Nội dung chính Công nghệ 12 Lâm nghiệp Thủy sản Kết nối Bài 18: Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến thức ăn thủy sản
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 18: Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến thức ăn thủy sản sách Công nghệ 12 - Lâm nghiệp - Thuỷ sản kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án Công nghệ 12 Lâm nghiệp - Thuỷ sản kết nối tri thức
BÀI 18: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN THỨC ĂN THỦY SẢN
I. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thức ăn thủy sản
1. Chế biến thức ăn thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra
- Trong công nghiệp chế biến cá tra, có khoảng 60% cơ thể cá không được sử dụng làm thực phẩm, bao gồm đầu, mỡ, da, nội tạng và xương. Những phế phụ phẩm này có chứa nhiều loại protein khác nhau. Các nhà khoa học đã tuyển chọn và sử dụng những loại enzyme thích hợp để thuỷ phân một số loại protein có trong phế phụ phẩm cá tra để chế biến thức ăn thuỷ sản giàu lysine.
- Quá trình chế biến thức ăn thuỷ sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra gồm các bước cơ bản:
Bước 1. Xử lí nguyên liệu: Phế phụ phẩm từ cá tra được làm sạch, loại bỏ tạp chất và các thành phần chứa nhiều lipid.
Bước 2. Làm nhỏ nguyên liệu: Tiến hành làm khô, nghiền nhỏ nguyên liệu thành dạng bột. Có thể trộn thêm một số loại bột khác (bột ngô, cám gạo,...).
Bước 3. Thuỷ phân: Phối trộn bột nguyên liệu ở bước 2 với enzyme, bổ sung nước sạch và ủ trong thời gian thích hợp để enzyme thuỷ phân protein trong nguyên liệu thành lysine.
Bước 4. Ép viên, sấy khô: Sản phẩm sau thuỷ phân được ép thành viên với kích cỡ khác nhau, sấy khô trong điều kiện thích hợp để duy trì chất lượng sản phẩm.
Bước 5. Đóng bao, bảo quản, tiêu thụ: Kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng bao, bảo quản trong kho hoặc đưa đi tiêu thụ.
2. Công nghệ lên men khô đậu nành
- Hiện nay, protein thực vật (đậu nành, đậu phộng, hạt bông vải,...) được sử dụng nhiều trong thức ăn thuỷ sản để thay thế protein bột cá nhằm giảm giá thành và giảm áp lực khai thác cá tự nhiên. Tuy nhiên, khi sử dụng protein thực vật có một số hạn chế như độ tiêu hoá thấp, thường chúa các chất kháng dinh dưỡng và độc tố, không cân đối về amino acid, thiếu lysine vȧ methionine.
- Quá trình lên men khô đậu nành làm thức ăn cho động vật thuỷ sản gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1. Nhân sinh khối vi sinh vật có lợi: Các vi sinh vật có lợi đã được tuyển chọn sẽ được nhận nuôi trong môi trường dinh dưỡng và điều kiện thích hợp để thu sinh khối.
Bước 2. Phối trộn: Tiến hành phối trộn hỗn hợp khô đậu nành với sinh khối vi sinh vật và môi trường lên men theo tỉ lệ thích hợp để tạo hỗn hợp nguyên liệu cho quá trình lên men.
Bước 3. Lên men: Hỗn hợp nguyên liệu ở bước 2 được lên men trong điều kiện và thời gian thích hợp để tạo ra chế phẩm.
Bước 4. Đánh giá chế phẩm: Tiến hành kiểm tra chất lượng chế phẩm (mật độ vi khuẩn, hoạt tính enzyme, khả năng ức chế vi sinh vật gây bệnh) phù hợp với yêu cầu.
Bước 5. Làm khô và đóng gói: Sấy chế phẩm ở 40 °C cho đến khi độ ẩm đạt từ 9% đến 11%. Đóng gói chế phẩm, bảo quản và sử dụng.
II. Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản thức ăn thủy sản
- Thức ăn thuỷ sản thường có hàm lượng protein cao nên rất dễ bị một số loại vi sinh vật gây hại. Vì vậy, trong quá trình bảo quản thức ăn thuỷ sản, con người đã bổ sung một số loại enzyme và chế phẩm vi sinh có khả năng ức chế nấm mốc, vi khuẩn, nhờ đó kéo dài thời gian bảo quản.