Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều bài 30: Kinh tế cộng hòa Nam Phi

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Đia lí 11 Cánh diều bài 30: Kinh tế cộng hòa Nam Phi, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Cánh diều.

BÀI 30: KINH TẾ CỘNG HÒA NAM PHI

(16 câu)

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp của Cộng hòa Nam Phi năm 2020, kể tên những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp thực phẩm.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp thực phẩm là: Prê-tô-ri-a, Giô-han-ne-xbua, Kếp-tao.

Câu 2: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp của Cộng hòa Nam Phi năm 2020, liệt kê những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp dệt may.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp dệt may là: Prê-tô-ri-a, Giô-han-ne-xbua, Đuốc-ban, Kếp-tao.

Câu 3: Quan sát sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp của Cộng hòa Nam Phi năm 2020, liệt kê những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp sản xuất ô tô là: Đuốc-ban, Po Ê-li-da-bét, Kếp-tao

Câu 4: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp của Cộng hòa Nam Phi năm 2020, liệt kê những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp luyện kim đen.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp luyện kim đen là: Po Ê-li-da-bét, Đuốc-ban.

Câu 5: Quan sát Bản đồ phân bố nông nghiệp ở Cộng hòa Nam Phi năm 2020 và kể tên những cây trồng ở phía nam của quốc gia này.

Trả lời:

Các loại cây trồng ở phía nam của Cộng hòa Nam Phi là: cây ăn quả, ngô, mía, thuốc lá, đậu tương.

Câu 6: Quan sát Bản đồ phân bố nông nghiệp ở Cộng hòa Nam Phi năm 2020 và kể tên những con vật nuôi ở phía đông.

Trả lời:

Những loại vật nuôi ở phía đông của Cộng hòa Nam Phi là: đà điểu, bò, lợn.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày khái quát tình hình phát triển kinh tế của Cộng hòa Nam Phi.

Trả lời:

- Là một trong các nền kinh tế lớn ở châu Phi, GDP đạt 336,4 tỉ USD (2020).

- Tốc độ tăng trưởng GDP khá cao ở giai đoạn 2000 - 2005 sau đó có xu hướng giảm.

- Tiến hành công nghiệp hóa sớm (từ những năm 60 của thế kỉ XX) và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

- Trong nhiều thập niên, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉ trọng khu vực dịch vụ khá cao và tăng nhanh.

Câu 2: Cộng hòa Nam Phi có những ngành công nghiệp nổi bật nào? Trình bày những nét đặc trưng của các ngành công nghiệp đó.

Trả lời:

* Đặc điểm chung của ngành công nghiệp của Cộng hòa Nam Phi:

- Là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 23,4% GDP và  sử dụng gần 25% lao động cả nước (2020)

- Cơ cấu khá đa dạng với các ngành chủ yếu là khai khoáng, điện tử, luyện kim, hóa chất, chế tạo máy, công nghiệp thực phẩm,…

- Các trung tâm công nghiệp chính là Kếp-tao, Giô-hen-ne-xbua, Po Ê-li-da-bét, Đuốc-ban.

* Đặc điểm một số ngành công nghiệp nổi bật:

- Công nghiệp khai thác khoáng sản:

+ Là ngành nổi bật, đóng góp đáng kể vào GDP, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

+ Cộng hòa Nam Phi là nước đứng thứ 5 thế giới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tính trên giá trị GDP và có trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm sản xuất cao.

+ Các khoáng sản khai thác nhiều là quặng kim loại và khoáng sản quý, than đá.

+ Cộng hòa Nam Phi đứng hàng đầu thế giới về khai thác vàng, kim cương, u-ra-ni-um.

- Công nghiệp hóa chất:

+ Lớn hàng đầu ở châu Phi, cơ cấu đa dạng và liên hợp từ xử lí nhiên liệu, chế tạo nhựa cho tới dược phẩm.

+ Các lĩnh vực mũi nhọn là: chế biến than tổng hợp, nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng và hóa dầu.

- Công nghiệp chế tạo máy:

+ Sản xuất ô tô là ngành quan trọng của nền kinh tế, chiếm 10% sản lượng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.

+ Nhiều hãng xe lớn trên thế giới đều có các nhà máy sản xuất tại quốc gia này.

- Công nghiệp điện tử - tin học:

+ Phát triển mạnh với hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động.

+ Lĩnh vực nổi bật là phần mềm điện thoại di động và các dịch vụ ngân hàng điện tử, giá trị sản xuất chiếm hơn 7% GDP (2020).

- Công nghiệp luyện kim:

+ Cộng hòa Nam Phi là nước sản xuất thép lớn nhất ở châu Phi, sản xuất nhôm lớn thứ 8 thế giới.

+ Chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu với nguồn khoáng sản phong phú

- Công nghiệp thực phẩm:

+ Là ngành sử dụng nhiều lao động nhất, đóng góp lớn thứ 3 vào GDP.

+ Các sản phẩm đa dạng: thủy hải sản, các sản phẩm thịt, các loại hạt, cây gia vị, hoa quả, bánh kẹo,…

Câu 3: Trình bày đặc điểm nổi bật của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Cộng hòa Nam Phi.

Trả lời:

* Nông nghiệp: phát triển mạnh

- Cộng hòa Nam Phi là nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là: ngô, lạc, thuốc lá, hoa quả (xuất khẩu cam, quýt năm 2020 đứng thứ hai thế giới)

- Hình thức sản xuất chủ yếu là trang trại.

- Ngành trồng trọt:

+ Chiếm hơn 60% diện tích, đóng góp hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

+ Ngô là cây trồng quan trọng hàng đầu, cung cấp lương thực, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu; được trồng tập trung ở các trang trại lớn, cơ giới hóa cao.

+ Hoạt động trồng trọt tập trung ở các đồng bằng ven biển và vùng đồi thấp.

- Ngành chăn nuôi:

+ Có vai trò quan trọng trong cung cấp thịt, sữa cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

+ Sử dụng trên 21% lao động trong nông nghiệp.

+ Vật nuôi chính là cừu, bò sữa, lợn và gia cầm.

+ Cộng hòa Nam Phi nổi tiếng thế giới về nuôi cừu, nằm trong 10 nước xuất khẩu đứng đầu thế giới.

+ Hoạt động chăn nuôi phân bố rộng khắp, tập trung chủ yếu ở cao nguyên trung tâm.

* Lâm nghiệp:

- Là ngành có ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn hàng xuất khẩu.

- Hàng năm xuất khẩu trên 10 triệu tấn bột gỗ, trên 5 triệu m3 gỗ tròn hoặc gỗ xể, trên 500 ngàn tấn gỗ hầm mỏ.

* Thủy sản:

- Ngành đánh bắt hải sản:

+ Được chú trọng phát triển

+ Sản lượng hàng năm đạt từ 500 - 700 nghìn tấn

+ Nhiều loài có giá trị cao như: cá he, cá thu, cá ngừ, cá tuyết, cá hồi, mực, tôm hùm,… + Khoảng 80% sản lượng đánh bắt dùng để xuất khẩu.

- Sản lượng nuôi trồng còn nhỏ nhưng đang có xu hướng tăng lên.

Câu 4: Trình bày những đặc điểm nổi bật của ngành dịch vụ Cộng hòa Nam Phi kèm ví dụ minh họa.

Trả lời:

* Đặc điểm chung:

- Là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 64,6% GDP

- Cơ cấu ngành đa dạng.

* Ngành giao thông vận tải:

- Hệ thống đường ô tô đứng đầu châu Phi, có trên 360 nghìn km đường ô tô (năm 2020)

- Mạng lưới đường sắt rất phát triển.

- Đường biển phát triển mạnh, có 18 cảng biển, nhiều cảng lớn như Kếp-tao, Đuốc-ban,…

- Đường hàng không được chú trọng phát triển, có nhiều sân bay quốc tế nằm ở các thành phố Giô-han-ne-xbua, Kếp-tao, Prê-tô-ri-a và nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động.

* Ngành bưu chính viễn thông:

- Phát triển khá nhanh, chiếm hơn 7% GDP (năm 2020).

- Có mức độ kết nối internet cao hàng đầu châu Phi.

* Ngành du lịch:

- Là một trong những ngành mũi nhọn, thu hút nhiều lao động trực tiếp.

- Năm 2019 đón hơn 16 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 2 châu Phi.

- Chú trọng phát triển du lịch đô thị và văn hóa bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.

- Các trung tâm du lịch lớn nhất là Kếp-tao, Giô-han-ne-xbua, Đuốc-ban.

* Thương mại:

- Ngoại thương: được đẩy mạnh

+ Mặt hàng xuất khẩu chính là khoáng sản (bạch kim, vàng, kim cương, quặng sắt, than đá), các sản phẩm nông nghiệp (ngô, cá biển) và len làm từ lông cừu

+ Mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm.

+ Đối tác thương mại chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Anh,…

- Nội thương:

+ Phát triển do có thị trường nội địa lớn

+ Hệ thống cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại có mật độ cao và hoạt động nhộn nhịp

+ Hệ thống chợ và cửa hàng bán lẻ tập trung nhiều ở các vùng nông thôn.

* Tài chính ngân hàng:

- Có các ngân hàng lớn nhất châu Phi.

- Các trung tâm tài chính ngân hàng lớn là: Gio-han-ne-xbua, Kếp-tao, Prê-tô-ri-a

- Cộng hòa Nam Phi đứng hàng đầu châu Phi về thu hút đầu tư nước ngoài (3 tỉ USD, năm 2020).

 

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Vì sao Cộng hòa Nam Phi là nước phát triển nhất châu Phi?

Trả lời:  Cộng hòa Nam Phi là nước phát triển nhất châu Phi vì:

- Xuất khẩu nhiều khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản quý như vàng, kim cương, uranium.

- Các ngành công nghiệp chính là khai thác khoáng sản, chế biến, luyện kim, cơ khí,… đều rất phát triển và trở thành ngành mũi nhọn.

- Sản phẩm nông nghiệp chiếm 1/3 tổng sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là hoa quả cận nhiệt đới, ngô.

Câu 2: Giải thích vì sao ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Cộng hòa Nam Phi?

Trả lời: Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Cộng hòa Nam Phi vì:

- Cộng hòa Nam Phi có tài nguyên khoáng sản phong phú.

- Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vàng, kim cương, uranium,…

- Nguồn lao động dồi dào, có trình độ kĩ thuật cao, kinh nghiệm sản xuất phong phú, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Câu 3: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 1. Cơ cấu GDP của Cộng hòa Nam Phi năm 2010 và năm 2020

Cơ cấu GDP (%)

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

2010

2,1

28,2

61,2

8,0

2020

2,5

23,4

64,6

9,5

 (Nguồn: WB, 2022)

  1. Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu GDP của Trung Quốc năm 2010 và năm 2020.
  2. Nhận xét và kết luận.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:
  2. Nhận xét và giải thích:

- Nhận xét:

+ Tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ lệ rất nhỏ và có xu hướng tăng nhẹ, không đáng kể, từ 2,1% năm 2010 lên 2,5% năm 2020 (tăng 0,4%).

+ Tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm từ 28,2% xuống 23,4% (giảm 4,8%).

+ Cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất qua các năm và tiếp tục tăng từ 61,2% lên 64,6% (tăng 3,4%).

+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng trong suốt 10 năm, từ 8% năm 2010 lên 9,5% năm 2020 (tăng 1,5%).

- Kết luận: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhưng thay đổi không đáng kể.

Câu 4: Cho bảng số liệu sau:

Bảng . Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Cộng hòa Nam Phi

giai đoạn 2000 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

2000

2005

2010

2015

2020

Trị giá xuất khẩu

37,0

68,2

107,6

96,1

93,2

Trị giá nhập khẩu

33,1

68,8

102,8

100,6

78,3

(Nguồn: WB, 2022)

  1. Tính cán cân xuất - nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi qua các năm.
  2. Vẽ biểu đồ thể hiện giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu và cán cân xuất - nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi giai đoạn 2000 – 2020.
  3. Nhận xét và kết luận.

Trả lời:  

  1. Tính cán cân xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi qua các năm:

 

2000

2005

2010

2015

2020

Trị giá xuất khẩu

37,0

68,2

107,6

96,1

93,2

Trị giá nhập khẩu

33,1

68,8

102,8

100,6

78,3

Cán cân xuất - nhập khẩu

3,9

-0,6

4,8

-4,5

14,9

 

  1. Vẽ biểu đồ:
  2. Nhận xét và kết luận: Trị giá xuất khẩu và nhập khẩu qua từng giai đoạn không có sự đồng đều qua các năm.

- Giai đoạn 2000 – 2010: trị giá xuất khẩu tăng 70,6 tỉ USD, trị giá nhập khẩu tăng 69,7 tỉ USD, nhưng năm 2005 trị giá nhập khẩu cao hơn trị giá xuất khẩu nên cán cân xuất – nhập khẩu âm.

- Giai đoạn 2010 – 2020: trị giá xuất khẩu giảm 14,4 tỉ USD, trị giá nhập khẩu giảm 24,5 tỉ USD.

- Trong vòng 20 năm, trị giá xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần và trị giá nhập khẩu tăng gấp 2,4 lần.

- Cán cân xuất – nhập khẩu hầu như luôn dương nhưng vẫn có những năm âm như năm 2005 và năm 2015.

- Kết luận: Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Cộng hòa Nam Phi chưa ổn định.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Năm 2020, kinh tế châu Phi rơi vào mức suy thoái tồi tệ nhất trong 75 năm với tỉ lệ tăng trưởng GDP kinh tế ở mức âm (-6,4%). Em hãy lí giải nguyên nhân của sự suy thoái này.

Trả lời: Kinh tế châu Phi rơi vào mức suy thoái tồi tệ nhất trong 75 năm với mức tăng trưởng âm là do:

- Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 – đây là mức suy giảm kinh tế tồi tệ nhất của quốc gia này kể từ năm 1946.

- Các biện pháp nghiêm khắc nhằm ngăn chặn lây lan của dịch COVID-19 như lệnh phong tỏa kéo dài đã khiến nhiều lĩnh vực kinh tế của nước này chịu nhiều thiệt hại nặng nề.

Câu 2: Ngày 9/2/2023, tổng thống Nam Phi đã tuyên bố tình trạng thảm họa toàn quốc để đối phó với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng có. Người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất điện hàng ngày, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo em, điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người dân Nam Phi?

Trả lời:

- Hành vi trộm cắp điện ở các thị trấn nghèo diễn ra phổ biến.

- Nguồn cung cấp thực phẩm, nước bị đe dọa.

- Cuộc sống của người dân bị gián đoạn, sống trong bóng tối và phải vất vả tìm nguồn năng lượng thay thế.

- Các nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

- Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ở trong chuỗi sản xuất như tưới tiêu, chế biến và bảo quản cây trồng.

- Các trang trại bò sữa, trang trại gia cầm đều bị ảnh hưởng về doanh thu vì sữa không được bảo quan còn gia cầm thì bị chết ngạt do nguồn điện bị gián đoạn.

- Chi phí sử dụng năng lượng mặt trời rất cao, vượt qua cả ngân sách của người dân.

 

=> Giáo án Địa lí 11 cánh diều Bài 30: Kinh tế Cộng hòa Nam Phi

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 11 Cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay