Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 2: Nguyễn Du - cuộc đời và sự nghiệp

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Nguyễn Du - cuộc đời và sự nghiệp. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.

BÀI 2: THƠ VĂN NGUYỄN DU

VĂN BẢN 1: NGUYỄN DU – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
(15 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Nội dung chính phần I của văn bản là gì?

Trả lời:

- Phần I của văn bản nói về tên tuổi, quê quán, truyền thống gia đình, hoàn cảnh lịch sử, xã hội và cuộc đời đầy thăng trầm của Nguyễn Du. Đây là những yếu tố có tác động lớn tới cuộc đời, con người và sáng tác của tác giả.

Câu 2: Nội dung chính phần II của văn bản là gì?

Trả lời:

Phần II nói về đặc điểm các sáng tác của Nguyễn Du, được chia làm 3 phần nhỏ:

- Cái nhìn hiện thực sâu sắc của nhà thơ: Văn bản nói về bức tranh hiện thực mà Nguyễn Du vẽ ra về xã hội đương thời thông qua thơ chữ Hán và Truyện Kiều của ông.

- Chủ nghĩa nhân đạo thể hiện trong các sáng tác của Nguyễn Du: Văn bản phân tích cho thấy tính chất nhân đạo được thể hiện qua các bài thơ chữ Hán, qua Truyện Kiều và qua Văn tế thập loại chúng sinh.

- Đặc điểm nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyễn Du

Câu 3: Giá trị hiện thực trong các tác phẩm của Nguyễn Du thể hiện ở những điểm nào?

Trả lời:

Giá trị hiện thực trong thơ Nguyễn Du:

- Đối với thơ chữ Hán: Nguyễn Du ghi lại một cách trung thực những cảnh tượng khi đi qua nhiều miền quê Việt Nam hay trong hành trình đi sứ trên đất Trung Quốc. Nhà thơ thường hướng ngòi bút vào đối tượng miêu tả là những số phận cơ cực, hâm hiu hoặc những con người sắc tài mà bi kịch. Với cái nhìn hiện thực sắc sảo, Nguyễn Du đã nhận ra những bất công của xã hội và ghi lại những cảnh đời trái ngược.

- Đối với Truyện Kiều:

+ Truyện Kiều cũng là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, nơi những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người, chà đạp lên những số phận bị áp bức, đau khổ.

+ Cái nhìn hiện thực sâu sắc của Nguyễn Du còn thể hiện ở chỗ ông đã thấy được những thế lực tàn bạo trong xã hội chính là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của người dân vô tội.

Câu 4: Văn bản giúp em có thêm những hiểu biết gì về Nguyễn Du?

Trả lời:

- Trả lời dựa trên tình trạng của em. Ví dụ: Em biết thêm về cuộc đời đầy thăng trầm cùng với tài năng văn học, văn hoá của Nguyễn Du. Ông là một nhà văn lớn trong chiều dài văn học của Việt Nam, một danh nhân văn hoá thế giới. Những giá trị truyền tải qua các tác phẩm của ông vẫn còn ý nghĩa với thời đại ngày nay. Em sẽ tìm hiểu các tác phẩm nổi bật đã được đề cấp đến trong văn bản để hiểu hơn về tài năng của một đại thi hào dân tộc.

Câu 5: Hãy chỉ ra tầm quan trọng của việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử, môi trường gia đình, cuộc đời tác giả với việc đọc hiểu thơ văn.

Trả lời:

- Bối cảnh lịch sử, môi trường gia đình là những yếu tố khách quan có ảnh hưởng tới cuộc đời, con người và sáng tác của tác giả. Cuộc đời, con người nhà văn là yếu tố chủ quan tác động trực tiếp tới sáng tác văn chương. Ngược lại, tác phẩm là “tấm gương phản chiếu” tác giả và thời đại. Vì vậy, cần vận dụng những kiến thức về bối cảnh lịch sử, gia đình, cuộc đời, con người nhà văn để đọc hiểu tác phẩm.

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Dựa vào văn bản, hãy nêu những điểm nổi bật về thời đại, gia đình có ảnh hưởng tới sáng tác của Nguyễn Du.

Trả lời:

- Điểm nổi bật về gia đình:

+ Họ Nguyễn ở Tiên Điền là dòng họ có danh vọng lớn đương thời, nhiều người thành đạt trên con đường khoa bảng và công danh.

+ Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), đỗ tiến sĩ, làm quan to trong triều, từng giữ chức tham tụng, từng giữ chức tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám, là nhà sử học, nhà thơ.

+ Mẹ ông tên là Trần Thị Tần, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.

+ Anh cùng cha khác mẹ của ông là Nguyễn Khản, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức bồi tụng, giỏi văn chương Nôm, say mê sáng tác âm nhạc và những sáng tác ấy được nhiều người truyền tụng.

- Điểm nổi bật về thời đại:

+ Triều đình vua Lê – chúa Trịnh sụp đổ

+ Triều đình chúa Nguyễn bị lật đổ

+ Là thời kì bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

+ Đất nước trải qua chiến tranh gay gắt mãi cho đến khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước lập ra triều Tây Sơn rồi một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Ánh thiết lập lại triều Nguyễn.

Câu 2: Dựa vào văn bản, hãy nêu những điểm nổi bật về cuộc đời có ảnh hưởng tới sáng tác của Nguyễn Du.

Trả lời:

- Điểm nổi bật về cuộc đời Nguyễn Du:

+ Ông đã sống một cuộc đời đầy thăng trầm: khi trong cảnh “màn lan trướng huệ” của cậu công tử gia đình đại quý tộc, khi là kẻ phiêu bạt trong cảnh “mười năm gió bụi” lúc cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra; khi là người ẩn cư tại quê nhà, lúc làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, từng được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.

+ Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều: Bước chân Nguyễn Du đã từng qua nhiều miền quê, từ kinh thành Thăng Long đến kinh đô Huế, từ quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh đến quê vợ Thái Bình, rồi lánh nạn ở Thái Nguyên, làm quan ở Quảng Bình,... Những tháng năm đi sứ, Nguyễn Du qua nhiều vùng miền của đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ông tiếp xúc và thấu hiểu nhiều tầng lớp người trong xã hội, từ người hát rong, người ăn xin, người nông dân đến những trí thức, quan lại trong triều đình,...

Câu 3: Vì sao bài viết khẳng định thơ chữ Hán của Nguyễn Du “là bức chân dung tự hoạ về một con người có tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc”?

Trả lời:

Vì tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện ở:

- Lòng thương người: Nguyễn Du hướng về những số phận đau khổ, bất hạnh (những người phụ nữ sắc tài mà mệnh bạc, những người nghèo khổ mà tác giả bắt gặp trên đường đi sứ,…). Viết về những con người có tài năng, có khí tiết thanh cao, Nguyễn Du vừa thể hiện niềm cảm thương, vừa trân trọng, ngưỡng mộ.

- Niềm tự thương: Nguyễn Du cảm nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với những số phận tài hoa mà bi kịch.

Câu 4: Truyện Kiều có những thành công gì về nghệ thuật?

Trả lời:

Thành công về nghệ thuật của Truyện Kiều:

- Có sự kết hợp tự sự và trữ tình

- Sự thay đổi điểm nhìn trần thuật từ người đứng ngoài câu chuyện thành người trong cuộc.

- Ngôn ngữ nửa trực tiếp

- Cốt truyện có hình thức là kết thúc có hậu nhưng bản chất là bi kịch

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Tính cách nhân vật được khắc hoạ bằng cả bút pháp ước lệ và bút pháp tả thực, bằng cả con người với biểu hiện bên ngoài và con người với đời sống nội tâm

- Miêu tả nội tâm nhân vật

- Khi miêu tả thiên nhiên, tác giả vừa khắc hoạ vẻ đẹp của cảnh vật, vừa dùng nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” để thể hiện tâm trạng nhân vật

- Câu thơ lục bát trong Truyện Kiều vừa dân dã, bình dị như ca dao, dân ca, vừa trau chuốt nghệ thuật, đạt tới giá trị cổ điển – giá trị khuôn thước, mẫu mực.

- Tiếng Việt trong Truyện Kiều rất giàu, rất đẹp, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn học dân gian với ngôn ngữ bác học kết tinh từ sách vở.

Câu 5: Văn bản Nguyễn Du – Cuộc đời và sự nghiệp thuộc thể loại gì? Vì sao em cho là vậy?

Trả lời:

- Văn bản này là văn bản thông tin vì:

+ Văn bản có tính chất và mục đích để cung cấp thông tin cho người đọc về tác giả Nguyễn Du.

+ Văn bản có sử dụng các yếu tố hình thức của văn bản thông tin: hình ảnh, các đề mục

+ Ngôn ngữ không phải mang màu sắc văn học nghệ thuật mà mang màu sắc thuyết minh.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là “người xưa của ta nay”. Em có suy nghĩ gì về nhận định đó?

Trả lời:

- Ý trong nhận định của Tố Hữu là: Nguyễn Du là người xưa những những giá trị mà ông phản ánh, truyền tải qua các tác phẩm của mình vẫn còn nguyên. Em thấy nhận định của nhà thơ Tố Hữu là chuẩn xác. Về giá trị hiện thực, ta có thể thấy là những cảnh đời trái ngược, những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người, sức mạnh của đồng tiền,… vẫn là những điều hiện hữu trong thế giới hôm nay. Về giá trị nhân đạo, tiếng nói đồng tình, đồng cảm, nhất là với thân phận người phụ nữ vẫn là những điều thiết thực trong xã hội ngày nay. Phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới, những chúng ta đã biết, vẫn đang bị kìm kẹp, không được tự do, họ vẫn đang phải đấu tranh cho sự bình đẳng.

Câu 2: Xác định thái độ của người viết thể hiện qua văn bản.

Trả lời:

- Với tính chất là một văn bản cung cấp thông tin, người viết thể hiện thái độ khác quan, nghiêm túc, đưa các thông tin trung thực. Ngoài ra với việc đề cao tài năng văn học của ông, ta còn thấy ở đó thái độ ngưỡng mộ tác gia Nguyễn Du.

 

Câu 3: Liệt kê các đề mục của văn bản. Hãy nhận xét về cách đặt tên các đề mục đó.

Trả lời:

- Các đề mục:

  1. Cuộc đời từng trải với vốn sống phong phú
  2. Đại thi hào dân tộc
  3. Nguyễn Du - nhà thơ với cái nhìn hiện thực sâu sắc
  4. Nguyễn Du – nhà nhân đạo chủ nghĩa
  5. Nguyễn Du – thiên tài nghệ thuật

- Nhận xét: Nhàn đề được đặt bằng cách khái quát nội dung của phần được trình bày.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Viết một đoạn văn phân tích để cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa cái nhìn hiện thực và trái tim nhân đạo trong các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Du.

Trả lời:

          Các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Du thể hiện mối quan hệ liên kết giữa cái nhìn hiện thực và trái tim nhân đạo. Thông qua các bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã ghi lại được cảnh đời trái ngược, đó là sự đối lập giữa những con người nghèo khó, tủi nhục với những tên quan tham ô, lãng phí,… Ông cũng nói về những con người tài sắc mà bi kịch. Việc hướng ngòi bút vào những đối tượng này thể hiện niềm thương cảm sâu sắc của nhà thơ đồng thời lên án tố cáo một xã hội bất công, vô nhân đạo. Còn đối với kiệt tác chữ Nôm của mình, Truyện Kiều, ông cũng phản ánh đồng thời lên án tố cáo tội ác của những thế lực tàn bạo, những kẻ ham mê sắc dục, những kẻ bị chi phối bởi đồng tiền đã gây ra bao thảm cảnh cho những người vô tội, gây nên bao oán trái, làm cho xã hội càng trở nên thối nát, suy đồi. Qua nhân vật chịu nhiều đắng cay là Thuý Kiều, tác giả đã thể hiện tiếng nói đồng cảm với bi kịch, đồng tình với những khát vọng chân chính của con người. Có thể thấy, với mối liên hệ này, đại thi hào Nguyễn Du đã truyền đi những giá trí cao cả, đẹp đẽ, làm lay động lòng người.

Câu 2: Viết bài văn phân tích các triển khai của văn bản.

Trả lời:

          Văn bản Nguyễn Du – Cuộc đời và sự nghiệp trình bày các thông tin cuộc đời, sự nghiệp và những đặc điểm văn học nổi bật của Nguyễn Du. Là một văn bản thông tin với tính chất là giới thiệu về một tác giả, văn bản cho ta thấy được những điểm đặc trưng trong cách triển khai theo nội dung này.

          Văn bản được triển khai theo lối thông dụng khi nói về một tác giả: đi từ tiểu sử (phần I) đến đưa ra những điểm nổi bật về các sáng tác, về sự nghiệp nghệ thuật (phần II). Đề mục của mỗi phần được đặt theo ý chính, ý khái quát của nội dung phần đó. Điều này vừa tạo nên sự tóm lược, vừa giúp người đọc dễ dàng theo dõi, ghi nhớ những điều cốt yếu. Trong văn bản có sự xuất hiện của các đoạn văn rất ngắn chỉ một câu, ví dụ như: “Hoàn cảnh lịch sử, xã hội với những biến đổi “kinh thiên động địa” đã tác động mạnh mẽ tới cuộc đời, con người, sự nghiệp Nguyễn Du.”; “Nguyễn Du là tác giả giữ vị trí hàng đầu trong lịch sử văn học Việt Nam.”,… Những đoạn văn ngắn này có tác dụng nhấn mạnh một vài điểm nổi bật về Nguyễn Du cho người đọc. Đây là một điểm hay trong văn bản.

          Các đoạn, phần trong văn bản đa phần được triển khai theo hướng ý chính / đánh giá – nội dung / dẫn chứng chi tiết, điều này hình thành nên các đoạn văn diễn dịch, quy nạp hoặc tổng hợp. Ví dụ ở đoạn “Dòng họ, gia đình … tài năng của Nguyễn Du” (phần I), ý chính là câu đầu tiên nói về truyền thống khoa bảng, văn học của dòng họ, gia đình Nguyễn Du, các câu sau trình bày chi tiết về các thành viên trong gia đình của Nguyễn Du, câu cuối có tác dụng kết luận “Có thể thấy,…”. Hay như ở đoạn “Ở sáng tác chữ Nôm … việc gì chẳng xong” (phần II.1.), câu đầu nêu ra ý khát quát về bức tranh hiện thực của một xã hội bất công, các câu sau đó lần lượt đưa ra hàng loạt dẫn chứng về các thế lực tàn bạo.

          Một điểm khác chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở văn bản là sự phân tách ý rất rõ ràng. Điều này được thể hiện ngay ở các đề mục. Ở nhiều phần, đoạn, các câu đầu thường mang tính phân tách các ý. Ví dụ như ở phần II.2, thông qua các câu đầu chúng ta có thể thấy sự phân tách của người viết thành: thơ chữ Hán, Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh. Trong từng đoạn chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự phân ý. Ví dụ ở đoạn “Nguyễn Du không chỉ là … như Trung Quốc” (phần I), việc tách bạch các chi tiết được thực hiện thông qua các từ “khi, lúc, từ, rồi, đến,…”. Việc phân tách rõ ràng như vậy giúp người đọc dễ dàng theo dõi, định hình cấu trúc văn bản.

          Một số đoạn văn còn được trình bày theo trình tự thời gian. Chẳng hạn ở đoạn “Thời đại Nguyễn Du … vương triều nhà Nguyễn” (phần I), các sự kiện được đưa ra đi theo trình tự lịch sử: lật đổ triều đình vua Lê – chúa Trịnh, lật đổ triều đình chúa Nguyễn, phá tan quân Xiêm, đại phá quân Thanh; triều Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn.

          Các đoạn văn ở phần II còn được triển khai theo dạng phân tích khi kết hợp với việc trích dẫn các câu thơ từ các tác phẩm của Nguyễn Du.

          Như vậy, với việc áp dụng các cách triển khai quan trọng, văn bản giúp cho người đọc có thể theo dõi, định hình bố cục, nội dung đồng thời ghi nhớ một số điểm quan yếu. Cách triển khai rõ ràng, mạch lạc của văn bản là điều mà chúng ta cần phải học hỏi.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 2 Đọc 1: Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay