Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 2: Đọc Tiểu Thanh ký

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Đọc Tiểu Thanh ký , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 cánh diều

BÀI 2: THƠ VĂN NGUYỄN DU

VĂN BẢN 3: ĐỌC TIỂU THANH KÍ
(15 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Du

- Thể loại: Thơ thất ngôn bát cú Đường luật (không tuân thủ hoàn toàn luật thơ)

- Về xuất xứ: Độc Tiểu Thanh kí nằm ở cuối Thanh Hiên thi tập (bản dịch, in năm 1965), gồm những bài được viết vào khoảng 1786 - 1804, không có trong Bắc hành tạp lục, là tập thơ Nguyễn Du viết khi đi sứ Trung Quốc (1813 - 1814). Cũng có ý kiến cho bài này Nguyễn Du viết khi đi sứ Trung Quốc, tuy nhà thơ không ghé vào Hàng Châu. Về vấn đề này vẫn còn những ý kiến khác nhau.

- Nội dung: Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy tư của Nguyễn Du về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài văn chương trong xã hội phong kiến. Điều đó cũng nói lên một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du: xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.

Câu 2: Theo em, vì sao Nguyễn Du lại đồng cảm với số phận của nàng Tiểu Thanh?

Trả lời:

- Tiểu Thanh có tài văn chương nhưng các sáng tác của nàng bị đốt dở, thân phận của nàng hẩm hiu, đau khổ. Điều này đã cung cấp thêm cho Nguyễn Du căn cứ để suy nghĩ về định mệnh nghiệt ngã của những người có tài văn chương, nghệ thuật. Nguyễn Du sẽ tiếp tục mạch suy nghĩ này với nhân vật Thuý Kiều có tài đàn, tài thơ mà số phận đã đánh ghen với tài năng của nàng.

Câu 3: Đối chiếu bản dịch thơ với bản dịch nghĩa.

Trả lời:

Những chi tiết không dịch sát:

- Câu 2: "một tập sách" dịch thành "mảnh giấy tàn", tính biểu cảm quá lộ.

- Câu 3: "không có số mệnh mà cũng bị đốt dở" dịch thành "đốt còn vương", chưa thật rõ ý.

Tuy vậy vẫn cần phải nói đây là bài thơ có những câu rất khó dịch cho sát.

Câu 4: Nỗi xót thương của nhà thơ trước số phận của Tiểu Thanh được thể hiện như thế nào qua hai câu mở đầu?

Trả lời:

Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi,

Chỉ một mình viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.

- "Gò hoang" có nghĩa là nơi bị huỷ hoại, chẳng còn lại gì. Nói cảnh đẹp Tây Hồ chắc hẳn còn bao hàm ý nói về con người từng sống ở đây, tức Tiểu Thanh. Cuộc đời con người này chẳng còn lại gì. Hiểu như vậy thì câu 1 liền ý với câu 2.

- Hai câu mở bài nói lên nỗi xót thương trước số phận Tiểu Thanh, tấm lòng đặc biệt thương người tài hoa bạc mệnh của tác giả.

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Câu “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?

Trả lời:

- Nguyên văn chữ Hán Cổ kim hận sự thiên nan vấn (dịch nghĩa: Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được – bản dịch chuyển sang nghĩa hờn, không mạnh bằng). Mối hận "cổ kim" là gì? Đó là mối hận của người xưa và người nay. Người xưa có thể là Tiểu Thanh và những người như nàng. Người nay có thể bao gồm những phụ nữ "hồng nhan bạc mệnh" cùng thời Nguyễn Du và chính thế hệ những nhà thơ tài năng như Nguyễn Du đã gặp nhiều điều không may trong cuộc đời. Nguyễn Du cho rằng có một thông lệ, một định lệ là trời đã bất công với những con người tài sắc nên viết "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi" (Chữ cổ kim cũng có hàm nghĩa của chữ quen thói trong Truyện Kiều: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, chỉ một định lệ). Nhà thơ coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh nên viết tiếp câu sau đó: "Phong vận kì oan ngã tự cư" (Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Câu thơ này giúp ta suy đoán nội dung hai chữ cổ kim như trên. Lời oán trách trời thể hiện nỗi đau khổ và bất bình của thế hệ nhà thơ ý thức về sự chà đạp giá trị của nghệ thuật và văn chương trong xã hội phong kiến. Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Du. "Không thể hỏi trời được" vì câu hỏi đó không có lời giải đáp. Trời đã vô tình đối với số phận của những người có tài văn chương, nghệ thuật. Sự bất hạnh của họ đã tồn tại không chỉ với Tiểu Thanh trước Nguyễn Du đến hàng trăm năm mà tồn tại đối với cả những nhà thơ cách ông hàng ngàn năm như Đỗ Phủ. (Nguyễn Du viết trong bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ: Nhất cùng chí thử khởi công thi – Ông cả cuộc đời cùng khổ như thế há vì hay thơ?)

Câu 2: Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ.

Trả lời:

- Giá trị nhân đạo sâu sắc của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Du đã đặt vấn đề về quyền sống của những người nghệ sĩ, những văn nghệ sĩ. Nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thân phận bất hạnh, chết yểu, thơ bị đem đốt. Thương cảm cho họ là một cách Nguyễn Du bày tỏ sự trân trọng của mình trước những người nghệ sĩ. Nói cách khác, ông đã thấy ý nghĩa xã hội của người nghệ sĩ, người cống hiến cho cuộc đời những giá trị tinh thần tốt đẹp. Bày tỏ sự đồng cảm và thông cảm với họ là một dấu hiệu tiến bộ trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du. Nhà văn, nhà thơ không chỉ cần quan tâm, đồng cảm với những nạn nhân của xã hội phong kiến theo nghĩa những người đói cơm rách áo, cần được chăm lo, bảo vệ mà còn phải biết thương yêu, trân trọng những chủ nhân của các giá trị văn hoá tinh thần. Khi những chủ nhân này lại là người phụ nữ thì sự đồng cảm của nhà thơ càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Câu 3: Theo em, vì sao Nguyễn Du lại viết: “Cái án phong lưu khách tự mang” (Phong vận kì oan ngã tự cư)? Câu thơ này có liên hệ như thế nào với hai câu kết: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa – Người đời ai khóc Tố Như chăng?” (Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?).

Trả lời:

- Người xưa nói “đồng bệnh tương liên” hay “đồng cảnh tương liên”. Nguyễn Du nghĩ về Tiểu Thanh và thấy có sự tương đồng giữa thân phận nàng và thân phận ông: tài năng mà bất hạnh. Lời thơ chất chứa nỗi thương người và thương thân. Vì thế, Nguyễn Du tự hỏi không biết ba trăm năm nữa ai sẽ khóc thương ông như bây giờ ông đang khóc thương cho Tiểu Thanh. Đây là mối đồng cảm sâu sắc giữa những người có tài năng văn chương. Có thể nói, Nguyễn Du đã đặt vấn đề về thân phận của những người nghệ sĩ, trí thức trong xã hội phong kiến.

Câu 4: Qua các câu 3 – 4 và 5 – 6, tác giả suy ngẫm về số phận của những kiếp tài hoa như thế nào?

Trả lời:

- Hai câu 3 - 4:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

- Chi phấn chỉ phụ nữ, tức Tiểu Thanh. Thần chữ Hán cũng có nghĩa như hồn. Hai chữ "hữu thần" được dùng theo lối giả định. Có quan niệm phần xác chết, phần hồn cũng mất. Có thuyết lại cho rằng phần xác tuy chết, nhưng phần hồn vẫn còn. Trong câu 3, chủ ngữ là "chi phấn hữu thần" (son phấn có thần), "liên" (xót xa) là vị ngữ. Xót xa điều gì? Vì "Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở". Hai câu 3 - 4, theo luật thơ Đường, tuy đối ngẫu, nhưng ý câu dưới lại chỉ là nối tiếp ý đã nói ở câu trên.

