Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 2: Biện pháp tu từ đối

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Biện pháp tu từ đối, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.

BÀI 2: THƠ VĂN NGUYỄN DU

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: BIỆN PHÁP TU TỪ ĐỐI
 (15 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày khái niệm của biện pháp tu từ đối. Cho ví dụ.

Trả lời:

- Đối là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ (cùng từ loại) hoặc câu (cùng cấu trúc) sóng đôi với nhau nhằm nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng vẻ đẹp cân xứng cho lời văn. Biện pháp tu từ đối có thể được thực hiện trong một câu thơ, câu văn hay trong hai câu thơ, câu văn liền kề nhau.

Ví dụ:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

- Trong ví dụ trên, các từ trong hai vế “thành xây khói biếc” và “non phơi bóng vàng” tạo thành từng cặp tương ứng, cân xứng với nhau về nội dung, giống nhau về từ loại (thành - non, xây – phơi, khói – bóng, biếc - vàng), trái nhau về thanh điệu bằng trắc (biếc – vàng) tạo nên vẻ đẹp hài hoà cho câu thơ.

Câu 2: Nêu các kiểu đối và cho ví dụ.

Trả lời:

- Biện pháp đối thường được thực hiện giữa hai dòng thơ hoặc hai câu văn, gọi là trường đối (bình đối). Ví dụ:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

- Biện pháp đối còn được thực hiện giữa các từ ngữ trong một dòng thơ hoặc một câu văn. Trường hợp này được gọi là tiểu đối. Ví dụ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

 

Câu 3: Biện pháp tu từ đối thường được sử dụng ở kiểu văn bản nào?

Trả lời:

– Biện pháp đối không chỉ được dùng phổ biến trong văn vần (như thơ, phú), văn biền ngẫu (như câu đối, chiếu, cáo, hịch,...) mà còn được dùng trong cả văn xuôi, nhất là văn chính luận thời trung đại.

Câu 4: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối.

Trả lời:

- Đây là biện pháp tu từ có tác dụng tạo sự cân xứng về ý nghĩa và nhạc điệu, tạo nên cái đẹp hài hoà theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam.

- Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng giúp miêu tả sự việc, cảnh vật một cách cô đúc, khái quát mà không cần liệt kê, kể lể dài dòng.

 

Câu 5: Hãy chỉ ra nhanh phép đối trong các ngữ liệu sau:

  1. a)

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

  1. b) Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt

Trót đem thân thế hẹn tang bồng.

Trả lời:

  1. a) Phép đối có giữa hai vế của câu bát trong cặp câu thơ lục bát; ngoài ra còn có đối giữa hai cụm từ “hoa cười / ngọc thốt” ở câu thứ ba.
  2. b) Phép đối diễn ra giữa hai dòng: dòng trên và dòng dưới.

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong đoạn thơ dưới đây:

Một mình nương ngọn đèn khuya,

Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu:

“Phận dầu dầu vậy cũng dầu,

Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!

Công trình kể biết mấy mươi,

Vì ta khăng khít cho người dở dang.”

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đối có trong đoạn thơ:

+ Áo – tóc, dầm – se, giọt lệ – mái sầu

+ Ta – người, khăng khít – dở dang

- Tác dụng: Tăng nhạc điệu, đối xứng cho câu thơ đồng thời nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu 2: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong đoạn thơ dưới đây:

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đối có trong đoạn thơ:

+ Người về - kẻ đi, chiếc bóng – một mình

+ Nửa in gối chiếc – nửa soi dặm trường

- Tác dụng: Tạo nhịp điệu, tăng tính đối xứng, hài hoà; nhấn mạnh vào sự tương phản để truyền tải được nhiều nội dung.

Câu 3: Hãy nhận xét về phép đối trong những trường hợp sau:

- Chim có tổ, người có tông.

- Đói cho sạch, rách cho thơm.

- Người có chí ắt phải nên, nhà có nền ắt phải vững.

Trả lời:

- Phép đối được thể hiện trong các câu:

+ Chim – người, có – có, tổ - tông

+ Đói – rách, cho – cho, sạch – thơm.

+ Người có chí – nhà có nền, ắt phải nên - ắt phải vững.

- Nhận xét: Trong những ngữ liệu này, mỗi câu bao gồm hai vế, các vế đó đối nhau về số tiếng, về từ loại (danh từ, động từ,…), về cấu tạo từ (từ đơn, từ phức), về nghĩa của mỗi từ và lặp lại kết cấu ngữ pháp của mỗi vế.

 

Câu 4: Hãy nhận xét về phép đối trong ngữ liệu sau:

Tiên học lễ: diệt trò tham nhũng,

Hậu hành văn: trừ thói cửa quyền.

Trả lời:

- Phép đối được thể hiện trong các câu:

+ Tiên – hậu, học – hành, lễ - văn, diệt – trừ, trò – thói, tham nhũng – cửa quyền.

- Nhận xét: Trong ngữ liệu này, phép đối diễn ra giữa hai dòng: dòng trên và dòng dưới, cũng theo quy tắc đối từng từ về đặc điểm từ loại, về nghĩa và lặp lại kết cấu ngữ pháp.

Câu 5: Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau:

a)

Khúc sông bên lở bên bồi

Bên lở thì đục, bên bồi thì trong.

b)

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

  1. c) Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bùa, việc cấy, tay vốn quen làm;

tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Trả lời:

  1. a) Phép đối diễn tả sự tương phản giữa bên lở và bên bồi của một khúc sông.
  2. b) Phép đối có tác dụng làm tăng mức độ của đêm khuya và trạng thái nhớ thương, buồn bã trong lòng người xa cách.
  3. c) Phép đối có ở từng cặp câu văn tế; ở mỗi cặp, diễn tả sự đối lập giữa công việc làm ruộng quen thuộc hằng ngày với việc quân cơ chiến trận xa lạ đối với người nông dân Cần Giuộc.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Biện pháp tu từ đối thường được sử dụng ở những câu nào trong thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật? Cho ví dụ.

Trả lời:

- Trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật, câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.

- Ví dụ (Thu điếu, Nguyễn Khuyến):

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Câu 2: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong đoạn thơ dưới đây:

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai

Người quốc sắc kẻ thiên tài,

Tình trong như đã mặt ngoài còn e.

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,

Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn

Bóng tà như giục cơn buồn,

Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.

Dưới dòng nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ đối có trong đoạn thơ:

+ Xuân lan – thu cúc

+ Người quốc sắc – kẻ thiên tài (1)

+ Tình trong – mặt ngoài, như đã – còn e (2)

+ Cơn tỉnh – cơn mê

+ Rốn ngồi – dứt về, chẳng tiện – chỉn khôn (chẳng xong)

+ Khách – người, đà – còn, lên ngựa – ghé theo.

- Tác dụng: Tạo nhịp điệu, tạo sự cân xứng, nhấn mạnh sự tương đồng (VD: 1), nhấn mạnh sự đối lập (VD: 2).

Câu 3: a) Phép đối trong tục ngữ có tác dụng gì? Phép đối phải dựa vào những biện pháp ngôn ngữ nào đi kèm (vần, từ, câu)?

  1. b) Vì sao tục ngữ ngắn mà khái quát được hiện tượng rộng, người không học mà cũng nhớ, không cố ý ghi lại mà vẫn lưu truyền?

Trả lời:

- Phép đối trong tục ngữ thường phục vụ cho sự so sánh, đối chiếu để khẳng định những kinh nghiệm, những bài học về cuộc sống xã hội hay hiện tượng thiên nhiên. Hơn nữa, dùng phép đối thì tục ngữ có điều kiện để nêu những nhận định khái quát trong một khuôn khổ ngắn gọn, cô đọng. Phép đối trong tục ngữ thường đi đôi với vần, nhịp và phép điệp từ ngữ, lặp kết cấu ngữ pháp. Vì thế tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc. Ví dụ: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Tìm một số ví dụ về phép đối trong Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du) và thơ Đường luật.

Trả lời:

Một số ví dụ:

- Hịch tướng sĩ:

(...) Tới bữa quên ăn / nửa đêm vỗ gối;

(...) Trăm thân này phơi ngoài nội cỏ / nghìn xác này gói trong da ngựa (...)

- Đại cáo bình Ngô:

(...) Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

- Truyện Kiều:

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

- Thơ Nôm Đường luật:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

(Bà Huyện Thanh Quan - Qua đèo Ngang)

 

Câu 2: Cho vế đối: “Tết đến, cả nhà vui như Tết.”

Hãy đối lại câu này.

Trả lời:

- Có thể đối lại là: “Xuân về, mọi nẻo đẹp như xuân”.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 2 TH tiếng Việt: Biện pháp tu từ đối

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay