Nội dung chính Ngữ văn 9 cánh diều Bài 7: Nhật kí đô thị hoá

Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 7: Nhật kí đô thị hoá sách Ngữ văn 9 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.

Xem: => Giáo án ngữ văn 9 cánh diều

BÀI 7: THƠ TÁM CHỮ VÀ THƠ TỰ DO 

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: NHẬT KÍ ĐÔ THỊ HÓA

I. Tìm hiểu chung về văn bản

1. Đọc

- Cách đọc: tốc độ đọc chậm rãi, trôi chảy, không bỏ từ, thêm từ, đọc diễn cảm (ngữ điệu, ngắt nhịp, tốc độ, nhấn giọng…) để thể hiện được cảm xúc của nhân vật trữ tình.

- Câu hỏi trong thẻ chỉ dẫn:

Câu hỏi

Câu trả lời 

của tôi

Em hiểu nhan đề của bài thơ như thế nào?

Nhật kí đô thị hóa là ghi chép sự thay đổi cuộc sống khi quá trình đô thị hoá diễn ra. 

Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhân vật “tôi” – chính là tác giả. 

Biện pháp tu từ nào được dùng trong khổ thơ này?

Biện pháp tu từ so sánh: “Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt”.

2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

a. Tác giả

- Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Hiện sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng.

- Thơ ông nghiêng về lý trí, điêu luyện về dùng chữ, tân kỳ trong áp dụng các kỹ thuật trường phái thơ ca khác nhau; xử lý hài hòa giữa thành tựu thơ ca truyền thống và sự cách tân hiện đại.

b. Tác phẩm

- Nhật kí đô thị hóa sáng tác năm 1995, in trong tập thơ Cầu nguyện ban mai (1997), NXB Hải Phòng.

II. Khám phá văn bản

1. Bố cục, biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản Nhật kí đô thị hóa

a. Bố cục

Bài thơ gồm năm khổ thơ, chia làm ba phần. Nội dung chính của mỗi phần:

+ Phần 1 (khổ 1): Cảm nhận được “những bước chân đô thị”, người con trở về ngôi nhà của mẹ.

+ Phần 2 (khổ 2, 3): Người con hồi tưởng những kỉ niệm thời thơ ấu khi làng quê chưa đô thị hoá.

+ Phần 3 (khổ 4, 5): Những suy nghĩ của người con trước cảnh làng quê dần dần đô thị hoá.

b. Biện pháp tu từ

Biện pháp tu từ

Biểu hiện trong văn bản

Ý nghĩa

Nhân hóa

Gió đã chạy trên lưng mình những bước chân đô thị

Một liên tưởng mang dấu ấn siêu thực. Gió thổi trên lưng hay chính là những dấu vết của thị thành, không gian thị thành vây bọc xung quanh cái tôi trữ tình. Đây là hình ảnh biểu đạt tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như những bước đi của cơn gió.

So sánh

Ngôi nhà như chiếc bánh không nhân

Bóng tối như một niềm ăn năn sâu kín. Ký ức trở về với căn nhà của mẹ. Chiếc bánh không nhân như một nỗi niềm chông chênh, nhạt nhòa. Ngôi nhà của mẹ, của ký ức, của những mong nhớ, nuối tiếc, có lẽ giờ đây cũng như chiếc bánh không nhân trong hương vị thị thành. Nhận ra điều đó khiến cho tâm trạng của cái tôi trữ tình càng day dứt.

Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt

Trong không gian của làng quê nghèo khó, tù đọng, tiếng người, tiếng gọi, có thể là cả tiếng của sự sống cũng buồn như củi ướt. Liên tưởng thẩm mỹ này hình thành từ vốn sống của một kẻ đi ra từ làng, từ ký ức nông thôn và những nhen nhóm buồn bã.

Và ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên

Trong bóng tối ăn năn, cái tôi nhận ra mình, nhận ra bản mệnh một đứa con của làng, của nền văn minh lúa nước, của đất đai bao dung và nhẫn nại. Nỗi e dè có lẽ là cách diễn đạt về đặc tính tinh thần của con người nông nghiệp, con người Việt Nam (Văn Lang) từ truyền thống. E dè, ưa tĩnh lặng, trọng âm, duy tình, duy linh,… con người ấy tự thắp mình lên bằng nguồn sống nội tại, nguyên thuỷ. Ngôi nhà của mẹ lúc này trở thành một biểu tượng của sức sống, tinh thần, bản sắc và ý chí con người, cư dân nông nghiệp.

Ẩn dụ

Úp mặt vào bóng tối lùm cây

Hình ảnh “bóng tối lùm cây” gợi cho bạn đọc liên tưởng về quá khứ của quê hương, một vùng đất từ thời xa xưa đói nghèo, tăm tối. “Úp mặt vào bóng tối” để nhìn về quá khứ, hoài niệm dĩ vãng.

Từng kiếp người mở mắt... thấy đôi chân cò lội nước trắng mênh mông

Những trò chơi thơ trẻ tội nghiệp và kiếp người nhỏ nhoi, trôi nổi, lặn lội ngay từ khi mở mắt sinh ra.

Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng

Sự trôi chảy, miệt mài của thời gian.

Vớt những câu ca chưa tan vào nước

Tiếng gọi nào kia chẳng đủ giữ chân người vội vã lìa xa. Chỉ còn mẹ, nhẫn nại vớt từ bến sông những điều gì chưa thể mất đi, chưa thể tan ra và trôi chảy. Cứ lầm lụi, mẹ tin vào ngày trở lại của những giọt nước rời nguồn, tin vào bước chân trở về của đứa con tha hương.

Liệt kê

+ Cùng bạn bè chơi đánh đáo.

+ Cánh đồng những ngày ngập lụt.

+ Con chó đá đầu làng sủa trong những đêm trăng.

+ Tiếng gọi nghe buồn như củi ướt.

+ Mẹ ra bến sông vớt những câu ca chưa tan vào nước,... 

Những kỉ niệm tuổi thơ được hồi tưởng và tái hiện lại từ một miền kí ức xa xăm, nhà thơ không thể nào quên những năm tháng hồn nhiên, vui tươi khi ở làng quê cũ.

c. Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của bài thơ

- Cảm hứng chủ đạo: Bài thơ thể hiện sự thảng thốt, âu lo, e dè của nhân vật trữ tình trước “những bước chân đô thị”.

- Tư tưởng của tác giả: Bài thơ thể hiện tình yêu đối với làng quê, sự gắn bó với những điều bình dị của đất đai, làng mạc và lo ngại, dè dặt trước hiện tượng làng quê đang dần đô thị hoá.

2. Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình trong bài thơ Nhật kí đô thị

a. Kỉ niệm và cảm xúc của người con

- Người con trở về “ngôi nhà của mẹ”, “nhặt được đồng xu cùn gỉ cuối sân"”, hồi tưởng những kỉ niệm thời thơ ấu: 

+ Cùng bạn bè chơi đánh đáo.

+ Cánh đồng những ngày ngập lụt.

+ Con chó đá đầu làng sủa trong những đêm trăng.

+ Tiếng gọi nghe buồn như củi ướt.

+ Mẹ ra bến sông vớt những câu ca chưa tan vào nước,... 

- Hồi tưởng những kỉ niệm này, người con có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: 

+ Vừa như được sống lại những ngày vui tươi, hồn nhiên bên bạn bè với những trò chơi của con trẻ.

+ Vừa nặng trĩu nỗi buồn khi nhớ lại những ngày tháng đói nghèo, buồn tủi và hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, nhọc nhằn. 

=> Những kỉ niệm ấy có sức ám ảnh lớn đến nỗi chỉ nhìn một đồng xu cùn gỉ sót lại từ những năm tháng xa xưa mà cả quá khứ buồn vui đều sống dậy trong tâm trí của người con.

b. Những suy nghĩ của người con trước “những bước chân đô thị”

- “Những bước chân đô thị” đã khiến làng quê có những thay đổi – mặc dù quang cảnh thị thành mới đang được "thai nghén”. 

- Trước hiện tượng này, người con nhận thấy mọi người “còn ngơ ngác”, còn mình vẫn “e dè”. Biết rằng đô thị hoá là quy luật, là điều không tránh khỏi nhưng người con vẫn muốn làng quê giữ được nét bình dị, thân thuộc như xưa.

3. Tổng kết

a. Nội dung

Viết về “đô thị hóa”, Mai Văn Phấn đã chạm tới vấn đề thời sự hiện nay. Nhưng “đô thị hóa” chỉ là cái cớ để thi sĩ thăng hoa cảm xúc về nét đẹp tâm hồn con người. Đó là ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc dù trong đời sống hiện đại, tiện nghi. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ Nhật kí đô thị hóa.

b. Nghệ thuật

- Thể thơ tự do.

- Ngôn từ, hình ảnh giản dị nhưng sâu sắc, giàu ý nghĩa liên tưởng độc đáo.

- Sử dụng nhiều biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, liệt kê…

=> Giáo án Ngữ văn 9 Cánh diều bài 7: Nhật kí đô thị hoá (Mai Văn Phấn)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay