Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 1: Biện pháp lặp cấu trúc
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Biện pháp lặp cấu trúc, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 cánh diều
BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠTHỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: BIỆN PHÁP LẶP CẤU TRÚC
(13 câu)1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(13 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy nêu khái niệm biện pháp tu từ lặp cấu trúc.
Trả lời:
- Lặp cấu trúc là biện pháp tu từ sử dụng những cụm từ hoặc câu có cùng kiểu cấu trúc nhằm nhấn mạnh nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng tính nhạc cho lời văn.
Câu 2: Biện pháp tu từ lặp cấu trúc được sử dụng phổ biến ở kiểu văn bản nào? Hãy nêu tác dụng và cho ví dụ.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc được sử dụng phổ biến trong văn bản văn học, nhất là trong thơ.
- Biện pháp tu từ này tạo nên ấn tượng đặc biệt về nhịp điệu của đoạn thơ, đoạn văn và làm nổi bật nội dung mà tác giả muốn nhấn mạnh.
- Ví dụ:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Câu 3: Hãy chỉ ra biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong các trường hợp sau:
- a) Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
- b) Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi.
Trả lời:
- a) Cấu trúc lặp: Tôi muốn … cho … đừng …
- b) - “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một.” => Cấu trúc lặp: … Việt Nam là một.
- “Sông có thể cạn, núi có thể mòn” => Cấu trúc lặp: … có thể …
Câu 4: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn thơ dưới đây.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng reo quanh ghế ngồi.
Trả lời:
- Cấu trúc lặp trong đoạn thơ: Buồn trông …
- Tác dụng: Cụm từ “buồn trông” mở đầu câu thơ sáu chữ, tạo âm hưởng trầm buồn. “Buồn trông” đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng.
Câu 5: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn thơ dưới đây.
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc có ở:
+ Khi / tỉnh rượu // lúc / tàn canh
+ … sao … (bốn câu cuối)
+ dày / gió // dạn / sương
+ bướm / chán // ong / chường
- Tác dụng: Tạo ra nhịp điệu cho đoạn thơ đồng thời góp phần diễn tả sự đối lập quá khứ - hiện tại, diễn tả sự giày vò, đau đớn trong tâm hồn Thuý Kiều.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn thơ dưới đây.
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại cho tàn cho cân!
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc có ở:
+ Đã / … / làm cho / … // đã / … / sao cho / …
+ Cho / hại // cho / tàn // cho / cân
- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho đoạn thơ đồng thời nhấn mạnh nỗi buồn phải chịu cảnh khổ đau đoạ đầy của nhân vật.
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích dưới đây:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích:
+ Trăng / thương // trăng / nhớ // trăng / ngần //// đàn / buồn // đàn / lặng // đàn chậm
- Tác dụng: Tạo nhịp điệu và tính nhạc cho các câu thơ, nhấn mạnh nỗi ưu tư của nhân vật trữ tình.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích dưới đây:
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.
[...]
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích:
+ thuộc địa / của Nhật // thuộc địa / của Pháp
+ từ / tay Nhật // từ / tay Pháp
+ Pháp / chạy // Nhật / hàng // vua Bảo Đại / thoái vị
+ Dân ta / đã đánh đổ / các xiềng xích thực dân / gần một trăm năm nay / để gây dựng nên / nước Việt Nam độc lập // Dân ta / lại đánh đổ / chế độ quân chủ / mấy mươi thế kỉ / mà lập nên / chế độ Dân chủ Cộng hoà.
+ Một dân tộc / đã gan góc / chống ách nô lệ của Pháp / hơn tám mươi năm nay // một dân tộc / đã gan góc / đứng về phe Đồng minh chống phát xít / mấy năm nay.
+ Dân tộc đó / phải được / tự do // dân tộc đó / phải được / độc lập.
+ tinh thần và lực lượng / tính mạng và của cải.
- Tác dụng: Tạo nên nhịp điệu, tính nhạc cho lời văn; làm tách bạch các ý, góp phần vào việc truyền đạt tư tưởng, nôi dung văn bản cho người đọc.
Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích dưới đây:
Rau cần, với cải bắp cho một tí rau răm vào, muối xổi, lấy ra ăn với thịt đông hay
kho tàu, nó lạ miệng và có khi thú hơn cả dưa cải nữa... Nhưng ăn cháo ám mà không có rau cần thì hỏng, y như thể là vào một khoảng vườn mà không có hoa, đi trong mùa
xuân mà không thấy bướm.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích:
+ vào một khoảng vườn / mà / không có / hoa // đi trong mùa xuân / mà / không thấy / bướm.
- Tác dụng: Góp phần nhấn mạnh nội dung của câu văn.
Câu 5: Chỉ ra biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích dưới đây:
Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.
Trả lời:
- Đoạn trích không sử dụng biện pháp tu từ lặp cấu trúc.
3. VẬN DỤNG (2 câu)
Câu 1: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích dưới đây:
Gió, gió thổi rào rào.
Trăng, trăng lay chấp chới.
Trời tròn như buồm căng.
Tất cả lên đường mới.
Hồn ta cánh rộng mở
Đôi bên gió thổi vào,
Nghĩ những điều hớn hở
Như trời cao, cao cao.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong đoạn trích:
+ Gió, gió / thổi / rào rào // Trăng, trăng / lay / chấp chới
- Tác dụng: Tạo ra nhạc điệu cho đoạn thơ.
Câu 2: Theo em, trong đoạn văn sau đây, việc lặp cấu trúc có tác dụng biểu cảm hay không?
Phía sau nhà em có một mảnh vườn. Mảnh vườn ở phía sau nhà em, em trồng rất nhiều loài hoa. Em trồng hoa cúc. Em trồng hoa thược dược. Em trồng hoa đồng tiền. Em trồng hoa hồng. Em trồng cả hoa lay ơn nữa. Ngày Phụ nữ quốc tế, em hái hoa sau vườn nhà em tặng mẹ em. Em hái hoa tặng chị em...
- b) Em hãy chữa lại đoạn văn trên cho tốt hơn.
Trả lời:
- a) Không. Việc lặp kiểu này khiến cho câu văn trở nên rườm rà, không có tác dụng biểu cảm.
- b) Phía sau nhà em có một mảnh vườn. Trên mảnh vườn đó, em trồng rất nhiều loài hoa, nào là hoa cúc, hoa thược dược, hoa đồng tiền rồi là hoa hồng và cả hoa lay ơn nữa. Vào ngày Quốc tế phụ nữ, em hái hoa ở mảnh vườn đó để tặng mẹ em và chị em…
4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)
Câu 1: Viết đoạn văn ngắn có sử dụng biện pháp tu từ lặp cấu trúc về bất cứ chủ đề gì.
Trả lời:
Quê hương – hai tiếng yêu thương mà ai đi xa cũng đều mong nhớ hướng về. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng em những ngày thơ bé. Quê hương là nơi em có một gia đình hạnh phúc luôn đầy ắp tiếng cười. Nơi ấy có tiếng nói hiền từ, nơi ấy có nụ cười ấm áp của bà luôn chờ em mỗi buổi chiều tan học. Quê hương còn là nơi em có những người bạn thân thiết, gắn bó. Mỗi sớm mai say sưa trên từng lớp học, mỗi buổi chiều tung tăng trên từng cánh đồng, và khi đêm tối bên gia đình. Dù sau này trưởng thành, dù sau này chân em bước tới mọi miền đất nước, trong tim em vẫn mãi vang vọng hai tiếng thiêng liêng: Quê hương!
=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 1 TH tiếng Việt: Biện pháp lặp cấu trúc