Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 9: Sinh học vi sinh vật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 9: Sinh học vi sinh vật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 9: SINH HỌC VI SINH VẬT
(PHẦN 2 – 20 CÂU)

Câu 1: Sự sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật thường được mô tả như thế nào?

Trả lời:

Sự sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật thường được mô tả bằng sự sinh trưởng của một quần thể vi sinh vật do vi sinh vật có kích thước rất nhỏ, thường không quan sát được sự sinh trưởng và phát triển của từng cá thể bằng mắt thường.

Câu 2: Nêu khái niệm, phân loại và vai trò của quá trình quang tổng hợp ở vi khuẩn.

Trả lời:

- Quang tổng hợp ở vi sinh vật là quá trình vi sinh vật tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ nhờ năng lượng ánh sáng.

- Quang tổng hợp ở vi sinh vật được chia thành hai nhóm: quang hợp không thải O2 – quang khử (vi khuẩn màu tía và màu lục) và quang hợp thải O2 (vi khuẩn lam và vi tảo).

- Vai trò của quang tổng hợp ở vi sinh vật đối với sinh giới: góp phần tạo ra hợp chất hữu cơ cho sinh giới, cung cấp O2 cho con người và các sinh vật trên Trái Đất.

Câu 3: Các kiến thức về công nghệ vi sinh vật được ứng dụng trong ngành nghề nào?

Trả lời:

Các kiến thức về công nghệ vi sinh vật được ứng dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau như chế biến thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt, y – dược học, môi trường, hóa chất,…

Câu 4: Kể tên một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật. Nêu mục đích của các phương pháp nghiên cứu.

Trả lời:

- Một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật: phân lập, nuôi cấy và giữ giống, quan sát hình thái, nghiên cứu đặc điểm hóa sinh, sinh lí, di truyền,…

- Mục đích của các phương pháp nghiên cứu: giúp người nghiên cứu hiểu rõ hơn về các đặc điểm của vi sinh vật nhằm khai thác, ứng dụng vi sinh vật trong đời sống.

Câu 5: Tại sao phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh?

Trả lời:

Hầu hết vi sinh vật gây hư hỏng thực phẩm thuộc loại ưa ấm. Ở nhiệt độ của tủ lạnh (4 độ C) chúng không sinh trưởng được.

Câu 6: Nêu biện pháp để khắc phục hiện tượng mật độ tế bào vi khuẩn không tăng ở pha cân bằng.

Trả lời:

Biện pháp để khắc phục hiện tượng mật độ tế bào vi khuẩn không tăng ở pha cân bằng là: Bổ sung thêm chất dinh dưỡng và lấy bớt đi dịch nuôi cấy.

Câu 7: Quá trình phân giải nhờ vi sinh vật mang lại lợi ích gì?

Trả lời:

Lợi ích của quá trình phân giải nhờ vi sinh vật:

- Vi sinh vật phân giải các hợp chất hữu cơ và chuyển hóa các hợp chất vô cơ giúp khép kín vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên.

- Con người có thể ứng dụng quá trình phân giải của vi sinh vật trong xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời, kết hợp để tạo ra các sản phẩm hữu ích như hóa chất, nguyên liệu và nhiên liệu.

Câu 8: Vi sinh vật được ứng dụng trong công nghiệp như thế nào?

Trả lời:

- Các enzyme, các acid hữu cơ, các chất ức chế sinh trưởng do vi sinh vật tạo ra được sử dụng trong công nghiệp giấy, dệt nhuộm, giặt tẩy, thuộc gia,…

- Nấm men được sử dụng trong công nghiệp sản xuất ethanol sinh học.

- Một số vi khuẩn (vi khuẩn lactic, vi khuẩn acetic) được sử dụng để sản xuất các acid hữu cơ trong công nghiệp hóa chất.

Câu 9: Vi sinh vật có mấy kiểu dinh dưỡng?

Trả lời:

Dựa vào nguồn cung cấp năng lượng và nguồn carbon sử dụng, vi sinh vật có 4 kiểu dinh dưỡng là: Quang dị dưỡng, hóa dị dưỡng, quang tự dưỡng và hóa tự dưỡng.

Câu 10: Tại sao phải “ăn chín uống sôi” ?

Trả lời:

Tất cả các loại vi sinh vật gây bệnh đều thuộc loại ưa ấm và bị chết nhanh khi đun, nấu.  

Câu 11: Trình bày 10 nguyên tắc vô khuẩn theo Bộ Y tế.

Trả lời:

- Không trực tiếp dùng tay không để tiếp xúc với vật đã được vô khuẩn (bắt buộc phải dùng vật phẩm như kiềm... và đeo găng tay)

- Phải luôn đối diện trực tiếp, không được xoay lưng với hướng vô khuẩn khi đi qua vùng vô khuẩn

- Giữ trật tự, không ho, hắt hơi, không đưa tay qua mặt vô khuẩn.

- Các dụng cụ đã được tiệt khuẩn không được để ở nơi ẩm và không ngâm trong dung dịch với các dụng cụ y tế như kìm, dao, kẹp... đã được vô khuẩn phải luôn được đặt trên thắt lưng và khi sử dụng không được chổng ngược lên trên, nhất là khi kiềm đã được nhúng vào dung dịch.

- Khi mở gói vô khuẩn, phải cầm gói đưa rìa khăn ra xa và mở khăn hướng về người thực hiện.

- Mở nắp hộp vô khuẩn nếu cầm trên tay thì úp, để trên bàn thì ngửa, không được để chạm vào quần áo.

- Một vật sau khi đã vô khuẩn và được lấy ra khỏi hộp, sẽ tuyệt đối không được chạm bất cứ vật gì khác.

- Sau khi một vật vô khuẩn được lấy ra ngoài, tuyệt đối không bỏ vật phẩm đó trở lại hộp đựng.

- Bất kỳ một vật phẩm nào đó bị nghi ngờ về tình trạng vô khuẩn thì mặc định xem vật đó chưa được vô khuẩn.

Câu 12: Nêu vai trò của quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật.

Trả lời:

- Vai trò của quá trình tổng hợp: hình thành các hợp chất (vật liệu) để xây dựng và duy trì các hoạt động của vi sinh vật, đồng thời, giúp vi sinh vật tích lũy năng lượng.

- Vai trò của quá trình phân giải ở vi sinh vật: hình thành nguyên liệu và năng lượng cung cấp cho quá trình tổng hợp và các hoạt động của tế bào.

Câu 13: Nêu một số thành tựu của công nghệ vi sinh vật.

Trả lời:

- Vi sinh vật được sử dụng như các “nhà máy” sản xuất các chế phẩm sinh học như protein, kháng sinh, nhiên liệu sinh học,…

+ Sử dụng vi khuẩn Escherichia coli trong sản xuất insulin để điều trị bệnh tiểu đường.

+ Sử dụng vi khuẩn Corynebacterium glutamicum trong sản xuất mì chính.

+ Sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae trong sản xuất ethanol dùng làm nhiên liệu sinh học và sản xuất protein đơn bào làm thức ăn bổ sung.

+ Sử dụng nấm mốc Aspergillus niger trong sản xuất một số enzyme như amylase, protease để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi.

+ Trên 90 % các chất kháng sinh tự nhiên được sản xuất từ vi sinh vật, đặc biệt là từ xạ khuẩn và nấm. Ví dụ: kháng sinh penicillin được chiết xuất từ nấm Penicillium rubens, Penicillium chrysogenum; kháng sinh streptomycin được sản xuất từ xạ khuẩn Streptomyces griseus.

- Vi sinh vật còn được dùng để nhân nhanh các đoạn DNA tái tổ hợp trong các vector plasmid của vi khuẩn, sản xuất các đoạn DNA hoặc RNA làm vaccine thế hệ mới,…

- Nhóm vi sinh vật sống trong các điều kiện khắc nghiệt còn là nguồn cung cấp các chất có hoạt tính sinh học đặc biệt, phục vụ cho các ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu công nghệ sinh học:

+ Các enzyme thủy phân tinh bột, lipid của các vi khuẩn ưa kiềm, chịu nhiệt được dùng trong công nghiệp giặt tẩy do các enzyme này có độ bền cao trong môi trường kiềm và nhiệt độ cao của quy trình giặt tẩy.

+ Enzyme Taq – polymerase của vi khuẩn ưa nhiệt Thermus aquaticus phân lập từ suối nước nóng, được dùng trong phản ứng PCR nhân đoạn DNA trong nghiên cứu công nghệ sinh học hoặc chẩn đoán bệnh nhờ khả năng bền ở nhiệt độ 90 – 99oC.

Câu 14: Vi sinh vật phân bố như thế nào trên bề mặt da của cơ thể người?

Trả lời:

- Da là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên có nhiều loại vi sinh vật ký sinh trên da và chủ yếu là các vi sinh vật có mặt tạm thời. Các loại vi sinh vật này lấy thức ăn trên da từ các chất tiết của tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn. Chúng phân bố dày hơn ở những vùng da ẩm như da đầu, da mặt, kẽ ngón tay, ngón chân, nách. Tùy vị trí, số lượng vi khuẩn trên da có thể từ 102 - 103 vi sinh vật/cm2 da.

- Trên da thường tồn tại các loại vi sinh vật: Cầu khuẩn gram dương (Peptostreptococcus, Micrococcus sp. và S.epidermidis) và trực khuẩn gram dương (Propionibacterium, Corynebacterium, Bacillus, Diphtheroid).

- Việc vệ sinh tắm rửa thường xuyên có thể làm giảm tới 90% vi sinh vật trên da. Tuy nhiên, sau vài giờ chúng sẽ nhanh chóng được bổ sung từ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, các vùng da lân cận và từ môi trường. Vì vậy, con người cần thường xuyên vệ sinh cơ thể để kiểm soát sự gia tăng của vi sinh vật trên da.

Câu 15: Dựa vào pH thích hợp cho sinh trưởng, vi sinh vật được chia làm mấy nhóm ?

Trả lời:

Mỗi vi sinh vật hoạt động tốt nhất trong một phạm vi pH nhất định. Có thể chia làm 3 nhóm:

- Vi sinh vật ưa acid: Sinh trưởng tốt nhất ở pH = 4 – 6, bao gồm hầu hết các nấm mốc, nấm men và một số vi khuẩn sinh acid, thậm chí có vi khuẩn sinh trưởng tốt ở pH= 1 – 3.

- Vi sinh trưởng ưa trung tính: Đa số vi khuẩn và động vật nguyên sinh, sinh trưởng tốt ở pH = 6 – 8 và ngừng sinh trưởng ở pH < 4 và pH > 9, do các H+ và OH- kìm hãm hoạt động của các enzyme.

- Vi sinh vật ưa kiềm: Sinh trưởng tốt ở pH > 9, thậm chí > 11. Chúng thường thấy ở đất vùng ven biển do ảnh hưởng của thuỷ triều. 

Câu 16: Người ta ứng dụng áp suất thẩm thấu như thế nào để ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại?

Trả lời:

Ứng dụng: Tạo môi trường ưu trương để gây co nguyên sinh nhằm ức chế sự sinh trưởng của vi sinh vật gây hại.

Câu 17: Nêu cơ chế và vai trò của quá trình phân giải protein và polysaccharide ở vi khuẩn.

Trả lời:

- Phân giải protein:

+ Cơ chế: Vi sinh vật sinh tổng hợp protease để phân giải protein thành các amino acid.

+ Vai trò: Các amino acid được tạo ra từ quá trình phân giải protein có thể được vi sinh vật sử dụng để tổng hợp các phân tử protein mới, khử amin chuyển hóa thành các hợp chất hữu cơ hoặc oxi hóa để giải phóng năng lượng.

- Phân giải polysaccharide:

+ Cơ chế: Nhiều vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp enzyme ngoại bào như cellulase, amylase để phân giải các polysaccharide thành các phân tử đường.

+ Vai trò: Các phân tử đường tạo ra từ quá trình phân giải polysaccharide được vi sinh vật sử dụng làm nguyên liệu xây dựng tế bào hoặc dùng làm nguyên liệu để thực hiện hô hấp tế bào sinh năng lượng và lên men.

Câu 18: Công nghệ vi sinh vật có thể được ứng dụng trong các lĩnh vực nào?

Trả lời:

- Công nghệ vi sinh vật có thể được ứng dụng trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y dược, xử lý chất thải.

- Ngoài ra, công nghệ vi sinh vật cũng mở ra cuộc cách mạng trong ngành sản xuất bột giặt và các ngành công nghiệp thuộc da.

Câu 19: Cơ sở khoa học nào để sử dụng nước oxi già có chứa khoảng 3% H2O2 để khử trùng vết thương.

Trả lời:

Cơ sở khoa học: Trong cơ thể hầu hết các sinh vật sống đều tồn tại catalase → khi mô bị tổn thương, enzyme này sẽ được giải phóng → tiếp xúc với H2O2 → phân hủy H2O2 thành H2O và O2. Oxygen sinh ra sẽ tạo hiện tượng sủi bọt → làm sạch các mảnh vụn mô và làm giảm số lượng vi khuẩn ở vết thương.

Câu 20: Nêu một số thành tựu của công nghệ vi sinh vật.

Trả lời:

Đóng vai trò then chốt trong công nghệ vi sinh vật là công nghệ lên men và công nghệ thu hồi sản phẩm:

- Công nghệ lên men:

+ Thức ăn chăn nuôi

+ Bia, rượu, sữa chua,…

- Công nghệ thu hồi sản phẩm:

+ Thuốc bảo vệ thực vật sinh học (Bacillus thuringiensis - Bt)

+ Thuốc kháng sinh, vaccine

+ Chế phẩm xử lý chất thải rắn và nước thải.

+ Phân vi sinh.

+ Acid và dung môi hữu cơ,…

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay