Câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối Ôn tập Bài 6: Bài học cuộc sống (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 6: Bài học cuộc sống. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 6

BÀI HỌC CUỘC SỐNG

Câu 1: Em hãy nêu một vài nét về tác giả Vũ Trinh.

Trả lời:

- Vũ Trinh (1759-1818)

- Tự là Duy Chu, hiệu là Nguyên Hanh Lan Trì Ngư Giả.

- Quê: trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh)

- Ông đỗ hương cống năm 17 tuổi, làm quan cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn

Câu 2: Tác phẩm “Con hổ có nghĩa” thuộc thể loại gì?

Trả lời:

Thể loại: Truyện truyền kỳ.

Câu 3: Tại sao trong truyện “Con hổ có nghĩa” tác giả lại chọn con hổ làm nhân vật chính trong truyện mà không chọn con vật khác như con hươu, con ngựa,…?

Trả lời:

Bởi vì con hổ vốn là một con vật hung dữ, dữ tợn. Chọn con hổ để nói chuyện ân nghĩa sẽ khiến cho tính chất ca ngợi, bài học đạo đức của câu chuyện trở nên sâu sắc hơn.

Câu 4: Trong câu chuyện thứ nhất, cách trả ơn, đáp nghĩa của hổ đực được thể hiện như thế nào? Điều đó thể hiện hổ là động vật như thế nào?

Trả lời:

- Cách trả ơn, đáp nghĩa của hổ đực: cung kính, lưu luyến, tặng bà một bọc bạc để bà sống qua năm mất mùa, đói kém

⇒ Hổ thủy chung, biết ơn và đền đáp ơn nghĩa cho người đã giúp đỡ mình

Câu 5: Trong “Con hổ có nghĩa”, truyện con hổ với bác tiều so với truyện con hổ với bà đỡ Trần có thêm ý nghĩa gì?

Trả lời:

Câu chuyện thứ hai có thêm nét đặc biệt: Con hổ trán trắng rất tình nghĩa và có tình cảm ân nghĩa thuỷ chung sâu sắc giống như con người. Khi bác tiều phu mất nó tới dụi đầu vào quan tài, gầm lên, chạy chung quanh như để nói lời tiễn biệt. Rồi hàng năm hổ còn mang dê hoặc lợn đến để giỗ bác.

Câu 6: Bài học nào được rút ra cho chúng ta từ câu chuyện “Con hổ có nghĩa”?

Trả lời:

Truyện “Con hổ có nghĩa” đề cao lối sống ân nghĩa trong đạo làm người: phải biết ơn người đã cứu giúp mình trong cơn hoạn nạn, ghi nhớ ân nghĩa ấy suốt đời.

Câu 7: Biện pháp tu từ nói quá là gì?

Trả lời:

Nói quá là biện pháp tu từ nhằm mục đích để có thể phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, sự việc, hiện tượng được miêu tả với mục đích tạo ấn tượng, tạo điểm nhấn và tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt. Nói quá còn có nhiều tên gọi khác như: khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng, phóng đại, cường điệu.

Câu 8: Chức năng biện pháp nói quá là gì?

Trả lời:

Biện pháp tu từ nói quá thường được dùng nhằm tạo ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho câu nói. Nó còn được sử dụng trong khẩu ngữ hằng ngày như: lo sốt vó, buồn nẫu ruột, khóc như mưa, ngã vỡ mặt hay nhiều câu nói quen thuộc khác. Không những thế, biện pháp tu từ này còn được dùng trong các tác phẩm văn học như các bài ca dao, châm biếm, anh hùng ca,... Đôi khi nó còn được kết hợp với các biện pháp tu từ khác để câu văn câu nói trở nên sinh động hơn.

Câu 9: Nêu ví dụ về biện pháp tu từ nói quá.

Trả lời:

Trong tác phẩm "Hịch tướng sĩ", Trần Quốc Tuấn đã sử dụng biện pháp tu từ nói quá trong câu: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.".

Câu 10: Tìm năm thành ngữ so sánh dùng biện pháp nói quá

Trả lời:

- Kêu như trời đánh.

- Dữ như cọp.

- Khỏe như voi.

- Ăn như lợn.

- Nhanh như chớp.

Câu 11: Sửa các câu dưới đây thành câu sử dụng biện pháp tu từ nói quá

(1), Anh ấy chạy rất nhanh.

(2), Trăng đêm nay thật sáng.

(3), Trời nóng quá, khiến người khác cảm thấy thật khó chịu.

(4), Hoa nhài nở rồi, đứng thật xa mà vẫn ngửi thấy mùi thơm.

(5), Chiếc xe này sạch sẽ, sáng bóng quá.

Trả lời:

(1), Anh ấy chạy rất nhanh, giống như một mũi tên vừa được bắn khỏi cung tên.

(2), Trăng đêm nay thật sáng, sáng đến nỗi không cần soi đèn vẫn có thể nhìn rõ người đường.

(3), Trời nóng đến nỗi đốt cháy khô cả người.

(4), Hoa nhài nở rồi, thơm đến nỗi mà cách xa 18 dặm vẫn ngửi thấy mùi thơm.

(5), Chiếc xe này sạch sẽ, sáng bóng đến nỗi soi thấy cả mụn trứng cả trên mặt tôi.

Câu 12: Phân biệt nói quá với nói khoác.

Trả lời:

- Phân biệt biện pháp tu từ nói quá và nói khoác:

+ Nói quá và nói khoác cùng là nói phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật hiện tượng được nói đến.

+ Nói quá mục đích nhấn mạnh, khẳng định, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm. Còn mục đích của nói khoác là làm cho người nghe tin vào những điều không có thực, hoặc để phô trương, khoe khoang.

Câu 13: Tục ngữ là gì?

Trả lời:

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền đạt, thường gieo vần lưng.

Câu 14: Nội dung của tục ngữ phản ánh điều gì?

Trả lời:

Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội loài người , hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc.

Câu 15: Bài “Một số câu tục ngữ Việt Nam” được chia làm mấy phần và nội dung chính là gì?

Trả lời:

+ Phần 1: 8 câu tục ngữ đầu : Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

+ Phần 2: Còn lại: Tục ngữ về con người và xã hội

Câu 16: Thành ngữ là gì?

Trả lời:

Thành ngữ là một tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ cấu tạo nên nó. Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca văn học tiếng Việt

Câu 17: Thành ngữ có những đặc điểm như thế nào?

Trả lời:

Thành ngữ có đặc điểm là tính hình tượng, được xây dựng dựa trên những hình ảnh cụ thể. Chúng có tính khái quát và hàm súc cao, được xây dựng từ các sự vật và sự việc. Tuy nhiên nghĩa của chúng không dựa vào những từ cấu tạo nên chúng. Thành ngữ thường mang một ý nghĩa rộng hơn, khái quát hơn và thể hiện được sắc thái biểu cảm

Câu 18: Vai trò của thành ngữ là gì?

Trả lời:

Thành ngữ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ,...

Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng và tính biểu cảm cao nên có thể dễ dàng bày tỏ, bộc lộ được tâm tư, tình cảm của người nói, người viết.

Câu 19: Em hãy tìm hiểu nguồn gốc của truyện ngụ ngôn.

Trả lời:

Một bộ phận truyện ngụ ngôn có nguồn gốc từ truyện kể loài vật. Đến khi con người có ý thức mượn truyện loài vật để nói về con người thì truyện ngụ ngôn xuất hiện.

Câu 20: Nội dung chính của truyện ngụ ngôn là gì?

Trả lời:

- Đả kích giai cấp thống trị: Khi chúa sơn lâm ngọa bệnh, Chèo bẻo và ác là, Mèo ăn chay...

- Phê phán thói hư tật xấu của con người: Ếch ngồi đáy giếng, Đeo nhạc cho mèo…

- Những bài học, kinh nghiệm rút ra từ thực tế cuộc sống: Thầy bói xem voi, Đẽo cày giữa đường, Mèo lại hoàn mèo…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay