Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối Bài 3: Văn bản đọc Người thầy đầu tiên

Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3: Văn bản đọc Người thầy đầu tiên. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 kết nối tri thức.

VĂN BẢN. NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

(22 câu)

1.    NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Nêu một vai nét về đặc điểm Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp.

Trả lời:

- Ai-ma-tốp (1928 - 2008) là nhà văn Cư-gơ-rư-xtan, một nước cộng hòa ở vùng trung Á, thuộc Liên Xô trước đây.

- Ông bắt đầu hoạt động sáng tác văn học từ năm 1952, khi ông còn là sinh viên.

- Đề tài chủ yếu trong tác phẩm của ông: cuộc sống khắc nghiệt nhưng cũng đầy chất lãng mạn của người dân vùng đồi núi Cư-rơ-gư-xtan…

- Một số tác phẩm như: Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên, Con tàu trắng…

Câu 2: Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” thuộc thể loại gì?

Trả lời:

Người thầy đầu tiên thuộc thể loại truyện vừa

Câu 3: Nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

Trả lời:

Người thầy đầu tiên là truyện vừa, sáng tác năm 1962, lấy bối cảnh cuộc sống ở một vùng Quê miền núi còn rất lạc hậu ở Cư-rơ-gư-đơ-xtan (Kyrgyzstan) vào những năm đầu thế kỉ XX. Nhân vật chính là An-tu-nai (Altyna), một cô bé mồ côi, phải sống với gia đình chú thím, bị đối xử tàn nhẫn,… Thầy Đuy-sen (Dyuishen) đã kiên trì dạy An-tu-nai học chữ; hết lòng bảo vệ và giúp An-tu-nai có cơ hội lên thành phố tiếp tục việc học hành. An-tư-nai rất yêu quý thầy Đuy-sen nhưng do hoàn cảnh, thầy trò phải xa cách rồi bật tin nhau. Mấy chục năm sau, An-tư-nai đã là một viện sĩ, trở về thăm làng và gặp lại người thầy đầu tiên của minh trong một tình huống rất éo le. Bà đã viết thư nhờ người hoạ sĩ đồng hương kể lại câu chuyện về thầy Đuy-sen như một hành động chuộc lỗi.

Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của tác phẩm là gì?

Trả lời:

PTBD: Tự sự

Câu 5: Văn bản được kể theo ngôi thứ mấy?

Trả lời:

Ngôi thứ nhất

Câu 6: Theo em, tác phẩm được chia làm mấy phần và nội dung chính mỗi phần là gì?

Trả lời:

Bố cục gồm 4 phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến “kể hết chuyện này”: Lời kể của người họa sĩ về bức thư của An-tư-nai.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “bước về làng”: Lần gặp mặt đầu tiên của thầy Đuy-sen và An-tư-nai.

+ Phần 3: Tiếp theo đến “thầy Đuy-sen giảng bài”: Hình ảnh thầy Đuy-sen trong kí ức của An-tư-nai.

+ Phần 4: Còn lại: Những trăn trở trong lòng người họa sĩ khi nghĩ về thầy Đuy-sen và An-tư-nai.

Câu 7: Em hãy tóm tắt tác phầm bằng một đoạn văn ngắn (7-8 dòng).

Trả lời:

Đoạn trích Người thầy đầu tiên là lời kể lại của người họa sĩ và An-tư-nai về một người thầy đầu tiên của họ và của cả ngôi làng. Đuy-sen là một người thầy tuyệt vời, không chỉ vận động các học sinh tới trường, thầy còn tự tay cõng các em nhỏ qua suối, không quản thời tiết lạnh buốt hay bị những kẻ cưỡi ngựa châm chọc. Thầy Đuy-sen quan tâm đến các học sinh và đặc biệt là An-tư-nai, mong cô bé có thể lên thành phố lớn học tập. Câu chuyện kể lại từ An-tư-nai khiến người họa sĩ đồng hương cảm thấy day dứt và muốn vẽ bức tranh thật đẹp về hai thầy trò.

2.    THÔNG HIỂU (7 câu)

Câu 1: Người kể chuyện ở đây phần (1) là ai?

Trả lời:

Người kể chuyện ở phần (1) là tác giả - họa sĩ.

Câu 2: Người kể chuyện ở phần (4) là ai?

Trả lời:

Người kể chuyện ở phần (4) là người kể chuyện ở phần (1) - tác giả - họa sĩ.

Câu 3: Người kể chuyện băn khoăn, trăn trở về điều gì?

Trả lời: 

Người kể chuyện băn khoăn, trăn trở về tác phẩm dở dang của mình, sợ rằng nó sẽ chẳng ra gì hết.

Câu 4: Các nhân vật người kể chuyện trong đoạn trích có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Các nhân vật người kể chuyện trong đoạn trích có mối quan hệ đồng hương với nhau. Họ đều sinh ra và lớn lên ở làng Ku-ku-rêu; hiện cùng sống ở Mát-xcơ-va và có quen biết nhau. Họ cùng được mời về dự lễ khánh thành ngôi trường mới của quê hương.

Câu 5: Qua cuộc trò chuyện giữa các bạn nhỏ và thầy Đuy-sen ở phần (2), em hình dung như thế nào về hoàn cảnh sống của An-tư-nai?

Trả lời:

Qua cuộc trò chuyện giữa các bạn nhỏ và thầy Đuy-sen ở phần (2), có thể thấy hoàn cảnh sống của An-tư-nai rất khó khăn (nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, ở với chú thím), khắc nghiệt (chịu đựng lạnh giá để đến lớp).

Câu 6: An-tư-nai đã dành cho thầy Đuy-sen tình cảm như thế nào? Nhờ "người thầy đầu tiên" ấy, cuộc đời An-tư-nai đã thay đổi ra sao?

Trả lời:

 - An-tư-nai rất quý mến và muốn thầy Đuy-sen là anh ruột của mình.

- Nhờ "người thầy đầu tiên" ấy, An-tư-nai cố gắng học tập và trở thành một viện sĩ.

Câu 7: Ở phần (4), nhân vật họa sĩ đã có những ý tưởng gì cho bức tranh vẽ thầy Đuy-sen? Em ủng hộ ý tưởng nào của họa sĩ?

Trả lời:

- Ở phần (4), nhân vật họa sĩ đã có những ý tưởng gì cho bức tranh vẽ thầy Đuy-sen:

+ Vẽ hai cây phong của Đuy-sen và An-tư-nai

+ Vẽ một đứa bé đi chân không, da rám nắng, trèo lên cao và ngồi lên một cành phong, đôi mắt hân hoan nhìn vào cõi xa xăm kì ảo.

+ Vẽ bức tranh đề là "Người thầy đầu tiên", có thể là lúc thầy Đuy-sen bế trẻ con qua con suối và cạnh đấy, trên những con ngựa no nê hung dữ, những con người đần độn, mũ lông cáo đỏ đi qua đang chế giễu ông.

+ Vẽ thầy Đuy-sen tiễn An-tư-nai lên tỉnh.

- Em ủng hộ quyết định vẽ bức tranh đề là "Người thầy đầu tiên", là lúc thầy Đuy-sen bế trẻ con qua con suối.

3.    VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Nội dung chính của văn bản Người thầy đầu tiên?

Trả lời:

Văn bản "Người thầy đầu tiên" kể về thầy giáo Đuy-sen hết lòng vì học trò và cô học trò An-tư-nai thông minh, lanh lợi. Thầy giáo Đuy-sen không chỉ là một người thầy mà còn của người cha có tấm lòng cao cả. Văn bản đã thành công khắc họa nên một câu chuyện tuyệt đẹp về tình thầy trò, đồng thơi phản ánh một cách chân thực chế độ phong kiến lạc hậu với những quan niệm sai trái, không kém phần nặng nề.

Câu 2: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Người thầy đầu tiên?

Trả lời:

  • Giá trị nội dung:

Tác phẩm kể về tình cảm của An Tư Nai dành cho người thầy đầu tiên của mình Đuy-sen

  • Giá trị nghệ thuật:

- Độc đáo trong sự thay đổi ngôi kể, người kể chuyện trong từng phần đoạn trích

-  Mang đến giá trị nhân đạo sâu sắc

Câu 3: Em hãy đọc kĩ phần (3) của đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:

  1. Hình ảnh thầy Đuy-sen hiện lên qua lời kể, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật nào?
  2. Những chi tiết tiêu biểu nào được nhà văn sử dụng để khắc họa nhân vật thầy Đuy-sen?
  3. Khái quát đặc điểm tính cách nhân vật thầy Đuy-sen.

Trả lời:

  1. Hình ảnh thầy Đuy-sen hiện lên qua lời kể, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật An-tư-nai.
  2. Những chi tiết tiêu biểu nào được nhà văn sử dụng để khắc họa nhân vật thầy Đuy-sen:

+ Thầy Đuy-sen cõng, bế các bạn nhỏ qua suối để đi học.

+ Thầy Đuy-sen kể chuyện vui để các bạn nhỏ quên hết mọi sự.

+ Thầy Đuy-sen lấy đá và những tảng đất cỏ đắp thành các ụ nhỏ trên lòng suốt để bước qua cho khỏi bị ướt chân.

+ Khi An-tư-nai bị ngã ở suối, thầy đỡ An-tư-nai lên, đỡ lên bờ, lót chiếc áo choàng cho An-tư-nai ngồi và chăm sóc, sau đó một mình làm hết việc lấy đá và những tảng đất cỏ đắp thành các ụ.

+ Ghi nhớ từng hành động nhỏ của học trò: đoán được An-tư-nai trút lại ki-giắc ở trường.

+ Mong cho học trò được đi học ở thành phố.

  1. Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Đuy-sen:

+ Có tấm lòng nhân từ, ý nghĩ tốt lành

+ Yêu mến trẻ nhỏ, mong cho các em được học hành đến nơi đến chốn

+ Kiên trì, chịu khó

Câu 4: Tìm các chi tiết trong truyện "Người thầy đầu tiên" cho thấy thầy giáo rất quan tâm, chăm sóc học sinh.

Trả lời:

+ Thầy bế các em qua suối: lưng thì cõng, tay thì bế.

+ Thầy đi chân không, làm không ngơi tay. 

+ Khi thấy An-tư-nai ngã, thầy quẳng tảng đá trên tay, nhảy ngay lại, đỡ lên, rồi bế chạy lên bờ, lót chiếc áo choàng đặt An-tư-nai vào đó. 

+ Thầy xoa hai chân, bóp chặt đôi tay lạnh cóng và đưa lên miệng hà hơi ấm.

Câu 5: Theo em, cách nhà văn thay đổi kiểu người kể chuyện ở các phần trong đoạn trích có tác dụng gì?

Trả lời:

Theo em, cách nhà văn thay đổi kiểu người kể chuyện ở các phần trong đoạn trích có tác dụng giúp câu chuyện đa dạng điểm nhìn, có tính đa thanh.

4.    VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) kể lại nội dung của phần (1) hoặc phần (4) văn bản Người thầy đầu tiên bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba.

Trả lời:

      Mùa thu năm ngoái tôi nhận được một bức điện từ làng tôi gửi đến, mời về dự buổi khánh thành ngôi trường mới do nông trường xây dựng. Cả bà viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va cũng được mời đến. Tôi nghe nói bà đã về đây một hai hôm rồi đi thẳng lên Mát-xcơ-va. Bà đã gửi một bức thư cho tôi để nhờ chia sẻ về câu chuyện của bà, gắn liền với ngôi trường. Bức thư ấy đã khiến tôi trăn trở mấy ngày hôm nay.

Câu 2: Chi tiết nào trong truyện "Người thầy đầu tiên" khiến em cảm động nhất? Vì sao?

Trả lời:

Không chỉ là người trực tiếp giảng dạy, ngày ngày, thầy Đuy-sen còn bế các em qua suối, lưng thì cõng, tay thì bế để các em nhỏ có thể an toàn tới trường học. Ngay cả khi bọn nhà giàu ngu xuẩn, bộ mặt láo xược lên mặt chế giễu, cười cợt, thầy vẫn lạc quan kể chuyện vui cho học sinh quên đi mọi sự. Chi tiết này thể hiện thầy là người có học thức, có sự nhẫn nại. Không chỉ không quan tâm, đôi co với những kẻ thiếu hiểu biết, thầy Đuy-sen còn không muốn học trò của mình bị ảnh hưởng bởi những câu nói của họ, tâm trạng không bị xấu đi.

 

Câu 3: Từ sự quan tâm, chăm sóc học sinh của thầy Đuy-sen, em hãy viết một đoạn văn (3-5 câu) trình bày suy nghĩ của em về tình thầy trò trong xã hội ngày nay.

Trả lời:

Mỗi người trong cuộc sống đều có những mối quan hệ, những tình cảm tốt đẹp đáng quý, đáng trân trọng. Một trong những tình cảm đẹp đẽ nhất, đáng trân trọng nhất chính là tình cảm thầy trò trong nhà trường. Tình thầy trò là sự yêu thương, ân cần dạy bảo của người thầy với mong muốn học sinh của mình trở thành những con người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, tình thầy trò còn là sự biết ơn, lòng kính trọng, yêu mến của người học sinh với thầy cô giáo đã giảng dạy mình. Tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất trong xã hội. Thầy cô giáo là những con người xa lạ nhưng mang sứ mệnh dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và giúp đỡ học sinh học tập cũng như rèn luyện nhân cách và phẩm chất của người học sinh. Người học sinh lớn lên và trở thành những con người có ích cho xã hội cũng là nhờ vào một phần không nhỏ công lao dạy dỗ của người thầy, chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải biết ơn, kính trọng những người đó bằng tấm lòng chân thành nhất vì không có họ sẽ khó có thành công của mình. Tình thầy trò không chỉ khiến cho xã hội phát triển văn minh hơn mà nó còn góp phần trau dồi, nuôi dưỡng tâm hồn cho con người. Mỗi người có thể chung người thầy hoặc khác người thầy dạy dỗ, nhưng một điều nhất định chúng ta phải cùng nhau hướng đến đó là tình yêu thương, sự kính trọng và hành động đền ơn đáp nghĩa đối với người thầy. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng của tình thầy trò khiến cho tình cảm vốn dĩ cao đẹp này mất đi giá trị của nó. Lại có nhiều trường hợp thầy cô đánh đập học sinh, học sinh vô lễ với thầy cô giáo của mình,… những trường hợp này đáng bị xã hội lên án để mọi người cảnh tỉnh. Đời người ngắn lắm, mỗi chúng ta có một quỹ thời gian hữu hạn, chính vì thế hãy luôn sống hướng đến những điều tốt đẹp và có hành động đền ơn đáp nghĩa đối với người đã dạy dỗ mình nên người.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay