Câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối Ôn tập Bài 4: Giai điệu đất nước (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 4: Giai điệu đất nước. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 4

GIAI ĐIỆU ĐẤT NƯỚC

Câu 1: Nêu một vài hiểu biết về tác giả Vũ Quần Phương.

Trả lời:

- Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, bút danh khác còn có Ngọc Vũ, Phương Viết, quê Nam Định.

- Ông làm bác sĩ y khoa đồng thời là nhà thơ, nhà phê bình văn học, trưởng ban biên tập văn học của NXB Văn học, chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, tổng biên tập báo Người Hà Nội, chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam, phó tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp.

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Cỏ mùa xuân (1966); Hoa trong cây (1977); Những điều cùng đến (1983); Vầng trăng trong xe bò (1988); Vết thời gian (1996); Quên chữ... quên câu (2000); Giấy mênh mông trắng (2003); Chỗ ấy sóng (2008)

Câu 2: Nêu cảm nhận chung của em về bài thơ Đường núi trước và sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương.

Trả lời:

- Cảm nhận của em bài thơ Đường núi trước khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương:

+ Em nhận thấy cảnh núi non hiện ra thật đẹp qua tấm lòng yêu đất đai, thôn bản, quê hương tha thiết của tác giả Nguyễn Đình Thi.

- Cảm nhận của em bài thơ Đường núi sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương:

+ Sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương em càng hiểu và thấm hơn những giá trị nghệ thuật của bài thơ Đường núi.

Câu 3: Phân tích Nét ấn tượng của bài bình thơ Đường núi

Trả lời:

- Tác giả như muốn nói hết nỗi lòng của Nguyễn Đình Thi

- Ông cố gắng dùng những ngôn từ hay nhất để phân tích bài thơ:

+ Cái từ trường cảm xúc thu hút, sắp xếp các hình ảnh

+ Tình cảm say đắm đồng đất, núi rừng làng mạc nước non mình

+ Ánh nhìn rơi vào đâu cũng thấy rung rinh, xao xuyến, bay múa, ca hát

Câu 4: Ấn tượng của em về bài bình thơ của Vũ Quần Phương

Trả lời:

- Bài bình thơ đã gây được ấn tượng đối với em thông qua việc tác giả nhận ra được sự say đắm lòng người trong bài thơ.

- Câu khiến em phải suy ngẫm sâu hơn về bài thơ: “Có chữ nào nói sự say đắm của lòng người đâu. Không nói nhưng ta nghe được trong nhịp điệu của câu thơ, trong cái nhìn ngất ngây với sương mây, rì rào với tiếng suối.”

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về bài bình thơ Bài thơ Đường núi của Nguyễn Đình Thi

Trả lời:

Bài bình thơ của Vũ Quần Phương giúp em tiếp nhận bài thơ ở nhiều khía cạnh hơn, cảm nhận của tác giả thực sự sâu sắc và đủ đầy về những khía cạnh dù nhỏ nhất của bài thơ. Những câu cuối của bài bình thơ khiến em ấn tượng hơn cả: “Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả. Đường vắng mà lòng vui. Đi một mình mà lòng như ca hát.” Dường như tác giả của bài bình thơ đã hóa thân, làm một nhân vật trong bức tranh thơ để cảm nhận một cách tinh tế nhất những thanh âm trong trẻo và cảm xúc dạt dào mà bài thơ đã gợi ra. Điều đó cũng cho em thấy nếu muốn cảm nhận được rõ nét một tác phẩm văn chương, ta phải hóa thân vào trong tác phẩm để cảm nhận rõ nét và đầy đủ nhất những cảm xúc văn chương dạt dào của người nghệ sĩ.

Câu 6: Lí do Vũ Quần Phương khẳng định: “Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả.”

Trả lời:

Vũ Quần Phương khẳng định như vậy vì nếu không cảm nhận hết được cái tài của Nguyễn Đình Thi, ta chỉ nghĩ đơn thuần rằng bài thơ này là miêu tả về thiên nhiên đường núi, chứ không hề mang một không khí trong tâm hồn tác giả.

Câu 7: Theo em, có mấy cách giải thích nghĩa của từ?

Trả lời:

 Có hai cách giải thích nghĩa của từ:

 – Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.

 – Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

Câu 8: Tác dụng của dấu câu là gì?

Trả lời:

Tác dụng: làm rõ trên mặt chữ viết một cấu tạo ngữ pháp, bằng cách chỉ ranh giới giữa các câu, giữa các thành phần của câu đơn, giữa các vế của câu ghép, giữa các yếu tố của ngữ và của liên hợp. Nói chung, nó thể hiện ngữ điệu lên trên câu văn, câu thơ. Cho nên, có trường hợp nó không phải chỉ là một phương tiện ngữ pháp, mà còn là phương tiện để biểu thị những sắc thái tế nhị về nghĩa của câu, về tư tưởng, về cả tình cảm, thái độ của người viết.

Câu 9: Dấu ngoặc kép trong các câu văn sau được dùng để là gì?

  1. Sau khi đến được ba ngày, anh hỏi tôi: "Anh Dân, anh có biết chữ quốc ngữ không?". Tôi hơi thẹn nhưng trả lời thành thật: "Không, tôi không biết".

  2. Chế độ ta là chế độ mới, nhân dân ta đang trau dồi đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa của những người lao động "ta vì mọi người, mọi người vì ta".

(Hồ Chí Minh)

  1. Chúng đề xướng nào là văn nghệ "chủ quan", "viễn kiến", nào là triết lí "duy linh"…

Trả lời:

  1. Dấu ngoặc kép được dùng để đánh dấu ranh giới của một lời nói được thuật lại trực tiếp

  2. Dấu ngoặc kép được dùng để thuật lại một danh ngôn, một khẩu hiệu

  3. Dấu ngoặc kép được dùng để thể hiện thái độ mỉa mai

Câu 10: Giải thích công dụng có dấu ngoặc kép trong những đoạn trích sau

  1. a) Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”.

  2. b) Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

  3. c) Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn.

  4. d) Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “An-nam-mít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”.

  5. e) Nguyễn Du đã thuật lại cảnh Hồ Tôn Hiến nghe đàn:

Nghe càng đắm, ngắm càng say

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.

Cái thứ “mặt sắt” mà “ngây vì tình” ấy quả không lấy gì làm đẹp!

Trả lời:

  1. a) Dấu ngoặc kép dùng để trích dẫn lời nói trực tiếp (lời trực tiếp của con chó Vàng được lão Hạc tưởng tượng ra)

  2. b) Dấu ngoặc kép dùng với ý mỉa mai, châm biếm: kẻ hầu cận ông Lý bị một người đàn bà đánh cho hết sức dễ dàng

  3. c) Dấu ngoặc kép trích từ ngữ được mượn từ lời người khác trong chuỗi lời nói của người viết.

  4. d) Dấu ngoặc kép được tách từ ngữ tác giả mượn lời người khác trong bài viết của mình, dùng hàm ý mỉa mai.

  5. e) Dấu hai chấm trích dẫn từ ngữ từ lời nói trực tiếp của người khác vào bài của mình.

Câu 11: Đặt dấu ngoặc kép vào những chỗ thích hợp để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc ý nghĩa của nhân vật trong đoạn văn sau

Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: Phải nói ngay điều này để thầy biết. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thầy trước phòng họp và xin gặp thầy. Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, dịu dàng, ra vẻ người lớn: Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này.

Trả lời:

Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: “Phải nói ngay điều này để thầy biết”. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thầy trước phòng họp và xin gặp thầy. Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, dịu dòng, ra vẻ người lớn: “Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này”.

Câu 12: Viết một đoạn văn khoảng 5 câu thuật lại một phần cuộc họp của tổ em, trong đó có dùng dấu ngoặc kép để dẫn lời nói trực tiếp hoặc đánh dấu những từ ngữ có ý nghĩa đặc biệt.

Trả lời:

Mở đầu cuộc họp, bạn Hằng tổ trưởng, với gương mặt “lạnh lùng” đầy vẻ nghiêm trọng làm cho tất cả thành viên trong tổ “thót tim” khi nói: “Mình có một chuyện rất quan trọng cần thông báo. Đề nghị các bạn "bình tĩnh” nghe mình nói". Vài ý nghĩ khẽ lướt qua đầu chúng tôi, đứa nào cũng phỏng đoán một chuyện chẳng lành và im lặng, chăm chú nghe. Hồng nói tiếp : "Tuần này tổ ta xếp hạng nhất, lại là tổ đạt nhiều điểm tốt nhất, hoàn thành tốt các bài tham dự cuộc thi tìm hiểu về Đội do trường tổ chức. Đúng như lời cô chủ nhiệm đã hứa, chúng ta sẽ được cô dẫn đi ăn kem” Thông báo xong, Hằng làm một bộ điệu rất vui, chúng tôi thở phào, không khí như muốn vỡ òa,... Tổ trưởng lúc nào cũng tạo điều bất ngờ như thế.

Câu 13: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một chiếc bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con

(Mèo con đi học – Phạn Thị Vàng Anh)

  1. Bài thơ trên đã nhân hóa con vật nào?

  2. Con vật đó đã được nhân hóa bằng cách nào?

  3. Việc sử dụng biện pháp nhân hóa như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

  1. Bài thơ đã nhân hóa chú mèo

  2. Chú mèo được nhân hóa bằng cách gán cho chú những hoạt động của con người. Chú ta cũng phải đi học và sửa soạn, mang theo bút chì, bánh mì giống như các bạn nhỏ khác

  3. Tác dụng: giúp hình ảnh chú mèo trở nên sinh động, đáng yêu hơn, giúp cho bài thơ trở nên hấp dẫn và thú vị hơn

Câu 14: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng

Tiếng ai vút đầu bông lúa chín

Gió dìu vương xao xuyến bờ tre

Trả lời:

Tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa “gió dìu vương, xao xuyến”

Tác dụng: làm cho sự vật trở nên sinh động, có hồn, có tâm tư, tình cảm. Gió dường như vẫn biết vấn vương, xao xuyến tiếng hò vang vọng cả đồng quê của con người.

Câu 15: Giải thích nghĩa của từ tắm trong dòng thơ: Ao làng trăng tắm, mây bơi. Chỉ ra sự khác biệt về nghĩa của từ tắm trong ngữ cảnh này với từ tắm trong câu:” Mẹ đang tắm cho bé”

Trả lời:

+ Từ tắm được sử dụng trong dòng thơ: Ao làng trăng tắm, mây bơi chỉ hình ảnh mặt trăng in hình xuống làn nước, gợi cảm giác như trăng đang ngâm mình trong nước

+ Còn từ tắm trong câu Mẹ đang tắm cho bé chỉ hành động dội nước lên người hoặc ngâm mình trong nước cho sạch sẽ, mát mẻ.

Câu 16: Các từ “kim cương”, “ngôi sao sáng” trong các câu thơ sau có phải là biện pháp tu từ ẩn dụ không? Phân tích giá trị?

“Nghe dào dạt mười bốn triệu Miền Nam đang tỉnh thức

Khôn! Ba mươi triệu kim cương của thiên hà Tổ quốc

Không! Hàng nghìn triệu ngôi sao sáng anh em đang chiếm lĩnh bầu trời

Hứa một mùa gặt lớn ngày mai.”

Trả lời:

– Những từ “Kim cương”, “ngôi sao sáng” trong đoạn trích là ẩn dụ để biểu thị những cái quý giá trong nhân phẩm, tính cách con người.

Câu 17: Viết một đoạn văn có sử dụng phép ẩn dụ và chỉ ra phép ẩn dụ được sử dụng trong đoạn văn

Trả lời:

" Tùng tùng tùng..." Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Những cô cậu học trò ùa ra sân như đàn ong vỡ tổ. Vài nhóm nữ sinh tụ tập dưới tán lá mát rượi của cụ bàng; từng cặp từng cặp bạn nam chơi đá cầu với nhau, trên vai ai nấy đều ướt đẫm ánh nắng; một đám học sinh khác lại ùa đến căn-tin ăn quà vặt;... Cảnh vui tươi, nhộn nhịp đó khó có người học trò nào quên được. Bởi sau mỗi giờ ra chơi lại khiến chúng tôi thấy tinh thần sảng khoái hơn, tràn trề sức lực để học tập tốt hơn.

Phép ẩn dụ: " ướt đẫm ánh nắng" ẩn dụ chuyển đổi cảm giác ( từ thị giác- xúc giác)

Câu 18: Nhan đề "Mùa xuân nho nhỏ" được cấu tạo bởi những từ loại nào? Việc kết hợp như vậy thể hiện nguyện vọng nào của tác giả?

Trả lời:

"Mùa xuân nho nhỏ" có cấu tạo danh từ (mùa xuân) kết hợp với tính từ (nho nhỏ) tạo ra sự hòa kết độc đáo mang ẩn dụ sáng tạo, giàu ý nghĩa góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, cùng ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.

    + Mùa xuân: mang nghĩa thực, chỉ mùa khởi đầu của năm, đây là mùa của sự sinh sôi, phát triển.

    + Mùa xuân còn mang ý nghĩa ẩn dụ khi chỉ những thứ đẹp, tinh túy nhất của sự sống và cuộc đời mỗi người, mùa xuân còn tượng trưng cho tuổi trẻ, trí tuệ và sức trẻ nhiệt huyết.

    + Từ láy nho nhỏ thể hiện sự giản dị, khiêm nhường.

→ Đặt nhan đề tác phẩm là "Mùa xuân nho nhỏ", tác giả muốn thể hiện sự khiêm nhường, chân thành trong nguyện ước giản dị và tha thiết được cống hiến sức của mình vào những điều tốt đẹp của đất nước. Nhan đề cũng thể hiện sự hòa quyện cái chung và cái riêng, giữa cá nhân với cộng đồng.

Câu 19: Cảm nhận của em về bức tranh xuân xứ Huế?

Trả lời:

Mùa xuân – khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong năm. Trong bức tranh Mùa xuân nho nhỏ, Nhà thơ Thanh Hải chọn những màu sắc, hình ảnh rất đặc trưng của xứ Huế vào xuân: hoa tím, sông xanh, chim chiền chiện với đầy đủ sắc, thanh tươi mới và tràn đầy hứng khởi. Là dòng sông trải rộng như tấm gương khổng lồ phản chiếu sắc xanh từ bầu trời cao rộng, là màu tím của lục bình đang nhẹ nhàng trôi trên dòng nước, đâu đó là sắc xanh non mới trổ của cành lộc trên lưng người chiến sĩ ra trận hay những nương mạ đang bừng tỉnh vươn cao những chồi lá. Một bức tranh với những gam màu sáng, làm sống dậy một không khí vui tươi trong những ngày đất nước vào xuân. Trong không gian cao rộng, thoáng đãng ấy là tiếng chim báo hiệu xuân về, một thanh âm trong trẻo, vang rộn khắp đất trời. Và trong khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy, tác đã đã hòa mình cùng thiên nhiên, đưa bàn tay để đón lấy “giọt long lanh” của đất trời. Đó có thể là giọt sương lấp lánh sớm mai hay giọt nắng xuân khẽ rơi bên thềm, nhưng theo mạch cảm xúc bài thơ có thể hiểu là giọt âm thanh đổ hồi của con chim chiền chiện. Hình ảnh có tính chất tượng trưng “tôi đưa tay tôi hứng” là thái độ yêu thương, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của đất trời. Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt tới mức tinh tế đáng khâm phục. Chắc hẳn trong lòng thi sĩ đang dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc đời. ? Nhà thơ đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Có thể nói, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và tràn đầy sức sống.

Câu 20: Em hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu làm rõ vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy.

Trả lời:

    Trước cảm hứng bất tận về mùa xuân tự nhiên đất trời, tác giả suy ngẫm về mùa xuân của đất nước, dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh và bảo vệ tổ quốc, tác giả dùng hai tính từ đặc tả đúng những khó khăn, gian khổ mà nhân dân ta đã vượt qua:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Sự “vất vả” và “gian lao” ở đây tác giả muốn nói tới chính là quá trình nước ta đi vượt qua khó khăn, thử thách để “cứ đi lên phía trước”. Hình ảnh lộc tràn ngập khắp khổ thơ cũng chính là sáng tạo nghệ thuật của tác giả khi nói về những lực lượng nòng cốt, chủ đạo giúp đất nước phát triển, vững bền. Hình ảnh “lộc” của người cầm súng khiến ta liên tưởng tới cành lá ngụy trang cũng như tương lai, sức sống và khát vọng thanh bình về quốc gia độc lập. Hình ảnh “lộc” của người ra đồng là hình ảnh những chồi non, mầm sống từ những cánh đồng quê hương. Từ “lộc” mang sức sống, niềm hy vọng ngày mai ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Nhà thơ tin tưởng, tự hào vào tương lai tươi sáng của đất nước dù trước mắt còn nhiều gian nan, thử thách.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay