Câu hỏi tự luận Địa lí 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 4: Châu Mỹ (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 4: Châu Mỹ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 4

CHÂU MỸ

Câu 1: Trình bày vị trí địa lí của châu Mỹ?

Trả lời:

Châu Mỹ rộng khoảng 42 triệu km², lớn thứ hai trên thế giới, sau châu Á. Châu Mỹ nằm tiếp giáp với các đại dương lớn và gần như tách biệt với các châu lục khác.

Câu 2: Trình bày cuộc thám hiểm tìm ra châu Mỹ của C. Cô – lôm – bô?

Trả lời:

Năm 1492, nhà hàng hải C. Cô-lôm-bô dẫn đầu đoàn thám hiểm rời cảng ở Tây Ban Nha, tiền về phía tây với mục đích tìm đường đi sang châu Á và tình cờ đã phát hiện ra các vùng đất mới.

Tháng 8-1492, trên ba chiếc tàu, C. Cô-lôm-bô cùng đoàn thuỷ thủ Tây Ban Nha rời cảng đi về hướng tây. Sau hơn hai tháng lênh đênh trên biển, ông và đoàn thuỷ thủ dũng cảm đã đến được một số đảo thuộc vùng biển Caribê ngày nay. Ông đinh ninh rằng đã tới “Đông Ấn Độ”, nhưng thực ra đó là vùng đất mới – châu Mỹ.

Câu 3: Cuộc phát kiến tìm ra châu Mỹ đã dẫn đến những hệ quả lịch sử - địa lí nào?

Trả lời:

Hệ quả địa lí - lịch sử của việc phát kiến ra châu Mỹ:

+ Việc phát kiến ra châu Mỹ đã mở ra con đường biển mới đến các châu lục khác, mở ra thời kì khám phá và chinh phục thế giới.

+ Sau cuộc phát kiến, người châu  u xâm chiếm và khai phá châu Mỹ với việc khai thác những nguồn nguyên liệu, khoáng sản quý giá và xây dựng văn hoá phương tây trên vùng đất mới.

+ Cuộc phát kiến cũng đẩy nhanh quá trình di dân từ các châu lục sang châu Mỹ.

Câu 4: Địa hình của Bắc Mĩ phân hóa thành những khu vực nào?

Trả lời:

Địa hình Bắc Mỹ gồm ba khu vực rõ rệt: Miền núi Cooc-đi-e ở phía tây, miền đồng bằng ở giữa và sơn nguyên trên bán đảo La-bra-đo và dãy núi A-pa-lát ở phía đông.

Câu 5: Trình bày sự phân hóa khí hậu của Bắc Mỹ?

Trả lời:

Do lãnh thổ trải dài từ vùng cực Bắc đến khoảng vĩ tuyến 25°B, khí hậu Bắc Mĩ có sự phân hóa theo chiều bắc - nam, gồm các đới khí hậu: cực và cận cực, ôn đới, cận nhiệt và nhiệt đới. Trong đó, đới khí hậu ôn đới chiếm diện tích lớn nhất.

Đồng thời, do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu Bắc Mỹ có sự phân hoá theo chiều tây – đông và theo độ cao. Các khu vực ven biển sẽ có khí hậu điều hoà, mưa nhiều; càng vào sâu trong lục địa biên độ nhiệt độ năm càng lớn, mưa ít hơn, khô hạn hơn.

Câu 6: Trình bày đặc điểm của sông, hồ ở Bắc Mỹ?

Trả lời:

Bắc Mỹ có mạng lưới sông khá dày đặc và phân bố khắp lãnh thổ. Sông nhiều nước. Chế độ nước sông khá đa dạng do được cung cấp nước từ nhiều nguồn: mưa, tuyết và băng tan.

Bắc Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng các hồ có diện tích lớn (14 hồ có diện tích trên 5.000 km²). Phần lớn các hồ là hồ nước ngọt.

Câu 7: Trình bày đặc điểm của đới lạnh ở Bắc Mỹ?

Trả lời:

Đới lạnh có khí hậu cực và cận cực, lạnh giá nên nhiều nơi có lớp băng tuyết phủ dày trên diện tích rộng. Ở phía nam khí hậu ấm hơn, có mùa hạ ngắn, thực vật chủ yếu là rêu, địa y, cỏ và cây bụi. Giới động vật nghèo nàn, chỉ có một số loài chịu được lạnh như tuần lộc, cáo Bắc cực,... và một số loài chim di cư.

Câu 8: Trình bày đặc điểm của đới ôn hòa ở Bắc Mỹ?

Trả lời:

Đới ôn hoà ở Bắc Mỹ chiếm diện tích rộng và có sự phân hoá đa dạng. Phía bắc có khí hậu ôn đới, phát triển rừng lá kim. Phía đông nam, khí hậu cận nhiệt ấm, ẩm hơn phát triển rừng hỗn hợp và rừng lá rộng với thành phần loài rất phong phú. Khu vực ở sâu trong lục địa mưa ít, hình thành thảo nguyên. Trên các cao nguyên của miền núi Cooc-đi-e, khí hậu khô hạn, hình thành hoang mạc và bán hoang mạc. Động vật trong đới ôn hòa phong phú cả về số loài và số lượng mỗi loài, gồm các loài ăn cỏ, ăn thịt, gặm nhấm và bò sát,...; riêng ở vùng hoang mạc và bán hoang mạc, động vật nghèo nàn.

Câu 9: Nêu đặc điểm nhập cư ở Bắc Mĩ?

Trả lời:

Đặc điểm nhập cư ở Bắc Mĩ:

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xuất hiện các đợt di dân từ nhiều khu vực trên thế giới (trong đó có châu Á) vào Bắc Mĩ.

Lịch sử nhập cư đã tạo nên thành phần chủng tộc đa dạng ở Bắc Mĩ. Trong quá trình chung sống, các chủng tộc hoà huyết khiến thành phần dân cư thêm đa dạng.

Câu 10: Nêu đặc điểm chủng tộc ở Bắc Mĩ?

Trả lời:

Đặc điểm chủng tộc ở Bắc Mĩ:

Con người cư trú trên lãnh thổ Bắc Mĩ từ cách đây khoảng 20 – 30 nghìn năm. Họ là người Anh-điêng và người E-xki-mô thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-ít, di cư từ châu Á sang.

Sau cuộc phát kiến ra châu Mỹ năm 1492, người châu Âu thuộc chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-it (người Anh, I-ta-li-a, Đức,...) di cư sang Bắc Mỹ ngày càng nhiều. Người da đen thuộc chủng tộc Nê-grô-ít từ châu Phi bị bắt sang làm nô lệ, lao động trong các đồn điền trồng bông, thuốc lá,...

Câu 11: Trình bày đặc điểm đô thị hóa ở Bắc Mĩ?

Trả lời:

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hoá ở Bắc Mĩ, làm xuất hiện các siêu đô thị và các dải siêu đô thị.

Các đô thị lớn của Bắc Mĩ chủ yếu tập trung ở phía nam hệ thống Ngũ Hồ và ven Đại Tây Dương, nối tiếp nhau tạo thành hai dải siêu đô thị từ Niu Oóc đến Oa-sinh-tơn và từ Môn-trê-an đến Si-ca-gô. Vào sâu trong nội địa, các đô thị nhỏ hơn và thưa thớt hơn.

Câu 12: Phân tích phương thức con người khai thác bền vững tài nguyên nước?

Trả lời:

Phương thức khai thác bền vững tài nguyên nước

Bắc Mỹ là khu vực có nguồn nước ngọt rất phong phú do có nhiều sông và hồ lớn. Trước đây, nhiều sông hồ ở Bắc Mĩ bị ô nhiễm do chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay chất lượng nguồn nước được cải thiện nhờ các biện pháp như: quy định xử lý nước thải, ban hành Đạo luật nước sạch,... Bên cạnh đó, tài nguyên nước được khai thác tổng hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng và mang tính bền vững trong khai thác.

Câu 13: Phân tích phương thức con người khai thác bền vững tài nguyên rừng?

Trả lời:

Phương thức khai thác bền vững tài nguyên rừng

Bắc Mĩ sở hữu tài nguyên rừng giàu có, bao gồm: rừng lá kim, rừng hỗn hợp, rừng lá rộng,... Trong thời gian dài, rừng bị khai thác mạnh để lấy gỗ, làm giấy, lấy đất canh tác nên diện tích bị suy giảm nhanh.

Chính phủ Hoa Kỳ và Ca-na-đa đã đưa ra nhiều biện pháp quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng như: thành lập các vườn quốc gia, khai thác có chọn lọc và để rừng tái sinh tự nhiên, quy định trồng mới sau khi khai thác, phòng chống cháy rừng.....

Câu 14: Phân tích phương thức con người khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản?

Trả lời:

Phương thức khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản

Bắc Mĩ có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, dồi dào. Tuy nhiên, việc khai thác với quy mô lớn và sử dụng không hợp lý đã gây ô nhiễm môi trường và một số loại khoáng sản dần trở nên cạn kiệt. Các nước Bắc Mĩ đã có nhiều biện pháp để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đồng thời đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và vật liệu thay thế.

Câu 15: Trình bày sự phân hóa tự nhiên theo chiều bắc – nam?

Trả lời:

Thiên nhiên Trung và Nam Mĩ phân hóa theo chiều bắc – nam, thể hiện rõ nét ở sự khác biệt về khí hậu và cảnh quan.

- Đới khí hậu xích đạo: nóng ẩm quanh năm, rừng mưa nhiệt đới phát triển trên diện rộng.

- Đới khí hậu cận xích đạo: một năm có hai mùa (mùa mưa và mùa khô) rõ rệt, thảm thực vật điển hình là rừng thưa nhiệt đới.

- Đới khí hậu nhiệt đới: nóng, lượng mưa giảm dần từ đông sang tây. Cảnh quan cũng thay đổi từ rừng nhiệt đới ẩm đến xa van, cây bụi và hoang mạc.

- Đới khí hậu cận nhiệt mùa hạ nóng, mùa đông ẩm. Nơi mưa nhiều có thảm thực vật điển hình là rừng cận nhiệt và thảo nguyên rừng. Nơi mưa ít có cảnh quan bán hoang mạc và hoang mạc.

- Đới khí hậu ôn đới: mát mẻ quanh năm. Cảnh quan điển hình là rừng hỗn hợp và bản hoang mạc.

Câu 16: Trình bày sự phân hóa tự nhiên theo chiều đông – tây ở Trung Mỹ?

Trả lời:

Ở Trung Mỹ, phía đông và các đảo có lượng mưa nhiều hơn phía tây nên thảm rừng mưa nhiệt đới phát triển. Phía tây khô hạn nên chủ yếu là xa van, rừng thưa.

Câu 17: Trình bày sự phân hóa tự nhiên theo chiều cao?

Trả lời:

Thiên nhiên miền núi An-đét thay đổi theo chiều cao khá rõ nét.

Ở dưới thấp, vùng Bắc và Trung An-đét thuộc các đới khí hậu nóng và ẩm ướt, có rừng mưa nhiệt đới, vùng Nam An-đét thuộc khí hậu ôn hoà, phát triển rừng cận nhiệt và ôn đới.

Càng lên cao, thiên nhiên càng thay đổi tương ứng với sự thay đổi của nhiệt độ và độ ẩm.

Câu 18: Trình bày nguồn gốc dân cư Trung và Nam Mỹ?

Trả lời:

Cư dân Trung và Nam Mĩ có nhiều nguồn gốc khác nhau: người Anh-điêng thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-ít, người  u thuộc chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-ít (chủ yếu đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) và người gốc Phi thuộc chủng tộc Nê-grô-ít

Hiện nay, phần lớn dân cư Trung và Nam Mỹ là người lại do sự hợp huyết giữa người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với người gốc Phi và người Anh-điêng. Sự hòa trộn này đã tạo nên nền văn hóa Mỹ La-tinh độc đáo, đồng thời có sự tương đồng về dân cư và xã hội giữa các nước Trung và Nam Mỹ.

Câu 19: Trình bày vấn đề đô thị hóa của Trung và Nam Mỹ?

Trả lời:

Trung và Nam Mỹ là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Tỉ lệ dân đó thị khoảng 80% số dân (năm 2020). Ở một số nơi của Trung và Nam Mỹ, quá trình đô thị hóa mang tính tự phát đã làm này sinh nhiều vấn đề như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tội phạm.....

Câu 20: Văn hóa Mỹ La – tinh có những nét gì đặc sắc?

Trả lời:

Trước khi C. Cô-lôm-bô khám phá ra Tân thế giới, cư dân bản địa ở Trung và Nam Mỹ đã là chủ nhân của nhiều nền văn hoá có nổi tiếng: văn hoá May-a, văn hoá In-ca, văn hóa A-dơ-tếch.

Sau khi người  u gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sang xâm chiếm, sự pha trộn văn hoà của các tộc người đã hình thành ở Trung và Nam Mỹ một nền văn hoá Mỹ La-tinh độc đáo.

Hằng năm, ở đây có rất nhiều lễ hội đặc sắc Ca-na-van, Ó-ru-rô, La-ti-nô, Pa-rin-tin..... Ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thuộc ngữ hệ La-tinh.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay