Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối Bài 1: Văn bản đọc Bầy chim chìa vôi

Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1:  Văn bản đọc Bầy chim chìa vôi. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 kết nối tri thức.

VĂN BẢN. BẦY CHIM CHÌA VÔI

(15 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (4 CÂU)

Câu 1. Việc tác giả Nguyễn Quang Thiều sử dụng ngôi kể thứ ba trong văn bản Bầy chim chìa vôi có tác dụng gì?

Trả lời:

Tác dụng là người kể chuyện có thể tái hiện một cách khách quan về các sự việc và nhân vật, đồng thời cũng có cái nhìn khái quát về câu chuyện.

Câu 2: Em có nhận xét gì về tình cảm giữa hai anh em Mên và Mon trong văn bản Bầy chim chìa vôi?

Trả lời:

Tình cảm giữa hai anh em: Gắn bó khăng khít, yêu thương, tin tưởng nhau:

  • Mon tin cậy anh, chia sẻ với anh mọi suy tư, lo lắng của mình.
  • Mên mặc dù có đôi lúc thiếu nhẫn nại trước những câu hỏi của Mon nhưng luôn bên cành và đồng hành cùng em.

Câu 3: Ghi lại ngắn gọn những thông tin chính của truyện Bầy chim chìa vôi (đề tài, ngôi kể, bối cảnh câu chuyện, nhân vật chính)?

Trả lời:

  • Đề tài: Tình yêu thiên nhiên của tuổi thơ
  • Ngôi kể: Người kể chuyện ngôi thứ ba
  • Bối cảnh: Đêm mưa lớn, nước sông dâng nhanh, dải cát nơi có bầy chim chia vôi non trú ngụ ngập dần trong nước.
  • Nhân vật chính: Mên, Mon và bầy chim chìa vôi.

Câu 4: Em hãy kể ra các sự việc chính trong văn bản Bầy chim chìa vôi của tác giả Nguyễn Quang Thiều?

Trả lời:

Những sự việc chính gồm:

  1. Anh em Mên và Mon trò chuyện trong đêm mưa về bầy chim chìa vôi.
  2. Hai đứa trẻ quyết định ra bãi cát giữa sông để đem bầy chim chìa vôi vào bờ.
  3. Hai đứa chứng kiến những chú chim non cất cánh bay lên trong ánh bình minh, trước khi dòng nước khổng lồ nhấn chìm dải cát.

2. THÔNG HIỂU (6 CÂU)

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Hai đứa bé lại nằm im lặng. Mưa vẫn đổ xuống mái nhà và gió vẫn thổi vào phên cửa liếp cành cạch.

…..

- Hí hí. Thằng Mên bật cười khoái chí.

(Bầy chim chìa vôi, Nguyễn Quang Thiều)

  1. Em hãy thử đặt mình vào vai nhân vật Mon để lí giải hành động lấy trộm con cá bống mà bố mang về để thả ra cống sông.
  2. Qua chi tiết này, em cảm nhận được nét tính cách gì ở nhân vật Mon?

Trả lời:

  1. Vì Mon muốn giải thoát cho con cá, không muốn nó sẽ bị mang ra để nấu ăn. Đó cũng là con cá mà em đã từng chơi cùng, trò chuyện cung, coi nó như là một người bạn của mình vậy.
  2. Tính cách nhân vật Mon: hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu, giàu lòng nhân ái…

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về tình mẫu tử được gợi lên từ đoạn văn sau:

“Bỗng một con chim như đuối sức. Đôi cánh của nó chợt như dừng lại, nó rơi xuống như một chiếc lá. Con chim mẹ xòe rộng đôi cánh lượn quanh đứa trẻ con và kêu lên”.

(Bầy chim chìa vôi, Nguyễn Quang Thiều)

Trả lời:

Chi tiết thể hiện sự quan tâm, lo lắng, sát cánh bên đứa con của chim chìa vôi mẹ. Đồng thời, còn là sự cố gắng tạo ra thử thách, rèn luyện tính tự lập để chim non học cách biết bay và dần dần trưởng thành hơn. Từ đó ta thấy, câu văn nêu lên được tình mẫu tử thiêng liêng và cao đẹp…

Câu 3: Tìm trong văn bản những lời nói, hành động của nhân vật Mên và Mon đối với bầy chim chìa vôi non nơi dải cát giữa sông?

Trả lời:

Nhân vật

Mon

Mên

Lời nói

Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất.

Tổ chim sẽ bị chìm mất.

Hay mình mang chúng nó vào bờ

Tổ chim ngập mất anh ạ. Mình phải mang chúng vào bờ, anh ạ!...

Tao cũng sợ (khi nghe em bảo sợ bầy chim bị chết đuối).

Hành động

- Thức dậy lúc hai giờ sáng khi trời mưa to vì lo dải cát giữa sông ngập nước.

- Thuyết phục anh mang bầy chim vào bờ.

- Đứng không nhúc nhích nhìn dải cát.

- Khóc lúc nhìn thấy bầy chim thoát khỏi dòng nước.

- Cùng em mượn đò, tìm cách đến dải cát cứu bầy chim.

- Đứng không nhúc nhích nhìn bầy chim thực hiện chuyến bay đầu tiên.

- Khóc khi những cánh chim non hạ xuống lùm dứa dại bên bờ sông.

Câu 4: Trong cuộc trò chuyện của hai anh em Mon và Mên lúc nửa đêm, vì sao Mon nói nhiều lần về việc trời mưa to, nước sông dâng cao?

Trả lời:

Trong cuộc trò chuyện của hai anh em Mon và Mên lúc nửa đêm, Mon có nói với Mên nhiều lần về việc trời mưa to, nước sông đang ngày càng dâng lên cao vì Mon muốn gây sự chú ý của anh, muốn khơi gợi và nhắc anh nhớ đến những chú chim chìa vôi non ở ngoài bãi sông. Điều này thể hiện sự lo lắng của Mon dành cho những chú chim đang lạc lõng ngoài bầu trời mưa gió.

Câu 5: Hình ảnh chú chim chìa vôi non bứt ra khỏi dòng nước khổng lồ bay lên trong buổi bình minh hé rạng gợi trong em suy nghĩ gì?

Trả lời:

Hình ảnh này thể hiện cho sự bản lĩnh, ý chí, khát vọng sống, là nguồn sức mạnh giúp cho con người có thể vượt qua gian khổ và thử thách trong cuộc sống…

Câu 6: Em hãy nêu điểm giống và khác nhau của hai nhân vật Mon và Mên?

Trả lời:

- Giống nhau: Sống gần gũi, yêu thiên nhiên, nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn.

- Khác nhau:

  • Mon: Hồn nhiên, ngây thơ, luôn tò mò về thế giới xung quanh, tính cách nồng nhiệt.
  • Mên: Trầm tính, chín chắn, có ý thức trách nhiệm cao.

3. VẬN DỤNG (3 CÂU)

Câu 1: Theo em, vì sao hình ảnh “Từ mặt nước sông, những cánh chim bẻ bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên” được coi là “một cảnh tượng huyền thoại”?

Trả lời:

Hình ảnh “Từ mặt nước sông, những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên” thể hiện:

- Sự bứt phá ngoạn mục, vượt lên khó khăn giông bão, nguy hiểm cận kề của những chú chim chìa vôi non.

- Khung cảnh bình minh rực rỡ, huy hoàng, làm nổi bật những cánh chim bay lên khỏi dải cát.

- Cảnh tượng này đẹp đẽ, lãng mạn, huyền ảo như trong truyền thuyết…

=> Được coi là “một cảnh tượng huyền thoại”.

Câu 2: Trong văn bản Bầy chim chìa vôi (Nguyễn Quang Thiều), hai anh em Mon và Mên có cảm xúc như thế nào khi chứng kiến cuộc “cất cánh” của bầy chim chìa vôi non?

Trả lời:

Khi chứng kiến cuộc “cất cánh” của bầy chim chìa vôi non, hai anh em Mên và Mon có nhiều ảm xúc khác nhau:

  • Không kêu lên được một tiếng nào
  • Người như ngùn ngụt tỏa hơi nóng, im ắng,
  • Đứng không nhúc nhích, mặt tái nhợt, khóc…

=> Ngỡ ngàng, xúc động nghẹn ngào…

Câu 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn bản Bầy chim chìa vôi có gì đặc sắc?

Trả lời:

Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại (Mon – Mên)

Miêu tả tinh tế những cử chỉ, hành động, suy nghĩ của nhân vật.

=> Thể hiện sự thấu hiểu tâm lí trẻ em (Mên – người anh tỏ ra người lớn khi trò chuyện với em; Mon – sôi nổi, sốt sắng, tin tưởng anh).

4. VẬN DỤNG CAO (2 CÂU)

Câu 1: Theo em, vì sao khoảnh khắc, bầy chim chìa vôi non bay lên được coi là “đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng, đầu tiên và kì vĩ nhất trong cuộc đời”?

Trả lời:

Khoảnh khắc, bầy chim chìa vôi non bay lên được coi là “đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng, đầu tiên và kì vĩ nhất trong cuộc đời vì chuyến bay này có ý nghĩa quyết định đến sự sống con của chúng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, vượt lên bản thân để có thể cất cánh bay được. Đồng thời cũng thể hiện sự trưởng thành trong cuộc đời của mỗi chú chim.

Câu 2: Qua đoạn trích “Bầy chim chìa vôi” hãy viết 1 đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em về hình ảnh bãi sông.

Trả lời:

Hình ảnh bãi sông hiện lên trong buổi  bình minh thật nên thơ, bình dị có tác động sâu sắc đến cảm xúc của em. Đặc biệt phải kể đến đó là hình ảnh những chú chim chìa vôi con cất cánh bay lên “từ mặt sông những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên”. Đây được xem là một hình ảnh giàu sức tưởng tượng và liên tưởng. Những chú chim bé nhỏ dù vẫn còn yếu ớt cũng nhiều lần bị nước mưa làm ướt mình thế nhưng chúng vẫn mạnh mẽ bứt lên khỏi mặt nước dù còn nhiều bỡ ngỡ. Đó là sự đối lập giữa hình ảnh những chú chim nhỏ bé với sự mênh mông rộng lớn của dòng nước. Hình ảnh này đã mang lại cho nhiều sức gợi đó là sự dũng cảm, mạnh mẽ vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết của hoàn cảnh để tìm đến sự trưởng thành và bay xa hơn.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay