Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 1 văn bản 2: Cõi lá

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1 văn bản 2: Cõi lá. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 chân trời sáng tạo

BÀI 1: THÔNG ĐIỆP TỪ THIÊN NHIÊN 

VĂN BẢN 2: CÕI LÁ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Cõi lá (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Đỗ Phấn

- Thể loại: Tản văn

- Nội dung: Văn bản đã tái hiện lên một bức tranh thiên nhiên mùa lá rụng ở Hà Nội rực rỡ, quyến rũ con người qua việc kể, tả kết hợp với bộc lộ cảm xúc tâm trạng ẩn trong các phép tu từ, tạo nên một “cõi lá” theo cách nhìn cùa tác giả.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Đỗ Phấn.

Trả lời:

- Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội.

- Ông viết văn từ khi còn là học sinh phổ thông, nhưng lớn lên lại theo học hội hoạ, thành danh trước hết từ hội hoạ. 

- Ông trở lại con đường viết văn khoảng từ năm 2005, với những tản văn về Hà Nội. 

- Cho đến nay, Đỗ Phấn đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 4 truyện ngắn và 12 tản văn. Hà Nội là một đề tài lớn trong sáng tác của ông.

 

Câu 3: Hãy trình bày đặc điểm chính của tản văn và yếu tố tự sự, trữ tình trong tản văn.

Trả lời:

- Tản văn là một dạng văn xuôi gần với tuỳ bút; thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc hoạ nhân vật. Tản văn chú trọng việc nêu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của tác giả.

- Sức hấp dẫn của tản văn chủ yếu ở khả năng phát hiện những nét đặc thù, đặc biệt của sự việc, đối tượng hay khả năng kết nối, xâu chuỗi các sự việc, đối tượng có vẻ rời rạc, nhỏ nhặt để hướng đến thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Yếu tố tự sự trong tản văn là yếu tố kể chuyện, thể hiện qua việc ghi chép, thuật lại các sự việc, câu chuyện, chuỗi tình tiết liên quan tới hành vi, diễn biến tâm trạng, tình cảm của nhân vật hay lịch sử, phong tục được đề cập trong tác phẩm.

- Yếu tố trữ tình trong tản văn là yếu tố thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người kể chuyện, quan sát, miêu tả trong tản văn. 

 

Câu 4: Xác định bố cục của văn bản và cho biết bố cục ấy đã thể hiện đặc điểm nào của thể loại.

Trả lời:

Đoạn trích tản văn Cõi lá là chuỗi cảm xúc miên man của tác giả về cảnh sắc thiên nhiên Hà Nội gắn với từng mùa cây thay lá. Có thể chia đoạn trích thành ba phần:

- Đoạn 1: Từ đầu đến “... xôn xao lá cành” => Cảm xúc vỡ oà khi bất ngờ nhận ra mùa

xuân đã tới.

- Đoạn 2: Từ “Chín cây bồ đề...” đến “… quyến rũ từng bước chân người” => Miêu tả

chi tiết đặc điểm từng loại lá, cây chuyển sắc theo mùa.

- Đoạn 3: Phần còn lại => Niềm rung cảm khi đi trong “cõi lá mùa xuân thành phổ”. 

=> Bố cục trên đã thể hiện đặc điểm cơ bản của thể loại tản văn: Không hoàn toàn theo mạch tự sự, luôn có sự kết hợp với mạch cảm xúc; tự sự và trữ tình hoà quyện.

 

Câu 5: Chỉ ra một vài đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình/ nghị luận hoặc miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người.

Trả lời:

- Đoạn văn có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình/ nghị luận:

+ Nhìn chung thì vòng đời của một chiếc lá bồ đề dù được mọc ra ở Hà Nội hay ở nơi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp cũng chỉ kéo dài không đến một năm. Có rất nhiều loài cây trong phố có một vòng đời như vậy. Và hình như đó cũng là đặc trưng của cây Hà Nội. Làm nên mùa lá rụng kéo dài suốt từ thu sang đông. Nó làm cho người đi xa nhớ về và người Hà Nội thì tha thiết đợi chờ những khoảnh khắc nghỉ ngơi thần trí trong cái biển người chộn rộn áo cơm này.

+ Những tưởng vô duyên đến như cây xà cừ là cùng. Cứ như người đàn bà phổng phao nhạt hoét. Chỉ được mỗi ưu điểm về kích thước. Và cũng là nhược điểm. Mùa mưa bão rất mất công cắt tỉa bớt cành phòng khi bị đổ. Nhưng không hẳn thế. Thân hình cường tráng và lá cành rậm rạp đến thế của cây lại vô cùng yếu mềm trước một heo may đến sớm. Ngập cả lối đi những lá xanh chen lẫn lá vàng làm nên một mùa thu quyến rũ bước chân người.

– Đoạn văn có sự kết hợp giữa miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người:

+ Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu. Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch. Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá.

+ Miên man trong cõi lá mùa xuân thành phố, gương mặt ai ai cũng như có phần trẻ lại. Hay tự nhận rằng mình như thế.

=> Kết hợp miêu tả thiên nhiên với miêu tả con người khiến bức tranh thiên nhiên sống động, có hồn. Thiên nhiên trở nên gần gũi với con người, hoà quyện với con người.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: “Bẽ bàng mùa xuân đến muộn. Khi cái nắng đã chao chát trên những lộc non báo hiệu mùa hè, chẳng hiểu vì sao lòng người bỗng rộn ràng đến thế. Oà thức cùng với xôn xao lá cành.”

Hãy phân tích đoạn văn trên.

Trả lời:

- Thời gian: vào mùa xuân nhưng đã gần đến mùa hè.

- Chú ý cách dùng từ độc đáo “bẽ bàng”, “chao chát”: những từ này thông thường chỉ dùng để chỉ người. “Bẽ bàng”: hổ thẹn và buồn tủi vì cảm thấy bị người ta chê cười. “Chao chát”: tráo trở, không thật thà. => Tác giả đã nhân hoá sự vật => Tác giả lồng ghép cảm xúc của mình ngay từ đầu văn bản, bộc lộ một cách độc đáo tâm trạng rộn ràng trước sự kiện sắp diễn ra.

- “Oà thức” cũng là một cách nói đáng chú ý

 

Câu 2: “Chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông làm thành một khoảng trời trong veo màu thạch lựu. Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch. Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá. Nhiều người Hà Nội chẳng có việc gì cũng vòng xe qua đoạn phố đông mà chật chội [...] này chỉ để ngắm nhìn một chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng.”

Phân tích đoạn văn trên.

Trả lời:

- Sắc đẹp của không gian được tạo ra từ chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông: khoảng trời trong veo màu thạch lựu; lá đu đưa trong gió; âm thanh như tiếng chùa huyền hoặc; cảnh những đứa trẻ chơi đùa dưới gốc cây; vẻ đẹp khiến cho người Hà Nội muốn đi qua để ngắm nhìn.

- Nghệ thuật so sánh độc đáo: 

+ Những chiếc lá non đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch: Những chiếc lá tạo ra âm thanh gợi ra tiếng chuông chùa. => Tác giả nâng vẻ đẹp của lá, tạo cảm giác thần thánh, bí ẩn

+ Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá. => Sự hoà hợp thiên nhiên và con người

+ Sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng

=> Đoạn văn cho thấy cảm xúc yêu mến, hạnh phúc của tác giả trước cảnh đẹp của thiên nhiên.

 

Câu 3: “Nhìn chung thì vòng đời của một chiếc lá bồ đề dù được mọc ra từ Hà Nội hay ở nơi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp cũng chỉ kéo dài không đến một năm. Có rất nhiều loài cây trong phố có một vòng đời như vậy. Và hình như đó cũng là một đặc trưng của cây Hà Nội. Làm nên mùa lá rụng kéo dài suốt từ thu sang đông. Nó làm cho người đi xa nhớ về và người Hà Nội thì tha thiết đợi chờ những khoảnh khắc nghỉ ngơi thần trí trong cái biển người chộn rộn áo cơm này.”

Phân tích đoạn văn trên.

Trả lời:

- Tính chất bút kí: kể, đưa ra thông tin: vòng đời của chiếc lá bồ đề, thời gian mùa lá rụng, sự nhớ nhung, tâm trạng chờ đợi của người Hà Nội.

- Ngôn ngữ mang màu sắc tự nhiên, như đang nói chuyện: Nhìn chung thì, cũng chỉ, như vậy,…

 

Câu 4: “Cô em gái của tôi sống xa Tổ quốc đã hai chục năm có lẻ. Mỗi lần gọi điện về, nó lại hỏi con đường ven Hồ Gươm mùa này lá đã rụng? Lạ thế! Mùa nào cũng hỏi như vậy. Làm cho người ở nhà thấy thương. Cứ trả lời bừa rằng đang ngổn ngang vàng rượi sắc lá ven hồ. Lá của những cây sấu cổ thụ ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Lá bằng lăng, lá bàng đỏ chói trên đường Lê Thái Tổ. Thực ra thì chưa bao giờ những loại lá ấy rụng cùng một lúc với nhau. Cây cơm nguội vàng và cây bàng lá đỏ... nhiều khi rụng lá cách nhau cả đến... một mùa thu!”

Phân tích đoạn văn trên.

Trả lời:

- Câu chuyện về em gái của tác giả: tô đậm thêm vẻ đẹp của mùa lá rụng

- Tính chất bút kí: liệt kê các loại cây, lá (lá bằng lăng, lá bàng, cây cơm nguội vàng, cây bàng); đưa ra thông tin về thời gian rụng lá

- Bộc lộ cảm xúc: “Lạ thế!”, “đến … một mùa thu”,…

=> Tính chất tự sự kết hợp với trữ tình

 

Câu 5: “Những tưởng vô duyên đến như cây xà cừ là cùng. Cứ như người đàn bà phổng phao nhạt hoét. Chỉ được mỗi ưu điểm về kích thước. Và cũng lại là nhược điểm. Mùa mưa bão rất mất công cắt tỉa bớt cành phòng khi bị đổ. Nhưng không hẳn thế. Thân hình cường tráng và lá cành rậm rạp đến thế của cây lại vô cùng yếu mềm trước một heo may đến sớm. Ngập cả lối đi những lá xanh chen lẫn lá vàng làm nên một mùa thu quyến rũ từng bước chân người”

Hãy phân tích đoạn văn trên.

Trả lời:

- Tác giả nhân hoá, coi cây xà cừ như một con người với những đặc điểm: vô duyên, phổng phao, nhạt hoét, thân hình cường tráng, yếu mềm

- Tính chất bút kí: đưa ra các thông tin về kích cỡ, đặc điểm tán lá, sức tác động đến cảnh quan của cây xà cừ

- Tính chất trữ tình, lồng ghép cảm xúc: “đến như … là cùng”, “chỉ được”,…

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Bạn hiểu như thế nào là “cõi lá”? Qua “cõi lá” ấy, tác giả đã phát hiện ra điều gì

về mối liên hệ giữa cây, lá với con người?

Trả lời:

- Dựa vào nội dung văn bản để giải thích từ “cõi lá”. “Cõi lá” là xứ sở của lá, thế giới của lá. Tác giả đã miêu tả “cõi lá” với các tầng bậc ý nghĩa:

+ Vẻ đẹp của thiên nhiên: Lá cây bồ đề như khoảng trời trong veo, ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng; lá của những cây sấu cổ thụ, lá bằng lăng, lá bàng đỏ chói, lá xà cừ xanh chen lẫn vàng,... tất cả làm nên những nét đặc trưng, quyến rũ của cảnh sắc Hà Nội. 

+ “Cõi lá” cũng là “cõi người”, cõi “nhân sinh”. Ẩn hiện trong lá là gương mặt người: “Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá”; là tình yêu của người Hà Nội: “Những người Hà Nội chẳng có việc gì cũng vòng xe qua quãng phố đông mà chật chội [...] này chỉ để ngắm nhìn chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng”; là “cõi nhớ” của người Hà Nội, khi xa Hà Nội, nhớ về Hà Nội là nhớ về những mùa lá rụng vàng rượi bên hồ Hoàn Kiếm;... là nguồn nhựa sống của người Hà Nội, đi trong “cõi lá” thấy mình như trẻ lại.

=> Thế giới cây, lá và con người hoà quyện trong nhau, nương tựa vào nhau, làm nên một thực thể sống, cùng sinh tồn.

 

Câu 2: Xác định chủ đề, đánh giá ý nghĩa thông điệp của văn bản.

Trả lời:

- Chủ đề của văn bản: Cảm xúc của tác giả về cảnh sắc thiên nhiên Hà Nội gắn với từng mùa cây thay lá trong hiện tại và kí ức.

- Đánh giá ý nghĩa thông điệp của văn bản:

+ Sự sống của con người luôn gắn bó hữu cơ với thiên nhiên.

+ Thiên nhiên không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn giúp tâm hồn con người thêm phong phú, cân bằng, tươi mới.

+ Nhắc nhở mỗi chúng ta phải có ý thức bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Chỉ ra một vài biểu hiện của nét đẹp văn hoá được thể hiện trong văn bản.

Trả lời:

Một vài biểu hiện của nét đẹp văn hoá thể hiện trong văn bản:

- Con người sống gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên. Họ dõi theo thiên nhiên, nắm được quy luật thay lá của mỗi loài cây. Từng loại cây, lá lại mang tới nét vẻ riêng cho cảnh sắc Hà Nội.

– Thiên nhiên làm cuộc sống con người thêm tươi đẹp, trữ tình, lãng mạn. Người Hà Nội thích dạo chơi, ngắm nhìn mỗi loại lá khi chuyển mùa, vui sướng đi trong miên man “cõi lá”.

- Thiên nhiên là nơi lưu giữ kí ức đẹp đẽ về quê hương, Tổ quốc, khiến con người thêm yêu Tổ quốc, quê hương mình.

 

Câu 2: Qua việc đọc tản văn Cõi lá, bạn hãy nêu một số lưu ý khi đọc hiểu các văn bản thuộc thể loại này.

Trả lời:

Một số lưu ý khi đọc hiểu văn bản tản văn:

– Nội dung được miêu tả có ý nghĩa như thế nào? Nhận biết những tình cảm, suy nghĩ của tác giả bộc lộ trong quá trình miêu tả.

– Khả năng quan sát, xâu chuỗi các sự việc, hiện tượng nhỏ nhặt, rời rạc để hướng tới thể hiện chủ đề tác phẩm.

- Cách nhìn, cách cảm về thế giới, con người giàu tính sáng tạo và thẩm mĩ.

- Ngôn ngữ của tản văn giàu sức gợi, chất thơ.

- Yếu tố tự sự và trữ tình luôn đan xen, hoà quyện; các chi tiết, sự kiện được miêu tả vừa đậm chất suy tư, vừa bay bổng, lãng mạn.

 

=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 1 Đọc 2: Cõi lá

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay