Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều bài 4: Phải coi luật pháp như khí trời để thở

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Phải coi luật pháp như khí trời để thở , Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Cánh diều.

BÀI 4: VĂN BẢN THÔNG TIN

VĂN BẢN 1: PHẢI COI LUẬT PHÁP NHƯ KHÍ TRỜI ĐỂ THỞ
(14 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Phải coi luật pháp như khí trời để thở (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Lê Quang Dũng

- Thể loại: văn bản thông tin

- Văn bản được in trong Người Việt: Phẩm chất và thói hư tật xấu, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2009)

- Nội dung: Qua các câu chuyện đa chiều, văn bản truyền tải đi một thông điệp là chúng ta cần phải thượng tôn pháp luật để hướng đến phát triển đất nước.

Câu 2: Nhận xét về tính thiệt thực của vấn đề được đưa ra trong văn bản.

Trả lời:

- Văn bản trình bày vấn đề là ý thức pháp luật của người Việt Nam còn kém, điều đó rất tai hại, người Việt Nam cần thay đổi.

=> Đây là vấn đề có tính thiết thực, có ý nghĩa thời sự rất cao trong cuộc sống hiện nay. Một người không tuân thủ pháp luật có thể gây ra vấn đề cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Càng nhiều người thì tình trạng sẽ còn trầm trọng hơn.

Câu 3: Hãy chỉ ra bố cục của văn bản.

Trả lời:

Bố cục của văn bản có dạng:

  1. Nhan đề
  2. Sapo
  3. Đề mục 1 và Nội dung chính 1
  4. Đề mục 2 và Nội dung chính 2

Đề mục và Nội dung cuối có tính chất kết luận.

Câu 4: Đối tượng và mục tiêu hướng đến của văn bản là gì?

Trả lời:

- Đối tượng: Tất cả người Việt Nam

- Mục tiêu: Giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của tuân thủ pháp luật.

Câu 5: Hãy nhận xét về nhan đề của văn bản.

Trả lời:

- Văn bản có nhan đề là: Phải coi luật pháp như khí trời để thở

- Với nhan đề này, người đọc hiểu bài viết muốn bàn về đề tài pháp luật, nhưng cách đặt nhan đề cũng thể hiện rõ thái độ tôn trọng và đề cao việc chấp hành pháp luật.

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Trình bày ngắn gọn lại các câu chuyện trong 2 phần Từ chuyện an toàn lao động Đến tai nạn giao thông và chỉ ra thông điệp từ mỗi câu chuyện đó.

Trả lời:

- Câu chuyện 1: Năm 1996, có một sự việc làm tác giả hú hồn khi đang công tác tại một giàn khoan trên biển. Một nhóm công nhân hút thuốc trong phòng nhưng không dập tắt điếu thuốc cẩn thận khi hút xong. Ngọn lửa bùng lên khi họ ra ngoài nhưng may sao vẫn kịp dập tắt được. => Thông điệp: Chú ý an toàn lao động, không hút thuốc ở những nơi không được phép.

- Câu chuyện 2: Một lần, có một công nhân làm việc ở giàn khoan trên biển, lúc được nghỉ ngơi đã xuống chân đế câu cá nhưng không may trượt chân ngã xuống biển và chết. => Thông điệp: Chú ý an toàn lao động, không được làm những việc được cảnh bảo là nguy hiểm.

- Câu chuyện 3: Con trai một người bạn cũ của tác giả vì được học tiếp thạc sĩ ở Hà Nội mà tổ chức liên hoan. Sau đó, thay vì đi ngủ, anh ta lại cùng một vài người bạn lái xe chạy quanh thành phố trong tình trạng say xỉn để rồi dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi. => Thông điệp: Luôn tuân thủ luật giao thông, không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

 

Câu 2: Trình bày ngắn gọn lại các câu chuyện trong 2 phần Và trò đùa tai hại Phải coi pháp luật quan trọng như khí trời để thở và chỉ ra thông điệp từ mỗi câu chuyện đó.

Trả lời:

- Câu chuyện 1: Một lần, trên một chuyến bay, một hành khách nổi hứng doạ trên máy bay có lựu đạn. Các biện pháp an ninh được áp dụng, chuyến bay thì bị lỡ, hành khách thì sợ hãi. Việc đùa cợt này đã gây ra nhiều thiệt hại. => Thông điệp: Không được thực hiện những trò đùa trong những tình huống quan trọng.

- Câu chuyện 2: Giáo sư Phan Ngọc có một lần dịch cho một vị khách nước ngoài một cái biển có đề “Sống và làm việc theo pháp luật”. Ông khách sửng sốt vì không bao giờ nghĩ lại có một khẩu hiệu kì lạ như vậy. => Thông điệp: Sống và làm việc theo pháp luật là điều tất yếu mà ai cũng phải biết, phải hiểu, không cần phải có khẩu hiệu.

- Câu chuyện 3: Tác giả thường hay dẫn khách đến chơi công viên văn hoá Đầm Sen, công viên được hầu hết mọi người nhận xét là sạch. Sạch một là bởi có những người làm vệ sinh cần mẫn, hai là vì người xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt rất nghiêm. => Thông điệp: Cần xử phạt mạnh tay những người không tuân thủ quy định, pháp luật.

Câu 3: Hãy nhận xét về tính tổng hợp của văn bản.

Trả lời:

- Văn bản đã tổng hợp được nhiều câu chuyện từ nhiều hướng khác nhau (an toàn lao động kém, tai nạn giao thông, đùa không đúng nơi đúng lúc,…) kết hợp với số liệu thực tế (Việt Nam là một trong số nước …), nhận xét từ người nước ngoài (Nga, Pháp). Điều này giúp tác động được nhiều tới tâm lý, ý thức của người đọc, khiến họ thấy được: cần phải tuân thủ pháp luật.

Câu 4: Hãy nhận xét về sapo của văn bản.

Trả lời:

- Sapo là đoạn văn in đậm đầu văn bản.

- Sapo được viết theo cách là lấy một ý từ một câu chuyện trong văn bản. Cách triển khai này giống kiểu đặt nhan đề cuốn sách theo tên câu chuyện đầu tiên. Cách đặt nhan đề kiểu này khiến người đọc muốn tiếp tục đọc câu chuyện.

Câu 5: Cách đặt tên các đề mục của văn bản có gì đặc biệt?

Trả lời:

- Các đề mục: Từ chuyện an toàn lao động – Đến tai nạn giao thông – Và trò đùa tai hại – Phải coi pháp luật quan trọng như khí trời để thở

=> Điểm đặc biệt: Nó có dạng một câu văn với nội dung: 3 đề mục đầu là tiền đề để đi đến kết luận ở đề mục cuối.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Người viết bày tỏ thái độ, tình cảm gì qua văn bản?

Trả lời:

- Thái độ, tình cảm mà người viết thể hiện qua văn bản:

+ Chỉ trích, chê trách: câu chuyện tàn thuốc suýt thành hoả hoạn; câu chuyện câu cá ở một nơi nguy hiểm (“Tôi cảm thấy lời nhận xét đó không oan uổng một tí nào.”); số lượng vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam là quá lớn mà nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông (“Hãy thử tưởng tượng, mỗi năm tai nạn giao thông xoá sổ dân số của hai xã cỡ trung bình thì mới thấy nó khủng khiếp biết chừng nào!”); câu chuyện trò đùa tai hại mà vấn đề lại còn nằm ở chỗ những người làm văn hoá mà không hiểu cái tối thiểu của văn hoá pháp luật.

+ Vừa thương vừa trách: câu chuyện con trai của người bạn chết do không tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.

+ Hưởng ứng, đề cao: câu chuyện công viên văn hoá Đầm Sen sạch một phần là vì xử phạt nghiêm khắc.

+ Chân thành, mong muốn: người dân thì cần tuân thủ pháp luật còn các cơ quan chính quyền, nhà nước thì cần xử phạt nghiêm minh những hành vi trái pháp luật.

Câu 2: Trong văn bản, người con trai của bạn tác giả là một người có ăn học đàng hoàng nhưng ý thức tham gia giao thông lại kém. Đó cũng là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông ở nước ta. Hãy viết một đoạn văn bày tỏ quan điểm của em về vấn đề này.

Trả lời:

          Có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta nhưng điều đó không khiến một bộ phận người tham gia giao thông phải sợ hãi vì họ có tư tưởng theo kiểu: cứ kệ đi, lo gì, cái chết không đến ngay, không có phải sợ cả. Xét trường hợp người tỉnh táo, họ có thể là không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu,… Những người này thường tâm niệm trong đầu rằng mình đi tốt, không có gì phải lo cả mà không biết rằng nguy hiểm luôn cận kề họ trong gang tấc. Điểm mấu chốt ở đây là họ luôn nghĩ rằng tai nạn chỉ là ngẫu nhiên, đen quá thì mới bị, chứ không nghĩ rằng mình bị tai nạn chính là do ý thức kém của mình. Cậu con trai trong văn bản có thể lúc có ý định lái xe chơi dạo vòng quanh thành phố cũng có ý nghĩ như vậy. Còn đối với trường hợp người không tỉnh táo, ta có nhắc ngay đến những người đã uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện,… Đây là những người rất dễ gây tai nạn giao thông do không thể tự chủ tay lái. Nói chung, tai nạn là thứ không thể lường trước được, hơn nữa ngoài đảm bảo an toàn cho mình còn phải đảm bảo an toàn cho người, thể nên ta luôn tuân thủ luật an toàn giao thông.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Em nhận được bài học gì qua văn bản? Hãy kể, sưu tầm một câu chuyện cho thấy tác hại của vi phạm pháp luật.

Trả lời:

- Trả lời theo tình trạng hiện tại của em. Ví dụ: Qua văn bản, em thấy là mình cần tuân thủ pháp luật hơn. Khi tham gia giao thông, em sẽ không phóng nhanh, vượt ẩu, em sẽ đội mũ bảo hiểm,… Khi xem phim, em sẽ xem ở các ứng dụng đã được công nhận, không xem lậu để bảo đảm quyền lợi cho nhà sản xuất,…

- Các câu chuyện dưới đây nói về việc không tuân thủ an toàn trong lao động dẫn đến tai nạn:

Vụ tai nạn với anh Lê Văn Đặng xảy ra cách nay chỉ hơn nửa tháng. Theo em Bùi Hữu Luân - người làm công cho một trại nuôi cá ở xã Khánh Hòa, anh Đặng là người ở gần nên thỉnh thoảng ghé trại và phụ làm giùm việc nấu thức ăn cho cá. Hôm đó, anh Đặng vào xới thức ăn trong chảo nấu đang quay. Trong lúc Luân đang loay hoay phía ngoài thì nghe tiếng la thất thanh: “Tắt máy! Tắt máy... Luân ơi!”. Khi Luân chạy vào thì anh Đặng đã bị cuốn vào chảo, một cánh tay còn cố vẫy kêu cứu. Khi mọi người đổ xô đến, tắt được máy thì anh đã nằm bất động và bị kẹt giữa trục quay của chảo.

Ngay ở xã Khánh Hòa còn có một nạn nhân nữa là chị Võ Thị Bích cũng bị trục quay của chảo cuốn vào, quật chết ngay trong lúc trộn cám nấu thức ăn. Còn ở xã Mỹ Phú kế bên, mới đây có anh Nguyễn Đức Long (22 tuổi) tử vong khi bị lọt vào chảo nấu thức ăn, để lại nhiều đau khổ cho người thân bởi anh là con trai duy nhất trong nhà.

Người dân ấp Hòa Tây 1, xã Phú Bình, Phú Tân (An Giang) vẫn còn đầy thương cảm khi kể về cái chết của người vợ một gia đình nghèo ở nơi khác đến làm thuê nuôi cá tra. Trong lúc đang làm, chị vợ bị trục quay quấn mái tóc vào chảo nấu. Khi chồng tắt được máy, trục ngừng quay thì thân thể người vợ đã mềm nhũn, bê bết máu, tử vong. Quá đau đớn, sau đó người chồng dắt đứa con mới lên 5 bỏ đi nơi khác.

Ngoài ra, ở An Giang còn có rất nhiều người bị tàn phế vì chảo chế biến thức ăn nuôi cá, trong đó có anh Trần Văn Đức, nuôi cá ở Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú). Anh gặp tai nạn khi đang xúc cám thì chiếc len xới bị vướng vào bộ phận quay làm anh ngã dúi vào chảo. Anh may mắn thoát chết nhưng bị gãy năm xương sườn, giãn khớp bả vai và giập nát phần đầu bàn chân phải. Gia đình đã tốn kém 60 triệu đồng để lo phẫu thuật, chữa trị mà đến nay anh đi lại vẫn khó khăn, không làm lụng gì được nữa.

Còn chị Võ Thị Bụp, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, chỉ vì một chút sơ sẩy cũng bị trục quay của chảo nấu quấn lấy gây chấn thương nặng lồng ngực, cánh tay trái nát nhừ, vỡ hàm, gãy bốn răng, tốn kém 50 triệu đồng chữa trị nhưng phải tháo khớp một cánh tay.

Câu 2: Viết một bài văn phân tích cách triển khai của văn bản.

Trả lời:

          Văn bản “Phải coi luật pháp như khí trời để thở” là một văn bản thông tin khác với thông thường, dùng các câu chuyện để truyền tải nội dung. Vì thế, các trình bày, triển khai của văn bản là một điều đáng lưu ý.  Chúng ta sẽ đi qua từng phần của văn bản để phân tích, nhận xét.

          Văn bản là một tập hợp các câu chuyện để từ đó làm gia tăng giá trị của thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, đó là cần phải thượng tôn pháp luật. Đề mục của văn bản cũng được thiết kể để góp phần truyền tải nội dung đó. Gộp các đề mục lại, ta thấy nó dạng như một câu với 3 đề mục đầu nêu ra lí lẽ, dẫn chứng và đề mục cuối là kết luận. Phần sapo không khái quát nội dung văn bản mà lấy ý từ câu chuyện đầu tiên để kích thích người đọc.

          Phần đầu tiên, tác giả kể về các câu chuyện có liên quan đến an toàn lao động. Tiếp nối ngay ý ở phần sapo, tác giả kể về chuyện chỉ vì bất cẩn không dập tắt hoàn toàn điếu thuốc mà suýt nữa gây ra hoả hoạn to, may sao vẫn kịp dập tắt. Với câu chuyện này, tác giả đã bắt đầu cho người đọc thấy tác hại của việc không đảm bảo an toàn lao động. Câu chuyện thứ hai cũng ở mỏ Bạch Hổ giúp người đọc nhìn nhận thêm về an toàn lao động. Việc tác giả nêu lời nhận xét của công nhân, kĩ sư Nga và đưa ra lời đánh giả của bản thân giúp người đọc thấy được một vấn đề thường thấy trong lao động của người Việt là “ý thức kỉ luật chưa cao, đặc biệt là an toàn lao động kém”.

          Phần thứ hai, tác giả nói về tai nạn giao thông, một vấn đề rất nhức nhối trong xã hội hiện nay. Ở đây tác giả đã chọn được một câu chuyện có tính tác động cao. Câu chuyện một người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở Hà Nội và còn được học tiếp thạc sĩ mà lại chết trong tai nạn giao thông do ý thức kém của mình vừa thể hiện được thông điệp là phải tuân thủ pháp luật vừa chỉ ra một vấn đề, đó là ngay cả những người học giỏi cũng vi phạm pháp luật. Câu chuyện vì thế mà vừa có sự thương cảm vừa có sự chê trách. Tiếp đó, tác giả đưa ra các con số cho thấy tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam, kết hợp với sự tưởng tượng ở câu cuối “mỗi năm tai nạn giao thông xoá sổ dân số của hai xã cỡ trung bình”, điều này góp phần đắc lực cho việc thể hiện nội dung của văn bản.

          Ở phần thứ ba, tác giả tiếp tục nêu lên một hành vi vi phạm pháp luật nữa, đó là đùa cợt không đúng nơi đúng lúc, gây ra nhiều thiệt hại. Câu chuyện hành khách nổi hứng doạ trên máy bay có lựu đạn được tác giả lấy làm cơ sở để chỉ trích hai vấn đề. Thứ nhất, đó là ý thức pháp luật yếu kém của người dân, ngay cả là những người làm về văn hoá. Ý này cũng tương tự ý ở phần hai, chỉ trích những người có ăn có học đàng hoàng mà lại vi phạm pháp luật. Thứ hai, đó là việc xử phạt của nhà nước chưa nghiêm minh, khiến cho người dân không sợ làm những việc sai trái. Có thể thấy là tác giả đã chỉ ra được vấn đề mà ít người chú ý, từ đó cũng cải thiện chất lượng của bài viết.

          Phần thứ tư là phần cuối cùng và vì thế tính chất của vấn đề cũng được đẩy lên cao hơn. Câu chuyện tấm biển tuy ngắn gọn nhưng lại có sức truyền đạt cao, nó giống như một câu chuyện hài châm biếm sâu cay: Tại sao lại cần có một khẩu hiệu thúc dục mọi người tuân thủ pháp luật trong khi đó là điều hiển nhiên. Sang đến câu chuyện về công viên văn hoá Đầm Sen, tác giả không tiếp tục nói về tác hại của vi phạm pháp luật mà nói về hiệu quả của tuân thủ pháp luật. Điều này cho người đọc thấy được ý nghĩa của việc tuân thủ pháp luật. Cuối cùng, tác giả đi đến khẳng định những vấn đề về pháp luật. Có thể thấy, ở phần này, với những câu chuyện mới lạ hơn, tác giả đã củng cố thêm được nội dung của văn bản.

          Trong văn bản, với cách triển khai độc đáo bằng cách câu chuyện, đi kèm với các số liệu cụ thể, tác giả đã truyền tải đi một thông điệp quan trọng như đã nêu ra ở nhan đề “Phải coi luật pháp như khí trời để thở”. Đây là một vấn đề có tính thiệt thực, có ý nghĩa thời sự đối với cuộc sống của chúng ta hiện nay. Ngoài ra văn bản cũng cho ta thấy được đặc trưng của yếu tố tự sự trong văn bản thông tin.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 cánh diều Bài 4 Đọc 1: Phải coi luật pháp như khí trời để thở

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Ngữ Văn 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay