Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 1 Thực hành Tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1 Thực hành Tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

BÀI 1: THÔNG ĐIỆP TỪ THIÊN NHIÊN 

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: CÁCH GIẢI THÍCH NGHĨA CỦA TỪ
(15 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Nghĩa của từ là gì? Nghĩa của từ được nhận diện thông qua đâu? Có thể giải thích nghĩa của từ bằng những cách nào? 

Trả lời:

– Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,...) mà từ biểu thị. 

– Nghĩa của từ được nhận diện thông qua nhận thức, sự hiểu biết của mỗi người.

– Có thể giải thích nghĩa của từ bằng một số cách chính sau đây:

+ Phân tích nội dung nghĩa của từ và nếu cần có thể nêu phạm vi sử dụng, khả năng kết hợp của từ; chú ý đến sự khác nhau giữa các từ đồng nghĩa (nếu có).

+ Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

+ Đối với từ ghép, có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.

 

Câu 2: Hắn (khẩu ngữ): từ dùng để chỉ người ở ngôi thứ ba, với hàm ý coi thường thứ ba. hoặc thân mật. Hắn không phải là người tử tế.

Ví dụ trên giải thích nghĩa theo cách nào?

Trả lời:

– Ví dụ trên được giải thích bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ và nêu phạm vi sử dụng.

 

Câu 3: a) Hãy giải thích nghĩa của các từ “đẫy đà, bất chợt, bất an, sơ suất” theo cách dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

  1. b) Hãy giải thích nghĩa của các từ “tươi trẻ, sơn hà” theo cách giải thích từng thành tố cấu tạo nên từ.

Trả lời:

  1. a) – Đẫy đà: to béo, mập mạp.

Bất chợt: “chợt”: xảy ra thình lình và trong khoảnh khắc; “bất chợt”: như “chợt” nhưng nghĩa mạnh hơn.

Bất an: không yên ổn.

Sơ suất: không cẩn thận.

  1. b) – Tươi trẻ: tươi tắn và trẻ trung.

Sơn hà: “sơn” là núi, “hà” là sông; “sơn hà”: núi sông, thường dùng để chỉ đất đai thuộc chủ quyền của một nước.

 

Câu 4: Từ “thảm”, “chân” trong các ví dụ sau đây được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

  1. a) Tấm thảm trải sàn này đẹp quá!
  2. b) Tôi yêu những thảm lá vàng tuyệt đẹp ở nơi này.
  3. c) Dưới chân đồi là một ngôi nhà tuyệt đẹp.
  4. d) Anh ấy đã đem về vinh quang cho Tổ quốc bằng đôi chân to khoẻ của mình.

Trả lời:

  1. a) Thảm ở ví dụ này mang nghĩa gốc, chỉ “hàng dệt bằng sợi to, thường có hình trang trí, dùng trải trên lối đi, trên sàn nhà”.
  2. b) Thảm trong trường hợp này là nghĩa chuyển, chỉ “lớp lá cây dày phủ trên mặt đất”.
  3. c) Chân trong ví dụ này là nghĩa chuyển, chỉ phần dưới của một sự vật.
  4. d) Chân trong trường hợp này mang nghĩa gốc, chỉ một bộ phận của con người, nằm ở dưới bụng.

 

Câu 5: Chọn ba chú thích giải thích nghĩa của từ trong văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường) và cho biết mỗi chú thích đã giải nghĩa từ theo cách nào.

Trả lời:

Ví dụ:

– Mô tê (từ ngữ địa phương miền Trung): đâu đó. 

=> Cách giải thích nghĩa: Dùng một từ đồng nghĩa với từ cần giải thích. Cách giải thích này đã xác định rất rõ phạm vi sử dụng của từ mô tê là ở một số địa phương miền Trung.

– Lưu tốc: tốc độ chảy của dòng nước. 

=> Cách giải thích nghĩa của từ: Phân tích nội dung nghĩa của từ.

– Biền: bãi lầy ở ven sông, khi triều lên thì ngập nước. 

=> Cách giải thích nghĩa của từ: Phân tích nội dung nghĩa của từ.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Xác định cách giải thích nghĩa của từ được dùng trong những trường hợp sau: 

  1. Lâu bền: lâu dài và bền vững.
  2. Dềnh dàng: chậm chạp, không khẩn trương, để mất nhiều thì giờ vào những việc phụ hoặc không cần thiết.
  3. Đen nhánh: đen và bóng đẹp, có thể phản chiếu ánh sáng được.
  4. (từ ngữ địa phương): kia.
  5. Kiến thiết: kiến (yếu tố Hán Việt) có nghĩa là “xây dựng, chế tạo”, thiết (yếu tố Hán Việt) có nghĩa là “bày ra, sắp đặt”; kiến thiết có nghĩa là xây dựng (theo quy mô lớn).

Trả lời:

  1. Giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích nghĩa của các thành tố cấu tạo nên từ.
  2. Giải thích nghĩa của từ bằng cách kết hợp dùng từ đồng nghĩa (chậm chạp), trái nghĩa (khẩn trương) và giải thích bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ (để mất nhiều thì giờ). 
  3. Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ.
  4. Giải thích nghĩa của từ bằng cách dùng một từ đồng nghĩa với từ cần giải thích. Cách giải thích này đã xác định thêm phạm vi sử dụng của từ là chỉ dùng ở một số địa phương nhất định, chẳng hạn như một số tỉnh ở khu vực miền Trung.
  5. Giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích nghĩa của các thành tố cấu tạo nên từ.

 

Câu 2: Điền các từ đăm đăm, giao thương, nghi ngại vào chỗ trống tương ứng với phần giải thích nghĩa phù hợp.

  1. ............: giao lưu buôn bán nói chung.
  2. ............: nghi ngờ, e ngại; chưa dám có thái độ, hành động rõ ràng.
  3. ……….: có sự tập trung chú ý hay tập trung suy nghĩ rất cao, hướng về một phía hay một cái gì đó.

Trả lời:

  1. Giao thương
  2. Nghi ngại
  3. Đăm đăm

 

Câu 3: Theo bạn, phần giải thích nghĩa các từ ấp iu và âm u dưới đây đã chính xác chưa? Vì sao?

  1. Ấp iu: ôm ấp.
  2. Âm u: tối tăm.

Trả lời:

  1. Không thể chỉ dùng từ ôm ấp để giải thích nghĩa của từ ấp iu, vì ấp iu không chỉ có nghĩa là ôm ấp mà còn có thêm nghĩa nâng niu. Do vậy, nếu chỉ dùng từ ôm ấp để giải thích nghĩa của từ ấp iu là chưa đủ.
  2. Không thể chỉ dùng từ tối tăm để giải thích nghĩa của từ âm u, vì sự khác biệt lớn nhất giữa âm utối tăm là: Nếu âm u dùng để chỉ nói về khung cảnh “thiếu ánh sáng tự nhiên, gây một cảm giác nặng nề” (núi rừng âm u, bầu trời âm u,... ,...) thì tối tăm lại là từ đa nghĩa dùng để miêu tả nhiều đối tượng (bầu trời, nhà cửa, hoàn cảnh sống, đầu óc,...).

 

Câu 4: Giải thích nghĩa của từ in đậm trong các câu sau và cho biết bạn đã chọn cách giải thích nghĩa nào:

  1. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. 
  2. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. 
  3. Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch.

Trả lời:

Phản quang: có khả năng phản xạ ánh sáng tốt.

=> Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ. Tuy nhiên, nội dung giải thích nghĩa của từ cho thấy cách giải thích này thực chất cũng dựa trên cơ sở giải thích nghĩa của các thành tố cấu tạo nên từ: phản là yếu tố ghép trước để cấu tạo từ có nghĩa “ngược lại, ngược trở lại”, quang là ánh sáng, phản quang là khả năng phản xạ ánh sáng tốt.

Xúm xít: xúm lại rất đông.

=> Giải thích nghĩa bằng cách phân tích nội dung của từ, dùng từ gần nghĩa (xúm lại)

Lập loè: có ánh sáng nhỏ phát ra, khi loé lên khi mờ đi, lúc ẩn lúc hiện, liên tiếp

=> Giải thích nghĩa bằng cách phân tích nội dung của từ

Huyền hoặc: có tính chất không có thật và mang vẻ huyền bí. 

=> Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ.

 

Câu 5: Giải thích nghĩa của những từ sau và xác định cách giải thích nghĩa đã dùng: 

  1. bồn chồn
  2. trầm mặc
  3. viễn xứ
  4. nhạt hoét

Đặt câu với các từ trên.

Trả lời:

Ví dụ:

Bồn chồn: ở trạng thái nôn nao, thấp thỏm, chờ đợi một việc gì chưa đến, chưa biết ra sao. => Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ.

Đặt câu: Nó bồn chồn lo lắng nghĩ đến giây phút gặp lại gia đình sau nhiều năm xa cách.

Trầm mặc: (văn chương) im lìm, gợi cảm giác thâm nghiêm, sâu lắng => Giải thích nghĩa bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ, có định hướng phạm vi sử dụng

Đặt câu: Không gian nơi đây toát lên một vẻ trầm mặc.

Viễn xứ: viễn là xa; xứ là nơi; viễn xứ là nơi xa xôi, cách biệt. => Giải thích nghĩa của từ bằng cách giải thích nghĩa của các thành tố cấu tạo nên từ.

Đặt câu: Bài thơ ấy thấm đẫm tình cảm của người viễn xứ dành cho quê hương.

Nhạt hoét: quá nhạt, gây ra cảm giác mất ngon => Giải thích nghĩa bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ

Đặt câu: Tưởng ngon ngọt thế nào chứ, nhạt hoét thế này thì đến thật mất công!

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: a) Trong câu thơ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo (Thu điếu, Nguyễn Khuyến), từ được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Hãy xác định nghĩa đó.

  1. b) Trong tiếng Việt, từ còn được dùng theo nhiều nghĩa khác trong những trường hợp sau:

– lá gan, lá phổi, lá lách,...

– lá thu, lá đơn, lá thiếp, lá phiếu, lá bài,...

– lá cờ, lá buồm,...

– lá cót, lá chiếu, lá thuyền,...

– lá tôn, lá đồng, lá vàng....

Hãy xác định nghĩa của từ lá trong mỗi trường hợp kể trên, cho biết cơ sở và phương thức chuyển nghĩa của từ lá.

Trả lời:

  1. a) Trong câu thơ “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”, từ được dùng theo nghĩa gốc. Đó là nghĩa: chỉ bộ phận của cây, thường ở trên ngọn hay trên cành cây, thường có màu xanh, thường có hình dáng mỏng, có bề mặt.
  2. b) – dùng với các từ chỉ bộ phận cơ thể người.

dùng với các từ chỉ vật bằng giấy.

dùng với các từ chỉ vật bằng vải.

dùng với các từ chỉ vật bằng tre, nứa, cỏ,...

dùng với các từ chỉ kim loại.

Tuy trong các trường hợp trên, từ lá dùng ở các trường nghĩa khác nhau, nhưng vẫn có điểm chung:

– Khi dùng với các nghĩa đó, từ gọi tên các vật khác nhau, nhưng các vật đó có điểm giống nhau (tương đồng): đó đều là các vật có hình dáng mỏng, dẹt như cái lá cây.

– Do đó các nghĩa của từ có quan hệ với nhau: đều có nét nghĩa chung (chỉ thuộc tính có hình dáng mỏng như lá cây).

 

Câu 2: Các từ có nghĩa gốc chỉ bộ phận cơ thể người (đầu, chân, tay, miệng, ốc, tim,...) có thể chuyển nghĩa để chỉ cả con người. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chỉ cả con người.

Trả lời:

Ví dụ:

– Trinh sát của ta đã tóm được một cái lưỡi. (Ý nói bắt được một tù binh để khai thác tin tức bí mật của đối phương – cái lưỡi là cơ quan nói năng của con người). 

– Nó thường giữ chân hậu vệ trong đội bóng của trường (cầu thủ).

– Nhà ông ấy có năm miệng ăn (năm người).

– Giăng Van–giăng trong truyện "Những người khốn khổ" là một trái tim nhân hậu (người nhân hậu).

– Đó là những gương mặt mới trong làng thơ Việt Nam (người làm thơ).

 

Câu 3: Tìm các từ có nghĩa gốc chỉ vị giác có khả năng chuyển nghĩa chỉ đặc điểm của âm thanh (giọng nói), chỉ tính chất của tình cảm, cảm xúc. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chuyển.

Trả lời:

Các từ chỉ vị giác là: mặn, ngọt, chua, cay, đắng, chát, bùi,... Một số ví dụ trong đó các từ này chuyển nghĩa để chỉ:

– Đặc điểm của âm thanh, lời nói:

+ Nói ngọt lọt đến xương.

+ Một câu nói chua chát.

+ Những lời mời mặn nồng, thắm thiết.

– Mức độ của tình cảm, cảm xúc:

+ Tình cảm ngọt ngào của mọi người làm tôi rất xúc động.

+ Nó đã nhận ra nỗi cay đắng trong tình cảm gia đình.

+ Anh ấy đang mải mê nghe câu chuyện bùi tai.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Tìm từ đồng nghĩa với từ cậy, từ chịu trong câu thơ (Truyện Kiều, Nguyễn Du):

Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thua.

Giải thích lí do tác giả chọn dùng từ cậy, từ chịu mà không dùng các từ đồng nghĩa với mỗi từ đó.

Trả lời:

– Từ cậy có từ nhờ là từ đồng nghĩa. Chúng có sự giống nhau về nghĩa: "bằng lời nói tác động đến người khác với mục đích mong muốn họ giúp mình làm một việc gì đó". Nhưng cậy khác từ nhờ ở nét nghĩa: dùng cậy thì thể hiện được niềm tin vào sự sẵn sàng giúp đỡ và hiệu quả giúp đỡ của người khác. Do đó, Thuý Kiều dùng từ cậy là thể hiện sự tin tưởng ở Thuý Vân trong sự thay thế mình.

– Từ chịu có các từ đồng nghĩa là nhận, nghe, vâng (kết hợp với từ lời) vì đều chỉ sự đồng ý, sự chấp thuận với lời người khác. Tuy thế, các từ đó vẫn có sắc thái khác nhau:

+ nhận: sự tiếp nhận, đồng ý một cách bình thường.

+ nghe, vâng: đồng ý, chấp thuận của kẻ dưới đối với người trên, thể hiện thái độ ngoan ngoãn, kính trọng.

+ chịu (lời): thuận theo lời người khác, theo một lẽ nào đó mà mình có thể không ưng ý. Thuý Kiều dùng từ chịu để nói rằng việc thay thế là việc có thể Thuý Vân không ưng ý nhưng hãy vì tình chị em mà nhận lời.

 

Câu 2: Hãy chọn từ ngữ phù hợp nhất để điền vào chỗ trống trong mỗi câu sau và giiar thích lí do.

  1. a) “Nhật kí trong tù” ……………. một tấm lòng yêu nước. (phản ánh, thể hiện, bộc lộ, canh cánh, biểu hiện, biểu lộ)
  2. b) Anh ấy không ……………. gì đến việc này. (dính dấp, quan hệ, can dự, liên hệ, liên can, liên luỵ)
  3. c) Việt Nam muốn làm …………… với tất cả các nước trên thế giới. (bầu bạn, bạn hữu, bạn, bạn bè)

Trả lời:

  1. a) Chọn canh cánh vì:

– Các từ khác, nếu dùng, chỉ nói đến một tấm lòng nhớ nước như một đặc điểm nội dung của tác phẩm Nhật kí trong tù.

– Từ canh cánh khắc hoạ tâm trạng day dứt triền miên của tác giả Hồ Chí Minh. Khi dùng từ canh cánh thì cụm từ chủ ngữ "Nhật kí trong tù" được chuyển nghĩa: không chỉ thể hiện tác phẩm, mà còn biểu hiện con người, tức tác giả (nhân hoá Nhật kí trong tù).

  1. b) Chỉ có thể dùng ở câu này từ: liên can. Còn các từ khác không phù hợp về ngữ nghĩa hoặc sự kết hợp ngữ pháp.
  2. c) Các từ bầu bạn, bạn hữu, bạn, bạn bè đều có nghĩa chung là bạn, nhưng khác nhau ở chỗ:

bầu bạn có nghĩa khái quát, chỉ cả một tập thể nhiều người, lại có sắc thái gần gũi của khẩu ngữ. Ở câu văn trong bài, chủ ngữ nói đến Việt Nam (số ít) nên không thể dùng từ bầu bạn.

bạn hữu lại có ý nghĩa cụ thể, chỉ những người bạn thân thiết, cho nên không phù hợp để nói về quan hệ giữa các quốc gia.

bạn bè cũng có nghĩa khái quát và còn có sắc thái thân mật, nhưng Việt Nam (số ít) nên không thể dùng từ này. Do vậy, câu này chỉ có thể điền từ bạn



=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 1 Thực hành tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay