Câu hỏi tự luận công dân 8 cánh diều Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Bộ câu hỏi tự luận Công dân 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 8 cánh diều
Xem: => Giáo án công dân 8 cánh diều
BÀI 5: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
(18 câu)
- NHẬN BIẾT (7 câu)
Câu 1. Môi trường là gì? Thành phần của môi trường bao gồm các yếu tố nào?
Trả lời
- Môi trường là toàn bộ các điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh con người, có tác động tới đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Những điều kiện đó hoặc đã có sẵn trong tự nhiên (rừng cây, đồi núi, sông, hồ...) hoặc do con người tạo ra (nhà máy, đường sá, công trình thủy lợi, khói bụi, chất thải...)
- Thành phần của môi trường bao gồm các yếu tố như: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, hệ sinh thái, các khu dân cư, các khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên... và các hình thái vật chất khác.
Câu 2. Thế nào là tài nguyên thiên nhiên? Tài nguyên thiên nhiên có quan hệ như thế nào đối với môi trường?
Trả lời
- Tài nguyên môi trường là những của cải, vật chất có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng, phục vụ cuộc sống con người (rừng cây, các động vật, thực vật quý, hiếm, các mỏ khoáng sản, các nguồn nước, dầu, khí...)
- Tài nguyên thiên nhiên là một bộ phân thiết yếu của môi trường, có quan hệ chặt chẽ với môi trường. Mỗi hoạt động kinh tế khai thác tài nguyên dù tốt xấu đều có tác động đến môi trường.
Câu 3. Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Vậy theo em, chúng ta cần có biện pháp gì để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
Trả lời
- Chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Tích cực tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế ít chất thải, kinh tế tuần hoàn, trồng rừng...
- Nghiêm cấm mọi hoạt động làm suy kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường.
- Phê phán, đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên.
- Nếu thấy các hiện tượng, hành vi làm ô nhiễm môi trường, phá hoại tài nguyên thiên nhiên thì phải nhắc nhở hoặc báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để trừng trị theo đúng pháp luật những kẻ cố ý hủy hoại môi trường, phá hoại thiên nhiên.
Câu 4. Em hiểu thế nào là ô nhiễm môi trường? Việc môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi dẫn đến hậu quả như thế nào?
Trả lời
- Là sự làm thay đổi tính chất môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường.
- Môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi không có kế hoạch sẽ gây mất cân bằng sinh thái, làm cho môi trường bị suy thoái, điều đó dẫn đến hậu quả lớn: thiên tai, lũ lụt, ảnh hướng đến điều kiện sống, sức khỏe và tính mạng của con người.
Câu 5. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng như thế nào đối với đời sống con người?
Trả lời
- Tạo cơ sở vật chất để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Tạo cho con người phương tiện sinh sống, phát triển trí tuệ, đạo đức, tinh thần.
Câu 6. Thế nào là bảo vệ môi trường? Thế nào là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên?
Trả lời
- Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, đảm bảo cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra.
- Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tu bổ, tái tạo những tài nguyên có thể phục hồi được.
Câu 7. Em hãy chỉ ra những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Trả lời:
Những quy định của pháp luât về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:
+ Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
+ Bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lí tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
+ Bảo vệ môi trường gắn kết hài hoà với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
+ Bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch.
+ Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lí và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
- THÔNG HIỂU (3 câu)
Câu 1. Sắp tới, trường em dự định tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chủ đề “Tuổi trẻ học đường với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”. Với tư cách là người tham dự cuộc thi em hãy trình bày hiểu biết của mình về vấn đề trên?
Trả lời
- Khái niệm: Môi trường là những thứ có ở nơi em đang sống, tồn tại xung quanh em. Tài nguyên thiên nhiên là những thứ có sẵn, nhằm phục vụ đời sống cho con người.
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường :
+ Do khai thác rừng bừa bãi, nhất là những nơi rừng đã cấm nhưng vẫn khai thác.
+ Ô nhiễm từ nhà máy xí nghiệp lớn và đi các phương tiện như ô tô, xe máy,... là những gì có thể gây ra ô nhiễm không khí.
+ Chôn, đốt túi nilon.
+ Vứt rác ra môi trường, ra vỉa hè, xuống sông, ao, hồ,....
+ .....
- Các biện pháp khắc phục :
+ Tuyên truyền, vận động mọi người để cùng nhau bảo vệ môi trường.
+ Chỉ được khai thác những nơi không cấm, còn những nơi như rừng mà cấm thì không được khai thác.
+ Hạn chế đi các phương tiện có khói,bụi. Hãy đi bộ hoặc đi xe đạp là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường.
+ Vứt rác đúng nơi quy định.
Câu 2. Em hãy nêu một vài ví dụ thực tế những việc làm gây ô nhiễm môi trường, phá hoại tài nguyên thiên nhiên và hậu quả?
Trả lời
Việc làm gây ô nhiễm môi trường, phá hoại tài nguyên thiên nhiên | Hậu quả |
Đổ chất thải công nghiệp trực tiếp vào nguồn nước | - Ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sinh vật sống trong nước. - Làm ô nhiễm đất và sinh vật đất. - Làm ô nhiễm nguồn không khí. - Ảnh hưởng của nước thải công nghiệp đến sức khỏe con người. |
Sử dụng phân hóa học vượt mức quy định | - Làm ô nhiễm tới môi trường đất. - Làm ô nhiễm môi trường nước. - Làm mất cân bằng hệ sinh thái. |
Khai thác thủy hải sản bằng chất nổ | - Hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản. - Gây hệ lụy tới môi trường. - Ảnh hưởng tới sức khỏe con người. |
Săn bắt động vật quý hiếm | - Phá vỡ sự đa dạng sinh học. |
Câu 3. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường? Em làm gì để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?
Trả lời
- Do tác động tiêu cực của con người trong đời sống và các hoạt động kinh tế, không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt. - HS nêu được những việc bản thân làm được như sau:
+ Tham gia vệ sinh trường, lớp, nơi ở.
+ Tuyên truyền vận động bạn bè, người dân bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
+ Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hoặc các hoạt động do địa địa phương tổ chức.
- VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1. Hãy nêu một số hiện tượng con người đang khai thác bừa bãi, săn bắt, giết hại động vật quý hiếm mà em biết qua tìm hiểu sách báo, ti vi?
Trả lời
Hiện tượng con người đang khai thác bừa bãi, săn bắt, giết hại động vật quý hiếm:
- Việc khai thác khoáng sản đang phá hoại môi trường khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ – huyện Nà Rì – tỉnh Bắc Cạn.
- Động vật quý hiếm đang biến mất dần như:
+ Bò tót, bò rừng ở khu bảo tồn Ea Sô – huyện Ea Kar – Đắc Lắc.
+ Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: Voọc ngữ sắc, Vượn má đen, Voọc đen tuyền, Voọc Hà Tĩnh, lan hài đốm, lan hài xoắn, lan hài xanh, bách xanh...
Câu 2. Theo em, mỗi học sinh cần phải làm gì để góp phần bảo vệ môi trường?
Trả lời
- Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lí.
- Không làm ô nhiễm nguồn nước, không khí. Bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm.
- Tích cực trồng và bảo vệ cây xanh.
- Xử lí rác chất thải đúng quy định...
- Tiết kiệm điện, nước.
- Sử dụng thực phẩm sạch, đủ dùng, tránh hoang phí thừa thãi…
Câu 3. Khi gặp những hành vi phá hoại môi trường và tài nguyên thiên nhiên, em cần phải làm gì để thực hiện trách nhiệm công dân?
Trả lời
- Khi gặp những hành vi phá hoại môi trường và tài nguyên thiên nhiên:
+ Em sẽ khuyên ngăn những người ấy, giải thích cho họ thấy hành vi của họ là không tốt, đáng lên án.
+ Nếu không được, em báo cáo với chính quyền địa phương, tố cáo hành vi ấy để mọi người học tập, giữ cho môi trường sống luôn trong lành.
Câu 4: Bà H và bà M là bạn chơi lâu năm, hai bà thường cùng nhau đi chợ, mua sắm đồ dùng cho gia đình. Bà H nay đi chợ với một chiếc giỏ mây cho tiện đựng đồ và giúp đỡ cần sử dụng nhiều túi nilong. Bà M thấy vậy liền có ý bảo hiện nay túi nilong có rất nhiều và tiện lợi, không cần thiết phải mang theo giỏ xách cho cồng kềnh bất tiện. Nếu em là bà H trong tình huống đó em sẽ nói với bà M như thế nào?
Trả lời:
Nếu là bà H em sẽ:
- Giải thích cho bà M về tác hại của túi nilong cho môi trường.
- Khuyên bà M nên sử dụng làn hoặc giỏ để đi chợ.
- VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1. Em hãy giải thích câu thành ngữ “Rừng vàng biển bạc”
Trả lời
- Câu thành ngữ muốn nói: Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú vì thé chúng ta phải có trách nhiệm khai thác hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chính là góp phần bảo vệ sự sống của chúng ta.
Câu 2. Để mở rộng sản xuất Nhà máy A đứng trước sự lựa chọn giữa 3 phương án. Theo em, nên chọn phương án nào?
Phương án 1: Sử dụng công nghệ tiên tiến, bỏ qua các vấn đề về môi trường, tiết kiệm để sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Phương án 2: Sử dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư thêm kinh phí cho việc bảo vệ môi trường, chấp nhận giá thành cao hơn.
Phương án 3: Mở rộng quy mô sản xuất, giữ nguyên công nghệ cũ (chỉ tăng số lượng).
Trả lời
- Theo em, nên chọn phương án 2.
- Phương án 2 là phương án tốt nhất và bảo đảm các yếu tố mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần tâng năng suất lao động, bảo vệ môi trường. Về chi phí, tuy hiện tại có chi thêm một phần kinh phí bảo vệ môi trường nhưng xét về lâu dài, việc giữ gìn bảo vệ môi trường sẽ có lợi về nhiều mặt hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tiết kiệm hơn so với kinh phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả tai hại do ô nhiễm môi trường gây ra... Vì thế nên chọn phương án 2.
Câu 3. A và B cùng tranh luận với nhau, A cho rằng việc đốt rừng làm nương rẫy là hành động vì con người. B cho rằng: hành động đó gây tác hại rất lớn với môi trường và cuộc sống của con người. Em đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?
Trả lời
- Đồng ý với ý kiến của B.
- Đốt rừng gây ra tình trạng ô nhiễm do khói bụi, lớp đất màu mỡ bị rửa trôi, khí hậu thay đổi, gây lũ lụt, hạn hán, động thực vật quý hiếm giảm dần và tuyệt chủng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của con người.
Câu 4. Quê nội của Hùng ở một xã thuộc huyện T. Trước đây, mỗi lần về thăm quê, Hùng rất thích thú, cứ muốn ở lại lâu vì ở quê có những rặng tre xanh, có hàng cau, hàng xoan thẳng vút soi bóng xuống ao, lạch trong xanh. Những ngày hè, đi trên con đường làng rợp bóng cây mát lịm… thật thú vị !
Bây giờ về thăm quê, nhất là vào những tháng hè, sao Hùng thấy ngột ngạt vì quê không còn nhiều bóng cây xanh. Ao, lạch bị san lấp gần hết để lấy đất xây nhà tầng. Đường làng láng xi măng làm hơi nóng bốc lên hầm hập.
Nếu em là người lãnh đạo của xã, em sẽ làm thế nào để vừa xây dựng nông thôn hiện đại vừa giữ được môi trường xanh, mát ?
Trả lời:
Để vừa phát triển được nông thôn hiện đại vừa giữ được môi trường xanh, mát; cần thiết cả chính quyền và người dân nơi đây phải chú trọng đến việc vừa phát triển kinh tế vừa chú tâm đến các vấn đề môi trường. Thay đổi bộ mặt của nông thôn ngày một phát triển nhưng phải gắn liền với các biện pháp duy trì và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống. Các việc làm có thể làm như: huy động người dân tích cực trồng cây xanh, ưu tiên phát triển các công trình thân thiện với thiên nhiên, gìn giữ những nét bình dị thuộc về đời sống của nông thôn…
=> Giáo án Công dân 8 cánh diều Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên