Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 4: Lỗi về thành phần câu và cách sửa

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Lỗi về thành phần câu và cách sửa, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.

BÀI 4: VĂN BẢN THÔNG TIN

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: LỖI VỀ THÀNH PHẦN CÂU VÀ CÁCH SỬA
 (16 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Câu sau đây mắc lỗi gì về thành phần câu? Hãy đưa ra cách sửa.

“Với tác phẩm này đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.”

Trả lời:

– Câu trên mắc lỗi câu thiếu chủ ngữ. “Với tác phẩm này” là thành phần trạng ngữ. Có thể người viết nhầm đó là chủ ngữ.

Cách sửa thứ nhất: Dựa vào ngữ cảnh để bổ sung chủ ngữ phù hợp. Chẳng hạn: Với tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.

– Cách sửa thứ hai: Lược bỏ quan hệ từ ở đầu câu để bộ phận đứng sau đó trở thành chủ ngữ: Tác phẩm này đã thể hiện tài năng của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.

Câu 2: Câu sau đây mắc lỗi gì về thành phần câu? Hãy đưa ra cách sửa.

“Lục bát, một thể thơ “đặc sản” có từ lâu của người Việt.”

Trả lời:

– Câu trên mắc lỗi câu thiếu vị ngữ. Trong câu trên, có thể coi “lục bát” là chủ ngữ, “một thể thơ “đặc sản” có từ lâu của người Việt” là thành phần chêm xen, giải thích cho đối tượng được nói đến ở chủ ngữ chứ không phải là vị ngữ. Kiểu lỗi này có thể do người viết nhầm thành phần chêm xen là vị ngữ.

Cách sửa thứ nhất: Thêm từ “là” để biến thành phần chêm xen thành vị ngữ: Lục bát là một thể thơ “đặc sản” có từ lâu của người Việt.

– Cách sửa thứ hai: Giữ nguyên thành phần chêm xen, dựa vào ngữ cảnh để bổ sung vị ngữ phù hợp: Lục bát – một thể thơ “đặc sản” có từ lâu của người Việt – đã được tác giả sử dụng hết sức nhuần nhuyễn.

Câu 3: Câu sau đây mắc lỗi gì về thành phần câu? Hãy đưa ra cách sửa.

“Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế.”

Trả lời:

– Câu trên mắc lỗi câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ. Đây mới chỉ là một cụm từ, chưa hề có nội dung thông tin, vì thế, chưa phải là câu.

Cách sửa: Dựa vào ngữ cảnh, bổ sung thành phần nòng cốt để hoàn thành câu. Ví dụ: Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế, tôi không thể chần chừ.

Câu 4: Trong giao tiếp hằng ngày, ta có thể nói như sau được hay không?

          “Đang hành quân trong rừng một đơn vị bộ đội.”

Trả lời:

– Ở trường hợp này, người nói nhất thiết phải trả chủ ngữ (một đơn vị bộ đội) và vị ngữ (đang hành quân trong rừng) về với trật tự quen thuộc mới được xem là nói đúng: Một đơn vị bộ đội đang hành quân trong rừng.

Câu 5: Câu sau đây mắc lỗi gì về thành phần câu? Hãy đưa ra cách sửa.

          “Trái Đất nóng lên chẳng những khiến băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan nhanh, nhấn chìm nhiều vùng đất màu mỡ.”

Trả lời:

– Cấu trên mắc lỗi thiếu vế câu

Cách sửa: Bổ sung quan hệ từ phù hợp, tương ứng với quan hệ từ đã có ở vế câu trước, chẳng hạn: Trái Đất nóng lên chẳng những khiến băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan nhanh, nhấn chìm nhiều vùng đất màu mỡ mà còn đe doạ sự sống của muôn loài.

Câu 6:

  1. Điền những chủ ngữ thích hợp vào chỗ trống:
  2. a) ... bắt đầu học hát.
  3. b) ... hót líu lo.
  4. c) ... đua nhau nở rộ.
  5. d) ... cười đùa vui vẻ.
  6. Điền những vị ngữ thích hợp vào chỗ trống:
  7. a) Khi học lớp 5, Hải ...
  8. b) Lúc Dế Choắt chết, Dế Mèn …
  9. c) Buổi sáng, mặt trời ...
  10. d) Trong thời gian nghỉ hè, chúng tôi ...

Trả lời:

Ví dụ:

  1. a) Học sinh
  2. b) Chim
  3. c) Hoa
  4. d) Mấy em nhỏ
  5. a) học giỏi nhất môn Toán.
  6. b) rất ân hận.
  7. c) chiếu những tia nắng ấm áp đầu tiên xuống mặt đất.
  8. d) ít có dịp gặp nhau.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Có các cách chữa nào đối với một câu thiếu chủ ngữ? Cho ví dụ.

Trả lời:

Đối với câu thiếu chủ ngữ, có các cách chữa như sau:

– Thêm chủ ngữ vào câu

– Biến một thành phần nào đó trong câu (thường là trạng ngữ) thành chủ ngữ của câu;

– Biến vị ngữ thành một cụm chủ – vị.

Ví dụ:

Câu "Qua tác phẩm "Tắt đèn" cho chúng ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân dưới chế độ cũ." là câu thiếu chủ ngữ có các cách chữa như sau:

– Thêm chủ ngữ: Qua tác phẩm "Tắt đèn", tác giả (Ngô Tất Tố) đã cho chúng ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân dưới chế độ cũ.

– Biến trạng ngữ thành chủ ngữ: Tác phẩm "Tắt đèn" cho chúng ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân dưới chế độ cũ.

Câu 2: Có các cách chữa nào đối với một câu thiếu vị ngữ? Cho ví dụ.

Trả lời:

Đối với câu thiếu vị ngữ, có các cách chữa sau:

– Thêm vị ngữ vào câu;

– Biến cụm từ đã cho thành một cụm chủ – vị;

– Biến cụm từ đã cho thành một bộ phận của vị ngữ.

Ví dụ:

Câu "Quyển sách bố tôi mới mua hôm qua." là câu thiếu vị ngữ có các cách chữa như sau:

– Thêm vị ngữ: Quyển sách bố tôi mới mua hôm qua rất hay.

– Biến câu sai thành một bộ phận của vị ngữ: Đây là quyển sách bố tôi mới mua hôm qua.

* Lưu ý: Những cách chữa đã nêu (cả phần thiếu chủ ngữ) thuần tuý mang tính chất biến đổi ngữ pháp. Việc sử dụng cách chữa nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý định diễn đạt của người nói. Do vậy, khi chữa câu, phải chú ý tìm hiểu ý định của người nói, từ đó mới đề xuất được cách chữa đúng.

Câu 3: Tìm chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu sau:

  1. a) Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí" cho thấy Dế Mèn biết phục thiện.
  2. b) Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí", em thấy Dế Mèn biết phục thiện.

Chữa lại câu viết sai cho đúng.

Trả lời:

  1. a) Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí" cho thấy Dế Mèn biết phục thiện.

Câu này không có chủ ngữ (không biết ai cho thấy). Đây là câu thiếu chủ ngữ.

Có ba cách chữa lại:

– Thêm chủ ngữ: Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí", tác giả (Tô Hoài) cho em thấy Dế Mèn biết phục thiện.

– Biến trạng ngữ thành chủ ngữ: Truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí" cho em thấy Dế Mèn biết phục thiện.

– Biến vị ngữ thành một cụm chủ – vị: Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí", em thấy Dế Mèn biết phục thiện.

  1. b) Qua truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí", em thấy Dế Mèn biết phục thiện. Đây là câu có đầy đủ thành phần. (chủ ngữ: em; vị ngữ: thấy Dế Mèn biết phục thiện)

Câu 4: Tìm chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu dưới đây:

  1. a) Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.
  2. b) Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.
  3. c) Bạn Lan, người học giỏi nhất lớp 6A.
  4. d) Bạn Lan là người học giỏi nhất lớp 6A.

Chữa lại câu viết sai cho đúng.

Trả lời:

  1. a) Câu có đầy đủ các thành phần:

– Chủ ngữ: Thánh Gióng

– Vị ngữ: cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.

  1. b) Chưa thành câu, mới chỉ là một cụm danh từ.

– Danh từ trung tâm: Hình ảnh

– Phụ ngữ: Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù

=> Đây là câu thiếu vị ngữ.

Cách chữa:

– Thêm vị ngữ: Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù đã để lại trong em niềm kính phục.

– Biến cụm danh từ đã cho thành một bộ phận của cụm chủ – vị: Em rất thích hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.

  1. c) Chưa thành câu, mới có cụm từ (Bạn Lan) và phần giải thích cho cụm từ đó (người học giỏi nhất lớp 6A). Đây là câu thiếu vị ngữ.

Cách chữa:

– Thêm một cụm từ làm vị ngữ: Bạn Lan, người học giỏi nhất lớp 6A, là bạn thân của tôi.

– Biến "câu" đã cho (gồm hai cụm danh từ) thành một cụm chủ – vị: Bạn Lan là người học giỏi nhất lớp 6A.

– Biến "câu" đã cho thành một bộ phận của câu: Tôi rất quý bạn Lan, người học giỏi nhất lớp 6A.

  1. d) Câu có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ:

– Chủ ngữ: Bạn Lan

– Vị ngữ: là người học giỏi nhất lớp 6A.

Câu 5: Hãy chuyển mỗi câu ghép dưới đây thành hai câu đơn:

  1. a) Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mỏi mệt lắm.
  2. b) Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.
  3. c) Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

Trả lời:

  1. a) Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con. Còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mệt mỏi lắm.
  2. b) Mấy hôm nọ, trời mưa lớn. Trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.
  3. c) Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước. Trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Chỉ ra chỗ sai trong những câu dưới đây và nêu lên cách chữa:

  1. a) Mỗi khi đi qua cầu Long Biên.
  2. b) Bằng khối óc sáng tạo và bàn tay lao động của mình, chỉ trong vòng sáu tháng.

Trả lời:

  1. a) "Mỗi khi đi qua cầu Long Biên." chưa thành một câu. Chưa có chủ ngữ và vị ngữ; mới chỉ có phần trạng ngữ.

– Cách chữa: thêm chủ ngữ và vị ngữ cho câu. Ví dụ: Mỗi khi đi qua cầu Long Biên, tôi đều say mê ngắm nhìn màu xanh của bãi mía, bãi dâu, bãi ngô, vườn chuối.

  1. b) Tương tự, câu "Bằng khối óc sáng tạo và bàn tay lao động của mình, chỉ trong vòng sáu tháng." chưa thành một câu. Chưa có chủ ngữ và vị ngữ; mới chỉ có phần trạng ngữ (hai trạng ngữ).

– Cách chữa: thêm chủ ngữ và vị ngữ cho câu. Ví dụ: Bằng khối óc sáng tạo và bàn tay lao động của mình, chỉ trong vòng sáu tháng, công nhân nhà máy X đã hoàn thành 60% kế hoạch năm.

Câu 2: Cho biết các quan hệ từ in đậm dưới đây được dùng đúng hay sai.

  1. a) Nhờ cố gắng học tập nên nó đạt thành tích cao.
  2. b) Tại nó không cẩn thận nên nó đã giải sai bài toán.
  3. c) Chúng ta phải sống cho thế nào để chan hoà với mọi người.
  4. d) Các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
  5. e) Phải luôn luôn chống tư tưởng chỉ bo bo bảo vệ quyền lợi bản thân của mình.
  6. g) Sống trong xã hội của phong kiến đương thời, nhân dân ta bị áp bức bóc lột vô cùng tàn bạo.
  7. h) Nếu trời mưa, con đường này sẽ rất trơn.
  8. i) Giá trời mưa, con đường này sẽ rất trơn.

Trả lời:

Đúng: a, b, d, h

Sai:

  1. c) Bỏ từ “cho”.
  2. e) Nên nói: quyền lợi của bản thân mình
  3. g) Thừa từ “của”
  4. i) Từ “giá” chỉ dùng để nêu một điều kiện thuận lợi làm giả thiết

Câu 3: Vì sao những câu sau đây (lấy từ một số văn bản văn học) mặc dù không đầy đủ thành phần câu nhưng vẫn không bị xem là câu sai?

  1. Huân cảm tưởng như mình đã bị thuổng văn. Bị đạo ý.
  2. Mắt mèo hoang. Em thích mẹ nói em có con mắt mèo hoang và dã thú.
  3. Đó là người câm của quán rượu. Anh Ba Hoành!

Trả lời:

– Đây là những trường hợp phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường. Những câu kiểu này nhằm phục vụ mục đích nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: a) Cho biết mỗi bộ phận in đậm trong câu sau nói về ai.

“Hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, ta thấy dượng Hương Thư ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh, hùng vĩ.”

  1. b) Câu trên sai như thế nào? Nêu cách chữa lỗi.

Trả lời:

  1. a) Cách sắp xếp như trong câu đã cho làm cho người đọc hiểu phần in đậm trước dấu phẩy (Hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa) miêu tả hành động của chủ ngữ trong câu (ta). Như vậy, đây là câu sai về mặt nghĩa.
  2. b) Chữa lại như sau:

– Ta thấy dượng Hương Thư, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

Hoặc:

– Ta thấy dượng Hương Thư ghì trên ngọn sào, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa, giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

 

Câu 2: Các câu sau sai ở chỗ nào? Nên chữa như thế nào?

  1. a) Cây cầu đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông và bóp còi rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.
  2. b) Vừa đi học về, mẹ đã bảo Thuý sang đón em. Thuý cất vội cặp sách rồi đi ngay.
  3. c) Khi em đến cổng trường thì Tuấn gọi em và được bạn ấy cho một cây bút mới.

Trả lời:

Để phát hiện được lỗi trong các câu đã cho, phải chú ý đến mối quan hệ về nghĩa giữa các thành phần trong câu. Ví dụ:

  1. a) Cây cầu đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông và bóp còi rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.

Chủ ngữ:     cây cầu

Vị ngữ:        (1) đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông;

(2) bóp còi rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.

Qua phân tích, ta thấy, về mặt nghĩa, chủ ngữ chỉ phù hợp với vị ngữ (1) mà không phù hợp với vị ngữ (2) – Cây cầu không thể bóp còi rộn vang cả dòng sông yên tĩnh. Nên chữa thành một câu ghép hoặc hai câu đơn với hai chủ ngữ khác nhau:

– Cây cầu đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông, còi xe rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.

– Cây cầu đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông. Còi xe rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.

  1. b) Thuý vừa mới đi học về, mẹ đã bảo Thuý sang đón em. Thuý cất vội cặp sách rồi đi ngay.
  2. c) Khi em đến cổng trường thì Tuấn gọi em và cho em một cây bút mới.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 4 TH tiếng Việt: Lỗi về thành phần câu và cách sửa

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay