Câu hỏi tự luận Công dân 8 cánh diều Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 8 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 1-3 (PHẦN 1)

Câu 1: Theo em, truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nghĩa là gì? 

Trả lời:

- Là tổng hợp những giá trị tinh thần (hệ tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp …) được hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

- Là tài sản tinh hoa của thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau và thế hệ sau có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy.

Câu 2: Em hãy cho biết một vài nét đa dạng về văn hóa của của các dân tộc tại các nước khác nhau trên thế giới?

Trả lời:

Những nét độc đáo về văn hóa của các quốc gia trên thế giới:

- Tán thưởng kiểu Đức: Tại Đức, khi một buổi học hoặc một cuộc họp kết thúc thành công, thay vì vỗ tay thì mọi người sẽ gõ bàn để tán thưởng. Còn tại những buổi kịch hay hòa nhạc, người Đức sẽ chọn cách nâng cốc (thường là bia) để chúc mừng, khen ngợi.

- Cách chào ở Tây Ban Nha: Ở Tây Ban Nha, việc hôn vào hai bên má là một hành động mang nghĩa là “xin chào!”, một hành động hết sức bình thường ở nơi đây.

- Tráng miệng kiểu Pháp: Người Pháp rất thích thưởng thức một đĩa phô mai kèm với rượu vang đỏ sau mỗi bữa ăn.

- Ăn kiểu Châu Á: Húp xì xụp một bát canh, bát súp là dấu hiệu cho thấy sự tán thưởng, đánh giá cao tài nghệ nấu ăn của người đầu bếp ở Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

 

Câu 3: Em hãy cho biết người lao động cần cù, sáng tạo là như thế nào?

Trả lời:

Người lao động cần cù và sáng tạo là người chịu khó làm việc, phấn đấu hết mình để tìm được ra cách làm mới, cách nâng cao thành quả lao động.

Câu 4: Vì sao chúng ta cần giữ gìn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Trả lời:

Việc gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quan trọng, nó giúp chúng ta phát triển hoàn thiện cả về thể xác và tinh thần, giúp phát triển đất nước để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Câu 5: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác có ý nghĩa gì? Học sinh cần tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác như thế nào?

Trả lời:

- Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm tốt, tìm ra hướng đi phù hợp trong việc xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước.

- Học sinh cần tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác:

+ Biết học hỏi, tiếp thu tinh hoa, kinh nghiệm của các dân tộc khác qua học tập các môn học có liên quan trong nhà trường; qua đọc sách báo, tài liệu, xem phim ảnh, tivi; qua các hoạt động giao lưu với thanh thiếu nhi quốc tế...

+ Tôn trọng trang phục, ngôn ngữ, bản sắc, phong tục của các dân tộc khác; không kì thị, chế giễu, định kiến với những dân tộc, nền văn hóa khác...

Câu 6: a) Cho ví dụ về lao động sáng tạo?

  1. b) Có quan điểm cho rằng: Chỉ có thể rèn luyện được tính cần cù vì đó là phẩm chất của con người, còn sự sáng tạo không rèn luyện được vì đó là tố chất trí tuệ, do bẩm sinh di truyền mà có.

Em có đồng ý với quan điểm đó không? Tại sao?

Trả lời:

  1. a) Ví dụ về lao động sáng tạo: Trong giải bài tập toán luôn tìm ra cách giải mới hay và nhanh hơn.

b)

- Không đồng tình với ý kiến trên.

- Bởi vì: Sự sáng tạo trong học tập, trong lao động và các hoạt động khác cùng phải từ sự rèn luyện và bản thân tự tìm tòi, rút kinh nghiệp từ những gì đã làm để từ đó sáng tạo ra những cái mới, phương pháp mới, tất nhiên tố chất trí tuệ, yếu tố bẩm sinh di truyền là rất quan trọng...

 

Câu 7: Cho thông tin sau: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang.”

(Theo Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 4, NXB Chính trị quốc gia, tr.280-281)

Em hãy trả lời câu hỏi: cho biết truyền thống nào của dân tộc Việt Nam được nói đến trong các thông tin trên?

Trả lời:

Truyền thống của dân tộc Việt Nam được nói đến trong các thông tin trên: Truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước.

Câu 8: Chúng ta có cần tôn trọng, học hỏi các dân tộc khác hay không? Vì sao?

Trả lời:

+ Chúng ta cần tôn trọng độc lập chủ quyền và các giá trị văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới, có quan hệ hữu nghị không kì thị, phân biệt, coi thường bất cứ dân tộc nào.

+ Chúng ta cần khiêm tốn học hỏi có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để bổ sung kinh nghiệm, làm giàu nên văn hóa dân tộc, lấy kinh nghiệm các nước khác làm bài học quý giá trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Bên cạnh việc học hỏi các dân tộc, chúng ta phải bảo vệ và thể hiện lòng tự hào chính đáng của mình.

- Bởi vì:

+ Mỗi dân tộc có giá trị văn hóa riêng mà chúng ta không có.

+ Những giá trị văn hóa của các dân tộc khác góp phần giúp chúng ta phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học – kĩ thuật.

+ Đất nước ta còn nghèo, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, rất cần học hỏi các giá trị văn hóa của các dân tộc khác.

 

Câu 9: Em hãy nêu hậu quả của việc học tập thiếu tính sáng tạo.

Trả lời:

- Học tập thiếu sáng tạo sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, chất lượng học tập sẽ không được nâng cao.

- Bản thân không thể hoàn thiện và phát triển được phẩm chất và năng lực cá nhân của mình.

- Luôn ỉ lại vào sách giải, bạn bè hoặc thầy cô.

- Tư duy chậm phát triển.

Câu 10: Cho thông tin sau: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Vườn bia tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng văn hiến Hán Nôm giàu tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc. Bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài, thể hiện ở tư tưởng coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi Nhà nước tổ chức trao học hàm, học vị cho những trí thức tiêu biểu, khen tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc và tổ chức hội thơ hàng năm vào Rằm tháng Giêng.”

(Lược theo Đoàn Thị Thanh Thuý, Di sản văn hoá Văn Miếu – Quốc Tử Giám với giá trị lịch sử, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 409, tháng 7-2018, tr.25-28)

Em hãy trả lời câu hỏi: truyền thống nào của dân tộc Việt Nam được nói đến trong các thông tin trên?

Trả lời:

Truyền thống của dân tộc Việt Nam được nói đến trong các thông tin trên: Truyền thống hiếu học

 

Câu 11: Đối với nước ta hiện nay việc mở rộng hợp tác với tất cả các nước trên thế giới là rất cần thiết, tại sao? Trong khi mở rộng quan hệ hợp tác, nước ta tôn trọng theo những nguyên tắc nào? Những nguyên tắc đó có tác dụng gì?

Trả lời:

* Sự cần thiết mở rộng hợp tác:

- Hoàn cảnh nước ta: Đi lên CNXH từ một nước nghèo, lạc hậu, ảnh hưởng lớn của hai cuộc chiến tranh.

- Ý nghĩa:

+ Về chính trị: ổn định nâng cao vị thế nước ta.

+ Về kinh tế: Phát triển hội nhập, giúp ta có điều kiện tiếp cận nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật, học tập trình độ quản lí...

+ Về văn hoá giáo dục: học hỏi, giao lưu, làm giàu bản sắc dân tộc.

* Nguyên tắc:

+ Tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

+ Không can thiệp nội bộ, không dùng vũ lực.

+ Bình đẳng cùng có lợi.

+ Giải quyết bất đồng bằng thương lượng hòa bình.

+ Phản đối âm mưu, hành động gây sức ép cường quyền.

* Tác dụng:

+ Giúp nước ta phát triển toàn diện, cùng nhau giải quyết các vấn đề bức xúc toàn cầu.

+ Tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Câu 12: Cho tình huống sau: Thắng nói với Hùng:

- Thắng: Chỉ có học sinh giỏi mới có khả năng sáng tạo, bọn mình thì làm sao mà sáng tạo trong học tập được.

- Tùng: Đúng đấy, học sinh lực học trung bình chỉ cần tự giác học tập là tốt rồi!

Câu hỏi:

  1. a) Em đồng ý với ý kiến của hai bạn hay không? Vì sao?
  2. b) Hãy cho biết ý kiến riêng của em về vấn đề trên?

Trả lời:

  1. a) Không đồng ý với ý kiến của hai bạn.
  2. b) Vì cả hai ý kiến của bạn đều sai:

- Con người bình thường ai cũng có khả năng sáng tạo.

- Học sinh lực học trung bình, thậm chí học lực yếu, nếu biết cách rèn luyện cũng có thể có được sự sáng tạo trong học tập.

 

Câu 13: Em hãy quan sát hình ảnh và trả lời câu hỏi:

Em hãy mô tả những hành động, việc làm của các nhân vật trong mỗi hình ảnh trên. Những hành động, việc làm đó đã thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

  • Hình ảnh 1: công dân Việt Nam sáng tạo và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
  • Hình ảnh 2: thanh niên sẵn sàng tham gia và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc
  • Hình ảnh 3: đội cứu hộ cứu nạn giúp đỡ những người dân, những người đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ
  • Hình ảnh 4: đội tình nguyện đắp đường đá ở suối để người dân đi lại thuận tiễn, dễ dàng hơn.

Những hành động, việc làm đó đã thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam một cách bình dị, gần gũi, thông qua lời nói, hành động, thái độ, cảm xúc và được biểu hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện và cống hiến của tất cả mọi người.

Câu 14: Trường em tổ chức tham quan dã ngoại ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ba Vì – Hà Nội) đúng dịp tại đây diễn ra giao lưu văn hóa các dân tộc. Em rất muốn tham gia chuyến tham quan dã ngoại dịp này nhưng bố mẹ không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi lớp 9.

Em hãy sử dụng kiến thức trong bài: “Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam” và bài “Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc” để thuyết phục bố mẹ.

Trả lời:

- Các khái niệm:

+ Truyền thống dân tộc là những giá trị tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

+ Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc; Luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền văn hóa, kinh tế, xã hội của các dân tộc. Đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình.

- Ý nghĩa của các bài học để làm cơ sở giải thích cho bố mẹ hiểu việc đi dã ngoại giao lưu là cần thiết:

+ Việc tham gia dã ngoại giao lưu là cần thiết vì đây là cơ hội để chúng ta tìm hiểu, khám phá những nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc.

+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và mỗi cá nhân. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.

+ Tôn trọng học hỏi các dân tộc khác sẽ tạo được điều kiện để chúng ta tiến nhanh trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh và phát triển bản sắc dân tộc.

- Trách nhiệm của học sinh với việc học hỏi, tôn trọng các dân tộc khác, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để thuyết phục bố mẹ:

+ Là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè và với các dân tộc khác bằng thái độ, cử chỉ, việc làm và sự tôn trọng, thân thiện với họ trong cuộc sống hằng ngày.

+ Chúng ta cần tự hào, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Lên án và ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống Việt Nam.

+ Chúng ta phải tích cực học tập, tìm hiểu đời sống và các nền văn hóa của các dân tộc khác, tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh truyền thống của con người Việt Nam.

Câu 15: Có ý kiến cho rằng: Chỉ cần cần cù là đủ, không cần phải sáng tạo trong lao động, Em hãy cho biết ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Trong lao động cần phải cần cù, chăm chỉ, nhưng trong quá trình lao động cần phải sáng tạo thì sẽ rút ngắn được thời gian, kết quả lao động sẽ cao hơn, năng suất chất lượng tốt hơn.

Câu 16: Bà M mong con gái có thể biết được nghề truyền thống của cha ông nên cuối tuần thường chỉ bảo con cách thực hiện các thao tác để tạo ra được một sản phẩm, con gái bà M lại cho các việc làm của mẹ làm mất đi ngày nghỉ được vui chơi thoải mái của mình. Theo em, bà M nên làm như thế nào để cho con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. 

Trả lời:

Bà M có thể làm như sau để con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống dân tộc của ông cha:

+ Giải thích cho con hiểu được tầm quan trọng của nghề truyền thống trong xã hội ngày càng phát triển nhanh, mọi thứ có thể bị mai một nếu lớp trẻ không còn mặn mà níu giữ và phát triển.

+ Nghề truyền thống mang nét đẹp lao động của ông cha ta, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống đúng cách không chỉ giúp làm sống lại nét đẹp của cha ông ta mà còn tạo cơ hội cho thế hệ sau có được nền tảng ngành nghề để phát triển.

+ Việc vui chơi sau những giờ học tập là quan trọng nhưng nếu vừa chơi vừa tìm hiểu thêm về nghề truyền thống thì còn đem lại giá trị sâu rộng hơn việc chỉ vui chơi không có ý nghĩa.

Câu 17: Thời mở cửa, nhiều người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, ăn diện theo “mốt” Tây, dùng tiếng Việt pha tiếng nước ngoài, đổ xô đi học ngoại ngữ, đưa nhau tổ chức sinh nhật tại nhà hàng sang trọng...

Theo em, những biểu hiện trên có gì đúng? Có gì sai?

Trả lời:

- Biểu hiện trên đúng ở chỗ:

+ Thể hiện con người Việt Nam đã biết bắt kịp xu hướng và không lạc hậu với thời thế hiện đại.

+ Thể hiện tinh thần ham học hỏi của người Người Việt Nam. Học ngoại ngữ là cách để giúp chúng ta nâng cao kiến thức và dễ dàng giao lưu với người nước ngoài.

- Biểu hiện trên sai ở chỗ: Khi đã biết hiện đại thì con người không còn giữ được những truyền thống và nét văn hóa mà ông cha ta để lại.

Câu 18: Có ý kiến cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Không cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động thì không thể tiếp cận với sự phát triển của nhân loại. Nêu suy nghĩ của em về quan niệm trên.

Trả lời:

Ý kiến trên là đúng vì nếu chúng ta không lao động cần cù, sáng tạo thì chúng ta sẽ bị lạc hậu với xã hội.

Câu 19: Những hành động và hành vi nào sau đây thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc? Vì sao?

  1. Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: chèo, tuồng, hát xẩm, đờn ca tài tử,…
  2. Kính trọng và biết ơn thầy, cô giáo.
  3. Lấn chiếm, xâm phạm các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
  4. Tích cực tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc.

Trả lời:

  1. Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì việc giới thiệu cho bạn bè quốc tế về các làn điệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc là một cách quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết đến, tìm hiểu về nét đẹp đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
  2. Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì từ xa xưa người Việt ta vẫn luôn có truyền thống quý trọng người đã dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho chúng ta.
  3. Hành động không thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc thân mình hy sinh cho sự độc lập tự do của dân tộc vậy mà người đời sau không ghi nhớ công ơn còn làm ra các hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng đến người đã khuất.
  4. Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc, vì việc tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc giúp chúng ta có thêm cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp truyền thống mà ông cha đã hết lòng gây dựng, phát triển.

Câu 20: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác thì chỉ cần tôn sùng thần tượng văn hóa, vật chất của nước ngoài không? Hãy lập luận để giải thích quan điểm của em.

Trả lời:

Theo em là không vì chúng ta tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc không có nghĩa là thần tượng văn hóa, vật chất của nước ngoài mà là muốn học hỏi để xem nó có phù hợp với nước ta hay chưa. Nếu phù hợp thì chúng ta áp dụng, mục đích để tăng sự đặc sắc và phong phú cho văn hóa của dân tộc, khiến dân tộc ta trở nên phát triển hơn.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công dân 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay