông ẩm ướt; mùa hè nóng, ẩm và mưa nhiều.

+ Miền khí hậu phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào nam):khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ quanh năm cao và hầu như không thay đổi trong năm, mùa mưa và mùa khô tương phản sâu sắc.

Câu 6: Chứng minh sự đa dạng và thất thường của khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm của nước ta không thuần nhất trên toàn quốc, phân hóa mạnh mẽ theo không gian và thời gian, hình thành nên các miền và khu vực khí hậu khác nhau rõ rệt sau đây:

+ Miền khí hậu phía Bắc, từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.

+ Miền khí hậu phía Nam, từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.

+ Khu vực Đông Trường Sơn bao gồm phần lãnh thổ Trung Bộ phía đông dãy Trường Sơn, từ Hoành Sơn (vĩ tuyến 18°B) tới Mũi Dinh (vĩ tuyến 11°B) có mùa mưa lệch hẳn về thu đông.

+ Khí hậu Biển Đông Việt Nam mang tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.

- Sự đa dạng của địa hình, nhất là độ cao và hướng của các dãy núi lớn đã góp phần quan trọng hình thành nhiều vùng khí hậu, nhiều kiểu khí hậu khác nhau.

- Tính chất thất thường thể hiện rõ nhất trong chế độ nhiệt và chế độ mưa: năm rét sớm, năm rét muộn, năm mưa lớn, năm khô hạn, năm ít bão, năm nhiều bão,… do nhịp độ và cường độ gió mùa tạo ra. Gần đây có thêm các nhiễu loạn khí tượng toàn cầu: El Nino, La Nina.

Câu 7: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 kể tên chín hệ thống sông lớn ở nước ta.

Trả lời:

Chín hệ thống sông lớn ở nước ta là: sông Hồng, Thái Bình, Kỳ Cùng-Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba (Đà Rằng), Đồng Nai và Mê Kông.

Câu 8: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 kể tên các hệ thống sông ngòi Bắc Bộ.

Trả lời:

Các hệ thống sông ngòi Bắc Bộ là: hệ thống sông Hồng,hệ thống sông Kỳ Cùng-Bằng Giang, hệ thống sông Mã.

Câu 9: Trình bày đặc điểm sông ngòi nước ta.

Trả lời:

Đặc điểm của sông ngòi nước ta:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước.

- Lưu lượng nước lớn, giàu phù sa.

- Phần lớn sông ngòi chảy theo hai hướng chính là: hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.

- Chế độ nước chảy theo hai mùa rõ rệt.

Câu 10: Trình bày đặc điểm chung của 3 hệ thống sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

Trả lời:

- Sông ngòi Bắc Bộ:

+ Có chế độ nước theo mùa, thất thường.

+ Mùa lũ kéo dài năm tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), cao nhất vào tháng 8. Lũ tập trung nhanh và kéo dài do có mưa theo mùa, các sông có dạng nan quạt.

+ Một số sông nhánh chảy giữa các cánh cung núi, quy tụ về đỉnh tam giác châu sông Hồng.

+ Tiêu biểu cho khu vực sông ngòi Bắc Bộ là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

- Sông ngòi Trung Bộ:

+Thường ngắn và dốc, phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập.

+ Lũ lên rất nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp mưa và bão lớn.

+ Mùa lũ tập trung vào các tháng cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12.

+ Tiêu biểu là hệ thống sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng.

- Sông ngòi Nam Bộ:

+ Lượng nước chảy lớn, chế độ nước theo mùa và khá điều hòa do địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu điều hòa hơn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,...

+ Lòng sông rộng và sâu, ảnh hưởng của thủy triều lớn.

+ Có 2 hệ thống sông lớn: hệ thống sông Mê Công, hệ thống sông Đồng Nai.

+ Mê Công là hệ thống sông lớn nhất vùng Đông Nam Á (dài 4300 km, chảy qua sáu quốc gia). Sông Mê Công đã mang đến cho đất nước ta những nguồn lợi to lớn, song cũng gây nên những khó khăn không nhỏ vào mùa lũ.

Câu 11: Phân tích vai trò của hồ đầm đối với sản xuất và sinh hoạt.

Trả lời:

- Vai trò đối với sản xuất:

+ Hồ đầm là nơi có thể nuôi trồng thủy sản.

+ Nhiều hồ đầm có phong cảnh đẹp thu hút khách du lịch.

+ Các hồ nước ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, hoạt động công nghiệp, phát triển thủy điện.

+ Hồ còn có vai trò điều tiết nước của các dòng chảy.

- Vai trò đối với sinh hoạt:

+ Cung cấp nước cho hoạt động sinh hoạt của con người, đảm bảo sinh kế cho người dân.

 - Ngoài ra, hồ đầm còn có ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường:

+ Giúp điều hòa khí hậu địa phương.

+ Là môi trường sống của nhiều sinh vật dưới nước, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Câu 12: Tìm hiểu về vai trò của hồ thủy lợi Dầu Tiếng.

Trả lời:

- Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi xây dựng trên sông Sài Gòn, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh rộng 270 km2, chứa 1,5 tỉ m3 nước.

- Vai trò:

+ Đảm bảo nước tưới vào mùa khô cho hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp thuộc các tỉnh: Tây Ninh, BÌnh Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

+ Tận dụng diện tích mặt nước và dung tích hồ để nuôi cá.

+ Phát triển du lịch.

+ Cải tạo môi trường, sinh thái.

+ Cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trong vùng khoảng 100 triệu m3 mỗi năm.

Câu 13: Nêu cách phòng chống lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời:

- Đồng bằng sông Hồng:

+ Đắp đê lớn chống lụt.

+ Tiêu lũ theo sông nhánh và ô trũng.

+ Bơm nước từ đồng ruộng ra sông.

- Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Đắp đê bao hạn chế lũ nhỏ.

+ Tiêu lũ ra vùng biển phía tây theo các kênh rạch.

+ Làm nhà nổi, làng nổi.

+ Xây dựng làng tại các vùng đất cao, hạn chế tác động của lũ.

Câu 14: Kể tên ít nhất 3 biểu hiện của biến đổi khí hậu.

Trả lời:

Biểu hiện của biến đổi khí hậu là:

+ Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao.

+ Hạn hán xuất hiện ở nhiều nơi.

+ Lượng mưa tăng giảm thất thường.

+ Mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương.

+ Hiện tượng thời tiết cực đoan: mưa bão, lốc xoáy, mưa đá, hiện tượng EL NINO,...

Câu 15: Kể tên ít nhất 3 hoạt động để giảm nhẹ hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trả lời:

Những hoạt động để giảm nhẹ hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu là:

+ Tham gia ngày vì môi trường do trường học hoặc xã/phường/thị trấn tổ chức

+ Tiết kiệm điện, nước,… trong sinh hoạt hàng ngày.

+ Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, hạn chế dùng than, rơm rạ, đốt rác,…

+ Thu gom phế liệu (giấy, chai lọ,…) để tái chế.

+ Hạn chế sử dụng túi ni-lông; tăng cường sử dụng các loại túi làm từ nguyên liệu giấy, vải,…

+ Đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện công cộng (xe bus,…) để tới trường.

Câu 16: Phân tích tác động của biến đổi khí hậu với khí hậu nước ta (nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan).

Trả lời:

- Thay đổi về nhiệt độ:

+ Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình toàn Việt Nam là 0,890C trong thời kỳ từ 1958 - 2018.

+ Số ngày nắng nóng có xu thế tăng từ 3-5 ngày/ thập kỷ trên phạm vi cả nước. Nhiều kỷ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây.

- Thay đổi về lượng mưa:

+ Lượng mưa trung bình năm của cả nước có nhiều biến động.

+ Thời gian mùa mưa và mùa khô cũng có sự thay đổi so với trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn xảy ra bất thường hơn về tần suất và cường độ.

- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất:

+ Số cơn bão có xu hướng tăng, diễn biến bất thường về thời gian, tần suất và phạm vi hoạt động.

+ Hạn hán, lũ lụt xuất hiện nhiều và khắc nghiệt hơn.

+ Rét đậm, rét hại xuất hiện thường xuyên hơn.

Câu 17: Phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với thủy văn nước ta.

Trả lời:

- Tác động đến sông ngòi: Biến đổi khí hậu đã tác động đến thuỷ chế của sông ngòi, làm chế độ nước sông thay đổi thất thường.

+ Vào mùa lũ, lượng nước tăng nhanh ở các dòng sông, gây sạt lở lớn hai bên bờ sông và ngập úng trên diện rộng.

+ Vào mùa cạn, lượng nước ở hầu hết các hệ thống sông nước ta giảm từ 3-10%, mực nước sông giảm mạnh, gây xâm nhập mặn sâu và thời gian kéo dài.

- Tác động tới hồ, đầm và nước ngầm: sự gia tăng của số ngày hạn hán đã làm cho mực nước của các hồ đầm xuống thấp, mực nước ngầm cũng hạ thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.

Câu 18: Liệt kê những tác động của biến đổi khí hậu với thủy văn Việt Nam.

Trả lời:

- Tác động đến sông ngòi: tác động đến thủy chế của sông ngòi và làm cho chế độ nước sông thay đổi thất thường.

- Tác động tới hồ đầm và nước ngầm: mực nước ở các hồ đầm xuống thấp, mực nước ngầm thấp hơn so với trung bình mỗi năm.

Câu 19: Nguyên nhân biến đổi khí hậu là gì?

Trả lời:

- Nguyên nhân tự nhiên:

+ Sự thay đổi rất nhỏ của quỹ đạo trái đất, dẫn đến thay đổi về phân bố bức xạ mặt trời lên bề mặt trái đất.

+ Núi lửa phun trào: khi núi lửa phun trào sẽ giải phóng một lượng khí nhà kính khổng lồ, có thể ảnh hướng lớn trong một khu vực nhất định và góp phần gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu.

+ Băng tan: băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan làm lộ ra lớp băng CO2 vĩnh cửu, giải phóng một lượng lớn khí này, góp phần gây hiệu ứng nhà kính.

- Nguyên nhân nhân tạo:

+ Các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt, than đá cùng các loại khí thải khác phát sinh trong quá trình sản xuất của con người.

+ Phá rừng khí một diện tích lớn cây xanh mất đi, giảm khả năng để điều hòa lượng khí CO2.

Câu 20: Chứng minh giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở nước ta có hiệu quả.

Trả lời:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hợp tác xã Lang Minh (ở Xuân Lộc, Đồng Nai) để thích ứng với tình trạng hạn hán:

+ Trước đây, diện tích đất nông nghiệp tại Hợp tác xã Lang Minh chủ yếu chỉ trồng lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, do phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, nên Hợp tác xã Lang Minh đã đẩy mạnh trồng ngô sinh khối (tức là: trồng ngô lấy thân, lá và bắp non làm thức ăn thô cho gia súc) bằng các giống ngô mới, như: NK67, NK7328,…

+ Việc tiến hành trồng ngô trên đất lúa, không chỉ giúp người dân tăng năng suất, tăng thu nhập, mà với cách trồng mới, sản xuất ngô còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay