Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 4: Tạ Quang Bửu - người thầy thông thái
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Tạ Quang Bửu - người thầy thông thái, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 cánh diều
BÀI 4: VĂN BẢN THÔNG TIN VĂN BẢN 2: TẠ QUANG BỬU – NGƯỜI THẦY THÔNG THÁI
(15 câu)1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(15 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Tạ Quang Bửu – Người thầy thông thái” (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Hàm Châu
- Thể loại: Văn bản thông tin
- Văn bản in trong Người trí thức quê hương, tập 1, NXB Giáo dục, 2002.
- Nội dung: Qua nhiều câu chuyện, văn bản đã cho người đọc thấy được tài năng kiệt xuất và những đóng góp to lớn của giáo sư Tạ Quang Bửu cho sự phát triển của nước nhà.
Câu 2: Trình bày khái niệm và đặc điểm của:
- a) Văn bản thông tin
- b) Các yếu tố hình thức trong văn bản thông tin
Trả lời:
- a) Văn bản thông tin được viết nhằm mục đích chủ yếu là cung cấp thông tin cho người đọc. Để truyền tải thông tin sinh động, hiệu quả, văn bản thông tin có thể sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều cách trình bày (dạng chữ, dạng hình ảnh/ sơ đồ/ bảng biểu,...), nhiều phương thức biểu đạt (thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,...).
- b) Các yếu tố hình thức trong văn bản thông tin: Văn bản thông tin có thể sử dụng một số yếu tố hình thức (bao gồm cả phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để biểu thị cách sắp xếp, cấu trúc thông tin trong văn bản hoặc làm cho các ý tưởng và thông tin hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu. Chẳng hạn như: nhan đề; kí hiệu đánh dấu các phần, mục; chú thích cho hình ảnh; bảng số liệu; biểu đồ, sơ đồ, lược đồ; mô hình; bản đồ.
Câu 3: Trình bày khái niệm và đặc điểm của:
- a) Dữ liệu trong văn bản thông tin
- b) Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin
Trả lời:
- a) Dữ liệu trong văn bản thông tin là sự thật hiển nhiên hoặc những phát biểu/ tuyên bố được xác minh bằng những bằng chứng cụ thể, được đo lường, quan sát một cách khoa học và mọi người công nhận. Vì thế, dữ liệu mang tính khách quan và là yếu tố làm nên tính chính xác, đáng tin cậy của văn bản thông tin.
- b) Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin thường được trình bày dưới dạng những phát biểu thể hiện niềm tin, cảm nhận hoặc suy nghĩ của người viết về một vấn đề/ đối tượng nào đó. Ý kiến, quan điểm có thể được/ không được xác minh bằng sự thật hoặc chứng cứ cụ thể, vì đó có thể là những suy nghĩ cảm tính hoặc diễn giải của người viết về thông tin, dữ liệu. Vì vậy, thái độ, ý kiến và quan điểm thường mang tính chủ quan. Đó là lí do dẫn đến hiện tượng cùng một dữ liệu, nhưng có thể có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về dữ liệu ấy.
Câu 4: Xác định chủ đề của văn bản.
Trả lời:
- Chủ đề của văn bản: ca ngợi người tài giỏi.
Câu 5: Hãy chỉ ra các yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản.
Trả lời:
- Yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ là: hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu,…
=> Văn bản không có các yếu tố này.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Nêu bố cục của văn bản.
Trả lời:
- Văn bản không phân thành các phần rõ ràng với các đề mục như trên bài báo hay tạp chí. Văn bản có phần mở bài (đoạn đầu tiên), thân bài (nói về tài năng của Tạ Quang Bửu), kết bài (“Giáo sư, Tiến sĩ khoa học” đến hết).
- Văn bản là một tập hợp các câu chuyện, thành tích, dẫn chứng… để nói về tài năng của Giáo sư Tạ Quang Bửu. Phần thân bài không có một bố cục rõ ràng, khó phân định nhưng có thể thấy rằng người viết đã trình bày theo trình từ thời gian từ khi còn ở Pháp đến khi về Việt Nam làm việc cho Nhà nước.
Câu 2: Chỉ ra tính chất tổng hợp của văn bản.
Trả lời:
- Tính chất tổng hợp của văn bản thể hiện qua việc tác giả đưa ra rất nhiều câu chuyện ở nhiều thời điểm, nhiều khía cạnh để làm nổi bật tài năng hơn người của giáo sư Tạ Quang Bửu. Tác giả kể các câu chuyện từ thời ở Pháp, khi về Việt Nam đến khi ông qua đời. Tác giả nói về giáo sư Tạ Quang Bửu từ thành tích đa lĩnh vực, cách học, đánh giá của những người tài khác,…
Câu 3: Liệt kê những điều tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu được nói đến trong văn bản. Đưa nhận xét khái quát.
Trả lời:
- Sự tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu thể hiện qua:
+ Ông đỗ kì thi lấy chứng chỉ của văn bằng cử nhân toán ở Pháp.
+ Ông tập các bài thể dục theo phương pháp hiện đại.
+ Ông thử sức trong một cuộc bơi vượt sông Xen có cả Jean Taris – nhà vô địch Pháp – tham dự.
+ Ông lọt vào chung kết cuộc thi bóng bàn của sinh viên Pa-ri, nhờ tập luyện theo cách đánh của Barna, nhà vô địch Hungary.
+ Ông tập đấm bốc để tự vệ, đá bóng, và về sau, được cấp bằng bơi lội của Vương quốc Anh.
+ Ông am hiểu về nghệ thuật kiến trúc, sành hội hoạ và âm nhạc.
+ Ông có cách học độc đáo: học để biết, chứ không phải học để thi.
+ Ông tự học chữ Hán qua nhiều loại sách của Trung Quốc để hiểu hơn về văn hoá phương Đông.
+ Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kĩ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ kĩ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
+ Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã cho ra những cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc.
+ Ông là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn.
+ Ông có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh nhưng nhớ rất lâu.
+ Ông tinh thông nhiều ngoại ngữ, có thể học nhanh.
…
=> giáo sư Tạ Quang Bửu tài giỏi trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là về khoa học.
Câu 4: Hãy liệt kê các giáo sư, nhà khoa học,… có những nhận xét, đánh giá về giáo sư Tạ Quang Bửu. Liệt kê các trích dẫn của họ. Tác dụng của việc đưa vào nhiều nhận xét, đánh giá như vậy là gì?
Trả lời:
- Phó Giáo sư Đặng Thái Hoàng cho biết: Khi viết xong cuốn Lịch sử kiến trúc thế giới, anh tha thiết đề nghị “bác Bửu” cho ý kiến và kết quả là nhận được mấy lời góp ý “rất cụ thể và sâu sắc” khiến anh phải sửa chữa nhiều chỗ...
- Đồng chí Hoàng Xuân Tuy, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nhận xét: Tạ Quang Bửu “có một cách học độc đáo: học để biết, chứ không phải học để thi”.
- Giáo sư Nguyễn Xiển, một người thầy dạy toán kì cựu, nói: “Trong thời kì kháng chiến này, ông Tạ Quang Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy, có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ đương thời.”
- Giáo sư Nguyễn Xiển dự báo: “Với những người mở đường như ông Tạ Quang Bửu, ông Lê Văn Thiêm, chắc chắn nước ta sẽ có hàng trăm nhà toán học có tài không kém các nước khác.”
- Giáo sư Lê Văn Thiêm kể lại: “Năm 1951, sau khi từ Thuỵ Sĩ về vùng bưng biền Nam Bộ, tôi cuốc bộ dọc đường Trường Sơn ra Việt Bắc. Một hôm, đến thăm anh Bửu tại một căn nhà lá dùng làm nơi làm việc giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và thú vị xiết bao khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thì giờ đọc các sách, báo toán nổi tiếng qua tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp.”
- Giáo sư Lê Văn Thiêm cho rằng: “năng lực tự học” của ông Bửu gần như là “một thiên huyền thoại”.
- Nhà ngôn ngữ – toán học hàng đầu Noam Chomsky viết: “Ông Tạ Quang Bửu là một người có trí thông minh ghê gớm.”
- Ông Nguyễn Xuân Huy kể lại trong một bài hồi kí: “Anh Bửu xem và đọc một mạch tiếng Nga làm cho tôi phục quá! Xong, anh dịch ngay ra tiếng Pháp cho tôi đem về nghiên cứu, hướng dẫn bộ đội.”
…
=> Tác dụng: tạo nên sự đa dạng về thông tin, dẫn chứng, tăng cường tính chất, độ tin cậy của bài viết.
Câu 5: Tại sao đây được coi là một văn bản thông tin?
Trả lời:
Văn bản này được coi là một văn bản thông tin vì:
- Văn bản được viết nhằm mục đích chủ yếu là cung cấp thông tin cho người đọc: Ở đây, văn bản đã cung cấp nhiều thông tin về giáo sư Tạ Quang Bửu.
- Ngôn ngữ của văn bản tự nhiên, không mang màu sắc văn học, nghệ thuật.
- Các thông tin trong văn bản có sự chuẩn xác, đảm bảo độ tin cậy.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Tác giả thể hiện thái độ, tình cảm gì qua văn bản?
Trả lời:
- Với việc đưa ra rất nhiều những câu chuyện, ý kiến, dẫn chứng về tài năng của giáo sư Tạ Quang Bửu mà không đi kèm với một sự chê trách, chỉ trích nào, ta có thể nhận thấy ngay là người viết có thái độ ngưỡng mộ, khâm phục tài năng của giáo sư Tạ Quang Bửu. Điều này càng được thể hiện rõ qua đoạn “Ngày 6/3/1948, giữa rừng … suy nghĩ rất nhiều”. Đoạn văn này thể hiện những cảm nhận, đánh giá của chính tác giả về giáo sư Tạ Quang Bửu.
Câu 2: Em học tập được những gì qua văn bản?
Trả lời:
- Trả lời theo tình trạng hiện tại của em. Ví dụ:
+ Em biết thêm nhiều thông tin về giáo sư Tạ Quang Bửu cũng như nhiều người tài khác.
+ Em thấy cách học “học để biết, chứ không phải học để thi” là thiết thực đối với em.
+ Em thấy được tầm quan trọng của đọc sách, ngoại ngữ và học tập kiến thức cơ bản.
…
Câu 3: Hãy viết một đoạn văn chỉ ra những đóng góp của giáo sư Tạ Quang Bửu với nước ta.
Trả lời:
Tạ Quang Bửu (1910–1986) là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946–1981). Ông được Đảng tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 về khoa học và công nghệ. Những điều đó đã cho ta thấy được sự đóng góp to lớn của giáo sư Tạ Quang Bửu. Trong văn bản, ta có thể thấy ông có những công trình nghiên cứu quan trọng, nhiều cuốn sách có giá trị cao cả trong nghiên cứu khoa học và đời sống như Thống kê thường thức, Vật lí cương yếu, Nguyên tử – hạt nhân – vũ trụ tuyến, Sống, Chiến lược con người,… Ông hỗ trợ nhiều nhà khoa học, cơ quan chức năng,… trong giải quyết nhiều vấn đề, ví dụ chuyện ông dịch tiếng Nga, ông thuyết trình cho các thầy dạy toán ở các trường đại học Hà Nội,… Giáo sư còn có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống giặc giữ nước. Chính ở thời của ông cũng như ở thời điểm hiện tại nhìn lại, ông còn là nguồn cảm hứng, là tấm gương cho biết bao trí thức.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Dựa vào văn bản và thực tế, hãy viết một đoạn văn phân tích tầm quan trọng của người có tài đối với đất nước.
Trả lời:
Qua văn bản “Tạ Quang Bửu – Người thầy thông thái”, ta có thể thấy, với tài năng xuất chúng của mình, giáo sư Tạ Quang Bửu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước. Thử tưởng tưởng, nếu không có giáo sư thì điều gì sẽ xảy ra? Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chúng ta sẽ yếu kém hơn về các công việc liên quan đến khoa học, kĩ thuật; chúng ta sẽ không có những cuốn sách hữu ích về khoa học tự nhiên, một lĩnh vực quan trọng trong phát triển đất nước; các trường, các ban ngành nhà nước sẽ mất đi một người giỏi có thể làm được những việc hiếm ai có thể làm được,… Những điều vừa nói cho ta thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của người tài đối với đất nước. Những gì mà người tài làm được hơn rất nhiều người thường, họ có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn hay đưa đất nước phát triển nhanh chóng. Điều đó không chỉ đúng ở thời ở giáo sư Tạ Quang Bửu mà còn ở các thời kỳ trước đó và sau này. Trong bài cáo bình Ngô, đoạn nói về những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu dấy binh, tác giả Nguyễn Trãi đã viết “Tuấn kiệt như sao buổi sớm / Nhân tài như lá mùa thu / Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ dần / Nơi duy ác hiếm người bàn bạc / Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông / Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả”. Nghĩa quân sau đó chiêu nạp được nhiều nhân tài mới có thể đánh bại được quân thù. Đoạn thơ cũng cho thấy nếu chỉ có ít người tài thì cũng khó lòng được điều gì, thế nên phải có nhiều người cùng chung sức. Sau này chúng ta biết đến câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay vua Quang Trung khi lên ngôi phải ra chiếu cầu hiền để tìm người tài giỏi ra giúp đất nước. Những điều đó cho ta thấy ngay từ thời xưa, người tài đã quan trọng như thế nào đối với hưng phế của một triều đại. Nhìn về thời nay, khi thế giới ngày càng có nhiều vấn đề hơn, thì người tài lại càng quan trọng hơn nữa.
Câu 2: Viết bài văn phân tích cách triển khai của văn bản.
Trả lời:
Văn bản “Tạ Quang Bửu – Người thầy thông thái” trình bày các thông tin về giáo sư Tạ Quang Bửu. Là một văn bản thông tin với tính chất sử dụng các câu chuyện để thực hiện mục đích của bài viết, văn bản cho ta thấy được nhiều điểm hay đáng lưu ý về cách triển khai. Chúng ta sẽ đi qua từng phần để phân tích, nhận xét.
Văn bản không sử dụng sapo, đề mục để xác lập bố cục rõ ràng cho văn bản mà sử dụng kết cấu mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài là đoạn đầu tiên của văn bản. Tác giả mở theo kiểu vừa lên vừa xuống: đưa ra nhận định Tạ Quang Bửu là một Lê Quý Đôn thời nay nhưng rồi hạ xuống “cần có thêm thời gian để bình tĩnh kiểm chứng”. Cách đặt vấn đề vừa tạo được ấn tượng cho người đọc vừa vẫn thể hiện sự không đề cao thái quá.
Phần thân bài là tâp hợp các câu chuyện, các ý kiến, đánh giá của nhiều cá nhân tài giỏi khác về giáo sư Tạ Quang Bửu. Phần này một phần cũng được triển khai theo trình tự thời gian.
Đoạn tiếp theo sau phần mở bài “Thời ở Pháp … Vương quốc Anh”, tác giả đã nói ngay vào những thứ đặc biệt mà giáo sư Tạ Quang Bửu có thể làm được thời ở Pháp. Điều này gây ấn tượng cho người đọc về khả năng ngay ở thời trẻ của giáo sư Tạ Quang Bửu, tạo ra một suy nghĩ cho độc giả rằng ông ấy sẽ còn được nhiều điều phi thường trong tương lai, từ đó khiến người đọc tiếp tục với văn bản. Các đoạn tiếp theo “Tạ Quang Bửu cũng … gần gũi ông Bửu” tiếp tục mở rộng về vấn đề bằng cách nói về sự am hiểu nghệ thuật kiến trúc, âm nhạc, khả năng nói tiếng Anh và cách học độc đáo của giáo sư Tạ Quang Bửu. Ở đây, tác giả cũng bắt đầu đưa vào những nhận xét, đánh giá của những người giỏi khác như Giáo sư Đặng Thái Hoàng,…
Tiếp theo, tác giả nói về giáo sư Tạ Quang Bửu khi ông trở về nước. Ở đoạn “Trở về nước … trung đại”, tác giả đã làm nổi bật được cách học của một người thực sự là tài năng thông qua chuyện giáo sư Tạ Quang Bửu dùi mài kinh sử, học chữ Hán để hiểu về văn hoá Việt Nam và phương Đông trước khi thực sự đóng góp cho đất nước. Đoạn văn này giúp người đọc cảm thấy khâm phục cái tư duy hơn người của giáo sư Tạ Quang Bửu. Hai đoạn tiếp theo “Giáo sư Tạ Quang Bửu … lúc bấy giờ” trình bày về giải thưởng và những cuốn sách có giá trị cao của giáo sư Tạ Quang Bửu. Lời của Giáo sư Nguyễn Xiển ở đoạn “Tại Hội nghị … các nước khác” tạo nên sự tin cậy cho văn bản, qua đó cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của giáo sư Tạ Quang Bửu trong lĩnh vực khoa học. Câu chuyện thú ví của Giáo sư Lê Văn Thiêm vừa tiếp tục cho thấy sự tài giỏi của giáo sư Tạ Quang Bửu vừa khiến người đọc cảm thấy phấn khích. Theo dòng câu chuyện và nhận xét, ở đoạn “Theo Giáo sư … thông minh ghê gớm”, tác giả đã trích dẫn đánh giá của Noam Chomsky, một nhà bác học lớn của thế giới. Có thể thấy việc đưa ra hàng loạt những nhận xét của những người trong nước rồi mới đến một nhân vật tầm cỡ quốc tế là hợp lí, nó khiến cho người đọc tăng dần về cảm xúc.
Phần tiếp theo “Giáo sư Bửu … lời thơ Xuân Diệu” nói về khả năng ngoại ngữ của giáo sư Tạ Quang Bửu. Như chúng ta đã biết hiện nay, ngoại ngữ là một thứ rất cần thiết trong cuộc sống và công việc của mỗi người. Mặc dù hiện nay có nhiều công cụ, nhiều hướng tiếp cận đến việc dạy và học ngoại ngữ nhưng có nhiều người vẫn không thể giỏi ngoại ngữ. Vậy nên, ở đây, ta có thể thấy rằng tác giả đã đề cập đến một chủ đề làm cho người đọc thực sự cảm thấy khâm phục với năng lực của giáo sư Tạ Quang Bửu. Các câu chuyện mà tác giả đưa ra cho thấy được những đóng góp to lớn của Giáo sư với nước nhà. Tác giả đã khôn khéo khi để câu chuyện về tiếng Anh, thứ ngôn ngữ quốc tế hiện nay, ở phía sau đi với các công việc hệ trọng của nước ta.
Ở đoạn kế tiếp “Ngày 6-3-1948 … suy nghĩ rất nhiều”, tác giả đã có những sự đánh giá, nhận xét theo suy nghĩ của riêng mình về giáo sư Tạ Quang Bửu. Đoạn văn có tác dụng bổ trợ cho các phần trên đồng thời có tác dụng như một sự cảm nhận thay cho bạn đọc. Đoạn sau đó, tác giả nói về cái chết của giáo sư Tạ Quang Bửu nhưng vẫn cho người đọc thấy được sự nhiệt huyết với đất nước thông qua bản thảo chưa in “Chiến lược con người”.
Đoạn “Giáo sư, Tiến sĩ … Đại học Bách khoa” có tính chất như kết bài. Bài thơ Viếng Ánh vừa có tác dụng tổng kết cuộc đời của giáo sư Tạ Quang Bửu vừa khơi gợi cảm xúc ở người đọc.
Qua văn bản, ta có thể thấy, với việc đưa ra rất nhiều dẫn chứng, nhận xét đánh giá từ các giáo sư, chuyên gia cùng với những câu chuyện thú vị, tác giả đã tạo nên một văn bản truyền tải cho người đọc nhiều thông tin bổ ích về con người và cuộc đời giáo sư Tạ Quang Bửu, đồng thời qua đó truyền cảm hứng cho bạn đọc noi gương Giáo sư.
=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 4 Đọc 2: Tạ Quang Bửu - người thầy thông thái