- Hai câu thơ đầy ý vị ngậm ngùi, xót thương, như một tiếng khóc thầm. Mà khóc thật. Câu cuối bài thơ nhắc đến người khóc Tố Như sau này đã cho thấy đây là bài thơ khóc Tiểu Thanh.

- Hai câu thơ 5 - 6 đã nói về mối liên hệ giữa tác giả và số phận của Tiểu Thanh. Câu 5 mang ý vị tuyệt vọng trước các mối hận. Các mối hận như người tài hoa bạc mệnh là vô lí, bất công, trời cũng không giải thích được. "Trời khôn hỏi" có nghĩa là hỏi trời cũng vô ích, trời bất lực không trả lời được.

- Câu 6: Tác giả đã viết: Nỗi oan lạ lùng của những kẻ tài tình như Tiểu Thanh, cũng là nỗi oan của ta (nguyên văn là "ngã", tức là "ta", bản dịch thơ chuyển thành "khách"). Câu thơ thể hiện sự đồng cảm của nhà thơ với những kiếp tài hoa bất hạnh trên đời.

Câu 5: Với hai câu cuối của bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm sự của mình như thế nào khi tự coi mình là kẻ cùng hội cùng thuyền với con người phong vận mắc nỗi oan "lạ lùng" ấy?

Trả lời:

Câu 7 - 8 thể hiện tâm sự của Nguyễn Du:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

- Câu hỏi cho thấy Nguyễn Du vừa băn khoăn vừa mong đợi người đời sau thương cảm mình. Ba trăm năm lẻ là con số thời gian có ý nghĩa như thế nào, chưa thấy ai nói rõ, nhưng có thể hiểu đó là một khoảng thời gian lâu, rất lâu. Một mình ta đã khóc nàng, coi nỗi oan của nàng như của ta. Vậy sau này còn ai (mang nỗi oan như ta) khóc ta chăng? Câu thơ thể hiện một cảm nhận cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời vì chưa tìm thấy người đồng cảm và gửi hi vọng ấy vào hậu thế. Nhưng đó là câu hỏi, một câu hỏi day dứt đặt ra cho hậu thế, và vấn đề không chỉ là khóc Tố Như, mà còn khóc cho bao kiếp tài tình như ông.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề toàn bài.

Trả lời:

Mỗi phần của bài thơ có một vai trò riêng đối với chủ đề bài thơ.

- Hai câu đầu tiên bắt đầu bằng một sự kiện cụ thể: tác giả hình dung quang cảnh hoang phế của Tây Hồ, nơi đã diễn ra cuộc đời đầy buồn tủi của nàng Tiểu Thanh, hình dung những mảnh giấy còn sót lại của tập thơ Tiểu Thanh, từ đó mà xúc cảm trỗi dậy. Đây là bài thơ được viết theo nguyên lí Vật cảm thuyết của thi pháp trung đại (tình do vật, tức là ngoại cảnh và sự kiện khơi gợi, tình được cảnh kích phát, gợi hứng). Câu 1 tả cảnh (cảnh hoang phế của Tây Hồ), câu 2 kể sự kiện (tác giả đọc tập truyện kí viết về Tiểu Thanh). Cảnh và sự vật sẽ dẫn đến suy nghĩ, cảm xúc.

- Hai câu thích thực nêu những suy nghĩ, liên tưởng được khơi gợi từ cảnh và vật. Hai câu này mới chủ yếu giới hạn trong phạm vi suy nghĩ về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh, một người đẹp (son phấn) và tài văn chương.

- Hai câu luận bắt đầu khái quát, nâng vấn đề, liên hệ đến sự tương đồng giữa thân phận của bản thân tác giả với thân phận của nàng Tiểu Thanh và bình luận đây là chuyện đáng hận. Tiếng khóc ở hai câu kết cuối bài có ý nghĩa khái quát, như lời bình của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân: người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình là mối thông luy của bọn tài tử trong khắp cả gầm trời và suốt cả xưa nay.

- Bài thơ đi từ Cảnh và Sự cụ thể đến tư tưởng khái quát về thân phận chung của người tài sắc. Lê Quý Đôn nói làm thơ có ba điểm chính: Tình – Cảnh – Sự. Ta hiểu kết cấu của một bài thơ xưa thường có hai phần chính: Cảnh và Sự (thuộc về thế giới khách quan, gợi tình (cảm xúc, suy tư). Tất nhiên, “tỉ lệ" số câu thơ dành cho Cảnh – Sự và Tình ở mỗi bài thơ lại khác nhau. Ví dụ, bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi có tới 6 câu đầu dành cho Cảnh – Sự, 2 câu cuối dành cho Tình. Bài Đọc Tiểu Thanh kí lại chỉ có 2 câu dành cho Cảnh – Sự, còn 6 câu dành cho Tình.

Câu 2: Qua việc Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh, hãy nêu nhận xét về đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.

Trả lời:

- Chúng ta thường gắn chủ nghĩa nhân đạo với tình thương yêu, cảm thông dành cho người dân bị áp bức, bóc lột, cùng khổ. Nhưng bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí lại mở ra một phương diện khác của chủ nghĩa nhân đạo và chính đây là một nét mới có ý nghĩa của bài thơ.

- Khác hẳn các giai đoạn văn học trước đó chỉ thấy vị trí chủ đạo của người đàn ông (thiền sư, người anh hùng vệ quốc hay nhà nho bảo vệ chính đạo,...), trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí nổi bật. Các nhà văn giai đoạn này lúc đầu chú ý đến nỗi đau khổ, sự mất mát của người chinh phụ, người cung nữ trong cuộc sống tình cảm riêng tư. Đến Nguyễn Du, nhà thơ đã chuyển sự quan tâm đặc biệt đến một lớp người phụ nữ có thân phận khá tương đồng với thân phận của các nhà nho trong thời kì xã hội loạn lạc, suy thoái: đó là những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng (đàn, thơ,...). Đó là Dương Quý Phi, Tiểu Thanh, người con gái gảy đàn ở Thăng Long (trong thơ chữ Hán); là Đạm Tiên, Thuý Kiều (trong Truyện Kiều). Họ là những phụ nữ có học vấn, thông thạo thi ca nhạc hoạ nhưng lại là những người có số phận hẩm hiu, tài hoa nhưng bạc mệnh nhưng lại bị xã hội thời đó coi thường, gạt ra ngoài lề xã hội. Nguyễn Du bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với họ, đồng thời cũng mượn thân thế của họ để ngụ ý thân thế của lớp nhà nho như mình.

Câu 3: Hãy nhận xét về kết cấu của bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.

Trả lời:

- Kết cấu của tác phẩm chịu sự quy định của nội dung tư tưởng cần diễn đạt. Bài thơ vừa đề cập đến số phận của nàng Tiểu Thanh vừa thể hiện tâm sự của tác giả nên có hai phần rõ rệt. Nhìn đại thể, 4 câu đầu viết về Tiểu Thanh, 4 câu sau dành cho suy nghĩ về thân phận của chính Nguyễn Du. Cụ thể:

+ Hai câu 1 – 2 (đề) tả cảnh hoang phế của Tây Hồ, nơi đã diễn ra cuộc đời buồn tủi của nàng Tiểu Thanh (có thể trong tưởng tượng) và sự việc nhà thơ đọc tập truyện kí về Tiểu Thanh. Cảnh và sự gợi tình (xúc cảm) nảy sinh. Đây là một đặc điểm của thi pháp trung đại (tức cảnh sinh tình, xúc cảnh sinh tình). Cảm xúc thường được một cảnh nào đó dẫn phát.

+ Hai câu 3 – 4 (thực) nêu các cảm xúc, ý nghĩ từ cảnh vật. Hai cảm nhận: nàng Tiểu Thanh là người đẹp và là người có tài văn chương, đây có vẻ như là nguyên nhân gây ra bất hạnh cho nàng, có dáng dấp của các suy tưởng khái quát: tài sắc là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh cho con người.

+ Hai câu 5 – 6 (luận) cất tiếng oán trách sự bất công của tạo hoá, nhận thấy sự tương đồng giữa thân phận mình với thân phận Tiểu Thanh. Hai câu luận đã bắt đầu khái quát, nêu triết lí: Từ câu chuyện về Tiểu Thanh, tác giả đề cập đến vấn đề chung của những người tài sắc, liên tưởng đến bản thân.

+ Hai câu 7 – 8 (kết) là sự dự cảm về số phận của bản thân (giống như Thuý Kiều nhìn thân phận Đạm Tiên mà nghĩ về chính mình: “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”). Không chỉ đồng cảm mà còn gửi gắm tâm sự qua nhân vật phụ nữ tài sắc – bất hạnh là một cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du mà bài thơ này là một trường hợp.

- Có một cách phân tích khác dựa vào tương quan giữa yếu tố cảnhtình. Theo thi pháp thơ cổ, trung đại, tâm của thi nhân tiếp xúc với cảnh (cảnh hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống nói chung) sẽ nảy sinh cảm xúc. Người xưa khái quát bằng công thức “xúc cảnh sinh tình”. Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí chỉ có hai câu đầu tiên nói tới cảnh và việc đọc thơ, đọc sách về Tiểu Thanh. Sáu câu thơ còn lại là những cảm xúc, những nỗi niềm băn khoăn, day dứt, uất hận khôn nguôi. Bài thơ này tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Du, một nhà thơ được mệnh danh là nhà thơ chủ tình.

 

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Đọc đoạn thơ sau đây trong Truyện Kiều (từ câu 107 đến câu 110) và chỉ ra điểm tương đồng với bài Đọc Tiểu Thanh kí:

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.

Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?

Trả lời:

- Bài tập yêu cầu so sánh đoạn thơ của Truyện Kiều với bài thơ nhằm mở rộng sự hiểu biết về một đề tài mà Nguyễn Du quan tâm – đề tài về sự bất hạnh của người hồng nhan, người tài sắc. Đọc đoạn thơ trong Truyện Kiều (từ câu 107 đến câu 110) để biết đoạn thơ này Kiều nói về ai, trong hoàn cảnh nào; từ đó sẽ thấy nỗi ám ảnh của Nguyễn Du trong Đọc Tiểu Thanh kí giống như ám ảnh của Kiều (Kiều nói về nàng Đạm Tiên, một phụ nữ có tài sắc nhưng chết trong bất hạnh và liên tưởng đến khả năng số phận của Đạm Tiên sẽ lặp lại đối với mình).

Câu 2: Hãy giải nghĩa các từ ngữ ở câu thơ đầu.

Trả lời:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư.

- Chữ "hoa uyển" ở câu 1, không dịch là "vườn hoa" (chữ Hán đã có chữ hoa viên), mà dịch là "cảnh đẹp". Điều ấy có nguyên nhân từ cách hiểu chữ "uyển". Uyển có hai nghĩa: 1 - Khu đất rộng, cảnh trí đẹp, dành làm nơi cho vua chúa ngoạn du, thường nói "ngự uyển", "thượng uyển”; 2 - Nơi tụ hội, như "nghệ uyển", "văn uyển". Hoa nghĩa bóng là đẹp. Hoa uyển có thể được dùng với nghĩa nơi hội tụ vẻ đẹp, có thể nói là cảnh đẹp.

- Khư là gò hoang, cũng có nghĩa là nơi bị huỷ hoại, chẳng còn lại gì.

- Chữ thứ sáu: có bản phiên là tẫn, có bản phiên là tận. Tẫn có hai nghĩa: 1 - "hết thảy”; 2 - "để mặc cho". Tận nghĩa là "hết". Ở đây có thể hiểu theo nghĩa 1 của chữ tẫn, hoặc nghĩa của chữ tận.

 

Câu 3: Viết bài văn phân tích bài thơ.

Trả lời:

Nguyễn Du được xem là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc. Ông được mệnh danh là đại thi hào của văn học Việt Nam. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã để lại vô vàn những tác phẩm có giá trị ở cả chữ Hán và chữ Nôm. Tác phẩm của ông luôn chan chứa tình yêu thương con người, trân trọng những điều tốt đẹp bên trong con người.

“Độc Tiểu Thanh kí” là một trong số những sáng tác bằng chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Du. Độc Tiểu Thanh kí phân tích Nó đã thể hiện được những cảm xúc, suy tư của tác giả về số phận bất hạnh của người phụ nữ xã hội cũ. Đồng thời qua tác phẩm, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc và trân trọng tấm lòng nhân đạo, yêu thương con người của ông.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc hoạ nên hoàn cảnh, bối cảnh sáng tác:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

Ở đây, tác giả đã sử dụng hình ảnh thơ đối lập giữa quá khứ và hiện tại: “Tây Hồ hoa uyển” (vườn hoa bên Tây Hồ) với “thành khư” (gò hoang). Cùng với đó, động từ “tẫn” nhằm thể hiện sự triệt để đến cùng của sự vật. Từ đó, câu thơ đã gợi ra một nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại: Vườn hoa bên Tây Hồ xưa kia nay đã thành bãi đất hoang, không có sự sống. Vì vậy lời thơ khơi gợi sự xót xa của nhà thơ trước sự đổi thay, sự tàn phá của thời gian đối với cái đẹp.

Tác giả cũng rất tài tình khi sử dụng các từ chỉ sự đơn độc: “độc điếu” (một mình viếng) và “nhất chỉ thư” (một tập sách). Với hai hình ảnh đó, tác giả như muốn nhấn mạnh sự cô đơn tột cùng của con người. Đồng thời cũng nhấn mạnh cả sự tương xứng trong cuộc gặp gỡ này. Đó là cuộc gặp gỡ của một người mang trạng thái cô đơn với một kiếp bất hạnh, đơn độc.

Độc Tiểu Thanh kí phân tích Chỉ với hai câu thơ, tâm trạng của tác giả đã được thể hiện một cách rõ ràng. Tác giả đã ngỡ ngàng trước cảnh tượng thiên nhiên hoang vắng, tàn tạ và cũng vô cùng xót xa, tiếc nuối cho số phận éo le của nàng Tiểu Thanh.

Tiếp theo, tác giả miêu tả rõ nét số phận của nàng Tiểu Thanh thông qua hai câu thơ tả thực:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.”

Đến đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật hoán dụ rất tài tình. Hình ảnh “chi phấn” là tượng tượng trưng cho vẻ đẹp, sắc đẹp của người phụ nữ. Còn “văn chương” lại tượng trưng cho tài năng, trí tuệ của con người. Việc sử dụng từ hoán dụ như vậy đã gợi tả người con gái vừa có tài, vừa có sắc, hoàn hảo, rất đáng trân trọng.

Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng các từ ngữ diễn tả cảm xúc như “hận”, “vương” để thể hiện tình cảm của mình. Đó là sự tiếc nuối, xót xa cho tài năng và dung mạo của người thiếu nữ bạc mệnh. Các từ “chôn”, “đốt” đều là những động từ cụ thể hóa sự ghen ghét, sự vùi dập vô cùng phũ phàng của người vợ cả đối với nàng Tiểu Thanh. Đây cũng là điển hình cho thái độ của xã hội phong kiến khi xưa. Ở đó, họ không chấp nhận những con người tài sắc vẹn toàn như nàng, chỉ chực tìm cách vùi dập, đè nén những số phận bất hạnh ấy.

Thông qua lời thơ, Nguyễn Du cũng bộc lộ triết lí của mình về số phận con người trong xã hội phong kiến. Với ông, họ là những người tài hoa nhưng bạc mệnh, “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan đa truân”. Và khi có tài, có sắc, họ sẽ bị vùi dập không thương tiếc:

“Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

(Truyện Kiều)

Qua hai câu thơ, Nguyễn Du đã cực tả nỗi đau về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh tài sắc. Đồng thời cũng bộc lộ tấm lòng ca ngợi, trân trọng nhan sắc và đề cao tài năng, trí tuệ của nàng Tiểu Thanh. Không những thế, nó còn có sức tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội phong kiến bấy giờ khi vùi kiếp người xuống dưới bùn đen.

Tiếp đó, tác giả suy ngẫm rộng ra về số phận con người, với cuộc đời:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.”

Cụm từ “cổ kim hận sự” nhằm diễn tả mối hận xưa và nay. Đó không chỉ là mối hận nhất thời mà là mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp. Và cũng chính là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh đối với cuộc đời đầy rẫy những bất công. Nỗi hận ấy thật sự là “thiên nan vấn”, khó mà có thể hỏi trời được. Câu thơ này đã mang tính khái quát cao, biểu trưng cho cả xã hội. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh hay của tác giả Nguyễn Du mà còn là của tất cả những con người tài hoa trong xã hội phong kiến cũ. Câu thơ đã thể hiện rõ nét sự đau đớn và phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí của cuộc đời. Đó là người có nhan sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài năng lại thường cô độc. Nỗi trái ngang ấy, không biết phải làm sao được.

Nhấn mạnh thêm nỗi đau đớn của số phận Tiểu Thanh, tã giả sử dụng từ “kì oan”, là nỗi oan lạ lùng, hiếm gặp. Kết hợp với đó, từ “ngã” nhẳm chỉ bản thể cá nhân. Đây là cái khẳng định mình đầy táo bạo so với thời đại Nguyễn Du đang sống. Tác giả đã không đứng bên ngoài mà nhìn vào nữa, mà giờ đây ông trở nên chủ động, tự mình đi tìm sự tri âm với nàng, với những người tài hoa nhưng bạc mệnh. Qua đó, ta thấy được tấm lòng trân trọng cái đẹp của nhà thơ. Ông không chỉ xót thương riêng cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời. Và trong đó có chính bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông của nhà thơ đối với nhân vật đã đến độ “tri âm tri kỉ”, thấu hiểu và tìm được điểm chung.

Sau cùng, tác giả sử dụng hai câu kết để khóc cho người, khó cho mình ở tương lai:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Đến đây, Nguyễn Du đã sử dụng câu hỏi tu từ một cách độc đáo. Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh, đồng thời cũng băn khoăn và khóc thương cho chính mình. Ông băn khoăn, trăn trở rồi hậu thế ai sẽ khóc thương ông, liệu có ai đồng cảm với ông hay không? Điều này đã thể hiện nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn “Tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya” (Xuân Diệu). Ông cảm thấy mình lạc lõng vô cùng ở hiện tại và đã tìm thấy được một người làm tri âm, tri kỉ ở quá khứ. Thế nhưng bản thân vẫn ước mong, mong ngóng một tấm lòng thấu hiểu mình trong tương lai, như mình đã tìm đến và thấu hiểu nàng Tiểu Thanh Vậy. Điều này đã cho thấy vượt qua mọi không gian, thời gian, trái tim yêu thương và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyên du vẫn còn tồn tại mãi.

Khép lại bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, ta vẫn không khỏi xót xa cho nàng Tiểu Thanh tài giỏi nhưng bạc mệnh. Đồng thời thấy tấm lòng yêu thương, vị tha, thấu cảm của Nguyễn Du với những con người bất hạnh trong xã hội cũ.

=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 2 Đọc 3: Đọc Tiểu Thanh kí

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay